Đinh Văn Thống
Thời tiết năm nay quá thất thường và đang sắp đến mùa mưa bão, làm tôi chợt nhớ đến mảnh đất Quảng Bình và Quảng Trị là khúc ruột Miền Trung, nơi hàng năm hứng chịu nhiều thiên tai dịch họa nhất nước.
Cách đây hơn hai năm, vào lúc 19 giờ ngày 03/10/2013, cơn bão số 5 với cường độ cấp 12 đã đổ bộ vào trung tâm tỉnh Quảng Bình làm hàng nghìn ngôi nhà bị sập, có ít nhất 3 người chết và mất tích. Trong đó Hà Tĩnh và Quảng Trị cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Trước những thiên tai như vậy, cả nước thông qua các hội, đoàn thể, vận động cứu trợ khẩn cấp. Một số anh chị em Hướng đạo ở Miền Nam và Tây Nguyên đã lạc quyên vận động ủng hộ đồng bào Miền Trung, và đề nghị anh em Hướng đạo Quảng Trị giúp ích. Trong mấy ngày liên tục thông đi tin lại, Liên đoàn Hoa Lư Quảng Trị cũng nhận được hàng cứu trợ; vậy là trách nhiệm lại thuộc về ta, Trong khi đó hình ảnh của những lần giúp ích thiên tai trong quá khứ lại hiện về:
Vào những năm 1967- 1968, Quảng Trị là mảnh đất khốc liệt trong chiến tranh, người dân nằm trong tầm mưa bom bão đạn. Lệnh phải di tản ngay, khỏi vùng phi quân sự Gio Linh, đưa dân đến định cư tại Cam Lộ cách xa hàng chục cây số. Trước hoàn cảnh khốn khó của dân tình, anh em Hướng đạo sinh Đạo Ái Tử Quảng Trị đã xông pha trợ giúp đồng bào, đưa họ về nơi định cư an toàn.
Hay những trận lũ lụt lớn làm sạt lở và trôi cầu, đập Rì Rì, chia cắt giữa Tỉnh lỵ và quận Triệu Phong, dân tình cũng khốn đốn. Trước sự việc như vậy Hướng đạo Quảng Trị đã về vùng quê đến từng nhà dân xin tre để làm một chiếc cầu tạm cho bà con qua lại, trước khi chính quyền ra tay. Những hình ảnh đó đang còn in dấu trong tiềm thức của người dân Quảng Trị thời đó.
Bặt đi một thời gian dài gần năm mươi năm, những Hướng đạo sinh trẻ tuổi, sôi nổi năm nào đã xấp xỉ “thất thập cổ lai hy”, đã khoác vào mình bộ cánh khăn đóng áo dài, chức sắc trong công việc đình đám của khu phố hay làng quê. Vậy mà khi nghe được tin có hàng cứu trợ, tất cả hình như trẻ lại với thời gian, mạnh mẽ và tháo vát lạ thường.
Hàng cứu trợ đợt này do Trưởng Nguyễn Xuân Tăng vận động quyên góp từ Đà Lạt gởi ra gồm áo quần và mì tôm, hàng đến Đông Hà vào ngày 25/10/2013, tập kết tại nhà Tr. Hồ Trí, anh em tập trung kiểm tra, rồi đóng gói hết hai ngày, hợp đồng thuê xe để ngày 28/10/2013 lên đường.
6 giờ 30 ngày 28/10 xuất phát từ Đông Hà, điểm đến là huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, nơi mà cơn bão hoành hành mấy ngày trước đó. Trên chiếc xe 16 chỗ, gồm có 7 anh em, cả Tr. Tường Vân ở Huế cùng đi theo, tất cả đều đồng phục khăn quàng Tráng đỏ tươi và những nụ cười còn tươi hơn khi mà bao nhiêu năm rồi ta chưa thể hiện được. Xe bon bon trên đường cùng tiếng hát ngập niềm vui, quên đi từ sáng chưa có ly cà phê nào, nên xe qua huyện Vĩnh Linh tới dốc Sáu độ, anh em nghỉ xả hơi uống cà phê, tán gẫu. Tuy là dân Quảng Trị nhưng có Trưởng cũng chưa biết địa danh vùng này, tôi cũng xin giới thiệu sơ qua vùng này là thôn Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp giáp ranh với xã Sen Thuỷ, Lệ Thuỷ. Vùng đất này thổ nhưỡng rất đặc biệt bên này đường phía tây là đất bazan màu mỡ những cây cao su tươi tốt chạy ngút ngàn, phía đông là đất cát bạc màu chạy dài ra đến biển với những bụi cây dại um tùm. Sau khi Nhà Hồ thất thủ năm 1407 một số tàn quân ẩn náu nơi này nên một thời người ta gọi là truông Nhà Hồ. Năm 1788 nghe tin quân Thanh đã tràn qua chiếm đóng Thăng Long, Vua Quang Trung đã xuất quân từ Phú Xuân ra Bắc để đánh quân Thanh, quân bộ di chuyển trên đường thiên lý khi qua vùng này Vua cho dựng trại nghỉ chân nên gọi là làng Hạ Cờ. Mỗi một vùng đất khoác lên mình cái tên đều có ý nhĩa của nó cả.
Tiếp tục cuộc hành trình đến địa phận Quảng Bình xe rẽ về phía Tây để tránh nội thành Đồng Hới. Cảnh hoang tàn vẫn còn in đậm nét, đặc biệt là hàng trụ điện tròn đều bị gãy ngang kéo dài hàng cây số. Sau hai tiếng đồng hồ đoàn đã đến huyện Quảng Trạch nhưng không có ai biết Uỷ ban Mặt Trận huyện ở đâu cả nên chạy lòng vòng hỏi thăm vài ba nơi rồi cũng đến được. Tiếp đoàn có ông Phó Chủ tịch Mặt trận huyện sau khi nghe trình bày muốn đến trực tiếp cứu trợ cho bà con xã nào bị thiệt hại nặng nhất, Uỷ ban Mặt trận huyện cử một cán bộ dẫn đoàn về xã. Xe rời Huyện lỵ hướng về phía Tây được chừng dăm cây số thì trước mắt là một vùng chiêm trũng sông nước mênh mông, xe không đi thẳng theo tỉnh lộ chính mà quặt trái về phía Nam, vẫn con đường nhựa láng bong, qua một cây cầu mới vững chắc, hiện đại. Chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sao đường về tuyến xã lại có những cây cầu như thế này? Anh cán bộ huyện mới giới thiệu đây là xã Quảng Hải. Cách đây mấy năm vào ngày 25/01/2009 tức là 30 tết Kỷ Sửu một chuyến đò định mệnh đã nhấn chìm gần 40 người dân đi chợ huyện mua sắm tết, một nỗi đau bàng hoàng cả nước. Sau vụ chìm đò đó nhà nước đã đầu tư xây dựng cho cây cầu này. Xe qua khỏi cầu lại tiếp tục rẽ trái, một con đường bê tông dạng nhà nước nhân dân cùng làm, đường men theo sông. Thấy một Thánh đường Công giáo vươn cao, anh cán bộ huyện mới giới thiệu: vùng này có đến mấy nghìn giáo dân. Biết là anh cán bộ nghe mình giới thiệu là Hướng đạo nên tưởng nhầm Hướng đạo là Công giáo, mà hầu hết mọi người ở đây cũng chưa ai biết Hướng đạo là gì, nên anh em lại phải giải thích về Phong trào Hướng đạo cho anh nghe. Đây là vùng dân sống thuần nông, mà nhà cửa khá kiên cố. Thấy anh em hơi ngạc nhiên anh cán bộ tâm sự: Nhiều đoàn cứu trợ từ Miền Nam ra cũng ngạc nhiên khi thấy nhà cửa dân ở đây có nhà mái đúc, không thì cũng lợp ngói chắc chắn, sao lại nói dân tôi nghèo. Nhưng có ở đây mới biết “nỗi lòng mà mấy ai hay”. Mỗi năm hứng chịu mấy cơn bão, lũ, nếu nhà tạm bợ tranh tre nứa lá thì sập bất cứ lúc nào, làm đi làm lại là điều đương nhiên, cho nên có đồng nào đều đổ vào làm nhà để chống lại với thiên nhiên, còn trong nhà đồ đạc thì trống trơn.
Xe chạy thêm gần mười cây số thì tới UBND xã Quảng Hải. Xã nhận được thông tin nên đã tập trung đón đoàn, sau khi trao đổi đôi lời, nhận từ các cán bộ xã những lời cám ơn, anh em đã chuyển hàng cứu trợ vào trụ sở, làm một số thủ tục hành chính, biên bản giao nhận và không quên chụp những tấm hình để làm kỷ niệm, trước lạ sau quen. Khi ra về là những cái bắt tay ấm áp tình người.
Đoàn lên xe ra về, nhìn lại những cái vẫy tay còn thấp thoáng sau hàng cây bạch đàn, xe nhẹ hẳn đi và chính trong lòng mỗi người cũng cảm thấy lâng lâng khó tả ./.
Đinh Văn Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét