Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Cách dạy những người trưởng thành

LT. Trần Văn Hòa 

Ngày nay nhu cầu học hỏi không chỉ dừng lại ở giới trẻ, nhưng cả giới lớn tuổi cũng đi học, mặc dù cuộc sống của họ rất bận rộn và phân tâm. Những huynh trưởng của chúng ta cũng nằm trong những loại người này. Vậy dạy học cho trẻ em và dạy cho người lớn có gì khác biệt?




I. CÁCH DẠY TRẺ EM VÀ CÁCH DẠY NGƯỜI LỚN. 

Trước đây người ta vẫn cho rằng cách dạy học cho trẻ em và cách dạy học cho người lớn là một. Thực ra chúng khác nhau : cách dạy học cho trẻ em ở nhà trường, trong gia đình dù sao vẫn bị coi là áp đặt, thụ động và tiêu cực.... Trẻ bị ép phải đi học mà không biết học để làm gì và cũng không được có ý kiến; có nhiều môn trẻ học rất vất vả, tốn kém, nhưng ra đời chẳng áp dụng được bao nhiêu. Cách dạy học như thế gọi là sư phạm cho trẻ em (pedagogy do từ pais: trẻ em và agogos: hướng dẫn), người ta cho là phương thức tốt nhất và áp dụng nó cho cả người lớn và trẻ em! 

Năm 1833, Alexander Kapp, một giáo viên người Đức đã khám phá ra cách dạy học dành cho người lớn khác hẳn với cách dạy học cho trẻ em gọi là Andragogy (andr : người lớn; agogos : hướng dẫn). Kapp cho rằng để hoàn thiện mình, sau khi rời nhà trường, nhiều người vẫn muốn học thêm (continuing education). Ông đã phổ biến ở Đức việc dạy học, dạy nghề cho người lớn theo phương pháp này và rất có hiệu quả. 

Năm 1967, Malcolm Knowles, người Mỹ đã phát triển cách dạy này tại Hoa Kỳ và năm 1980, Andragogy đã được Chính phủ Mỹ chính thức công nhận và đưa vào dạy trong các đại học. Từ đó phương pháp này đã lan rộng ra khắp thế giới. 

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC DẠY CHO NGƯỜI LỚN: 

Malcolm Knowles đã đưa ra 06 nguyên tắc ta cần giữ khi dạy học cho người lớn: 

1.Người lớn muốn biết lý do đi học và những môn cần phải học. 

Giảng viên (GV) phải cho các học viên (HV) biết lý do hay mục tiêu học. Ví dụ để tăng thêm kiến thức cuộc sống, để có việc làm tốt hơn... Vì các HV không có nhiều thời gian nên cần phải chọn môn mình cần thiết nhất để học, chứ không phải học theo người khác. 

2.Người lớn không thích bị áp đặt môn học và chương trình học vì nhiều người có hiểu biết và muốn tự chọn những môn học mang lại lợi ích và định hướng cho đời mình. 

Khi thiết kế chương trình và nội dung học tập, chúng ta nên tham khảo ý kiến các HV hầu đáp ứng nhu cầu học tập của họ. 

3.Người lớn dễ tự ái khi kiến thức, kinh nghiệm của mình không được tôn trọng: HV là những người lớn tuổi, có địa vị xã hội, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống đủ loại. Những điều GV nói có thể HV chấp nhận ngay, cũng có khi chưa tin lắm hoặc phủ nhận, nhưng không nói ra. GV phải cẩn thận trong khi trình bầy bài học sao cho có nội dung, hợp lý, dễ chấp nhận và luôn tôn trọng kiến thức, kinh nghiệm của các HV. GV hãy khiêm tốn và không bao giờ lên mặt đối với HV. 

Theo phương pháp sư phạm này, GV luôn đứng ở vị trí là người đồng hành, hướng dẫn, chứ không phải người thầy “độc đoán từ trên phán xuống” (not a sage on the stage, but the guide on the side). 

GV vừa dùng phương pháp thuyết giảng, nhưng nhiều hơn là dùng phương pháp khác có sự hợp tác của các HV như hội thảo nhóm, chia sẻ nhóm, làm việc nhóm... 

4.Học viên ý thức tự nguyện đi học, vì HV biết rất rõ việc học là cần thiết, lợi ích cho bản thân như thêm kiến thức, đáp ứng yêu cầu của công việc nên tự nguyện đi học. GV cần tế nhị khi nhắc nhở hãy nhẹ nhàng và thông cảm trong hoàn cảnh của HV, không nặng lời khi HV chưa hoàn thành bài tập về nhà, vắng mặt nhiều...giúp cho HV mau chóng hội nhập với những sinh hoạt sinh động của lớp học, tránh thái độ khép kín, thụ động và nhút nhát. 

5.Người lớn thường quan tâm đến thực tế cuộc sống : HV khi đến lớp học vẫn thường mang theo những bức xúc về cuộc sống họ đang gặp phải và khát khao tìm ra giải đáp. GV hãy cố gắng áp dụng nhiều bao nhiêu có thể bài học vào các sinh hoạt và thực tế đời sống của HV. Ví dụ: dạy về tâm lý trẻ em, GV áp dụng ngay vào việc dạy trẻ trong gia đình, vào tập thể mà họ đang đảm trách với đầy dẫy những khó khăn.... 

6.Người lớn nhiều khi đi học là do bị thôi thúc bởi những lý do nội tại như khóa học làm thỏa mãn cuộc sống, thêm lòng tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống...nghĩa là có nhiều mục tiêu khác nhau. GV hãy thông cảm và giúp học viên đặt vấn đề, trao đổi chung, tìm hiểu và giải quyết những vấn để HV đang khát mong. 

III.ỨNG DỤNG CỤ THỂ VÀO LỚP HỌC CỦA NGƯỜI LỚN 


Theo Birzer, người Mỹ, ta áp dụng như sau: 

1.Chuẩn bị lớp học khang trang, mát mẻ, thoải mái về tâm lý cho các HV. Hãy tạo môi trường tôn trọng và hợp tác giữa HV và GV. Hãy tránh cách làm độc đoán, một chiều và thụ động. 

2.Mời HV tham gia soạn chương trình, nội dung, cách dạy, cách học, giờ học, kiểm tra… cho lớp học. Như thế học viên sẽ chủ động và ý thức việc học của mình hơn: học môn mình thích, học cách mình quen. 

3.Giúp HV biết rõ khả năng của mình như làm test chẳng hạn để HV chọn môn, chọn lớp phù hợp. 

4.Giúp HV xác định rõ mục tiêu học : học để làm gì? Để quản lý, để thăng tiến...Khi đã nắm rõ mục tiêu, GV và HV sẽ đồng hành dễ dàng và đạt kết quả nhiều hơn. 

5. Giới thiệu cho HV những tài liệu mở rộng bài học. Nên đọc những tài liệu trực tiếp liên quan đến những vấn đề mình đang nghiên cứu. 

6.Giúp HV tự đánh giá kết quả học tập của mình để biết còn thiếu những gì nữa. 

IV.HỌC VÒNG ĐƠN VÀ VÒNG KÉP: 


Ngày nay người ta nói nhiều đến mô hình học vòng đơn, vòng kép. 

Học vòng đơn (single-loop learning) là những cái ta học được và đã trở thành thói quen không muốn thay đổi như kiến thức và kinh nghiệm từ gia đình, bạn bè, lối xóm, trường học, xứ đạo... ta thường cho rằng những kiến thức này là tuyệt vời và không thể thay đổi. Khi phải đảm trách một công việc gì trong một môi trường nào đó, ta bèn đem áp dụng những kiến thức đã có sẵn đó vào công việc, cũng có cái thành công, cũng nhiều khi thất bại, bị phản đối, phê phán…Để tiếp tục thành công, ta phải ngồi suy nghĩ lại xem mình đã làm thế nào? áp dụng những gì? kết quả sao lại như thế? Và ta chấp nhận sửa sai theo những yêu cầu hoàn cảnh đòi hỏi. Ta đã học bài học thứ hai (double-loop learning). Điều này rất quan trọng cho nghề lãnh đạo và điều hành, nhưng đòi hỏi hết sức chân thành và khiêm tốn mới thành công. 

Nếu phương pháp sư phạm cho trẻ em, Pedagogy một thời đã đem lại nhiều thành công rực rỡ cho học sinh, thì nay phương pháp sư phạm cho người lớn, Andragogy, lấy HV làm trung tâm chắc chắn sẽ đem lại kết quả lớn lao cho các học viên người lớn cũng như vậy. Chúng ta hãy quan tâm nghiên cứu. 

Trần Văn Hòa, LT, Tráng đoàn GP II, TP HCM
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét