LT. :Nguyễn Tuấn
Ủy viên Liên lạc Quốc tế
Vấn đề hội nhập với Hướng đạo thế giới và khu vực là đề tài không mới với tất cả chúng ta, đặc biệt trong những năm gần đây, khi những thông tin được truyền tải qua mạng internet toàn cầu ngày càng phổ biến và khi chúng ta cũng như Hướng đạo khu vực, cụ thể là APR và ASARC, càng ngày càng có những thông tin về nhau nhiều hơn, có những cuộc gặp gỡ với nhau nhiều hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề cần làm sáng tỏ để có cái nhìn đúng đắn và có sách lược thích hợp. Trong nội dung của tham luận này, tôi xin nêu ra mấy vấn đề:
Hội nhập của Hướng đạo Việt Nam với Hướng đạo thế giới và khu vực đã tiến triển như thế nào?
Ai quyết định tương lai ?
Chúng ta sẽ làm gì ?
1/ Hội nhập của Hướng đạo Việt Nam với Hướng đạo thế giới và khu vực đã tiến triển như thế nào?
Từ năm 2006, Văn phòng Hướng đạo Á châu Thái Bình dương (APR) đã có những cuộc tiếp xúc với Hướng đạo Việt Nam thông qua Trại họp bạn APR tại Thái Lan. Tôi và một số trưởng có mặt trong phái đoàn Hướng đạo Việt Nam để cùng ký kết một bản ghi nhớ. Từ đó, những cuộc trao đổi giữa các bên tiếp tục để mong tìm kiếm một tiếng nói chung cho HĐVN. Tuy nhiên, nhiều hoàn cảnh chưa cho phép sự tiến triển như mong đợi.
Mặc dù vậy, thông tin liên lạc của chúng ta và APR vẫn được bảo đảm. Đến năm 2009, cơ hội hội nhập đầu tiên về huấn luyện được mở ra bằng sự thảo luận về một khóa HHR ngành Thiếu cho các Trưởng Việt Nam sẽ được tổ chức tại Mt.Makiling, Los Banos, Laguna, Philippines với sự bảo trợ của APR và Hội Nam Hướng đạo Philippines (BSP). Và đến tháng 4/2010, khóa HHR ngành Thiếu này chính thức được khai mạc (Khóa AULTC 1 năm 2010) đánh dấu bước ngoặt thành công đầu tiên trong quan hệ hợp tác và hỗ trợ của APR, BSP và HĐVN.
Tiếp theo là 2 khóa HHR ngành Thiếu AULTC 2 và 3 năm 2011 liên tiếp được tổ chức cũng tại Mt.Makiling, Los Banos, Laguna, Philippines do APR và BSP tổ chức cho các Trưởng Việt Nam. Tổng cộng cả 3 khóa đã đào tạo trên 100 Trưởng bằng Rừng cho HĐVN, một sự kiện chưa từng có trong quá khứ.
Tính đến năm 2014 này, đỉnh cao của việc hợp tác huấn luyện giữa APR, BSP và HĐVN là khóa ALT 2013 cũng được tổ chức tại Trại trường Makiling của Philippines cho 44 khóa sinh của HĐVN. Đây không những là bước ngoặt quan trọng về mặt huấn luyện mà còn là bằng chứng cho thấy sự công nhận các giá trị của việc huấn luyện trong nước của những năm trước, khi APR và BSP công nhận các Giấy chứng nhận HHR của các Khóa huấn luyện trong nước. Có thể nói đây là sự hội nhập lớn nhất của HĐVN với Hướng đạo khu vực.
Cũng trong khóa huấn luyện này, một vấn đề được APR xem trọng và quan tâm là vấn đề hợp nhất của các nhóm HĐ trong nước, là một trong những tiền đề để tiến tới việc công nhận Hội Hướng đạo quốc gia. Kết quả là một Bản ghi nhớ mới do 6 thành viên đại diện cho các nhóm Hướng đạo Việt Nam cùng ký ngày 03/12/2013 (Phạm Quang Thùy, Trần thị Anh Đào, Nguyễn Thái Hùng, Phạm Văn Bình, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Tuấn), cùng với chữ ký của Ông Thian Hiong-Boon - Giám đốc Nguồn nhân lực APR, Ông Wendel E. Avisado - Tổng thư ký BSP (cũng đồng thời là Tổng thư ký ASARC) và Bà Irma O.Ejanda– Khóa trưởng khóa ALT 2013. APR cũng hứa sẽ xem xét việc liên hệ với Nhà nước Việt Nam để đề nghị sớm công nhận Hội Hướng đạo Việt Nam.
Chúng ta cũng tham dự hội thảo về kỹ năng và phương pháp huấn luyện của APR (APR Workshop on TMT) tổ chức tại Trại trường Vajiravudh – Thái Lan (Nguyễn Tuấn, Trần Văn Hồng) năm 2006. Các Trưởng chúng ta cũng tham dự hội thảo về khung huấn luyện của APR năm 2012 (Tôn Thất Hàn, Trần Xê, Nguyễn Bảo Nhân). Qua đó cũng đã nói lên được những hoạt động huấn luyện của chúng ta trong thời gian qua.
Về mặt sinh hoạt, một loạt các hoạt động của Hướng đạo khu vực có sự tham gia của Hướng đạo Việt Nam từ nhiều năm qua. Từ sự tham gia của HĐVN tại Trại họp bạn APR năm 2006, đến các Trại họp bạn tại Singapore, Philippines,…đều có sự tham dự của HĐVN.
Đặc biệt, chúng ta cũng được tham dự Hội nghị lần thứ 3 của ASARC tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan vào tháng 4/2012 (Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thanh Thảo). Tại Hội nghị này, lần đầu tiên chúng ta trình bày với Hội nghị một báo cáo rõ ràng, khúc chiết về tình hình nhân sự, tình hình thống kê đơn vị, tình hình các hoạt động huấn luyện và sinh hoạt như các Trại họp bạn,… của chúng ta. Hội nghị đã đánh giá cao các hoạt động của chúng ta.
Chúng ta cũng đã tham dự Hội nghị lần thứ 24 của APR được tồ chức tại Dhaka, Bangladesh vào tháng 11/2012 (Nguyễn Tuấn).Cũng tại Hội nghị này, qua báo cáo của chúng ta và qua những cuộc tiếp xúc, các Hội Hướng đạo trong khu vực và APR biết rõ hơn về những hoạt động của chúng ta, về những nổ lực của chúng ta trong việc xây dựng một phong trào Hướng đạo lớn mạnh trong nước.
Chúng ta cũng tổ chức Toán tráng tham dự Trại Hòa bình quốc tế tổ chức tại Indonesia (Nguyễn Thanh Thảo, Vũ Anh Tuấn, Võ Đỗ Khiêm, Lê Thị Mộng Cầm, Chu Vũ Bảo Trân) tạo thêm sinh khí cho các sinh hoạt quốc tế của ngành Tráng, tạo thêm mối quan hệ quốc tế với các nước trong khu vực.
Chúng ta cũng có thành viên tham dự Trại Họp bạn của ASARC tổ chức tại Thái Lan năm 2013 (Lý Tiến, Nguyễn Nam Minh Đức, Nguyễn Viết Bằng, Nguyễn Hữu Nghiêm và Nguyễn Thị Phương Loan).
Chúng ta cũng đã vinh dự đón tiếp một số Trưởng của HĐ thế giới và khu vực đến thăm chúng ta. Các Tr. Dan Ownby, Henrik Soderman, Anthony Thng, Prakorb Mukura, Abbulah Rasheed, Bernardo De Leon, Nguyễn Tấn Đệ,... đã có nhiều ý kiến tốt đẹp về phong trào Hướng đạo tại Việt Nam. Sắp tới sẽ còn nhiều Trưởng nữa hứa hẹn sẽ đến thăm chúng ta. Tin tưởng rằng phong trào chúng ta sẽ càng ngày càng phát triển.
2/ Ai quyết định tương lai ?
Tương lai phong trào Hướng đạo Việt Nam chắc chắn nằm trong tay các Trưởng, các đoàn sinh và phụ huynh. Nếu chúng ta không nắm chắc điều này, nếu chúng ta không làm gì cả và chỉ trông chờ người khác làm cho mình thì sẽ không bao giờ có kết quả. Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ qua những hỗ trợ rất lớn, rất đáng trân trọng từ Hướng đạo thế giới và Khu vực, cũng như sự quan tâm của chính quyền.
Sự hỗ trợ rất lớn về các mặt huấn luyện, sinh hoạt từ APR và ASARC là rất đáng kể. Ngoài nhiệm vụ cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết của một Trưởng Hướng đạo cho các trưởng chúng ta, các khóa huấn luyện còn cho chúng ta thấy một tầm nhìn của Hướng đạo cho đến năm 2020, những chính sách nguồn nhân lực, những chiến lược phát triển mới,...từ đó cho chúng ta dễ dàng hội nhập với thế giới và khu vực.”
”Hướng đạo cho trẻ em , nhưng là công cuộc của người lớn”.
Chúng ta dễ dàng thấy rằng có thể phân chia đối tượng quan tâm của các Trưởng.
Đối với các Trưởng đang nắm đơn vị, các Trưởng sinh hoạt,..đối tượng chính là trẻ em, là các đoàn sinh, từ các em Hải ly, các Sói con, các Thiếu sinh, các Kha sinh cho đến các Tráng sinh. Điều này hoàn toàn rõ ràng khi các đơn vị trưởng hàng tuần sinh hoạt với các em, thúc đẩy, rèn luyện các em theo nguyên lý của Hướng đạo. Những câu chuyện, trò chơi, hệ thống giáo dục, phương pháp, chuyên hiệu, đẳng thứ,... nhằm mục đích tối thượng là rèn luyện, hướng dẫn, giáo dục các em trở thành những HĐS cừ và là những công dân có ích cho xã hội.
Đối với các Trưởng huấn luyện, đối tượng trực tiếp lại là các Trưởng, những người sẽ sinh hoạt cùng các em. Trưởng là người lớn, là người có khả năng tiếp thu và là người sẽ truyền đạt kiến thức, kỹ năng, tinh thần, thái độ cho các em. Trưởng huấn luyện sẽ phải là người có hiểu biết và có phương pháp sư phạm để có thể truyền đạt cho các Trưởng. Cũng vì vậy, Trưởng cần cập nhật kiến thức, phương pháp, tầm nhìn,...để theo kịp trào lưu của xã hội.
Vấn đề hội nhập trước tiên phải từ các Trưởng, nhất là Ban Điều hành. Ban Điều hành có đề ra chủ trương thì các Trưởng mới thống nhất hành động. Tiếp theo là các bước về truyền thông để mọi người hiểu rõ vấn đề, tránh những hiểu lầm, những suy nghĩ lệch lạc không đúng hướng. Vấn đề truyền thông là một vấn đề hết sức cần được coi trọng trong giai đoạn hiện nay.
3/ Chúng ta sẽ làm gì ?
Từ những suy luận ở trên, tôi thiết nghĩ chúng ta đã có câu trả lời cho vấn đề này.
Thực chất đây mới chính là vấn đề cần đào sâu để suy nghĩ và hành động. Điều chính yếu là hãy thực hiện, hãy hành động, đừng chần chờ, đừng để mọi việc trên giấy.
Để hội nhập với phong trào thế giới và khu vực, chúng ta cũng đã thực hiện được một số việc như đã nêu ở trên. Tôi thiết nghĩ chúng ta còn cần thêm chủ trương sâu rộng, thiết thực và một số biện pháp cụ thể về tổ chức, về các hoạt động.
Theo thông lệ quốc tế, trong các thông tư của các Hội Hướng đạo quốc tế và khu vực, có 3 chức danh được gởi: Tổng ủy viên (Chief Commissioner), Ủy viên liên lạc quốc tế (International Commissioner) và Tổng thư ký (General Secretary).
Ban Điều hành chúng ta có cơ cấu tổ chức riêng với Trưởng ban điều hành và 3 Khối. Trong thực tiễn hoạt động trong nước lâu nay, cơ cấu tổ chức của chúng ta tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên về mặt quan hệ quốc tế, tôi nghĩ rằng các Hội HĐ thế giới và khu vực chưa hiểu được cơ cấu tổ chức của chúng ta, gây ra một số khó hiểu cho họ khi cần liên hệ và trao đổi. Với mong muốn dễ dàng hội nhập, tôi kiến nghị cần định danh phù hợp với thực trạng của một số nước đang dùng trong khu vực hoặc ít ra cũng nâng tầm quan hệ quốc tế lên thành một Ban, có thể gọi là Ban Đối Ngoại. Việc này sẽ tạo điều kiện trong việc liên lạc với quốc tế, giải quyết được công việc một cách nhanh gọn, tránh những chờ đợi ý kiến từ nhiều cấp.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện cơ cấu trung ương tập quyền. Hội nghị Huynh trưởng có quyền lực cao nhất, chỉ đề ra những chủ trương, đường lối chung nhất. Việc thực hiện những sự vụ cụ thể theo chủ trương, đường lối đó do Ban Điều hành triển khai và thực hiện. Việc rút gọn được con đường triển khai thực hiện là điều cần thiết, giúp giải quyết nhanh gọn các vấn đề.
Để các Ban, Khối hoạt động được dễ dàng và có hiệu quả, tôi kiến nghị cần có chủ trương rõ ràng và có bản mô tả công việc cho từng chức danh, có định kỳ báo cáo các việc thực hiện.
Ngoài ra, việc truyền thông là hết sức cần thiết, tôi kiến nghị phổ biến sâu rộng các chủ trương, các sự kiện trong nước và quốc tế một cách rõ ràng và đầy đủ, đồng thời mời gọi các đơn vị, các Trưởng, các đoàn sinh tích cực tham gia các sự kiện, nhất là các sự kiện Hướng đạo quốc tế. Đặc biệt, các Trưởng có trách nhiệm cần có thêm sự dấn thân vì phong trào trong phần việc của mình.
Để kết luận cho tham luận này, tôi xin gợi mở nhắc lại với quý Trưởng những câu hỏi như đã nêu ra từ đầu tham luận. Xin được chia xẻ những suy nghĩ nhỏ nhoi của mình và được lắng nghe những ý kiến quý báu của quý Trưởng, ngõ hầu chúng ta nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu, hoàn thiện các hoạt động sinh hoạt và huấn luyện theo trào lưu mới phù hợp với tiến bộ của khu vực mà vẫn giữ được bản sắc của dân tộc.
Xin chân thành cảm ơn sự lắng nghe của quý Trưởng.
Rất mong phong trào chúng ta ngày một phát triển, dân tộc Việt Nam hùng mạnh, tạo dựng một thế giới tốt đẹp.
Thân ái bắt tay trái quý Trưởng.
– Nguyễn Tuấn –
( THAM LUẬN ĐỌC TẠI HỘI NGHỊ HUYNH TRƯỞNG BAN ĐIỀU HÀNH HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM )
Ngày 22 -23/02/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét