Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Huy hiệu (Biểu hiệu) của HĐVN

HOA HUỆ[ ], HOA SEN, HOA BÁCH HỢP? 

Trần Minh Hữu 

Nói đến huy hiệu của Hướng Đạo Việt Nam (HĐVN)[ ], gần đây có bài viết “Huy Hiệu của Hướng đạo Việt Nam” in trong Giữ Vững Mối Dây số 19[ ], trang 19-22, phát hành tháng 6, 2017 của Nai Vàng năng nổ (trưởng Tôn Thất Hoàng Lộc), với các chi tiết biên soạn từ các hồi ký của các cố trưởng, đặc biệt của cố trưởng Võ Thanh Minh ký tự mồng 1 tháng 7 năm Bính Ngọ 1966.[ ] Bài viết “Cùng Nhau Gắn Lại Mảnh Huy Hiệu Còn Thiếu” của trưởng Võ Quang Nguyên Phổ cũng đề cập nhiều chi tiết về điều này.[ ] 

Trong bài biên khảo dưới đây, người viết mong sẽ làm sáng tỏ, bổ sung hoặc trả lời được phần nào những thắc mắc với các tài liệu, báo chí, hay kỷ vật Hướng Đạo đã được viết, thông báo, hay phổ biến ngay trong khoảng thời gian của sự việc, dữ kiện:

• Từ khi nào đã thấy biểu tượng của HĐ “Hoa Bách Hợp” đi liền chung với bốn chữ “Hướng Đạo Việt Nam”? 

• Hoa Bách Hợp – có cây hoa nào tên gọi như thế? Nếu có thì khác gì với hoa Huệ, và có sách vở, tài liệu nào dẫn chứng không?[ ] 

• “Hoa Sen” được biến cải, vẽ cách điệu – “Hoa Bách Hợp” làm huy hiệu và sự thay đổi cho đến 1975? 

Ngược dòng thời gian, phong trào HĐ du nhập vào VN, lúc đó là thuộc địa và dưới quyền bảo hộ của Pháp, qua Hội HĐ Công giáo Pháp (SDF), Hội HĐ Tin lành Pháp (EU), hay Hội HĐ Thế tục Pháp (EDF)[ ] thuộc Hiệp Hội HĐ Pháp[ ], trong những năm cuối của thập niên 1920. Vì tình hình chính trị phức tạp ở nước Pháp lúc bấy giờ, các Hội HĐ Pháp đã không thể dùng “Hoa Bách Hợp” làm huy hiệu nhưng thay vào đó các huy hiệu khác riêng cho Hội của mình.[ ] Năm 1930, trưởng Trần Văn Khắc và trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập các đoàn HĐ tiên khởi, Lê Lợi và Vạn Kiếp.[ ] Phong trào phát triển mạnh tại Việt Nam, ngày 28 tháng 9, 1932, Thống sứ Bắc kỳ ký Nghị Định cho thành lập Hội HĐ Bắc kỳ.[ ] Ngày 12 tháng 6, 

H.1 &2

1933, quan Thống đốc duyệt y cho thành lập Tổng cuộc HĐ Nam kỳ (Hội HĐ Nam kỳ).[ ] Ngày 15 tháng 1, 1934, Khâm sứ ra Nghị Định công nhận Hội HĐ Trung kỳ.[ ]Cho đến nay, tuy chưa truy cập được những tài liệu hay kỷ vật trong những năm đầu sơ khai của Hội HĐ Bắc kỳ; nhưng đã có hình ảnh sưu tập “Thẻ Sói Con” số 1 (Hình 1) của Huỳnh Thành Hưng[ ] cấp bởi Hội HĐ Nam kỳ từ năm 1933 và “Thẻ Hội Viên Danh Dự” (Hình 2) của Vua Bảo Đại được trao tặng bởi Hội HĐ Trung kỳ năm 1934. 
H.3 

Cả hai Hội HĐ Nam kỳ và Hội HĐ Trung kỳ riêng biệt nhưng theo quy trình, mô hình của Hội HĐ Thế tục Pháp (EDF), dùng chung một dấu mộc (Hình 3) có hàng chữ “Hướng Đạo Việt Nam” và “Hoa Bách Hợp” với châm ngôn “Thẳng Tiến” ở bên dưới.[ ] Đặc biệt hơn nữa, trong khoảng năm 1934[ ], xuất hiện huy hiệu kim loại hình tròn, gắn lên nón rất sắc sảo, rõ nét, giống hệt phần hình tròn của dấu mộc. Điểm đáng chú ý ở đây là cả hai Hội dùng chung một dấu mộc ngay từ lúc khởi thủy đó. Như vậy, trước khi có Liên Hội HĐ Đông Dương nhiều năm, lần đầu tiên thấy được trên dấu mộc hay huy hiệu kim loại còn đi cùng với huy hiệu “Hoa Bách Hợp”, quá sớm trước khi có huy hiệu HĐ Thế Giới ra đời năm 1939[ ] và chẳng giống tí nào với huy hiệu “Chiếc Cung trương” của Hội HĐ Thế tục Pháp. Kích thước của huy hiệu HĐVN này cùng cỡ với huy hiệu kia (Hình 4). Có lẽ là ngay từ lúc đầu, các bậc tiền bối, đàn anh trong phong trào đã muốn một huy hiệu có sắc thái riêng biệt cho đất nước, dân tộc Việt Nam; không dính dáng liên quan gì đến HĐ Pháp, mà vẫn có sự liên hệ đến phong trào HĐ nói chung, nên đã phác họa phỏng theo huy hiệu mà chính BP đã dùng (Hình 5) từ năm 1920-1939.[ , ] Mặc dù là chưa có Hội HĐ quốc gia vì Việt Nam khi ấy vẫn là thuộc địa và dưới quyền bảo hộ của nước Pháp, nhưng các trưởng “chơi” HĐ lúc đó đã hướng đến tương lai và đã cho ra đời huy hiệu, dấu mộc và kim loại, với “HOA BÁCH HỢP” và bốn chữ “HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM” mà mãi sau này thời HĐ Đông Dương năm 1937 mới có cuộc thi vẽ huy hiệu (biểu hiệu) và 20 năm sau đó, 1957[ ], trở nên thành viên thứ 64[ ] của Tổ Chức Phong Trào HĐ Thế Giới (WOSM) với tư cách Hội HĐ quốc gia – HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM – cho đến tháng 4, 1975. 
H.4 

H.5 

Người chơi HĐ thì đều biết huy hiệu chung[ ] – “Fleur-de-Lis” là “Hoa Huệ” hay còn được gọi là “Hoa Bách Hợp”. Vậy hoa bách hợp không biết là thứ hoa gì, thuộc họ cây nào? Các từ điển xưa cũ có chỗ nào nói đến “bách hợp” không? Hay đó là tên gọi đặc biệt dành cho HĐVN mà người viết cũng đã từng được nghe giải thích như sau: “bách: nhiều, hàng trăm, dòng giống Bách Việt; hợp: hợp lại thành một khối; lẽ đó, phong trào HĐ nối kết anh (chị) em một nhà”, hay “bậc đàn anh đi trước nói (viết) như thế, nói (viết) sao thì nghe vậy”, v.v 
H.6

H.7 

H.8 

Tháng 12, 1918, Vua Khải Định ra đạo dụ bãi bỏ các cuộc thi cử dùng tiếng Hán (chữ Nho).[ ] Chữ quốc ngữ[ , ] và tiếng Pháp được dùng làm ngôn ngữ chính ở Việt Nam thay cho chữ Nho.[ , ] Ảnh hưởng cũng như sự giao lưu trong ngôn ngữ, rất nhiều từ Hán Việt[ ] phát âm rất giống như cách phiên âm của tiếng Quảng Đông (Cantonese)[ ] ví dụ như cung hỷ phát tài, lì xì, quận chúa, .v.v. Trong trường hợp phiên âm chữ “Lily” tiếng Anh của “Fleur-de-Lis” theo tiếng Quảng Đông thì như thế nào? Từ điển ấn hành năm 1908, “The Cantonese Made Easy Vocabulary, 3rd Edition”[ ] trang 124 có phần phiên âm gần như bách hợp (Hình 6). Dùng tài liệu trên mạng[ , ] còn có phiên âm theo kiểu Pinyin (Quan Thoại) hay Jyutping (Quảng Đông) cũng như giải thích chiết tự (Hình 7). Theo tiếng Quảng Đông, phiên âm được ghi “baak hap”[ ], tựa như chúng ta phát âm tiếng Việt “bách hợp”. Điều thích thú ở đây là phần chiết tự giải thích giống như đã viết phía trên cho “bách” và “hợp” (không nói đến Bách Việt). “Giản Yếu Hán Việt Từ Điển – Quyển Thượng”[ ] của học giả Đào Duy Anh, xuất bản 1932, trang 24-25 giải thích tường tận bách hợp là tiếng Hán Việt của cây huệ (lys) (Hình 8). Các từ điển xuất bản sau này như Việt Anh Từ Điển của Lê Văn Hưng (1955) và Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn (1960) đều có những dẫn giải tương tự. Như vậy chứng minh chữ “hoa bách hợp” đã có từ lâu, chỉ loài “hoa lily – fleur-de lis” không phải là từ ngữ gì mới lạ đặc biệt dùng cho Hướng Đạo. Nếu có những bài viết nêu rằng không biết bách hợp là hoa của cây gì, hay không có từ điển hoặc sách vở xưa cũ nào viết đến bách hợp, thì điều đó hoàn toàn không đúng. Năm 1937, một năm có khá nhiều sự kiện đặc biệt xảy ra trong phong trào HĐ tại Việt Nam. Tháng 1, 1937, hai tờ báo của HĐ – “Hướng Đạo” + “Thẳng Tiến” nhập chung thành nguyệt san “Hướng Đạo Thẳng Tiến” (HĐTT) nối kết tình thân ái của anh em HĐ Bắc Trung Nam và tăng sức mạnh của phong trào Hướng Đạo Việt Nam (Hình 9).[ ] Ngày 28 tháng 2, 1937, Liên Hội HĐ Đông Dương được thành lập[ ] để hợp nhất các hội HĐ lúc đó, gồm có Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Lào và Cam-bốt (Cambodia bây giờ) và là một thành viên của Hiệp Hội HĐ Pháp.[ ] Một tháng sau đó, báo HĐTT phát hành ngày 20 tháng 3, 1937, trang 14, thông báo một cuộc thi gấp vẽ huy hiệu (biểu hiệu) cho Liên Hội và các điều lệ (Hình 10). Báo HĐ bằng tiếng Việt này[ ], khi phong trào vẫn còn non trẻ tại Việt Nam, ghi rõ điều lệ phải dùng một bông hoa sen nhưng vẽ phóng tác, biến cải, hay cách điệu sao đó để giống như hoa bách hợp chỉ cho ‘lis’ – hoa huệ (một lần nữa xác minh điều được viết ở phần trên), đó là huy hiệu HĐ nước Anh và những nước khác.[ , ] Về việc này, hồi ký của trưởng Võ Thanh Minh có viết lại chính trưởng đã đề nghị hoa sen và kể có đến 40 mẫu vẽ gởi thi.[ ] Báo HĐTT ra ngày 20 tháng 5, 1937, trang 15 cho biết kết quả của 30 người dự thi. Trong bảng kết quả (Hình 11), không nói đến tên cá nhân hay mẫu hình phác họa của bản vẽ đã được chọn thắng giải nhất, chỉ nói thuộc đội Sóc đoàn Lãng Bạc – Hà nội; giải nhì nói đến Trịnh Văn Kỳ và đoàn, đội ngang hạng; và giải ba là huy hiệu cũ (Hình 3). Các bài viết sau này, theo hồi ký của Cò Yêu Đời (cố trưởng Tôn Thất Đông), mãi đến tháng 4, 1992, trưởng Vĩnh Bang xác nhận chính bản thân là tác giả của mẫu vẽ được chọn dùng.[ ] 
H.9 

H.10 


H.11 


H.12 


Gần cuối năm 1937, “Báo TRƯỞNG (CHEF), phát hành hàng tháng, Cơ Quan chính Thức của các Trưởng thuộc Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương” ra đời (Hình 12), bằng tiếng Pháp, thông tin quảng bá các tin tức chính thức liên quan đến phong trào và sinh hoạt HĐ lúc đó và để 5 Hội có thể cùng đọc. [ ] Dựa theo các hồi ký, Sóc trầm tĩnh – trưởng Phạm Cảnh Đáng viết “Trưởng Võ Thanh Minh cũng đã xác nhận rằng ‘Phù hiệu anh chị em đang mang hiện nay được truyền lại từ Bộ Tổng Hướng Đạo Đông Dương, thì chính Hoa Sen chứ không phải Hoa Bách Hợp’. Còn như sau khi (Hồng Sơn) Dã Mã xuất dương, có Hội đồng Huynh trưởng Toàn quốc nào đó đã công khai thay đổi cái tên nó đi (vì cái hình vẫn y như cũ) thì lại là một chuyện khác”.[ ] Dữ kiện tên gọi, Hoa Sen hay Hoa Bách Hợp, có được nhắc đến trong các báo Trưởng. Báo Trưởng số 3, phát hành tháng 12, 1937 trang 16 khi viết về thẻ Hướng Đạo: 

Thẻ (Hướng Đạo) cá nhân 

Dành cho tất cả ba ngành: Ấu, Thiếu và Tráng; thẻ có một kích thước duy nhất với dấu hiệu đặc biệt cho mỗi ngành: đầu sói màu vàng cho Ấu, hoa sen xanh (lá cây) cho Thiếu, chữ RS hoặc hoa sen đỏ cho Tráng. 

Các trưởng đơn vị sẽ dễ dàng nhận ra ai là đoàn sinh của mình hay là người ngoài phong trào. 

Thẻ này, thay thế thẻ của EDF, SDF hoặc thẻ EU cũ, sẽ là thẻ duy nhất có giá trị cho tất cả các anh chị em Hướng Đạo Đông Dương; và sở hữu của nó sẽ là bắt buộc từ ngày 1 tháng 1 năm 1938 cho bất kỳ thành viên nào của Liên Hội. Nó là căn cước nhận dạng người Hướng Đạo và có giá trị tại Pháp trong các hiệp hội được công nhận. 
H. 

Một điều đáng chú ý là bài báo nói đến màu sắc khác nhau dùng cho huy hiệu “Hoa Sen” của từng ngành: xanh lá cây (Hình 13) cho Thiếu[ ] và đỏ (Hình 14) cho Tráng. 

Số báo tiếp liền sau đó, báo Trưởng số 4, phát hành tháng 1, 1938, trang 15, đính chính việc gọi “Hoa Sen” là sự nhầm lẫn; thay vào đó phải gọi là “Hoa Bách Hợp” mới đúng và giải thích ý nghĩa của huy hiệu với tính chất quê hương, dân tộc: 

Xin lưu ý về Huy Hiệu 

H. 

“Trong số báo Trưởng vừa qua, đã có sự nhầm lẫn gọi Huy Hiệu của Liên hội HĐ Đông Dương là “Hoa Sen”. Huy Hiệu này là Hoa Bách Hợp mà chính BP đã chọn cho Phong trào do cụ thành lập. Nhiều nước người ta đã trình bày nhiều cách vẽ khác nhau, nhằm cố gắng làm nổi bật những đặc tính và văn hóa riêng biệt của quốc gia mình. Chẳng hạn như Hội HĐ (Nam) Hoa Kỳ, họ đặt con chim đại bàng đang sãi cánh trên những cánh hoa (Bách Hợp) mở rộng. Cũng vậy, ở xứ ta, chúng ta đưa (sự uyển chuyển của) Hoa Sen, một loại hoa quen thuộc ở nơi các bàu sen, một biểu tượng của sự thanh khiết, nhưng chúng ta đừng quên rằng, biểu tượng chính yếu được thông qua (thấm đẩm) là Hoa Bách Hợp, dấu hiệu chỉ hướng Bắc trên các la bàn. Ý nghĩa phổ quát (toàn cầu) là người HĐ không mất phương hướng, người HĐ luôn đi đúng (thẳng) con đường của mình”. 

Theo các thông tin của báo Trưởng được trình bày ở trên, đúng là đã có sự lộn xộn về tên gọi của huy hiệu trong một thời gian ngắn; nhưng liền ngay sau đó (không phải mãi đến sau này), được đính chính, giải thích và thông báo chung – gọi là Hoa Bách Hợp – cho tất cả thành viên thuộc Liên Hội HĐ Đông Dương. Cho đến lúc này, bản vẽ phác họa trúng giải cuộc thi huy hiệu như thế nào vẫn chưa truy cập được; thế nhưng, trong các số báo Trưởng đã xuất bản mà người viết có được (số 2 đến 43) dùng làm tài liệu, hình bìa đều là Hoa Bách Hợp (hoa sen vẽ cách điệu), rất thanh nhã với các đường nét nhỏ sắc sảo và cong gọn. Bìa báo Trưởng số 2, tháng 11, 1937 (Hình 15) hay thẻ HĐ chính thức lưu hành từ tháng 1, 1938 (Hình 13 và 14) là những hình ảnh đầu tiên thuộc thời gian tính về Hoa Bách Hợp 4 múi.[ ] Điểm đáng chú ý là Hoa Bách Hợp mà BP đã dùng (Hình 5) chỉ có 3 cánh lá rõ ràng, trong khi đó Hoa Bách Hợp vẽ cách điệu, phác họa từ hoa sen thì có nhiều cánh lá (hay múi) ghép lại; tuy vậy, như trong hình vẽ (Hình 13, 14, và 15) nhìn tổng thể cũng sẽ thấy chia rõ ra 3 cụm riêng biệt – bên trái, ở giữa, và bên phải – tượng trưng cho 3 phần trong Lời Hứa. Một số hình ảnh khác của huy hiệu cũng sẽ được trình bày ở phần dưới. 

H.15 

Sau khi được thành lập, các Ủy viên trong Liên Hội HĐ Đông Dương đã được chỉ định để tổng kết, gom góp, viết các cẩm nang HĐ đầu tiên, thống nhất cho các đoàn sinh, mặc dù các Hội (Bắc, Trung, Nam, Lào và Cam-bốt) có khác về lời Hứa, tùy thuộc theo quy trình của Hội chính (EDF, SDF hay EU).[ ] Báo Trưởng số 2, tháng 11, 1937 trang 11: 

Chuyển dịch cẩm nang Hướng Đạo – 


Ngoài bản dịch sang tiếng Việt "Hướng Đạo cho trẻ em" của Ủy viên Bửu và Ủy viên Thúy, (Liên Hội HĐ Đông Dương) quyết định soạn thảo các cẩm nang dịch sang các ngôn ngữ khác, một cẩm nang hoàn chỉnh dựa theo cuốn "Cẩm nang Hướng Đạo" (của Hội HĐ Tin lành Pháp - EU). 



Ủy viên Thúy: trang 1 đến số 57 (sứ mạng của người Hướng Đạo) 

Consigny: trang 58 đến 94 (kỹ năng của người Hướng Đạo Tân sinh) 

Khắc: 94 đến 148 (HĐ hạng Nhì) 

Bernard: 149 đến 250 (HĐ hạng Nhất) 

Serène: 251 đến 323 (Đoàn trưởng và Chứng chỉ) 

(Những số trang đưa ra ở trên được lấy từ ấn bản thứ 9, đã được sửa đổi và bổ sung của Manuel de l’Eclairèur, S.A. “Aux Eclaireurs”, 94, Rue Saint-Lazare, Paris). 

Các bản dịch do các Ủy viên trên sẽ được gởi trình đến các thành viên của Ban giám đốc của Liên Hội. Ban giám đốc, sau khi thông qua các bản dịch, sẽ xuất bản ấn bản bằng tiếng Pháp – Cẩm nang Hướng Đạo của Liên Hội HĐ Đông Dương, hiệu đính biên soạn bởi Văn phòng Liên Hội, mẫu sách nhỏ (bỏ túi) giống như Cẩm Nang HĐ của Hoa kỳ. 

Các ấn bản tiếng Việt, tiếng Cam-bốt và tiếng Lào sẽ được phát hành bởi các Tổng Ủy viên của các Hội liên quan thuộc Liên Hội (HĐ Đông Dương) ở cùng một định dạng với các minh họa tương tự. 

Công việc này nên được hoàn tất trong vòng một năm. 

Trong thời gian đó và như một hướng dẫn cho công việc này, Văn Phòng Liên Hội đã gửi cho các biên tập viên văn bản của các bài kiểm tra đẳng thứ đã được chuẩn bị bởi Ủy viên Thúy. 

Mất đến 2 năm sau, tháng 11, 1939 trên báo Trưởng, số 26, trang 19 (Hình 16) xuất hiện quảng cáo của Liên Hội bắt đầu bán các cẩm nang HĐ nêu trên.[ ] Trong cuốn Cẩm Nang HĐ Tân sinh – Những Bước Đầu Trên Đường Hướng Đạo (Manuel de L'Aspirant – Premiers Pas Sur La Piste) trang 23 (Hình 17) có phần nói đến huy hiệu chính thức Hoa Bách Hợp 4 múi: 

H.16 

HUY HIỆU HƯỚNG ĐẠO 

“Đó là Hoa Bách Hợp trên la bàn (la bàn của thủy thủ) để chỉ hướng Bắc. Đừng đánh mất hướng Bắc có nghĩa là không ngừng biết làm thế nào để đi đúng hướng và giúp người khác đi đúng đường, làm nhiệm vụ và giúp đỡ người khác. Ba (cụm) cánh hoa nhắc nhở người Hướng Đạo về ba phần của Lời Hứa. 

H. 
H.17-Photo Courtesy of J-H Cardona 

Người Hướng Đạo biết huy hiệu này là dấu hiệu để nhận biết nhau của tất cả các anh chị em Hướng Đạo trên thế giới và do đó huy hiệu chỉ được đeo/mang bởi người Hướng Đạo thực sự, người đã (tuyên lời) hứa long trọng với danh dự của mình”. 

Trong các Cẩm Nang HĐ được xuất bản, đã không thấy hình của huy hiệu đi chung với châm ngôn chữ Pháp “Sois Pret” như đã đề cập ở trên (Hình 10). Các kỷ vật bằng kim loại của Hoa Bách Hợp 4 múi thuộc thời gian đó thì rất hiếm, đến nay chỉ mới thấy xuất hiện một vài cái trong tay của các nhà sưu tầm. Đến lúc này, chỉ một huy hiệu kim loại duy nhất được tìm thấy, nhỏ, có thể đeo khuyết áo hay gắn trên mũ, có hình Hoa Bách Hợp 4 múi và đi cùng với châm ngôn “Sois Pret” (Hình 18). Không biết hai mẫu tự “S” và “C” ở hai bên có nghĩa gì? Người viết suy đoán là chữ viết tắt của Scoutisme (Association) de Cochinchinois (Hội HĐ Nam kỳ) (Hình 14), giống như các huy hiệu của HĐ Pháp lúc bấy giờ thường hay để các chữ EU cho Eclaireurs Unionistes, hay SF cho Scout de France, hay EF cho Eclaireurs de France.Cũng có huy hiệu kim loại với Hoa Bách Hợp 4 múi khác được sưu tập, nhưng lại thiếu đi châm ngôn bằng tiếng Pháp (Hình 19). Các huy hiệu bằng vải để may lên áo như của Liên đoàn Thánh Georges[ , , ] ở Hà nội (Hình 20) và báo chí Hướng Đạo (Hình 21) thì tìm thấy được nhiều hơn. 

H.18 


H.19 


H.20 


H.21 

Trong Cẩm nang Hướng Đạo Hạng nhì “Người Hướng Đạo cần biết”, ấn bản lần thứ ba, (F.I.A.S. Manuel En 4 Fascicules, Seconde Classe, “Ce Que Tout Scout Doit Connaitre”, Troisième edition) trang 13, viết về Liên Hội HĐ Đông Dương cũng như chỗ gắn (may) các huy hiệu, vừa của các Hội HĐ Pháp và của Liên Hội HĐ Đông Dương (sau này được thay thế với huy hiệu của HĐTG và của Hội HĐVN) : 

Tổ chức Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương 

“Tổ chức của chúng ta đảm bảo sự thống nhất về đường hướng và sự điều hành Phong trào Hướng Đạo ở Đông Dương, đồng thời tôn trọng các qui định tâm linh riêng biệt của mỗi Nhóm. Do đó mỗi người có thể tuyên lời Hứa theo sự lựa chọn của mình dựa theo tinh thần của một trong ba Hội HĐ Pháp, và đeo biểu hiệu thêu (của hội đó) trên túi áo phải, đồng thời huy hiệu của Liên Hội (HĐ Đông Dương) được đeo trên túi áo trái và (gắn trên) mũ”. 

Theo tài liệu tham khảo[ ], “Hiến chương [Nội lệ] hiện tại (1957) của Hội này đã có từ năm 1952 với sự chấp thuận của Bộ Thanh niên[ ]” với biểu tượng chính thức của Hội HĐ Việt Nam được ghi nhận khi trở nên thành viên thứ 64 của HĐTG là Hoa Bách Hợp 4 múi (Hình 22) 
H.22 

H.23 

H.24 

Trải qua nhiều thập niên, huy hiệu Hoa Bách Hợp 4 múi đã được sử dụng cho đến sau năm 1957, sau khi Hội Hướng Đạo Việt Nam được gia nhập HĐTG. Thời gian sau đó hình dáng có thay đổi chút ít, Hội đồng Trung ương HĐVN đã quyết định bỏ bớt cái chóp (múi) trên đỉnh, như vậy chỉ còn 3 múi như chúng ta đã thấy hiện nay.[ , ] Tuy chưa truy cập được tài liệu (Quyết Nghị) chính thức xác nhận sự kiện thay đổi này, sau khi Hội HĐVN tái hoạt động ở miền Nam, trên vé số giúp quỹ cho trại Họp Bạn Hướng Đạo Toàn Quốc ở Trảng Bom, Biên hòa – Trại Phục Hưng năm 1959, hay dấu mộc phát hành tem ngày đầu tiên thì là Hoa Bách Hợp 3 múi (Hình 23), nhưng điều lạ 4 con tem (bưu chính chính thức duy nhất của Hội HĐVN) được phát hành lại là Hoa Bách Hợp 4 múi (Hình 24), giống hệt (Hình 22). Hình ảnh chụp bởi cố trưởng Lưu Hồng Phúc của một đơn vị HĐ ở Saigon năm 1958 vẫn còn thấy Hoa Bách Hợp 4 múi may trên túi áo trái.[ ] Các sự kiện này ít nhiều nói lên nếu có sự thay đổi thì cũng phải sau 1958. Mãi đến năm 1962, trong Nghi Thức Hướng Đạo[ ] đúc kết từ Quy Trình và Nội Lệ của Hội HĐVN có trình bày huy hiệu Hoa Bách Hợp chính thức (Hình 25) cho đến 1975. Dưới hình có chú thích sự thay đổi của huy hiệu được chấp nhận bởi Hội HĐVN làm huy hiệu chính thức: Với những hình ảnh và các dữ kiện đã được trình bày, mốc thời gian[ ] sẽ giúp cho cái nhìn tổng quát về sự thay đổi của huy hiệu: 

Khi nộp đơn làm thành viên của HĐTG, Hội HĐVN chắc chắn phải nộp Quy Trình với các Nội Lệ cũng như biểu tượng chính thức của Hội để được xét duyệt và điều đó đã được đề cập trong các tham khảo đã trích dẫn, như vậy (Hình 22) trong đúc kết đã được gọi là huy hiệu chính thức với HĐTG. Lẽ đó, các Quy Trình hay Nội Lệ cùng với huy hiệu có thay đổi nhỏ sau này, có cần phải thông qua với HĐTG với tư cách đã là thành viên hay không? Người viết chưa biết được câu trả lời. 


Về tên gọi cho huy hiệu, rắc rối và hiểu lầm có thể xảy ra nếu vẫn nhập nhằng với tên gọi Hoa Huệ hay Hoa Sen, mà từ lúc khởi thủy, các tài liệu ngay trong thời gian đó đã viết rõ là Hoa Bách Hợp với sắc thái, đặc tính dân tộc. Điều này cũng giống y như việc gọi huy hiệu chung của HĐTG là “Biểu Tượng HĐTG” thay vì “Hoa Huệ” hay “Đầu Mũi Tên” đã được nhắc đến qua bài viết của cố trưởng Piet J. Kroonenberg.[ ] (xem trong VT 13) 

Chặng đường lịch sử của HĐVN biết bao thăng trầm, “Lịch Sử HĐVN đã được ghi lại qua năm cuốn Hồi ký”[ ], chắc thể nào cũng còn có những sự kiện chưa được biết đến, chưa thật chính xác[ ] hay tỏ tường, hy vọng với đà tiến triển của thông tin không biên giới, các nguồn tài liệu sẽ ngày càng nhiều, sẽ được cập nhật tức thời, hay được kiểm chứng độ chính xác, .v.v. 

Tất cả với mong ước tìm về cội nguồn của Lịch Sử Hướng Đạo Việt Nam. 

Ngày đầu thu 2017, 
Sơn Dương nhanh nhẹn, Trần Minh Hữu 



Bài viết này có thể đọc trên mạng ở http://hd.langhue.org 

(Nếu đăng lại, hay lấy những hình ảnh trong bài, xin ghi rõ nguồn) 

Lời cám ơn: 

• Chân thành cám ơn trưởng Hồ Văn Thái Thuần, trưởng Lã Mạnh Hùng, trưởng Nguyễn Chí Hiếu, anh LS Nguyễn Lệnh, trưởng Nguyễn Thái Hùng, trưởng Phạm Cảnh Đáng, trưởng Tôn Thất Sam, trưởng Trần Anh Mỹ, và trưởng Võ Nguyên Quang Phổ đã cung cấp các tài liệu tham khảo. Đặc biệt tri ân trưởng Janik Pikula, trưởng Joseph-Henri Cardona, và trưởng Pascal Poumailloux không những đã cung cấp các nguồn tài liệu mà còn giúp đỡ tìm kiếm các tài liệu liên quan. 

• Chân thành cám ơn trưởng Cheo NT, trưởng Cò VV, trưởng Gấu TT, trưởng Nai TT, trưởng Sóc NT, trưởng Sóc TT, và trưởng Sư tử KN đã đóng góp ý kiến, sửa chữa, bổ sung, hay giúp hiệu đính bài viết.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét