Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Hướng đạo ở nông thôn

Nguyễn Đông Nhựt

Có một thời gian, anh em Tráng sinh chúng tôi hay đi tìm đất trại, có lúc chúng tôi tìm về biển, có lúc tìm về núi đồi, đi trại một vài lần ở nơi này, chúng tôi lại tiếp tục khám phá nơi khác. Một lần kia anh em chúng tôi lưu trại qua đêm tại một vùng quê, đêm đó lửa trại rất là vui. Điều làm chúng tôi khắc khoải, suy tư, là đêm lửa trại đó có nhiều em ở khoảng tuổi Thiếu sinh, là người ở vùng quê đó đến xem chúng tôi vui lửa trại mà trông có vẻ rất thích thú, lân la đến gần như muốn được tham gia vậy. 


Mấy ngày sau khi kết thúc trại, anh em chúng tôi vẫn còn cảm thấy các em ở nông thôn bị thiệt thòi đủ thứ. Sao chúng ta lại không thể tạo một sân chơi cho các em nhỏ tại vùng quê này ?


Suy nghĩ,… tiếp tục suy nghĩ, … rồi thì cùng hành động. Chúng tôi đến xin phép người phụ trách tại địa phương đó để được tổ chức một đơn vị Hướng đạo; có một điều may mắn là người phụ trách địa phương đó, trước đây cũng đã từng sinh hoạt Hướng đạo, cho nên khi nghe đề nghị của chúng tôi, thì đã hết sức vui vẻ nhận lời và còn tạo điều kiện cho các em sinh hoạt. 

Lúc đầu, theo phương pháp Đội kiểu mẫu, chúng tôi chọn 8 em làm thành một đội, hằng tuần một buổi huấn luyện kĩ năng Hướng đạo. Chúng tôi còn nhớ như in, là ngày đầu tiên sinh hoạt đội kiểu mẫu trùng với ngày nghỉ thứ bảy đầu tiên (ngày 2 tháng 10 năm 1999) theo Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg của Chính phủ thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Qua thời gian liên tục ba tháng, thấy các em tiến bộ và có tinh thần, chúng tôi quyết định mở rộng cho các em mời gọi các bạn nhỏ cùng lứa vào sinh hoạt. Thế là một Thiếu đoàn đã hình thành với túc số 28 em chia thành 4 đội. Đây là một đơn vị Hướng đạo đầu tiên ở vùng quê nghèo thuộc làng Thạch Nham, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Thiếu đoàn Đống Đa, thuộc Liên đoàn Nguyễn Huệ, Đạo Bắc Đẩu, Đà Nẵng. 

Thiếu đoàn đã sinh hoạt liên tục cho đến hôm nay, và đã trải qua 4 đời Thiếu Trưởng. Sau 16 năm thành lập và phát triển, đã trải qua biết bao nhiêu là khó khăn, với sự đóng góp hy sinh của nhiều Trưởng qua các thế hệ, đã giúp cho các em ở vùng quê nghèo này có một sân chơi thật là bổ ích. Các thế hệ Thiếu sinh đầu tiên nay đã trưởng thành, có nhiều em vào đại học, có người đã lập gia đình và hiện có công việc ổn định, đặc biệt, từ các thế hệ Thiếu sinh ấy, đã đóng góp cho Phong trào 2 Trưởng Dự bị, 4 Trưởng Huy Hiệu Rừng các Ngành, trong đó có 2 Trưởng hiện đang được giao trách nhiệm Trưởng đơn vị (Một Thiếu Trưởng, một Kha Trưởng thuộc Liên đoàn Nguyễn Huệ, Đạo Bắc Đẩu). 

Để có được một đơn vị Hướng đạo tại vùng nông thôn như Thiếu đoàn Đống Đa, với bao vui buồn, cùng những kết quả nhất định của Thiếu đoàn như hiện nay, Ban Huynh Trưởng cùng đoàn sinh Thiếu đoàn Đống Đa chân thành tri ân những Trưởng tiền bối trong Hội đồng Đạo Đạo Bắc Đẩu, bằng cách này cách khác, quan tâm động viên Thiếu đoàn, nhất là trong những tháng ngày đầu thành lập, cảm ơn và ghi nhận sự hy sinh, đóng góp thời gian, công sức của quý Trưởng đã giúp cho Thiếu đoàn không chỉ “trụ” vững mà còn phát triển tốt đẹp qua thời gian, mặc dù Thiếu đoàn đã và sẽ vẫn còn sinh hoạt trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn. 

Một vài suy tư: 


Là Hướng đạo sinh, là Trưởng của Phong trào Hướng đạo, mỗi người trong chúng ta cũng đã hấp thụ được rất nhiều từ phương pháp giáo dục của Phong trào, nó thiết thực cho cuộc sống trưởng thành của chúng ta. Cảm ơn Cụ Tổ B.P đã khai sáng một phương pháp giáo dục quá tuyệt vời, cảm ơn quý Trưởng của Phong trào qua biết bao thế hệ đã duy trì và tiếp nối dấn thân để truyền lại cho thế hệ trẻ ngày hôm nay một Phong trào giáo dục, dù đã đi qua hơn một trăm năm mà nay vẫn còn giữ nguyên những giá trị tích cực nguyên thuỷ của nó, đặc biệt cảm ơn quý Trưởng, trong thời gian những năm sau 1975, một giai đoạn cực kỳ khó khăn, ngọn lửa Phong trào tưởng chừng như đã lịm tắt, quý Trưởng vẫn kiên cường trong gian lao để tiếp tục thổi bùng tinh thần ngọn lửa ấy cho bao người trẻ đất Việt hôm nay. 


Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là tiếp tục dấn thân để duy trì sân chơi bổ ích này cho các em của chúng ta. Nếu nói theo ngôn ngữ xã hội hiện nay là cũng nên “ưu tiên vùng sâu vùng xa”, những miền quê nghèo hẻo lánh, ở đó các em thiếu thốn đủ thứ. Đầu tiên, phải nói đến sự chênh lệch mức sống chung giữa thành phố và nông thôn, thu nhập của các gia đình nông dân dựa trên sản phẩm nông nghiệp còn rất thấp, điều kiện sinh hoạt đi lại trên địa bàn đất rộng dân thưa cũng gặp khó khăn, những tiện nghi sinh hoạt Hướng đạo còn thô sơ và có phần hạn chế. Để duy trì các hoạt động trại giao lưu cấp Liên đoàn, cấp Đạo, Ban Huynh Trưởng đơn vị đôi lúc phải “gồng sô” gánh vác, làm Trưởng Hướng đạo là đã hy sinh, nhưng làm Trưởng một đơn vị Hướng đạo ở nông thôn còn phải hy sinh nhiều hơn; do vậy, để duy trì hoạt động đơn vị, rất mong sự chung tay góp sức, góp lửa của toàn thể quý Trưởng, để động viên thêm tinh thần cho Ban Huynh trưởng và đoàn sinh của của các đơn vị Hướng đạo ở nông thôn. Ở đó, các em có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng nhất định đừng để các em thiếu tinh thần sống của Phong trào Hướng đạo. 


Nguyễn Đông Nhựt
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét