Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Phong trào Hướng Đạo tại Đông Dương

André V. Lefèvre (Vieux Castor) 

BBT. Vững Tiến 15 xin giới thiệu bài xã luận của Trưởng André V. Lefèvre (Vieux Castor), được đăng trên tạp chí “Le CHEF”, cơ quan ngôn luận của tổ chức HĐ Pháp (Eclaireurs de France), vào tháng 6 năm 1935, sau chuyến thăm và làm việc với các Hội HĐ tại Đông Dương. Qua bài viết này chúng ta nhìn thấy được những khó khăn trong những ngày đầu thành lập HĐ Đông Dương nói chung và HĐ Việt Nam nói riêng. Tài liệu này do Trưởng Cédric Weben (Pháp) và Trần Minh Hữu sưu tầm, và được Trưởng Phạm. N Phước Martin, Sư tử khôn ngoan, chuyển dịch từ tiếng Pháp, Tr. Phạm Cảnh Đáng hiệu đính. 
    Vũng Tiến xin cám ơn M. Cédric Weben, Trưởng Trần Minh Hữu, Phạm N. Phước Martin đã dành cho VT tư liệu quí hiếm này. Mời quí vị cùng đọc. 




    Nếu ai đó hỏi độc giả của tờ Báo Chef là Đông Dương thuộc quốc gia nào? Nước Bỉ, nước Úc, hay một xứ sở rất đông dân, không biết họ sẽ trả lời ra sao ? 
   Và nếu người ta xác định đó là vùng Đông Dương, vùng đất nhỏ hơn lục địa Úc đến mười lần, nhưng lại có dân số gấp ba lần, điều đó sẽ làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên! 
   Chúng ta chẳng biết gì về những vùng thuộc địa của chúng ta. Vậy thì làm sao để đánh giá đúng mức và yêu mến những gì mà mình không biết? 
    Đó là điều đáng hổ thẹn khi chúng ta bị cuốn hút bởi một số tài liệu thiếu chính xác về một số ít cá nhân, và quên rằng họ là những con người với một niềm tin mãnh liệt, đã dấn bước thực hiện những công trình xây dựng đất nước thuộc địa rất tuyệt vời. Như vậy đây không phải là một vụ bê bối thực sự hay sao? 
   Công cuộc xây dựng các thuộc địa rất bao la và phức tạp. Như là việc khai hoang đất đai, tổ chức xã hội, hay kiến thiết hạ tầng. Nhưng đặc biệt hơn là làm sao chinh phục được lòng tin của người bản xứ là một việc khó mà đo lường được. 
   Không có công việc sâu sắc nào có thể xảy ra nếu chúng ta không nhớ rằng các bản dân của "những quốc gia mới" đều có một lịch sử, một nghệ thuật, những phong tục hay truyền thống và một nền văn minh hoàn hảo trước đây và đã từng song hành với chúng ta. 
   Các nhà xây dựng vĩ đại của các thuộc địa của chúng ta, dù được gọi là Lyautey hay họ mang tên một người quản lý khiêm tốn của một khu thuộc địa nhỏ nhất, thì họ cũng đã hiểu rằng: phải hướng mọi nỗ lực tới sự hợp tác giữa các nền văn minh khác nhau. 
   Kết quả là các dân tộc bị “thuộc địa” đã không còn mang nỗi đau bị áp bức nữa, thay vào đó họ ra sức học những kiến thức mới. Thành phần trí thức của họ đã có những người đỗ đạt cao như Thành Chung, Tú Tài và Cử Nhân, vì vậy không thể nói họ không được chuẩn bị đầy đủ hoặc không có khả năng tiếp thu. Thực ra, sai lầm của phần lớn trong số họ đó là không rèn luyện cho mình một nếp sống để có thể tự làm chủ mình. Chính vì vậy, họ giống như đứa trẻ lớn xác thích nuông chiều bản thân và tự mãn dừng lại ở khả năng tiếp thu những kiến thức khoa học thuần túy, mang tính từ chương. Do đó, từ đáy lòng họ, có một chuỗi những thất vọng, ấm ức , bất mãn, cùng nỗi đau cứ không ngừng dày vò. 
   Điều này là bởi vì sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn minh khác nhau không có sự tương đồng. Sự nhồi nhét trí tuệ cho những người có tinh thần truyền thống hay nghiêng về những cao vọng có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Sự khinh thường đáng kinh ngạc đối với lao động chân tay, như tôi đã thấy nhiều lần ở đó, lại tạo thêm nguy cơ. Một chủ thuyết định mệnh nào đó, có thể gây mất hứng thú cao, và có nguy cơ giết chết tinh thần liên đới xã hội, mà ở Pháp được gọi là "ý thức xã hội". 
   Liệu có phải vì họ muốn khắc phục những mâu thuẫn này mà một số người Đông Dương minh mẫn đã quyết định một ngày nào đó sẽ kháng án Hướng đạo? Trong bất kỳ trường hợp nào, đó không phải là cách an toàn hơn để đáp ứng những mong muốn của các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, chỉ có việc áp dụng các biện pháp khắc phục mới chính là tinh tế. Cậu bé mặc bộ đồng phục HĐ không thể bị ép buộc phải mang lấy tinh thần và phẩm chất chính yếu của việc giáo dục hướng đạo. Ở một địa phương mà sự lòe loẹt bên ngoài thường gợi lên những sự hảo huyền, thì thật đáng sợ nếu tin rằng sự chuyển đổi quần áo sẽ chuyển đổi cá tính.. Tôi cũng tự hỏi, khi tôi biết được sự lan tỏa nhanh chóng của Phong trào HĐ ở Đông Dương, liệu tôi có thể hiểu biết hết các đơn vị nhỏ cuồng nhiệt, hay với các Hướng Đạo sinh thực sự hay không. 
   Khi tôi đến Hải Phòng, các đoàn Hướng đạo, Hướng đạo sinh và Sói con, đã chào mừng cách nồng nhiệt, điều đó ngay lập tức làm tôi cảm thấy tin tưởng và những nỗi nghi ngại của tôi đã không còn nữa. 
   Để có thể nói chuyện với tất cả những người mà tôi đề nghị duy trì Hướng đạo với sự độc lập tuyệt đối, tôi chỉ thông báo sự có mặt của tôi cho một người đó là Ông Imbert, Ủy viên Đạo của chúng tôi và hiện giờ là thành viên duy nhất của Hội HĐ ở Bắc Bộ. 
   Nhưng bây giờ, bạn của chúng tôi, bị bệnh và đang sống ở Hà Nội, cách Hải Phòng 100 km. 
   Có phải chỉ vì tò mò mà tôi đã lên đường để đến với những anh em HĐ chưa từng quen biết không? 
   Có nhiều dấu hiệu (âm điệu) mà người ta không thể lầm lẫn được. Ngay những cuộc trao đổi lần đầu tiên, như Mowgli và những người anh em rừng xanh, “ Chúng tôi cảm nhận mình cùng một dòng giống” 
   Người ta cho tôi biết về những khó khăn. Người ta cũng mong tôi đến thăm họ. Họ mời tôi đến thăm 1 trại Hướng đạo ở Bắc Kỳ và một lễ nghi của hội Hướng Đạo Pháp (Scouts de France) mà tôi nhận thấy tương tự như cách làm ở Nouméa cả tháng trước đây. 
   Và nay, sau 3 ngày, tôi xin trả lời những gì Hướng đạo Bắc Kỳ hỏi tôi, 1 câu hỏi được hỏi đi hỏi lại nhiều lần do một Ủy viên điều hành trại: ”chúng tôi xin những lời chỉ dạy thẳng thắn của quí vị” 
   Họ đã can đảm nói lên như thế, trước 400 trưởng HĐ, cho thấy họ đã đạt đến đỉnh điểm của Giáo dục Hướng đạo mà Baden Powell đã truyền lại cho họ. 

   Với những tâm tình đó, chúng tôi đã cộng tác làm việc trong suốt 10 tuần qua. Các nhóm và các vùng miền, đều cùng một tinh thần tin tưởng nơi chúng tôi. Trong chương trình làm việc tại trại “SẶT” , họ bàn luận với tôi về chương trình huấn luyện kiểu mẫu, do sáng kiến của người “Lão trưởng” (Vieux chef) tại một mái nhà tranh kiểu Thái Lan. Mái nhà tranh này khá đầy đủ tiện nghi và có một cái chòi làm bằng tre dành cho “Hải Ly Già” (Vieux Castor) [Rái cá già] và “Hổ - Sứt (móm)” (tên rừng của Ủy Viên Bắc Kỳ Hoàng Đạo Thúy, giáo sư trường Thực Hành Hà Nội). Sự kiện này cho thấy có một sự nối kết chặt chẽ giữa Hướng đạo mẫu quốc và Hướng đạo An Nam. Thật vậy, sau khi dựng trại và nhà bếp, để sẵn sàng phục vụ một cách khéo léo những món ăn của Việt Nam, và ăn bằng đũa truyền thống với nhiều đĩa thức ăn nho nhỏ gây nhiều thích thú. Khi màn đêm về, lửa trại cũng đã tàn, trả lại sự thinh lặng của bóng đêm, sau khi kiểm tra sớm các trò chơi lớn, là đến giờ họp quan trọng của các Trưởng. 
   Như họp Trưởng buổi tối ở Cappy, tôi muốn nhấn mạnh một cách thân tình về những gì tôi cảm thấy không được hài lòng - đó là vấn đề vệ sinh, mà tôi muốn lưu ý đầu tiên 
   Sau đó các vấn đề khác lần lượt cũng được trình bày. Tôi tin chắc rằng ý kiến đồng thuận của hơn 30 trưởng tham dự về quan điểm mà tôi ngỏ ý với họ là; nếu thời điểm đến, chúng ta sẽ gia nhập vào HĐ Pháp quốc ? 
   Câu trả lời của họ rất tích cực, đồng nhất, phấn khởi. Lúc đó cũng đi đến một quyết định là có những buổi huấn luyện thực hành cho các trưởng sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt. 
   Các lần huấn luyện này sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Nam Định, Thái Bình. Trong 3 buổi tối và một lần dã ngoại, và được rập theo phương cách chúng ta thường tổ chức tại các khóa trại của chúng ta (tại Pháp) 
   Tìm hiểu các nhóm sinh Hoạt HĐ địa phương là một điều rất cần thiết. Xoay vòng, các nhóm từ Hải Phòng, Hà Đông, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, và hai “nhóm” HĐ tại Hà Nội đều được đến thăm. Khắp nơi, tôi nhận thấy có một sự tin tưởng vào phong trào, và cũng là dịp để họ học những trò chơi hay những bài hát, cũng như có dịp hội họp các Thiếu đoàn hay hội đồng các trưởng. 
   Đến lúc chúng ta phải chỉ định hai vị phụ tá cho “C.D.D” - và trưởng Thúy, một người khá linh hoạt của Hướng Đạo Bắc Kỳ và trưởng Bernard, một trưởng kỳ cựu của Liên Hiệp Âu Châu (một kỹ sư quặng mỏ) đứng ra nhận lãnh trọng trách lo việc huấn luyện các trưởng địa phương. 
   Trong hai lần họp Bạn, dưới sự hướng dẫn của vị chủ tịch tương lai Hội đồng Miền (district?) ông Nguyễn Lễ, Hội đồng đã đồng thuận về một bản nội qui, tuy đã được áp dụng, hầu giúp cho việc tổ chức trong tương lai được thuận lợi; Tuy vậy còn một khó khăn tế nhị đó là vấn đề bảo hiểm (assurance), tuy nhiên về vấn đề này cũng đã có một giải quyết hợp lý. 
   Người ta tin rằng, chính quyền Bảo hộ Đông Dương, khi ấy không được thông báo về sự lớn mạnh của phong trào HĐ. Nhưng ngược lại, tất cả các Hội địa phương đã được phép sinh hoạt chính thức, và trong khi Hội Hướng Đạo Hà Nội quyết định tổ chức một hội nghị HĐ tại nhà Hát Lớn và sẽ được chủ tọa bởi ông Thollance,Toàn quyền của Bắc Kỳ. C.N (BBT: không biết có phải con thú hiếm “C.N” này là Ông Thollance hay không ?) một con thú khá hiếm vùng Đông Dương, được báo chí chào mừng vì sự hiện diện của ông, khi ông đến thăm và tham dự trại và Hội nghị, được chụp hình liên miên và đãi ăn không ngừng. Càng lúc, Hướng đạo trở thành một đề tài hấp dẫn; và vào một ngày đẹp trời, tôi đã bất ngờ và hân hạnh tiếp đón vị Bộ trưởng Giáo dục Lào quốc - nhờ vậy tôi có dịp học hỏi thêm về cơ cấu HĐ từ những người Lào trẻ tuổi đi theo phái đoàn. Sau lần gặp gỡ này tôi đã quyết định một chuyến đi Lào mà trước đó tôi rất còn do dự. 
   Các bạn có biết từ Hà Nội đi Vientiane (Vạn Tượng) thủ phủ của Lào phải mất 1 ngày ngồi xe lửa, 1 ngày xe hơi và 2 ngày 2 đêm đi ghe trên sông Mekong? Và có ai tin rằng, khi đi từ Vientiane đến Luang Prabang, một thủ phủ thứ hai của Lào quốc, nghĩa là phải vượt qua khoảng 300 cây số, chắc là phải mất khoảng 15 ngày quá? Còn nữa, có ai tin rằng khi các thành viên chính phủ các tỉnh tại Lào, (cũng như các miền khác tại Đông Dương) khi đi kinh lý, như Thanh Tra Giáo Dục, hay các Trưởng ty các ngành, thường là đi bộ vì đường sá rất khó di chuyển? Vã lại, vì thời tiết, nên họ thường mặc quần sọt - thật là một điều rất hợp với Hướng đạo! Hầu hết họ như thợ săn, ngủ bờ ngủ bụi, và phần lớn bị nhiễm những bệnh như kiết lị, vàng da hay những bệnh của vùng thuộc địa… 
   Theo tôi chúng ta không nên gầy dựng những đơn vị ở nơi xa, thưa dân, mà tốt hơn là xây dựng những đạo (district) hay Hội bản địa đầu tiên của Lào tại những nơi thị tứ. Vị Giám đốc giáo dục, ông Boulé đã nhận làm ủy viên cho Đạo, nhờ vậy mà công việc của tôi được dễ dàng hơn. 
   Hầu như tại các nơi tôi đến đều được chính quyền thuộc địa của Pháp đón tiếp. Sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ này đã làm cho tôi vững tin vào việc phát triển của phong trào và cho sự thành lập các cơ cấu hạ tầng của HĐ bản địa; sự khó khăn duy nhất là tìm kiếm Trưởng và các Ủy viên. Rất ít người mà tôi tiếp cận đã từ chối, và niềm vui của tôi được lan tỏa từ thành phố này đến thành phố khác, qua công việc giúp đỡ về luân lý và những tư liệu cần thiết. 
   Việc đi thăm nước Lào của tôi đã làm cho chuyến thăm Việt Nam bị gián đoạn và phải chia ra làm hai chuyến: Lần lượt tôi là khách mời của ông Graffeuil, Toàn Quyền ở Huế, cũng như ở Vinh và Đà Nẵng; Tôi đã họp bàn tại ba thành phố này có sự tham dự của các vị lãnh đạo địa phương.. Tại Thành phố Đà Nẵng, với một nhóm trẻ hơn, họ chỉ hiểu được tiếng Việt, vì vậy phải nhờ một Trưởng và thư ký của Thị trưởng làm thông dịch. 
   Trong thời gian ở Huế, tôi hân hạnh gặp được Ngài Bảo Đại tại cung điện của Hoàng Cung, làm tôi hồi tưởng khi gặp quốc vương tương lai An Nam tại Paris và các HĐS ở trường “C.H.B” Paris. 
   Cũng như ở miền Bắc, HĐ An Nam và HĐ Pháp ở Huế rất đoàn kết. Tôi thật vui khi có dịp giúp dựng một đêm lửa trại, làm tinh thần của các Sói con, Thiếu sinh, và tráng sinh, và các Trưởng rất phấn khích. Nhóm HĐ ở Huế dưới sự hướng dẫn của trưởng Trần Bá Vy, đã làm chủ tịch từ trước tới nay, đã theo đúng đường lối của hội HĐ Pháp (E.D.F) 
   Sự liên kết với HĐ Pháp (E.D.F) là ổn và đã được nhóm này quyết định đi theo từ trước. Rất cần thiết phải tổ chức thành một hội của An Nam, bao gồm các trưởng người Pháp và người Việt. Sau ba bốn ngày kể từ khi tiến hành các cuộc đối thoại, chúng tôi đã đồng thuận thành lập một Uỷ ban, do ông Collet, cố vấn pháp luật và Ủy viên của Địa hạt do Ông Le Bris, Giám đốc trường Trung Học làm C.D.D. 
   Qua chuyến đi này tôi nẩy ra ý định thành lập Hiệp hội Hướng đạo Cambodge. Đáp lại lời mời khẩn thiết gửi cho tôi, tôi đã dành ra một tuần lễ đi Phnon Penh và Angkor (Đế Thiên Đế Thích). Vào một trưa Chúa nhật, 300 Hướng đạo sinh và Sói Con, dưới ánh mặt trời nóng bức, đã di chuyển theo một trật tự hoàn hảo trước sự chứng kiến của Hoàng tử Monireth và Lão Hải Ly, (Vieux Castor) và trước nhiều quan chức chính quyền do vị Toàn quyền địa phương dẫn đầu, và nhiều nhân vật khác. 
   Trước sự phấn khởi này, mà trong vài tuần lễ đầu tiên, có nhiều ứng viên đã được chấp nhận để trở thành trưởng Hướng đạo. Có lẽ do thực tế hay do xu hướng đám đông mà tạo ra trường hợp này. Điều quan trọng là chúng ta phải nghiên cứu hậu quả. Và đây là chủ đề của các cuộc họp của các Hội nghị trưởng. Tôi được biết rằng sự tuyển dụng này đã bị khựng lại vì tôi nhấn mạnh rằng: Hãy nhớ rằng phong trào Hướng đạo là của các Hướng đạo sinh trẻ, chứ không phải là Hướng đạo dành cho người lớn. 
   Một cuộc trại qua đêm và một trò chơi lớn trong một ngôi chùa, đã cung cấp cơ hội để định giá phương pháp hàng đội và kỹ thuật hướng đạo của trại sinh. 
   Hiệp Hội Cămpuchia đã có Hoàng tử Monireth, cựu khóa sinh của trường quân sự Saint-Cyr, làm Ủy viên Liên bang. Đại hội đồng đã áp dụng hiến pháp cũng như có sự liên kết với HĐ Pháp. (Eclaireurs de France). Thái tử Monireth, một nhà linh hoạt đầy năng khiếu, đã trở thành Thủ lĩnh (CDD) của Hội HĐ Cam-pu-chia, và ông Criffon, giáo sư trường Trung học, quản trị viên đặc nhiệm, kiêm thư ký, trong khi đó ông De Chicourt, thị trưởng, đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội HĐ. 
   Sau một chuyến đi ngắn đến Angkor, mà tôi muốn nói đến một ấn tượng rất mạnh mẽ do những tàn tích của di tích được bao quanh bởi một cánh rừng tuyệt đẹp, mà tôi đã không làm cho các Hướng đạo sinh Đông Nam Á nãn lòng 
   Tương tự như hội HĐ S.D.F. Hướng đạo Sài Gòn, đã tổ chức một cuộc trình diễn và một hội nghị lớn. Đây là hai biểu hiện mới quan trọng của tình hữu nghị giữa các chủng tộc, mà công chúng đã chào đón chúng tôi một cách nồng nhiệt. 
   Tuy khởi sự vào năm 1932, nhưng Hội HĐ Nam Kỳ (Cochinchinoise) đã phát triển rất nhanh. Ngoài các Thiếu đoàn tại Sài Gòn còn có các nhóm địa phương tại 10 thành phố ở các tỉnh quanh Sài Gòn. Cũng như ở Huế và Campuchia, vấn đề then chốt vẫn là: Làm sao đào tạo cho các Trưởng cầm đoàn 
   Nhờ lòng tốt của Thống đốc Nam Kỳ, ông Pagès, và Giám đốc Giáo dục, các Trưởng HĐ đã được phép đặc biệt, để tổ chức bốn ngày đào tạo các Trưởng, và kết thúc bằng một chuyến dã ngoại và cắm trại ở ngoại ô, cách Sài Gòn 12 km. 
   Rất nhiều công việc chung đã tiến hành giữa tình anh em HĐ, dẫn đến sự kết nối với E. D. F. Ông Trần Văn Khắc, Ủy viên Liên bang đã chấp nhận nhiệm vụ của một C. D. D. (Thủ lĩnh), và ông Trần Văn Khá, thành viên thuộc địa, giữ chức vụ đầu tàu của Hội HĐ Nam Kỳ (Cochinchinoise.) 
   Bởi vì chuyến đi của tôi quá gấp rút, nên làm sao có thể đến thăm tất cả các đơn vị địa phương? Câu trả lời là phải quyết định tổ chức một cuộc tập trung lớn nhất, và sẽ diễn ra ở phía Nam, tức ở Cần Thơ. Mười lăm Thiếu Đoàn và Ấu Đoàn đã hiện diện. Đã có một ngày tốt đẹp với trò chơi, ca hát và vui vẻ. 
   Hội đang được tổ chức chặt chẽ, và tôi liên tưởng đến một cuộc trại liên kết Miền và việc chuẩn bị sẵn cho một trại đào tạo huynh trưởng. Ông Consigny, một thanh tra Kiểm Lâm, là một phi công táo bạo và một người bạn tuyệt vời của những ai yêu thích Hướng đạo, đã chấp nhận lãnh trách nhiệm Ủy viên địa phương. 
   Mối quan tâm cuối cùng của tôi là tìm một vị trí thuận lợi cho trại huấn luyện đào tạo trưởng. Vùng Đông Dương có nhiều khu nghỉ mát mùa hè. Nơi nổi tiếng nhất và cũng là trung tâm là Đà Lạt và tôi đã đến đó. 
   Một cuộc đàm luận đã thuyết phục được một số người bạn tốt, thực hiện một cuộc dã ngoại cho học sinh trung học và nhờ đó đã xây dựng được một Thiếu đoàn, và với các em nhỏ hơn thì có người đã chuẩn bị ban đầu để gầy dựng một Bầy Ấu. Ông Neveu, một giáo viên của trường trung học đứng ra xây dựng thiếu đoàn, và đã chấp nhận làm Ủy viên địa phương. Thiếu Đoàn và Ấu đoàn này sẽ liên kết với Thiếu và Ấu đoàn của Hướng đạo Pháp (Scouts de France = S.D.F) (mà Trưởng là một cựu HĐ Pháp tại Paris – Lakanal) sẽ bảo trì một mảnh đất do Thị Trưởng cung cấp. Trưởng C.R., phụ tá cho Trưởng Serène, đã nhận trách vụ tích cực chuẩn bị cho trại này, và sẽ quyết định thời gian cũng như chương trình cho việc huấn luyện trưởng trên toàn cõi Đông Dương. 
   Và bây giờ chúng ta trở lại với những vấn đề đầu tiên là vấn đề giáo dục giới trẻ tại Đông Dương. Kết quả của sự phát triển Hội Hướng đạo Đông Dương và sự hợp nhất của họ với E. D. F. (Eclaireurs de France) sẽ như thế nào? 
   Phong trào HĐ là một yếu tố để quân bình trong việc giáo dục giới trẻ 
   Chương trình giáo dục nơi trường học không thể đáp ứng được việc thực hành, giáo dục cảm tính, và nói rộng ra là phát triển nhân cách, Phong Trào Hướng đạo có thể cung cấp cho các em HĐS, có sự thay đổi tốt nhất về việc quá ghiền sách vở (làm con mọt sách) như phần đông giới trẻ Đông Dương. Tuy nhiên, Hướng đạo không chỉ tập trung vào các kỹ năng tổng quát, hoặc thay đổi các bài kiểm tra của các kỳ thi tại nhà trường, hoặc cố bám vào bộ đồng phục, nhưng đó là một Phong trào làm giảm bớt, bỏ bớt những sự bất lực mà thôi. 
   Bị tách biệt, các Ủy viên Hiệp hội Đông Dương có nguy cơ thả liều (hầu hết họ đã thú nhận với tôi rằng họ đã nhìn thấy trước) cho việc làm hài lòng công chúng bằng cách đánh bóng hình ảnh của Hướng đạo. Tổ chức chính thức của các Đạo E. D. F. thừa nhận thẩm quyền của họ; dưới sự điều hợp của một Ủy viên quốc gia, và Giám đốc Hội đồng, đã đảm bảo cho họ với các cơ quan công quyền và cung cấp cho họ những phương tiện hành chính và kỹ thuật hầu tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của họ. 
   Chắc chắn là các C.D.D. (Thủ Lĩnh) sẽ yêu cầu các Trưởng phải áp dụng đúng theo các mục đích của Hướng đạo (Ý hướng của Thủ lĩnh HĐ), và đặc biệt là phương pháp hàng đội, hầu giúp cho các đơn vị sẽ phát triển càng nhiều càng tốt. 
   Đã có các nhóm HĐ được khai sinh ở Lạng sơn (Bắc Kỳ), Vinh và Đà Lạt (Annam), Soài Riên (Campuchia), Sóc Trăng, Mõ Cày, Phú Thiện, Phú Quốc (Nam Kỳ); Phong trào Hướng đạo ở Đông Dương có một tiềm năng rất lớn và một sứ mệnh cao cả 
André V. Lefèvre (Vieux Castor) 

GHI CHÚ: 
   Hình 1/- Bức hí họa trên cùng là hình Trưởng Andre Lefevre, Lão Hải Ly, do Sói dí dỏm Lê Thị Lựu vẽ tặng Trưởng nhân chuyến thăm HĐ Đông Dương năm 1935. 
   Hình 2/-Trưởng Andre V. Lefèvre là Tổng Ủy viên Hướng Đạo Pháp Eclaireurs de France từ 1922 đến 1940. (André Lefèvre (1887-1946) was National Commissioner of the Éclaireurs de France from 1922 to 1940.) 
   Hình 3/- Tờ bìa báo Le CHEF, của tổ chức HĐ Pháp, ( Eclaireurs de France) số 154 (năm thứ 14) tháng 6 năm 1935, nơi đăng bài xã luận : “HĐ tại Đông Dương” của Trưởng Andre V Lefèvre.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét