Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Bắt tay trái

Lâm Vinh 

Lời BBT. Chúng tôi nhận được bài viết này của tác giã Lâm Vinh vào cuối năm 2016, nhân dịp tác giả được hân hạnh bắt tay trái lần đầu tiên, nhưng vì lý do kỹ thuật chúng tôi không kịp đăng vào tập san VT 12, xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả. Xét vì nội dung bài viết vẫn còn nguyên giá trị nên chúng tôi xin đăng vào tập san 13 này xin mọi người cùng chia sẻ với tác giả. 

Ngày nay, bắt tay là một nghi thức xã giao hầu như được nhiều người trên thế giới sử dụng, nó như một kỹ năng giao tiếp thông qua ngôn ngữ của cơ thể. Bắt tay đúng cách là cả một nghệ thuật tinh tế không phải ai cũng am tường, hiểu đúng cách. Nhớ trước trận chung kết Giải Vô địch EURO 1996 tại Anh quốc, đích thân Nữ hoàng Elizabeth II với một phong thái điềm đạm, trang trọng nhưng rất thân mật bắt tay từng cầu thủ của cả hai đội CHLB Đức cũng như Cộng hòa Séc. Hơn hai mươi cầu thủ trên sân vận động Wembley lúc đó cũng rất tự tin, chìa đúng một bàn tay phải, hơi cúi đầu một chút nắm chặt bàn tay phải của Nữ Hoàng đáp lễ. 

TT Barack Obama bắt tay em Tạ Di Đan,
một Hướng đạo sinh người Mỹ gốc Việt. (Nguồn Internet) 


Theo các sử gia, trong thời kỳ hưng thịnh của Đế chế La Mã (27TCN-1453), động tác bắt tay có liên quan đến việc kiểm tra xem người đàn ông đối diện, có dấu con dao hay kiếm ngắn trong tay áo của họ hay không. Do đó, khi bắt tay, các hiệp sĩ thời Trung cổ này còn cố ý lắc lắc, để nếu ai đó có dấu vũ khí sẽ bị phát hiện ngay. Nhưng thật ra, khi nghiên cứu lịch sử Olympic cổ đại thì, từ TK5TCN, Hy Lạp là nơi đầu tiên trên thế giới sử dụng nghi thức bắt tay một cách phổ biến nhất. Trong các cuộc tranh tài Olympic thời đó, bắt tay giữa các vận động viên được xem như là một thông điệp hòa bình trong thời chiến. Nó thể hiện rằng người bắt tay không mang theo vũ khí. 

Ở nước ta, có thể nghi thức bắt tay được du nhập từ khi người Tây phương đến giao lưu, buôn bán. Và, ngay từ hồi nhỏ tôi cũng đã được dạy rằng, chỉ bắt một tay và luôn dùng bàn tay phải để thực hiện nghi thức này. Vì vậy, khi bắt phải nắm vừa đủ chặt, nhìn thẳng vào mặt người ta để thể hiện sự nhiệt tình, tuyệt đối không được khúm núm. Bên cạnh đó, người chủ động đưa tay ra bắt phải là bậc trưởng thượng, người lớn tuổi, nữ giới hoặc chủ nhân của các buổi tiệc hoặc hội nghị. Đáo để hơn, có những thầy tướng số còn dạy cho cách đoán tính người chỉ qua một cái bắt tay buổi sơ giao. Đại khái, người bắt tay mà bàn tay của họ mềm như bún, ta có cảm giác hụt hẫng không một chút sức lực nơi bàn tay khi bắt, thì phải tránh xa vì, hạng người này không tiểu nhân tráo trở cũng là phường khó giao hảo. Hoặc giả khi bắt, thân hình khúm núm, hai tay xum xoe ôm trọn bàn tay người bắt, hạng người này nếu không thuộc diện nhu nhược cũng rơi vào dạng xua nịnh, xảo trá khó lường. Hay, đàn ông lợi dụng lúc bắt tay để nắm chặt, nắm không chịu buông tay người phụ nữ, chắc chắn đây loại người không đàng hoàng. Nói tóm lại, văn hóa bắt tay có những “thủ tục” riêng của nó và mỗi quốc gia lại có những lối bắt tay hơi khác nhau một chút, cũng chỉ nhằm mục đích thể hiện sự thân thiện, quý mến nhau trong giao tiếp. Nhưng tựu trung phải bắt bằng bàn tay phải, tránh bắt bằng tay trái. 

Tuy vậy, từ đầu thế kỷ 20, xuất phát từ xứ sở của Liên hiệp Vương quốc Anh, một nghệ thuật bắt tay bằng bàn tay trái đã được hàng triệu người sử dụng thường xuyên cho đến ngày nay, thông qua Phong trào Hướng đạo Thế giới (PTHĐTG). 

Người sáng lập PTHĐTG là một sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng quân đội Hoàng gia Anh, Huân tước Robert Stephenson Smyth Baden-Powell (1857-1941). Và, trong một cuộc tiếp xúc với bộ lạc Ashanti khi ông đang công cán tại miền nam Châu Phi vào năm 1896. Tại đây, một cú bắt tay lịch sử giữa một nền văn minh bậc nhất lúc bấy giờ với đại diện cho thời đại hồng hoang loài người còn sót lại, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Powell mãi đến cuối cuộc đời. Lúc Powell chìa bàn tay phải ra chào, đồng thời tính nắm lấy bàn tay phải của vị Tù trưởng bộ lạc Ashanti để bắt thì bị từ chối. Với một cử chỉ tự tin đến lạnh lùng, vị Tù trưởng từ từ đưa bàn tay trái của mình ra trước mặt Powell rồi nói : “Tất cả chiến binh can trường đều dùng tay trái để bắt. Tay trái tượng trưng cho lòng dũng cảm tại bộ lạc của chúng tôi”. Mãi đến năm 1907, khi Phong trào Hướng đạo được thành lập lần đầu tiên tại Anh Quốc, Baden Powell quyết định đặt điều lệ Hướng đạo sinh phải dùng bàn tay trái để bắt. Điều lệ bắt tay trái đã được tất cả Hướng đạo sinh trên thế giới tuân thủ và duy trì cho đến ngày hôm nay. Riêng tại Việt Nam, việc bắt tay trái của các Hướng đạo sinh còn mang thêm một giá trị thiêng liêng của tinh thần đạo lý Đông phương. Nó như truyền một thông điệp tình thương từ trái tim người này sang trái tim người kia nữa. 



Tem miêu tả cách bắt tay trái của ` Hướng đạo sinh. (Nguồn Internet) 

Tóm lại, dù bắt tay phải hay tay trái, khi bắt tay ai đó, ta hãy làm cho người được bắt có được một cảm giác thân thiện, cởi mở, sức mạnh của sự tự tin, đồng thời để lại ấn tượng tốt đẹp đến với họ. Đó chính là khởi đầu của mối quan hệ thành công vậy. 

Tác giả đang bắt tay Tráng trưởng Nguyễn Trọng Lâm (Photo Huỳnh Tấn Thưởng)



Đà Nẵng, ngày 09 tháng 10 năm 2016
Kỷ niệm ngày được bắt bằng tay trái

Lâm Vinh
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét