Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Mỗi kỳ một nhân vật Rừng

Sáo dễ thương Phạm Văn Nhơn phụ trách 

TÊN RỪNG CỦA CỤ HỘI TRƯỞNG NGUYỄN VĂN THƠ 


Năm 1930 đoàn Lê Lợi được thành lập tại Hà Nội, ngày 30.4.1975 HĐVN tan đàn rẽ nghé, lủi thủi về sinh hoạt tại gia. Trong 45 năm này có 7 vị Hội trưởng chính thức. 

* Thời kỳ 3 xứ: 

Hội trưởng HĐ Bắc Kỳ: Kỹ sư Nguyễn Lễ, Giám đốc Sở Thể Dục Thể Thao Hà Nội. 
Hội trưởng HĐ Trung Kỳ: Viên ngoại Triều đình, Tổng Đốc Trần Bá Vị. 
Hội trưởng HĐ Nam Kỳ: Hội đồng Trần Văn Khê, đại điền chủ Lục Tỉnh, Nam Kỳ.

Khi hợp nhất HĐVN, Kỹ sư Trần Văn Thân được mời làm Hội Trưởng. Cả 4 vị Hội trưởng này không có tên rừng. Năm 1958, HĐVN bị chính quyền ép buộc gia nhập Thanh Niên Cộng Hòa (TNCH) và Phụ Nữ Liên Đới (PNLĐ). HĐ không chịu bèn triệu tập Đại Hội Đồng Bất Thường (giữa nhiệm kỳ) tại Nha Trang, để tìm cách ứng phó. Hội trưởng Trần Văn Thân và Tổng Ủy Viên Tôn Thất Dương Vân từ nhiệm, Đại Hội đồng mời Nai ngơ ngác Nguyễn Thành Cung, đương chức Tổng Thư Ký Phủ Tống Thống và bầu Trưởng Hải Ly gan dạ Phan Như Ngân (Tỉnh trưởng Phú Bổn) làm TUV. Hai viên chức cao cấp này đã khéo léo hóa giải, chính phủ không bắt HĐ phải gia nhập TNCH và PNLĐ nữa. Năm 1964, ông Nguyễn Thành Cung từ nhiệm, Phó Hội Trưởng là Luật Sư Sóc Già Phan Thanh Hy, cháu nội của cụ Phan Thanh Giản, lên thay thế. Năm 1969, Giáo sư Tiến sĩ Y khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Văn Thơ lên làm Hội trưởng (thời Tr. Trần Văn Lược).

Thấy ông Thơ mang khăn quàng rừng, nhưng không rõ tên rừng, hỏi thăm anh em cũng chẳng ai biết cho nên cuốn Kỳ Thú Chuyện Tên Rừng (2007) và cuốn Chuyện kỳ thú về 4875 dân rừng Bách Hợp (2016) vẫn không nêu được tên rừng của Tr. Nguyễn Văn Thơ. 

Mùa xuân 2016, từ Úc, Tr. Nguyễn Văn Thuất, cựu trưởng của Đạo Cửu Long, cựu Chủ tịch HĐTƯ HĐVN tại Hải Ngoại sau khi đọc cuốn Chuyện kỳ thú về 4875 dân rừng Bách Hợp (2016) không thấy có tên Tr. Thơ bèn điện cho tôi hay: “Khi tôi sang Hoa Kỳ có ghé thăm Tr. Thơ và Tr. Thơ cho hay tên rừng của ông là Tý nhanh nhẹn, ông giải thích vì tôi chậm lụt cho nên Hội Đồng Rừng đặt tên tôi như thế để mong mỏi tôi lanh lẹ hơn.” 

Mừng quá, tôi xin thông báo để anh em cùng rõ và có một yêu cầu chính đáng: Các TUV đều là huynh trưởng HĐ nên ai cũng có tên rừng, duy nhất TUV Nguyễn Hữu Mưu không biết tên rừng là gì, vậy anh chị em ai biết xin chỉ dùm, để bộ sưu tập tên rừng được hoàn chỉnh hơn (1). (Tr. Mưu là Kỹ Sư Tổng Giám Đốc Nông Tín Cuộc, có thời gian (1936) là Sói Già của Bầy Nguyễn Trường Tộ, Huế.) 

Ghi chú: 1. Dân rừng Hội trưởng, TUV và dân rừng 4 gỗ thời loạn rừng có đầy đủ trong cuốn “Chuyện kỳ thú về 4875 dân rừng Bách Hợp”. 

PHƯỢNG HOÀNG TỪ ÁI 


Phượng Hoàng Từ Ái là một Tu sĩ Công giáo có chức vị cao nhất trong hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam và Giáo hội tại La Mã, đó là Đức Hồng Y Phanxicô Xavie. Nguyễn Văn Thuận. 

Ngài sinh năm 1928 và lìa rừng ngày 16/9/2002, thọ 74 tuổi. Năm 1965, trong kỳ trại “ Tìm hiểu Phong trào HĐ ” do Đạo Thừa Thiên Huế tổ chức dành cho những công chức, giáo chức, sĩ quan, thân hữu; Đây là trại cơ bản, là nguồn cung cấp huynh trưởng cho Đạo Thừa Thiên Huế. Huấn luyện viên là những huynh trưởng kỳ cựu của Phong trào, trong đó có Giáo sư Nguyễn Văn Hai, LM Nguyễn Văn Thích, LM Nguyễn Văn Thuận, ( Nói về HĐ và thiên nhiên ). Trong dịp trại này, ông đã nhập rừng tại Cồn Tân Mỹ, quận Phú Vang. Thừa Thiên Huế, gần bãi biển Thuận An. Dự lễ nhập rừng này có Hồng Sơn Dã Mã, Cò yêu đời, Trâu cần, Sói mỏng tai, Đại Thử, Báo lém, Beo kiên chí, Hươu hiền lành, Chúa sơn lâm là Báo từ tốn Nguyễn Hòe, Đạo Trưởng Thừa Thiên. Cùng nhập rừng còn có LM Hoài, sau này là Đức Ông. 

Ngài có một bài thơ mà nhạc sĩ Đỗ Bá Công đã phổ nhạc và được Ca sĩ Khánh Ly hát rất ngân vang thánh thót : 

“Con có một tổ quốc 
Quê hương yêu dấu ngàn đời 
Con hãnh diện con vui sướng 
Con yêu non sông gấm vóc 
Con yêu lịch sử vẻ vang 
Con yêu đồng bào cần mẫn 
Một nước Việt Nam 
Một dân tộc Việt Nam 
Một văn hóa Việt Nam 
Một truyền thống Việt Nam” 


Tiếp đó giọng xướng ngôn viên BBC đượm buồn… 

“So với chức vị, Ngài mất đi ở tuổi quá trẻ, 74 tuổi, là một thiệt thòi lớn cho Việt Nam và cả thế giới thứ ba về việc bầu chọn Giáo Hoàng sắp đến. Ngài là một ứng cử viên sáng giá. Giáo Hội đang đổi mới, có xu hướng chọn một Giáo Hoàng ở các nước đang phát triển, Ngài là người thích hợp nhất…rất tiếc…” 

Đúng là rất tiếc, nhưng tôi không dám lạm bàn về cuộc đời mục vụ cực kỳ cao quý và tột đỉnh của Ngài, mà chỉ chấm phá vài nét về HĐS Nguyễn Văn Thuận. 

Từ năm 1953 Ngài đã thành lập Liên đoàn La Vang. Năm 1964 Ngài lập Thiếu đoàn Hoan Thiện và năm 1960 soạn cuốn “ Hướng Đạo Đại Cương ”, sách gối đầu giường cho những HĐS. 

Còn nhớ năm 1959 trong một buổi hội thảo về “Đường Thành Công” tại Trường Bình Minh Huế, có nhiều Tráng sinh lúng túng trong việc xưng hô, thì ông nói: Tôi đến đây nói chuyện “Đường Thành Công” trong tư thế của một HĐS, cứ gọi tôi là Trưởng. Vâng thưa Trưởng, sau chuyến chu du Âu Châu, Trưởng có ghé thăm các thắng tích của HĐ thế giới như Gilwell Park, Nhà lưu niệm BP, Trưởng đã truyền lại cho anh em những điều mắt thấy tai nghe về HĐ Thế giới, Trưởng đã thổi một luồng sinh khí mới cho Tráng sinh Thừa Thiên Huế, qua những buổi hội thảo về “Đường Thành Công” được tổ chức tại Trường Bình Minh Huế. 

Còn nhớ, một ngày nọ các Trưởng chức sắc của Châu Hải Trung cùng đi với Ủy viên Huấn luyện của Bộ TUV đến gặp linh mục Tổng Đại Diện Giáo phận Huế để xin dùng khuôn viên lăng mộ Cụ Ngô Đình Khả làm trại huấn luyện. Ân cần lịch thiệp, Trưởng tiếp đoàn không với tư cách vị Tổng Đại Diện mà là tình huynh đệ tương thân. Trưởng có đến thăm trại, tặng quà, dự một buổi lửa dặm đường. Chắc các Trưởng dự trại còn nhớ câu nói: “Khi nào anh em HĐ cần xử dụng chốn này thì cứ tự nhiên không cần phải xin phép lôi thôi”. 

Thông thường mỗi khi Đạo Thừa Thiên Huế có tổ chức trại Huấn luyện đều có mời Trưởng Thuận giảng khóa. Năm nọ mở trại “Tìm hiểu Hướng Đạo” được tổ chức tại bãi biển Thuận An. Giữa 60 trại sinh Trưởng Thuận say mê nói về thiên nhiên. Trưởng thao thao bất tuyệt chuyện trên trời dưới biển, chuyện đông tây kim cổ, trại sinh chăm chú lắng nghe quên cả giờ giấc. Trưởng trực thổi còi báo hết giờ, nhưng trại sinh nhao nhao xin giảng tiếp. Trưởng bảo: “Không được, HĐ giờ nào việc nấy, xin hẹn các vị dịp khác”. Sau đó tại Minh Nghĩa Đường, Trưởng Đoàn Mộng Ngô nói : “Bài giảng của Cha sâu quá, bao la quá…” 

“A. Trưởng Trâu cần, anh là Giáo sư chắc những lúc giảng dạy anh cũng cân nhắc trình độ học trò chứ. Các trại sinh hôm nay toàn là Thầy giáo, Cán sự, Kỹ sư, Bác sĩ, Đại Đức, Đại Chủng sinh…mình không thể nói như Dự Bị được”. Rồi Trưởng cười vui nói tiếp : “Mà hôm nay bên cạnh tôi có 2 vị đại tổ sư HĐ giám sát là Cụ Toại và ông Hai (1) đâu dám tơ lơ mơ”. 

Năm 1970, phái đoàn Liên đạo Thừa Thiên Huế trên đường về Sài Gòn dự họp có ghé thăm Ngài ở Tòa Giám mục Nha Trang. Ngài ra tận cửa đón tiếp ân cần, hỏi toàn chuyện HĐ, khi chia tay còn thân tặng mỗi Trưởng một cuốn Hướng Đạo Đại Cương vừa mới in xong. Tôi thật tình lấy làm thú vị khi thấy các Trưởng trọng tuổi gọi Cha và xưng con. Đối lại Người gọi Trưởng và xưng em. Thật dễ thương và đầm ấm. 

Khác với cuộc đời sáng chói của một tu sĩ (2), sinh hoạt HĐ của Ngài thầm lặng, không giữ trọng trách và không xông xáo đôi khi quá đà như các vị khác mà chỉ âm thầm rao giảng đạo của Cụ BP. Xin trích một đoạn văn mà Người đã viết từ năm 1960 : 

Năm 1938 có 3.305.149 HĐS trên Thế giới…Năm 1958 số Hội viên vụt lên đến 8.371.285 HĐS,(3) nghĩa là thêm đến 94 %, phải là một lối đào luyện thanh niên, thiếu nữ tuyệt hảo, một lý tưởng cao đẹp đã lôi cuốn và xây dựng bao tâm hồn… Trên nửa thế kỷ hoạt động, Phong trào HĐ đã lan rộng, gieo rắc ảnh hưởng tốt đẹp trên khắp Thế giới…” 



Ghi chú : 

1.Ông Nguyễn Văn Hai, Hiệu trưởng Trường Quốc Học Huế, Đại diện Giáo dục tại Miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần, về sau du học ở Pháp, đậu bằng Tiến sĩ Toán về làm Phó Viện Trưởng, kiêm Khoa trưởng Đại Học Khoa Học, Viện Đại Học Huế. Trong HĐ Ông là Đoàn trưởng có tên rừng là Sư Tử tinh khôn. Còn Cụ Lâm Toại là học giả, nhà giáo dục mới, Hội trưởng Hội HĐVN từ năm 1953-1955. 

2. Ngài là Vị Hồng Y sáng chói nhất ở Tòa Thánh La Mã, là người thường thuyết giảng cho Đức Thánh Cha và hàng Giáo phẩm ở Tòa Thánh nghe, là người được con chiên kính ngưỡng, các giáo sĩ nể trọng và Đức Giáo Hoàng quí mến. là Vị Hồng Y Việt Nam đầu tiên làm việc tại Tòa Thánh với trọng trách Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình… 

3.Tính đến cuối năm 2000 trên thế giới có 151 quốc gia chính thức có HĐ hoạt động với tổng số Đoàn sinh là : 28.405.408. Ngoài ra còn có 21 Lãnh thổ có HĐ 

Phạm Văn Nhơn – Sáo Huế
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét