Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Từ con cóc đến mũi tên

Nguyên tác: © Piet J. Kroonenberg, Amsterdam, February, 2001 
Chuyển dịch: Sơn Dương nhanh nhẹn 

Lời BBT: 
VT xin cám ơn Trưởng Trần Minh Hữu (Sơn Dương nhanh nhẹn) đã ưu tiên cho VT được phổ biến tư liệu quan trọng về nguồn gốc Hoa Huệ Hướng đạo, do Trưởng sưu tầm và chuyển dịch. Xin mời quý Trưởng và quý độc giả cùng tìm hiểu. 

Lời người chuyển dịch: 

Cũng thường tản mạn vào trang mạng của Làng Huệ và vào đề mục Trại Trường Hướng-Đạo, tình cờ Sơn Dương nhanh nhẹn thấy có tác giả Gà chân mềm đặt câu hỏi về Hoa Bách Hợp và Hoa Huệ (1). Thấy đề tài lý thú nhưng không thấy có ai lên tiếng đóng góp hay trả lời, Sơn Dương dùng Google để truy tìm tài liệu. Chưa tìm được tài liệu gì hết cho câu hỏi của Gà chân mềm, nhưng lại tìm ra được bài viết của cố trưởng Piet J. Kroonenberg (2), một sử gia chuyên về phong trào Hướng đạo. Bài viết này có tựa “From a Toad to an Arrowhead” (3), viết về nguồn gốc nguyên thủy của biểu tượng Hướng đạo Thế giới. 

Tuy đã cố gắng chuyển dịch; chắc chắn vẫn có những lỗi sơ sót, SDNN luôn tiếp nhận lời góp ý, xây dựng tích cực.

Cảm ơn trưởng NTT, GTT, CCĐ, HVTT, NTH, PCĐ, TPTT đã giúp đọc qua, góp ý, cũng như hiệu đính phần chuyển dịch. Thêm vào đó, Trưởng GTT còn bổ sung “Vài Nét Về Tác Giả Bài Viết”. 

Tháng 12, 2016 
Sơn Dương nhanh nhẹn 

Trần Minh Hữu 
sonduongnhanhnhen@gmail.com 




Đây là phiên bản được bổ sung cho hoàn hảo hơn của bài viết được ấn hành lần đầu vào năm 1994. Bài viết đó đã được gởi đến nhiều nhà biên tập của các tạp chí Nam và Nữ Hướng đạo khắp nơi trên thế giới. Sau khi được chuyển ngữ, bài viết cũng đã được ấn hành trong các tạp chí của các nhà sưu tập bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Pháp. Trong quá khứ, các quốc gia này đã có những vị Vua thuộc Hoàng tộc Bourbon nên những hoa Huệ tây 4 “Fleurs-de-Lis” rất là quen thuộc đối với họ. Không lâu sau khi xuất bản bài viết này, rất nhiều thư của các anh chị em Hướng đạo ở các nước nêu trên, mạnh mẽ lên tiếng chống đối về ý kiến cho rằng hoa Huệ tây, biểu tượng của Hoàng tộc họ trong quá khứ, lại bắt nguồn từ con CÓC xấu xí. Một trong những người đó là Claude Marchal, nay đã quá cố, một nhà sưu tập trứ danh người Pháp, một sử gia về phong trào Hướng đạo, và cũng là chủ nhân của viện bảo tàng nổi tiếng Scouting and Guiding Museum ở Bullet, Thụy Sĩ.


Ông ta phẫn nộ nghĩ rằng bài viết đã sỉ nhục, xúc phạm đến một trong các biểu tượng quốc gia của nước Pháp. Ông yêu cầu các ấn bản sau đó phải được ngưng ngay lập tức. Thật là một vố đau điếng, vì người viết đã từng có quan hệ cộng tác rất tốt với Claude và đã luôn có những trao đổi thú vị về các sự kiện lịch sử. 

Năm 1996, Claude – một người Pháp mẫu mực – đến Reims tham dự lễ mừng kỷ niệm được kể ở phần dưới. Khi bước vào Vương Cung Thánh Đường, ông nhìn thấy tấm thảm treo, thêu hình Vua Clovis, ngồi trên lưng ngựa, khoác ngoài một chiếc áo choàng ...... có rất nhiều hình con CÓC!!! 

Sững sờ nhưng vì là người rất mẫu mực, ông ta đã không ngần ngại đi thẳng đến quầy bán hàng lưu niệm. Ông tìm và mua ngay một bưu thiếp có hình kể trên và gởi đến người viết bài này với lời nhắn ngắn gọn: ''Bạn đã đúng và tôi thành thật xin lỗi." 

CON CÓC, ĐẦU MŨI TÊN VÀ HOA HUỆ TÂY 

Mọi chuyện bắt đầu với ông Chlodevech mà ai cũng biết đến với tên là Vua Clovis. Ông là Vua của dòng tộc Franks (481-511), có công mở rộng lãnh thổ và đặt Paris là thủ đô cho vương quốc của mình. Để tăng thêm quyền lực và sự ảnh hưởng, năm 496, ông đã theo Thiên Chúa Giáo vì Giáo Hội lúc đó có khuynh hướng ủng hộ các vị vua có cùng tín ngưỡng. 

Người Pháp luôn xem việc Vua Clovis theo đạo là sự khởi sinh của nước Pháp, trở thành một thực thể quốc gia, một đất nước hiện hữu, mặc dù nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra với biết bao người đã phải hy sinh để có được lãnh thổ hiện nay. Vào mùa hè năm 1996, nước Pháp tưởng nhớ và tổ chức kỷ niệm 1500 năm ngày thành lập nền tảng quốc gia 

Vương Cung Thánh Đường cổ kính của thành phố Reims là trung tâm của lễ hội và ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đã đến tham dự. Như đã được chứng minh với những hình ảnh của Vua Clovis, được trưng bày trong Thánh Đường, Vua đã chọn con CÓC (1) làm biểu tượng Hoàng gia cho riêng mình. Sau khi theo đạo, Vua đã có những con CÓC vàng kim đính trên áo choàng xanh dương Thánh Martin. Thánh Martin đã từng là Giám mục thành Tours. Như vậy là Vua đã có cờ hiệu Hoàng gia. Rất có thể chung quy con CÓC (1), nhỏ và trơn truột, không được coi là đặc sắc, không đủ trang trọng và trang nghiêm để tượng trưng cho Hoàng tộc. Do đó, dần dần đã có sự biến đổi hình dạng sang như (2), (3) và rốt cuộc đến biểu tượng (4), không còn có điểm gì giống như con CÓC thuở đầu nữa và như thế biểu tượng nguyên thủy (1) đã đi vào lãng quên. 


Hình (4) gợi sự liên tưởng đến đầu mũi giáo đặc biệt hay Đầu Mũi Tên, mà người Pháp đã ứng dụng cải tiến vũ khí cho có hiệu quả sát thương hơn, nhờ vào hai nhánh tẻ bên sẽ gây những vết thương trầm trọng và chết người. Đây là một ví dụ điển hình, mà qua bao thời đại, sự tiến bộ của loài người đã luôn là phát minh ra những phương cách tốt nhất để hủy diệt nhau. Tuy nhiên, cũng có cái nhìn khác là biểu tượng trông có vẻ hiền hòa giống như một bông hoa, hoa Huệ tây. Và như thế, dấu hiệu Hoàng tộc này đã được biết đến với tên gọi Bourbon hay French Lily. 

(Thiếu ảnh)

DÒNG DÕI VUA CHÚA 

Có nhiều người nối ngôi Vua Clovis sau đó và đều tự nhận họ có liên hệ, trực tiếp hay gián tiếp, với Hoàng tộc. Mặc dù vậy, triều đại của ông cũng đã thay đổi tên gọi vài lần. Đầu tiên là Merowings, kế đến là Karolin, nhưng khi Hugo Capet lên ngôi năm 987 và cha truyền con nối đến năm 1792 thì dùng tên họ của mình: Triều đại Capet (987-1328), Triều đại Valois (1328-1589) và Triều đại Bourbon (1589-1792 và 1815-1830). Vào năm 1792, Cách mạng Pháp bùng nổ, “Công dân” Capet – Vua Louis XVI – bị chém đầu. Đế chế Napoleon Bonaparte thay thế chế độ Cộng hòa cho đến khi bị đánh bại, Hoàng tộc Bourbon lại trở lại ngai vàng (1815), nhưng không được kết quả mỹ mãn, và năm 1830 Hoàng tộc Bourbon mất ngôi vị và quyền lực mãi mãi. 

Lúc đầu lá cờ màu xanh được “đính” hay “rắc phủ kim tuyến” với các mẫu hình của nhiều con “Cóc Vàng” như đã nói, dần dần biến đổi sang nhiều Đầu Mũi Tên hay nhiều hoa Huệ tây. Chính Vua Charles V (1364 – 1380) đã quyết định đơn giản hóa thành ba hình mà thôi để tôn vinh và thờ phượng Chúa Ba Ngôi. Ba hình đó có thể ở trên nền xanh dương hay trắng. Và như thế hoa Huệ tây (hay Đầu Mũi Tên) trở thành biểu tượng của Hoàng tộc quyền quý Pháp. Hoàng tộc Bourbon không những chỉ làm Vua ở Pháp, mà một thời còn có ngai vàng ở Tây Ban Nha, Parma, và Naples và họ đều dùng biểu tượng này. 

HẢI ĐỒ VÀ LA BÀN 


Ở Địa Trung Hải, các thủy thủ luôn phải mạo hiểm. Một số gan lỳ vượt biển đó qua cửa Gibraltar, bất chấp sóng to của Đại Tây Dương. Số khác, từ Trung Đông, dong buồm đi tới Anh quốc để chuyên chở thiếc ở Cornwall. Theo những tài liệu mà Giáo Hội đã giảng dạy thế giới dẹt như cái đĩa mà Jerusalem là tâm điểm, cái nhìn chung lúc đó là ở nơi chân trời xa tít ngoài khơi có một vực thẳm, nơi đó các nguồn nước đổ tràn vào âm phủ. Các thủy thủ tin như thế và tự nhắc không bao giờ được ra khơi xa đến nỗi không còn nhìn thấy các bờ biển nữa. Dần dần, ngược lại với điều Giáo Hội dạy, con người nhận biết rằng thế giới thật ra có hình cầu. Một tư tưởng đã gặp nhiều sự chống đối từ giới bảo thủ và tôn giáo. Cũng trong thời gian đó, người Âu châu khám phá và biết chế tạo la bàn, hay như một số người cho rằng đã chiếm đoạt từ người Trung Hoa xa xôi bí ẩn. Đồng thời nghệ thuật làm hải đồ cũng được khám phá. Nhờ các phát minh này mà các thủy thủ Bồ Đào Nha, dưới sự chỉ huy của Hoàng tử Henry, đã vượt Đại Tây Dương; và cũng đã giúp Columbus trực chỉ hướng tây, băng ngang Đại Tây Dương để tìm đến các đảo của nước Ấn Độ xa xôi. Khi Columbus tìm ra được các đảo vùng biển Caribbean, ông tưởng đó là mạn đông của nước Phi Luật Tân và Nam Dương, ông đã gọi các người thổ dân ở đó là “Indians”. Từ đó về sau, người thổ dân nguyên thủy của châu Mỹ, người Mỹ chính gốc, vẫn được biết đến với tên gọi ''Red Indians – Người Da đỏ”. 

Sau đó la bàn và hải đồ trở nên thông dụng, phổ biến và các ngành khoa học về địa hình cũng phát triển. Các nhà sản xuất la bàn và hải đồ đầu tiên mọc lên ở các hải cảng của Địa Trung Hải. Một trong những nhà sản xuất đó là Flavio Gioja của Naples, thủ đô của Vương quốc Bourbon Naples ở Ý. 

Trong tạp chí của Hướng đạo Hoa kỳ “Boy’s Life'' tháng 7 năm 1924, Baden-Powell đã viết: 

''Ở thời Trung Cổ, Charles (Hoàng tộc Bourbon), Vua của Naples, là một người Pháp đã dùng những hoa Huệ tây (Fleurs-de-Lis) làm Vương hiệu của mình. Trong triều đại này, Flavio Gioja, một hoa tiêu đã biết áp dụng la bàn của nhà hàng hải như một công cụ cần thiết và đáng tin cậy. Thẻ la bàn của anh ta có các chữ cái đầu tiên của các hướng Bắc, Nam, Đông, và Tây. Tiếng Ý, hướng Bắc là "Tramontano". Để vinh danh nhà Vua, anh thay thế chữ T với vương hiệu của Vua là “hoa Huệ tây – Fleurs-de-Lis”. Từ đó trở đi, dấu hiệu đó đã được dùng rộng rãi, phổ biến toàn cầu để chỉ hướng Bắc trên các bản đồ, hải đồ và thẻ la bàn." 

Lúc đầu dân Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha là những nhà thám hiểm đi khám phá những vùng đất lạ ở “thế giới mới”, nhưng sau đó nước Anh và nước Hà Lan đã vượt trội, phát triển mạnh và trở nên quan trọng trong hàng hải, thương thuyền và mậu dịch, dẫn đến nhiều cuộc xung đột với nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Thời gian đó hải đồ được vẽ có nhiều chi tiết hơn và la bàn cũng được làm tốt hơn. Hướng Bắc thì được chỉ với chữ N kiểu cách, viết tắt cho hướng Bắc (North trong tiếng Anh và Noord trong tiếng Hà Lan), nhiều khi có dạng giống như hoa Huệ tây (5). Chắc rằng đó không phải là để đề cao hay vinh danh Hoàng tộc Pháp, vì Hoàng triều Bourbon thường đe dọa và cũng đã tấn công nước Anh và nước Hà Lan, nên người dân của các nước này chẳng bao giờ có xu hướng hay nhún nhường để tôn trọng Hoàng tộc hay biểu tượng hoa Huệ tây của họ. Đó là lý do tại sao các thủy thủ hay các nhà sản xuất hải đồ của nước Anh và nước Hà Lan không bao giờ nói đến hoa Huệ tây để chỉ hướng Bắc, họ chỉ gọi đó là Đầu Mũi Tên, trong tiếng Hà Lan thì là Pijlkop hay đơn giản là The North hay Het Noorden. 

BADEN-POWELL 

Một trích dẫn khác của BP trong tạp chí “Boys’ Life” của Hoa kỳ tháng 7, 1924: 

Nhớ lại vào năm 1885, khi tôi còn là sĩ quan phụ tá của trung đoàn, tôi thấy các tân binh trẻ mới gia nhập quân đội chẳng khác chi những đứa bé học nữa vời. Họ chẳng biết gì về cách đọc bản đồ, viết bản báo cáo, hay tìm phương hướng bằng sao trời. Rất nhiều người trong họ thật sự rất sợ khi phải đi đâu một mình vào ban đêm và nhút nhát chẳng dám mạo hiểm. Vài năm sau đó, chính xác là năm 1893-94, tôi làm chỉ huy một đội kỵ binh ở Ái Nhĩ Lan và tôi đã chú tâm đến việc hướng dẫn họ trở nên những người trinh thám có bản lãnh, phụ thêm vào nhiệm vụ chiến đấu trong quân ngũ. Tôi chỉ huy họ, từng mỗi một người, phải tìm phương hướng ở vùng đất lạ, ban ngày và luôn cả ban đêm, bằng cách đọc bản đồ, vẽ bản đồ, và viết báo cáo lại những gì họ đã thấy. Ngoài giờ quân ngũ, các binh sĩ, hạ sĩ quan, chuẩn úy hay các sĩ quan – hoàn toàn tự nguyện – đều có thể tham gia khóa huấn luyện phụ trội này. Trong lúc huấn luyện, họ được chia theo đội, gồm 5 đến 6 người. Họ cũng được chỉ dẫn để biết mưu sinh tìm kiếm thức ăn và nấu nướng. Biết truy lùng hay hủy xóa dấu vết, và biết ẩn núp khi trinh thám. Các binh sĩ rất quan tâm và muốn tham gia các hoạt động phổ biến và được ưa chuộng này. 

…Tôi nghĩ họ xứng đáng được khen thưởng, và tôi cũng có giấy phép từ Bộ Tham Mưu trao tặng từng người một đã hội đủ điều kiện huấn luyện như người trinh thám thực thụ một huy hiệu đặc biệt để đeo. Và để tìm chọn huy hiệu thích hợp, tôi chợt nghĩ đến Đầu Mũi Tên hay là hướng Bắc trên la bàn, vì như là một la bàn, các người trinh thám này đã biết định phương hướng khi đi đến những nơi xa lạ.” 

Vì thế, với sự cho phép của Bộ Tham Mưu, BP đã thiết kế hai huy hiệu. Người lính Trinh thám, sau khi đã qua được hết các cuộc thi và đã hội đủ các điều kiện, được phép mang một biểu tượng bằng đồng – như hình ở bên trái 5 – ở bên phải phía trên tay áo. Không chỉ như vậy, những người lính đã tham gia thêm khóa huấn luyện phụ trội thì trở nên Trinh thám hạng Nhất và được trao tặng huy hiệp tiếp theo với chữ thập ở bên dưới. Hoàn tất khóa này, họ thường được thăng chức hoặc là binh nhất, hạ sĩ hoặc thậm chí hạ sĩ nhất hoặc trung sĩ. 

Với những huy hiệu này, Baden-Powell chẳng bao giờ gọi chúng là hoa Huệ tây (Lily hay Fleurs-de-Lis), nhưng lại theo truyền thống hàng hải của nước Anh mà gọi chúng là Đầu Mũi Tên (Arrowhead), và như thế các huy hiệu đó đã được biết đến và lưu dùng trong quân đội mặc dù BP đã xuất ngũ từ lâu. Thật vậy, Kỵ binh Cận vệ Anh quốc vẫn duy trì khóa huấn luyện và các huy hiệu đó mãi đến sau Thế Chiến I (1914-1918). 





PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO 




Trong kỳ trại thực nghiệm trên đảo Brownsea (1907), BP đã không có chủ ý và không ngờ đến việc đã đặt nền móng cho phong trào Nam và Nữ Hướng đạo trên toàn thế giới. Trong suốt kỳ trại, ông đã đeo huy hiệu quân đội Đầu Mũi Tên và như thế người ta có thể nói – không có nghi ngờ gì nữa – ông đã giới thiệu Đầu Mũi Tên mà sau này nó sẽ trở thành biểu tượng cho phong trào Hướng đạo của toàn thế giới. Đương nhiên là lúc đó, ông không thể nào biết trước được. 

BP đã giới thiệu phương pháp Hướng đạo đến các tổ chức thanh thiếu niên hoạt động lúc bấy giờ để tăng sự thu hút đến các em trai và gia tăng số thành viên. Sau khi sách “Hướng Đạo Cho Trẻ Em” được xuất bản trên toàn cõi nước Anh, các em trai (và các em gái) không thuộc tổ chức nào cũng đã đem áp dụng thực hành phương pháp Hướng đạo. Như thế một tổ chức cần được lập ra và Hội Hướng đạo đầu tiên đã ra đời ở Anh quốc. Lúc đầu, văn phòng của Hội chỉ ghi danh các đội đã được hình thành. Không lâu sau đó, các đội đã hợp lại thành Thiếu đoàn và cũng được công nhận. (Tính luôn cả những đơn vị được thành lập ở các thuộc địa của Anh quốc.) 

Hội Hướng đạo mới được thành lập cần phải có biểu tượng, cũng như huy hiệu cho hội viên / tuyên hứa. Để làm việc này, BP dùng huy hiệu quân đội Đầu Mũi Tên. Huy hiệu được in, sao chép lần đầu tiên ở trang 37 trong sách “Hướng Đạo Cho Trẻ Em” phiên bản số một và người sáng lập đã giải thích như sau: 

"Huy hiệu Hướng Đạo là Đầu Mũi Tên, chỉ hướng Bắc trên bản đồ hay trên la bàn. Đó là huy hiệu của người Trinh thám trong quân đội, bởi vì anh ta sẽ dẫn lối, cũng giống vậy, người Hướng đạo của thời bình cũng sẽ làm gương trong nhiệm vụ của mình và giúp đỡ những người khác.” 

Nhấn mạnh lần nữa cùng đọc giả, BP đã không dùng chữ hoa Huệ tây (Lily hay Fleurs-de-Lis) nhưng lại dùng từ thuộc hàng hải của Anh quốc là Đầu Mũi Tên (Arrowhead). Thiết kế ban đầu của BP được in trên những thẻ ghi danh Hướng đạo đầu tiên ban hành năm 1908. Các bản sao của những thẻ này được giữ trong kho lưu trữ tài liệu của Hội Hướng đạo Anh tại trại trường Gilwell gần London. Theo Graham Coombe, đã về hưu – người đã từng chuyên giữ, bảo quản văn khố của Phong trào – không có bằng chứng cụ thể nào cho biết huy hiệu bằng kim khí hay vải của thiết kế này đã được sản xuất hay ban hành. 

Năm 1909, Đầu Mũi Tên của một thiết kế khác được giới thiệu như biểu tượng và huy hiệu bằng kim khí đã được sản xuất hàng loạt, và được Hội HĐ Anh chính thức ban hành và dùng cho đến ngày hôm nay. 

BIỂU TƯỢNG LAN RỘNG KHẮP THẾ GIỚI 

Trong sự ngạc nhiên, BP nhận thấy phong trào Hướng đạo không chỉ phát triển ở nước Anh và các thuộc địa của Anh, mà còn lan rộng như biển lửa đến các nước khác trên thế giới. Ở các nước đó, quy chế của phong trào Hướng đạo đã được chuyển dịch từ bản của Hội Hướng đạo Anh với những bổ sung, thay đổi nhỏ để thích ứng với hoàn cảnh thực tại. Biểu tượng quốc gia và huy hiệu hội viên / tuyên hứa của các nước đó cũng dựa theo mẫu nguyên thủy Đầu Mũi Tên của BP, nhưng có những sắc thái dân tộc riêng biệt và rất mỹ thuật. Ngoại trừ nước Pháp! 

LỘN XỘN TÊN GỌI 

Lộn xộn tên gọi đã xảy ra liền vào lúc đó và vẫn tiếp diễn mãi cho đến ngày nay. Ở những nơi là lãnh thổ của nước Anh, người Hướng đạo vẫn gọi Đầu Mũi Tên. Người Hà Lan thì dùng ngôn ngữ riêng, nhưng đồng nghĩa của họ (PILJKOP, Pilj = Mũi Tên, Kop = Đầu). Nhưng ở những nước khác, đặc biệt những nước nằm sâu trong đất liền, không quen thuộc với hệ thống hàng hải, đôi khi đã nhầm lẫn Đầu Mũi Tên với hoa Huệ tây, và đã dùng tên gọi hoa Huệ tây thay vì tên nguyên thủy mà BP đã dùng. Ngay cả BP cũng đã có lần nhầm lẫn và gọi là hoa Huệ tây. Chính ngay trong bài viết của ông trong tạp chí “Boys’ Life” ấn bản năm 1924 có ghi: “Những năm trước, ngay sau khi Hội Nam Hướng đạo Hoa kỳ được thành lập, đã có những chỉ trích phê phán phong trào Hướng đạo như là một quân trường. Bất cứ khi có cái gì mới lạ nảy sinh hay bắt đầu, người ta thường có thói quen nhảy xổm lên tìm kiếm khuyết điểm, trước khi thấu hiểu cặn kẽ. Trong trường hợp này, họ đã nói phong trào Hướng đạo được thiết lập để huấn luyện các em trai trở thành những người lính và dẫn chứng rằng phù hiệu của phong trào là “ngọn giáo, biểu tượng của chiến tranh, máu đổ”. Tôi đã nhận được các điện tín chất vấn về việc đó, tôi đã gởi điện thư lại như sau: ‘phù hiệu là hoa Huệ tây, là biểu tượng của hòa bình và trong sạch’. Tôi đã không đề cập trong điện tín rằng đó là lý do tại sao nó được dùng làm huy hiệu Hướng đạo, vì điều đó không đúng.” BP giải thích tiếp là ông đã dùng hình tượng từ các la bàn và hải đồ như đã được trình bày ở trên. Nhưng lúc đó, phong trào Hướng đạo ở Hoa kỳ đang phải xoa dịu dư luận, cũng không để ý đến phần giải thích này, vẫn dùng hoa Huệ tây – Fleurs-de-Lis, và từ đó, thật đáng tiếc, tên gọi đó đã trở nên thông dụng và được dùng trong Hội Nam Hướng đạo Hoa kỳ, cũng như một vài nơi khác có phong trào HĐ. Chẳng hạn ở nước Đức, họ sử dụng “hoa Huệ tây” hay “Pfadfinderlilie”, hoặc ở khu vực nói tiếng Hà Lan của nước Bỉ thì tên gọi “hoa Huệ tây” rất phổ biến nhưng họ chẳng hiểu tại sao Hà Lan, đất nước hàng xóm phía bắc, lại dạy cho các em Hướng đạo gọi là “Pijlkop – Đầu Mũi Tên” và không bao giờ được gọi là “Lelie – hoa Huệ tây”. Thuở xa xưa, nếu chẳng may người Hướng đạo Hà Lan lỡ gọi sai như thế, người ấy liền được đưa cho một cốc nước để rửa miệng. 

NƯỚC PHÁP 

Phong trào Hướng đạo Pháp – ngay từ lúc khởi đầu đã gọi biểu tượng là Đầu Mũi Tên, đã tránh dùng từ ngữ “hoa Huệ tây – Fleurs-de-Lis hay Lily” vì có lý do riêng. 

Hoàng tộc Bourbon đã không còn nắm vương quyền từ năm 1830, tuy thế người đứng đầu của Hoàng tộc đó, vẫn được biết đến như “Người Kế vị”. Hoàng tộc đó, cũng như nhiều người vẫn còn ủng hộ, hy vọng có một ngày có thể khôi phục lại Vương triều Bourbon và thay thế chế độ Cộng hòa Pháp. Hoàng tộc đương nhiên vẫn dùng hoa Huệ Bourbon. Những người ủng hộ thành lập một đảng phái chính trị và đã dùng hình tượng Hoàng gia đó làm biểu tượng chính trị cho đảng phái của mình. Trong suốt thế kỷ 19 và 20, chế độ Cộng hòa Pháp đã coi hoạt động chính trị này là một mối nguy hiểm đáng kể. 

Hướng đạo Pháp, ngay từ lúc đầu đã luôn giải thích tường tận, cặn kẽ, và nhấn mạnh đó là Đầu Mũi Tên của Baden-Powell, biểu tượng của Hướng đạo Thế giới, không có liên hệ gì đến hoa Huệ Bourbon. Trớ trêu thay, Hướng đạo Pháp lúc đó cũng không thể nào ban hành Đầu Mũi Tên vì e sợ bị liên lụy, hay bị kết tội đồng lõa với đảng phái chính trị Hoàng tộc kia. Ngay trong Hội Nghị Quốc tế (nay là Thế giới) lần thứ 2 năm 1922 tại Paris, Hướng đạo Pháp đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, giải thích hoàn cảnh khó khăn và nhấn mạnh yêu cầu các Hội Hướng đạo khác có mặt không dùng từ ngữ hoa Huệ tây (Fleurs-de-Lis hay Lily). Trong biên bản họp có ghi rõ: “Hội nghị quyết định rằng việc chấp nhận khắp toàn cầu từ ngữ hoa Huệ tây (Fleurs-de-Lis) là biểu tượng của Hướng đạo thật đã gây rắc rối cho một số nước (đặc biệt nước Pháp) vì hoa Huệ tây (Fleurs-de-Lis) có dính líu với ý nghĩa chính trị.” 

Nói cách khác, Đầu Mũi Tên mới đúng và mọi người được yêu cầu dùng đúng như vậy khi chuyển dịch qua quốc ngữ của Hội mình. Đáng tiếc thay, lịch sử đã chứng minh yêu cầu đó đã không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, và từ ngữ hoa Huệ tây (Lily hay Fleurs-de-Lis) vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến ngày hôm nay. 

Trong lúc Hướng đạo Pháp không thể dùng biểu tượng Đầu Mũi Tên, tình hình thế giới sau Thế Chiến I (1914-1918) lại càng trở nên phức tạp hơn. Ở nước Ý, một đảng phái Phát-xít được thành lập và ở nước Đức, đảng Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia nắm quyền. Cả hai đảng phái này được rập khuôn và hình thành ở nhiều đất nước khác. Ở nước Pháp, cũng có vài nhóm nhỏ nhưng lại rất cuồng tín phe Phát-xít. Một số muốn thành lập một Vương quốc Phát-xít Pháp theo kiểu mẫu ở nước Ý. Các nhóm này, để làm mất nhuệ khí của Hoàng tộc Bourbon và đảng Bảo hoàng của họ, cũng đã dùng hình tượng hoa Huệ tây để bôi nhọ. Tóm lại, từ năm 1910 cho đến hết Thế Chiến II (1935-1945), Hướng đạo Pháp đã không thể và cũng sẽ không dùng Đầu Mũi Tên làm biểu tượng được. Họ đã phải sử dụng các mẫu hình khác như Hội HĐ Thế tục Pháp thì dùng Cung Tên, Hội HĐ Công giáo Pháp thì dùng Tam Diệp trên Thánh giá Jerusalem, hay Hội HĐ Tin lành Pháp thì lại dùng con Gà trống Gallic. 

Sau Thế Chiến II, hoàn cảnh của nước Pháp thay đổi. Phe đảng Phát-xít và Quốc-xã (như đã nghĩ và được hy vọng như thế) thuộc về quá khứ. Trong cuộc xung đột của thế giới, chính Hoàng tộc Bourbon cũng đã trở thành những người yêu nước. Vài người trong họ đã phục vụ trong Lực lượng Giải Phóng Pháp (Free French Army), hay trong Quân đội Hoa kỳ (US Army), và đã góp phần giải phóng nước Pháp. Chính bản thân họ và những người ủng hộ việc tái lập lại triều đại Vương quyền đều nhận thức đó là điều không thiết thực, mặc dù Hoàng tộc họ chưa bao giờ nhường quyền lên ngôi, một hình thức ít nhiều gợi nhớ dĩ vãng và tượng trưng. Như thế, sau gần 40 năm từ khi được ra mắt, Hướng đạo Pháp cuối cùng đã có thể dùng biểu tượng Đầu Mũi Tên.



HUY HIỆU HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI 

Như đã kể trên, dựa theo mẫu hình nguyên thủy của BP, các Hội Hướng đạo quốc gia đã có riêng những biểu tượng và huy hiệu cho thẻ thành viên, tân sinh, và tuyên hứa. Đúng là một thiên đàng cho các nhà sưu tập huy hiệu và biểu tượng Hướng đạo! 

Tuy nhiên, ngay từ lúc khởi đầu của phong trào Hướng đạo, đã có những người luôn quan tâm và nhấn mạnh đến tinh thần Hướng đạo bốn bể anh em một nhà, họ truyền bá ý tưởng một huy hiệu Hướng đạo Thế giới để dùng chung cho tất cả. Một ý tưởng hay nhưng quá sớm lúc đó. Khi Thế Chiến II bùng nổ, nhiều nước đã trải nghiệm sự khủng khiếp mà chủ nghĩa dân tộc quá trớn có thể dẫn tới, họ nhận ra và rời xa chủ nghĩa dân tộc; thay vào đó, khuyến khích phát triển chủ nghĩa quốc tế và sự hợp nhất. Trong phong trào Hướng đạo cũng thế, tại cuộc họp Đại Hội đồng của Ủy Ban HĐ Thế giới, ngày 26 đến 29 tháng 9, năm 1962, Tổng Ủy viên Hướng đạo, kiêm Ủy viên Quốc tế Hội HĐ Hà Lan, Jan Volkmaars, đã đưa ra kiến nghị chính thức để phác họa và ban hành HUY HIỆU HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI dùng chung cho các Hội Hướng đạo. Một đề tài nóng bỏng được thảo luận sâu và tường tận giữa các Hội HĐ và trải dài nhiều năm. Mãi đến Hội Nghị HĐ Thế giới lần thứ 22 tại Helsinki, năm 1969, đã được đồng thuận thông qua với Quyết Nghị 05/69: 

QN 05/69. BIỂU TƯỢNG, CỜ và HUY HIỆU HĐ THẾ GIỚI 





Biểu tượng Hướng đạo Thế giới. Hội nghị thông qua biểu tượng HĐTG phải có nền màu tím hoàng gia, trên đó có hình Đầu Mũi Tên Thế giới màu trắng, được bao quanh với dây trắng tạo thành hình tròn và nối lại với nhau bằng nút dẹt ở bên dưới, ủy quyền cho các Hội HĐ được phép sử dụng và ban hành trong các hình thức không phải buôn bán, và chỉ đạo biểu tượng phải được tích hợp và dùng trong tất cả các sự kiện chính thức quốc tế.” 

Huy hiệu HĐTG đã xuất hiện những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ 20. Vài Hội HĐ ban hành ngay lập tức. Nhưng cũng có Hội HĐ thì không quan tâm lắm vì họ khó có thể bỏ đi huy hiệu quốc gia rất đẹp và mỹ thuật của thẻ thành viên, tuyên hứa của họ. Vài Hội HĐ khác thì sử dụng cả hai. Lại có Hội HĐ thì không dùng được huy hiệu chung này vì nước của họ đang trong giai đoạn phối hợp cả hai Hội Nam HĐ và Hội Nữ HĐ, như thế một huy hiệu mới phải được phác họa có cả hình Đầu Mũi Tên và hình Tam Diệp, như trường hợp ở nước Hà Lan. Theo Bản tin HĐTG tháng 12, năm 1973, của Tổ Chức Phong trào HĐTG (WOSM) đã có 75 Hội HĐ quốc gia dùng biểu tượng HĐTG và nhiều Hội HĐ khác cũng đã dùng sau đó. 

Rõ ràng là Ủy ban HĐTG đã đưa ra Quyết Nghị 05/69 với hy vọng sẽ kết thúc sự lộn xộn tên gọi của huy hiệu, sẽ không là Đầu Mũi Tên hay là hoa Huệ tây, nhưng sẽ là một khái niệm mới – BIỂU TƯỢNG HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI. Vậy mà lộn xộn tên gọi này vẫn không chấm dứt. Vẫn có những nơi mà Hội HĐ quốc gia vẫn gọi Đầu Mũi Tên, hay những nơi khác Hội HĐ quốc gia vẫn kiên quyết gọi là hoa Huệ tây. Với tình hình như thế, dù cho phong trào HĐ có 100 tuổi đi nữa, cũng chẳng thay đổi được gì. 

The Boy Scouts International Bureau (BSIB) được thành lập vào năm 1921 và đặt văn phòng tại London. Vào ngày 1 tháng 1, 1958 văn phòng đã được dời từ London đến Ottawa, Gia Nã Đại rồi lại trở về Âu châu ngày 5 tháng 5, 1968 khi Văn phòng Hướng đạo Thế giới – tên được gọi từ năm 1961, dời về Geneva, Thụy Sĩ. Cho đến khi huy hiệu mới của HĐ Thế giới được ban hành năm 1969, BSIB đã có huy hiệu riêng trước đó. Trong quyển “Hướng đạo vòng quanh Thế giới” trang 210, ông John S. Wilson, nguyên Tổng Giám đốc của BSIB từ 1938-1968 đã viết: “Tôi đã không ra mắt một huy hiệu HĐ Quốc tế mãi tới năm 1939 – một huy hiệu Đầu Mũi Tên màu bạc trên nền màu tím, bao chung quanh với những tên màu bạc của năm châu lục trong một khung hình tròn. Huy hiệu này không được phổ biến toàn cầu, dẫu sao đi nữa, chỉ hạn chế dành riêng cho các cựu thành viên hay thành viên hiện thời của Ủy ban Quốc tế (nay Thế giới) hay các nhân viên của BSIB. Một lá cờ với huy hiệu tương tự cũng đã ra đời, chỉ được tung bay khi có các buổi Họp bạn Quốc tế.” 

Sự ra đời của huy hiệu và biểu tượng mới của HĐTG vào năm 1969 đã làm cho huy hiệu và cờ đặc biệt của BSIB không còn được dùng và biến mất. Các huy hiệu cũ này thì rất khó mà sở hữu được. 

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú: 

1. Hoa Bách Hợp và Hoa Huệ 

2. Piet J. Kroonenberg 

Gấu Tận Tụy có biên soạn bài đính kèm bên dưới “Vài Nét Về Tác Giả Bài Viết” 
3. From a Toad to an Arrowhead :

4. Để tránh sự nhầm lẫn, “hoa Huệ tây” đã được dùng để chuyển dịch cho đúng với “Lily” hay “Fleur-de-Lis”’ 

5. Tài liệu, hình ảnh được truy cập khi chuyển dịch bài viết này




VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ BÀI VIẾT: 

(Gấu Tận Tụy biên soạn) 


Piet J. Kroonenberg (1927 - 2016) là một nhà sử học nghiên cứu chuyên đề về phong trào Hướng đạo Thế giới, và cũng là một nhà tư vấn lịch sử cho Ủy ban Hướng đạo châu Âu (European Scout Committee). Ông đã từng viết nhiều cuốn sách và bài viết về phong trào Hướng Đạo trong Đại Thế chiến thứ II, và những năm sau chiến tranh ở Đông Âu. 

Kroonenberg là một Trưởng Hướng đạo Hà Lan nổi tiếng và là nhà nghiên cứu lịch sử phong trào Hướng đạo. Ông đã hoạt động tích cực trong phong trào Hướng đạo từ năm 1935 và đã tham dự Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ V (5th World Scout Jamboree) ở Vogelenzang, Bloemendaal, Hà Lan vào năm 1937. 

Thuở nhỏ, lúc lên 8, Kroonenberg đã tuyên hứa khi còn là một Sói con. Trong thời Đệ II Thế chiến, phong trào Hướng đạo ở Hà Lan cũng như các quốc gia khác ở Châu Âu đều bị cô lập và coi như không hợp pháp để tiếp tục hoạt động! Vì thế, ông và những người hướng đạo khác tham gia và tổ chức sinh hoạt “chui” (ngầm) để tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa, tinh thần Hướng đạo và giữ vững mối dây. 

Kroonenberg đã tham gia kháng chiến Hà Lan và từng phục vụ trong Quân đội Canada từ năm 1944 đến năm 1947. 

Năm 1996, Kroonenberg đã được trao Huân chương Bronze Wolf [1] bởi Ủy ban Hướng đạo Thế giới (World Scout Committee) về những cống hiến xuất sắc của ông đối với Hướng đạo Quốc tế. Trong số nhiều giải thưởng, đáng kể có Huân chương Beaver Đồng (Order of the Bronze Beaver) là một huân chương cao quý nhất của Hướng đạo Nga (Russian Union of Scouts/ Позже Русский Союза Скаутов). 

Trong số những tác phẩm mà Kroonenberg đã viết, The Forgotten Movements và The Undaunted [2] cũng như nhiều bài báo, bài viết, biên niên lịch sử của Phong trào Hướng đạo ở châu Âu, đặc biệt là của các tổ chức hướng đạo lưu vong (trong đó có Việt Nam mà ông có đề cập đến). 

Piet J. Kroonenberg đã qua đời ở tuổi 89 vào ngày 07 tháng 9 năm 2016. Thi hài của ông đã được hỏa táng tại Amsterdam ngày 14 tháng 9, 2016. 

………. 

Ghi chú: 

[1] Huân chương Bronze Wolf (Sói Đồng) đầu tiên được trao cho người sáng lập phong trào Hướng đạo Thế giới là Huân tước Robert Baden-Powell vào năm 1935. Piet J. Kroonenberg là người thứ 251 được trao tặng hơn 60 năm sau. 

[2] The Forgotten Movements (Những Phong trào đã bị Lãng quên) và The Undaunted (Vẫn còn Nguyên thủy) là những tựa sách mà ông viết rất công phu. 

Riêng cuốn The Undaunted đã xuất bản từ năm 1998, nhưng mãi đến năm 2003, Krooneberg mới xuất bản cuốn thứ hai The Undaunted II thêm nhiều chi tiết và dẫn chứng những dữ kiện rất có giá trị về những phong trào Hướng đạo ở Đông Âu, trong đó đặc biệt ông đã quan tâm nhiều về phong trào Hướng đạo tại Việt Nam, nơi mà phong trào Hướng đạo không bị lãng quên và tinh thần Hướng đạo vẫn không bao giờ chết! Nó sống mãi, thâm sâu vào trong mỗi trái tim của mỗi Hướng đạo sinh Việt Nam và trở thành một niềm hy vọng, ước mơ để mong đợi một ngày mai được chính thức thừa nhận và công khai. 

Sách được viết Lời tựa bởi Jacques Morellion, nguyên Tổng thư ký của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (General Secretary of the World Organization of the Scout Movement). 

Cả hai cuốn The Undaunted hiện nay đang có bán tại Viện Bảo tàng Hướng đạo Quốc tế (International Scouting Museum) ở Las Vegas, Nevada (Hoa Kỳ). Tuy vậy, người đọc có thể tải bản eBook về đọc tại địa chỉ: http://www.kelpin.nl/fred/download/piet/geschiedenis/undaunted.pdf
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét