Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

HĐ góp sức trồng người

Thân Thị Kim Cúc



Tam tự kinh, một quyển sách dạy học trò, được soạn từ thời Tống Đế, mở đầu bằng câu: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người mới sinh ra vốn có tánh tốt, khi lớn lên con người tiếp xúc với thế giới chung quanh bị nhiễm thói hư tật xấu, nên bản tính tốt lành ban đầu thay đổi, do đó con người phải được giáo dục và uốn nắn. “Giáo chi đạo quý dĩ chuyên”, nghĩa là về đường lối giáo dục phải lấy đức chuyên làm trọng.

Bác Hồ từng khẳng định: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến việc thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng không lợi gì cho loài người”.

Như vậy từ xa xưa đến bây giờ, người ta nhấn mạnh đến việc dạy nhân cách cho trẻ em để khi lớn lên các em sẽ là công dân tốt, có trách nhiệm với cộng đồng, có tinh thần tự lập, có sức khỏe và trí tuệ để lo cho bản thân và có thể giúp ích người khác.

Nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam chú trọng đến lý thuyết hơn là thực hành. Chú trọng đến dạy chữ, ít chú trọng đến dạy làm người.

Một nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng, lột áo giữa đám đông, “được” quay clip đưa lên mạng xã hội để làm quà chẳng hạn… phải chăng đã khẳng định nền giáo dục đã và đang lệch hướng. Tôi nhớ rất rõ hồi còn nhỏ, ra đường gặp người lớn mà không chào, thầy giáo biết được, ôi thôi phải ốm đòn (ở đây tôi không bàn đến việc có nên đánh học trò hay không mà chỉ nói đến sự quan tâm của thầy giáo đến việc dạy đạo đức).

Từ đó chúng ta khẳng định hoạt động hướng đạo cần được mở rộng để hỗ trợ cho việc giáo dục ở nhà trường vì mấy lý do sau đây:

• Một là:

Hoạt động ngoài trời, Hướng đạo sinh dù ở tuổi ấu sinh đều có điều kiện để gần gũi thiên nhiên, trau dồi ý thức bảo vệ môi trường, vì đấy chính là nguồn năng lượng tự nhiên nuôi sống và bảo vệ con người; thiên nhiên còn biết yêu thương huống gì con người; tình yêu gia đình, bè bạn đến tình yêu nhân loại sẽ dần hình thành một cách tự nhiên, không o ép, không ràng buộc vì thực tế đã được kiểm nghiệm trong trái tim mỗi Hướng đạo sinh và nhân cách sẽ nảy sinh, phát triển.

• Hai là:


Hoạt động ngoài trời thể hiện sự hợp tác giữa cá nhân với cá nhân, nhóm với nhóm, tạo điều kiện cho ý thức cộng đồng phát triển.

Không ai biết hết mọi thứ trên đời và cũng không ai có thể làm ra mọi thứ để tự sinh sống; người nông dân làm ra lúa gạo để cung ứng cho người thành thị, ngược lại họ nhận được hàng tiêu dùng như đôi dép để mang, công cụ để canh tác như máy cày chẳng hạn. Xã hội là sự hợp tác “cho và nhận”, mọi người đều chịu ơn lẫn nhau. Hướng đạo sinh nhận thức được vấn đề này thông qua việc rèn luyện kỹ năng sống và sự hợp tác, học hỏi lẫn nhau. Thói ích kỷ, kiêu căng tự cho mình là “toàn năng” sẽ bị đẩy lùi, sự khiêm tốn và lòng vị tha sẽ được phát triển.

• Ba là:


Hướng đạo sinh nếu hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, lội suối, trèo đèo, leo núi… không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn xây dựng ý thức kỷ luật cao trước sự vô tình của thiên nhiên đối với con người; vách núi dựng đứng, suối sâu nước chảy xiết, Hướng đạo sinh không thể tùy tiện hành xử bất chấp nguyên tắc để vượt qua, vì nguy hiểm có thể xảy đến cho họ, chắc chắn rằng Hướng đạo sinh phải chuẩn bị phương tiện, tuân thủ cách vượt trên dây cáp, cách bám vách núi… kỷ luật khi vượt chướng ngại ở môi trường thiên nhiên sẽ giúp Hướng đạo sinh tuân thủ kỷ luật lao động, an toàn lao động, nói rộng ra họ sẽ là công dân biết tôn trọng luật pháp.

Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin nêu vài ba nhận xét về lợi ích mà Hướng đạo góp phần vào sự nghiệp giáo dục để “trồng người”. Còn có rất nhiều điều lợi ích để khẳng định vai trò của Phong trào Hướng đạo đối với cuộc sống; hãy thể hiện tốt hơn nữa, rộng hơn nữa vai trò của người Hướng đạo sinh trong giai đoạn hiện nay.

Thân ái,

Thân Thị Kim Cúc – Sáo đảm đang
(Đạo phó Đạo Quảng Nam)

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét