Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

Kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Hải vân

Hoẵng điềm đạm 


Có thể nói, ai đã từng là một Hướng đạo sinh có thời gian sinh hoạt trong Đạo An Hải thì đều biết LIÊN ĐOÀN HẢI VÂN. Đây là một trong những liên đoàn luôn tiên phong, vững mạnh, là cái nôi, là vườn ươm Trưởng cho Đạo An Hải. Thế nhưng, liệu có được mấy người biết được quá trình hình thành và phát triển của Liên đoàn này như ngày hôm nay. 




Có người nói không nên ăn mày dĩ vãng, hãy cố gắng làm tốt trong hiện tại và tự tin bước tới tương lai. Quan niệm này theo tôi là tích cực, không sai nhưng chưa hoàn toàn đúng, bởi vì mọi sự vật, hiện tượng, đều nằm trong quá trình vận động và phát triển. Không có ngày hôm qua sẽ không có ngày hôm nay và thậm chí thất bại ngày hôm qua sẽ là bài học cho thành công ngày hôm nay và ngày mai. Thành ngữ có câu Ôn cố tri tân là thế. 


Hơn nữa, với những truyền thống tốt đẹp lại càng phải được nhắc nhở và phát huy. Điều đó đã được thể hiện rõ trong buổi lễ chào cờ khai mạc “Trại kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Hải Vân, Đạo An Hải”, tại khu bãi biển Hà My. Thật xúc động khi nhìn các Sói con với những khuôn mặt thật hồn nhiên, hớn hở trong đồng phục rực màu vàng của khăn quàng sói, bên cạnh màu xanh của Thiếu, màu huyết dụ của Kha và màu đỏ thắm tươi của Tráng sinh thật đầy sắc màu, rực rỡ, tươi vui. Điều ấn tượng nhất là còn có màu tóc điểm sương của những Trưởng tiền bối của Liên đoàn, cùng tham dự buổi lễ quan trọng này với các em, đã minh chứng cho một chân lý là trong từng bước đi của thế hệ “Hướng đạo trẻ” luôn có thế hệ “Hướng đạo đàn anh” cùng đồng hành và hướng dẫn. Một hình ảnh thật đẹp, thật ý nghĩa làm ta liên tưởng như một dòng suối thời gian qua nhiều thế hệ từ ‘cội nguồn quá khứ’ vẫn mãi nối tiếp tuôn chảy về ‘biển lớn tương lai’. Với tinh thần đó nhân ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Hải Vân chúng ta cùng nhau ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Liên đoàn. 

Như chúng ta đã biết, những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Phong trào Hướng đạo cả nước nói chung là chưa được phép tiếp tục sinh hoạt. Tuy vậy, tinh thần “Hướng đạo một ngày, hướng đạo một đời” của các Trưởng, các Hướng đạo sinh, vẫn được lưu truyền, giữ lửa trong cuộc sống đời thường của họ. Họ sẻ chia, giúp nhau lúc vui, lúc buồn và nuôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ được sinh hoạt lại như ngày xưa, để họ được đem những hiểu biết về phong trào góp phần với xã hội trong công cuộc giáo dục thế hệ trẻ thành những người có ích trước những trào lưu văn hóa không lành mạnh, những cám dỗ vật chất của đời sống thực tế hiện thời. Tất cả vì phương châm: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Thế rồi, qua nhiều trăn trở các Trưởng đã đi đến quyết tâm phải làm cái gì đó để khôi phục lại phong trào tại địa phương. 


Không có điều kiện tài chính tối thiểu để điều hành công việc do điều kiện khó khăn chung của đời sống, bản thân các Trưởng cũng phải bươn chải, lo toan cho gia đình mình, đôi lúc các Trưởng phải dè xẻn trong chi tiêu gia đình để bù vào những chi phí của đoàn vì mong muốn đơn vị có điều kiện tiếp tục sinh hoạt... Nhưng với tinh thần Hướng đạo gặp khó khăn vẫn vui tươi nên các Trưởng đã kiên trì, từng bước vượt qua những khó khăn, trở lực và đã đưa Phong trào Hướng đạo địa phương hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay. 

Trong bài phát biểu chào mừng kỷ niệm của Trưởng Liên đoàn trưởng đã sơ lược lại quá trình hình thành và phát triển: Để có được Liên đoàn Hải Vân hôm nay chính là từ Tráng đoàn Hải Vân (Tráng đoàn được thành lập năm 1953 trực thuộc Đạo An Hải). 

Sau thời gian sinh hoạt bị gián đoạn, đến năm 1990 được một số huynh trưởng và Tráng sinh sinh hoạt trước năm 1975 cùng đồng tâm phục hoạt lại Tráng đoàn. Tráng đoàn dần dần đi vào sinh hoạt ổn định, đến năm 1993 chính thức ra mắt. Được sự tín nhiệm của các Trưởng và Tráng sinh, Trưởng Trần Văn Châu (xanh) được mời làm Tráng Trưởng và Trưởng Phạm Công Đó làm Tráng phó (nay các Trưởng đã lìa rừng). Sau đó bàn giao lại cho Trưởng Nguyễn Xuân Vinh làm Tráng Trưởng và Trưởng Nguyễn Thanh Chanh làm Tráng phó. 

Tráng đoàn ngày càng phát triển, đến năm 2002 Toán Hải Trình do Trưởng Lê Xuân Quốc làm Toán Trưởng đã thành lập được Thiếu đoàn Duy Tân và sau khi có được Thiếu đoàn đến năm 2006 tại đất trại Hòa Ninh, Đạo An Hải đồng ý cho thành lập và ra mắt Liên đoàn (LĐ) với hai đơn vị: Thiếu đoàn Duy Tân và Tráng đoàn Hải Vân được lấy tên là Liên đoàn Hải Vân kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 do Trưởng Nguyễn Xuân Vinh làm Liên đoàn trưởng (LĐT), hai LĐP là Trưởng Tán Tạo và cố Trưởng Nguyễn Công Doãn, sau đó LĐ đã thành lập thêm được Bầy Hải Vân và Kha đoàn Hải Vân. 

Đến năm 2009 LĐ thành lập thêm được 3 đơn vị là Tráng đoàn Chi Lăng, Thiếu đoàn Lam Sơn và Kha đoàn Chí Linh, lúc bấy giờ Liên đoàn xin ý kiến Đạo cho phép 3 đơn vị này tách đoàn để lập thêm một Liên đoàn mới lấy tên LĐ. Lam Sơn do Trưởng Lê Xuân Quốc làm LĐT và Trưởng Lê Hà Lộc làm LĐP vào năm 2011. 


Năm 2014 lại một lần nữa LĐ Hải Vân đề nghị Đạo An Hải cho phép tách LĐ. Một lấy tên là LĐ. Duy Tân gồm 2 đơn vị Bầy Hải Vân và Thiếu đoàn Duy Tân do Trưởng Nguyễn Xuân Vinh làm LĐT và Trưởng Nguyễn Văn Đức làm LĐP. 

Liên Đoàn Hải Vân còn lại hai đơn vị: Tráng đoàn Hải Vân và Kha đoàn Hải Vân được bàn giao cho Trưởng Nguyễn Thanh Chanh làm LĐT và hai LĐP là Trưởng Nguyễn Thị Hoàng Hạnh và Trưởng Nguyễn Dưỡng, chính thức công bố và trình diện vào tháng 6-2015 nhân dịp kỷ niệm 65 năm Đạo An Hải. 

Sau ba tháng kể từ khi bàn giao BHT/LĐ. Hải Vân đã thành lập thêm được hai đơn vị: Thiếu đoàn Hải Vân và Bầy Hải Vân Nam. 

Tổng số đoàn sinh và Huynh Trưởng hiện nay là 115 người cho bốn đơn vị Bầy Hải Vân Nam, Thiếu đoàn Hải Vân, Kha đoàn Hải Vân và Tráng đoàn Hải Vân. Có được như ngày hôm nay chính là nhờ sự động viên của Hội Đồng Đạo An Hải, các Trưởng đã cùng chung tay trong BHT/Liên đoàn và Quý Trưởng ở các Liên đoàn bạn, nhất là sự hỗ trợ giúp đỡ của Ban Bảo Trợ phụ huynh đoàn sinh. 


Là một đoàn sinh của Liên đoàn, thiết nghĩ chúng ta cũng cần biết thêm Về địa danh Hải Vân. Theo sử liệu, Năm Bính Ngọ 1306, vua Trần Anh Tông gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy Châu Ô và Châu Rí, vùng đất có đèo Hải Vân là của vương quốc Chămpa (còn gọi là Chiêm Thành). Cũng từ năm 1306, sau khi được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn thì bờ cõi Việt mở rộng có thêm đèo Hải Vân và ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ (dưới triều Hồ Hán Thương) sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa. Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay). Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ), cao 500 m (so với mực nước biển), dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên - Huế (ở phía Bắc) và thành phố Đà Nẵng (ở phía Nam), Việt Nam. 

Cửa ải Hải Vân - Di tích Hải Vân Quan: Một lô cốt còn lại trên đỉnh Hải Vân, nhìn ra phía Lăng Cô ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Một bên góc bảng còn ghi thêm dòng chữ nhỏ "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức làm vào ngày tốt, năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn (1470). Ở độ cao 490 mét so với mực nước biển. Hệ thống phòng thủ quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công... Là những đoàn sinh đã và đang sinh hoạt tại Liên đoàn được vinh hạnh mang tên một địa danh lịch sử nổi tiếng, một địa danh nhắc nhở chúng ta luôn ghi nhớ sự hy sinh tình riêng vì quốc gia đại sự của vua tôi nhà Trần, để góp phần mở rộng cõi bờ đất nước như tinh thần của “Lời hứa Hướng đạo” làm bổn phận đối với quốc gia tôi. 


Chúng ta trân trọng những công lao đóng góp của tiền nhân đã dày công mở mang bờ cõi, các thế hệ huynh trưởng Hướng đạo người còn, người mất, đã xây dựng và vun đắp đơn vị để hôm nay chúng ta có thể hãnh diện rằng Liên đoàn Hải Vân là một trong những đơn vị mạnh, là mãnh đất tốt để ươm mầm những con ngoan trò giỏi, những công dân tốt góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc. Để xứng đáng với những hy sinh, đóng góp trên, chúng ta cùng nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm Lời hứa và 10 điều luật Hướng đạo, hết sức cố gắng hoàn thành vai trò, trách vụ của mình góp phần giữ vững truyền thống đi đầu và không ngừng phát triển đơn vị. 


Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Liên đoàn Hải Vân chúng ta kính chúc Ban huynh trưởng, những thân hữu, những ân nhân của Liên đoàn (trong đó có những cựu HĐS của LĐ hiện đang sống trong hoặc ở ngoài nước) và toàn thể đoàn sinh của Liên đoàn khỏe mạnh, đoàn kết để tiếp tục chung tay hỗ trợ, cống hiến, dìu dắt đơn vị ngày càng đi lên vững mạnh. 

Đà Nẵng, tháng 8. 2016. 

Hoẵng điềm đạm

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét