Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Nhật ký hành trình Giúp ích dọc Tây nguyên

Huỳnh Tấn Thưởng. 

Sài Gòn lên, Buôn Mê Thuột đến, Đà Nẵng vào, chúng tôi hẹn gặp nhau tại Buôn Mê Thuột để thực hiện hành trình giúp ích dọc Tây Nguyên: Trung tâm lưu trú Terexa, làng cùi Ayunpa, trại Rạng đông Kontum… trong những ngày nghỉ lễ Tết dương lịch năm 2015. 

Một

THĂM XỨ VOI : BẢN ĐÔN 





Sáng ngày 02-01- 2015, Trưởng Nguyễn Văn Minh – Voi khờ, cùng quí Trưởng Huỳnh Quang Trí - Voi năng nổ, Huỳnh Phú Bé - Ngựa đảm đang, đón chúng tôi tại sân bay Buôn Mê Thuột , và đưa chúng tôi, Tr Đặng Vũ Giang - Nhím cần cù, Huỳnh Tấn Thưởng - Hà Mã điềm đạm cùng 4 trưởng HĐ, trước hết là về thăm Bản Đôn, một trong những địa danh nổi tiếng của núi rừng Tây Nguyên, nơi thuần dưỡng Voi rừng. 

Nép mình bên dòng Sêrêpốk hùng vỹ với thác 7 nhánh, Bản Đôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, dòng sông và những cánh rừng bạt ngàn. Chiếc cầu treo nối với nhau tạo nên nét độc đáo của Bản Đôn. Khi đêm về, âm thanh của dòng sông Sêrêpôk, tiếng thác reo, tiếng thở của cỏ cây, cùng tiếng gió của đại ngàn hòa quyện với âm thanh vang vọng của các cô gái Ê Đê, khiến cho chúng tôi cảm nhận về những Huyền Thoại Tây Nguyên, đang hiển hiện ở ngay Bản Đôn này. Bước lên ngôi nhà rông dài nhất Tây Nguyên, là chiếc cầu thang với biểu tượng về chế độ mẫu hệ, chiếc ghế K’Pan độc đáo, giúp chúng tôi có một cái nhìn toàn cảnh về bức tranh chân thực nhất với những nét văn hóa, luật tục độc đáo, cuộc sống và con người Êđê da nâu mắt sáng, hiền hòa. Cảm động nhất là câu chuyện VOI với NGƯỜI. Chuyện về chú Voi Pắk Kú với anh Nguyễn Trụ (GĐ TT Du lịch Bản Đôn) để cảm nhận sự yêu thương trân trọng của con người dành cho loài voi và những bằng chứng tội ác của việc săn trộm ngà voi. Voi với người rất thân thiện, anh nói “nó cũng có tình cảm như người, yêu thương giận hờn, nhưng thông minh”. 

Sau 82 ngày đêm chăm sóc hết sức mình, nhưng cuối cùng chú Voi Pắk Kú không thể ở lại với con người, do những vết thương bị nhiễm trùng quá nặng, mà bọn săn trộm ngà voi sát hại. 

Cách đây không lâu tôi đã nghe một cô gái Đà Nẵng gọi điện cho người bạn trai bảo rằng anh nhớ mua về cho em chiếc nhẫn làm bằng lông đuôi voi. Mọi thắc mắc giờ đã được sáng tỏ. Ừ thì ra là vậy! 

Chuyện kể rằng: ngày xưa có 1 đôi trai gái trong buôn làng yêu nhau thắm thiết, nhưng không đến được với nhau vì 2 bên gia đình có hiềm khích. Đôi trai gái quyết định bỏ đi thật xa khỏi buôn làng để được cùng chung sống với nhau. Nhưng dường như có lời nguyền ám ảnh, nên 2 vợ chồng cho dù cố gắng hết sức, nhưng cuộc sống vẫn chật vật thiếu thốn. Tình cờ lúc ấy, thần Voi Nguăch Ngual đi ngang, thấy thương tình, đã lấy 1 sợi lông đuôi của mình tặng cho 2 vợ chồng làm tín vật. Thần bảo vật này sẽ mang lại may mắn, bình an và hạnh phúc cho 2 con. Một thời gian sau, đôi vợ chồng trở về thăm buôn làng thì hay tin hai bên gia đình đã hóa giải được mối hiềm khích xưa. Từ đó họ sống với nhau hòa thuận và hạnh phúc. 

Truyền thuyết này từ đó mà lan rộng, ai ai cũng tin tưởng vào sự may mắn và bình an của chiếc lông đuôi voi. 

Một yếu tố nữa khiến lông đuôi voi trở nên nổi tiếng là nhờ sự chung tình của loài voi. Voi đực và voi cái cả đời chỉ có 1 bạn tình. Nếu không may bạn tình phải đi xa hoặc mất đi, voi sẽ "thủ tiết" đến cuối đời. Chính vì thế, chiếc lông đuôi voi còn mang ý nghĩa kết nối và tình yêu bền vững. 

Theo tín ngưỡng của người miền núi, người ta thường nhặt lông đuôi voi ở bãi cột voi, lông đuôi voi phải tự rụng ra từ đuôi voi, có nghĩa là đã được sự cho phép của thần linh. Tuyệt đối không được cắt hoặc nhổ, như vậy vừa làm yếu đi sức khỏe của voi, vừa xúc phạm đến thần linh, chiếc lông đuôi voi đó sẽ không mang lại may mắn, mà ngược lại sẽ đem lại phiền toái cho bạn. 


Hai.
TRUNG TÂM LƯU TRÚ TÊRÊXA 

Sáng 03/01/2015, rời Bản Đôn chúng tôi đến thăm TT Lưu trú Têrêxa - số 29 Trần Nhật Duật, tp. Buôn Mê Thuộc, do các Nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình xây dựng. Đây là nơi ăn ở, học tập, sinh hoạt của những trẻ em mồ côi trong các buôn làng nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Daklak, Daknông, Gia Lai, Kontum …do các Sœur dòng Nữ Vương Hòa Bình đảm trách với mục đích giúp cho các em có nơi ăn ở học tập văn hóa và trau dồi đạo đức nhân bản. Số 29 Trần Nhật Duật cũng là địa chỉ quen thuộc trong những công cuộc Giúp ích, đồng thời là nơi sinh hoạt, cắm trại, hội họp của Tráng sinh Đắc Lắc. 

Ba.
VỀ AYUNPA THĂM NHỮNG NGƯỜI ANH EM … 

Rời TT lưu trú Têrêxa, xe chúng tôi hướng về Ayunpa, một đoạn đường cơ cực cho xe, cho người. Hầu như hơn một nửa đoạn đường từ Buôn Mê Thuột đến Ayunpa là xấu nhất, chiếc xe dường như không chạy mà chỉ lắc qua, lắc lại, bò lên, trườn xuống, nghiêng qua, nghiêng lại, vì những ổ voi. Mà cũng đúng thôi trên xe là một bầy thú quý hiếm, có nguyên một cặp VOI (Voi năng nổ, Voi khờ), và Hà Mã ... Nhưng may mắn là dọc hai bên đường là rừng cà phê, tiêu, nối tiếp nhau, xanh mướt, thật đẹp. Qua khỏi trưa, chúng tôi mới tới được Thị xã Ayunpa và được các Trưởng trong Tráng đoàn IAPA đón chúng tôi. Bữa cơm chay tại Ayunpa xế trưa hôm đó ngon tuyệt diệu. 

Bốn.
ĐẾN NƠI YÊU THƯƠNG – 

Làng Phong (cùi) PLEI DMAK, GIA LAI. 


Sau cơm trưa, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường và về đến làng phong PLEI DMAK lúc 16g chiều ngày 03/01/2015. Các thành viên cùng mang một tâm trạng “ yêu thương” trong im lặng, để cảm xúc lắng xuống và gần gũi chân thành. Trưởng Minh Thượng, Huỳnh Phú Bé, Huỳnh Quang Trí, Đặng Vũ Giang, Huỳnh Tấn Thưởng, tay trong tay, với những bàn tay không còn ngón tay (bệnh nhân cùi). Anh Minh Thượng nói "Với các bệnh nhân phong, bạn hãy yêu thương chứ đừng cố thương hại, hãy cầm lấy những bàn tay không còn ngón (do vi trùng cùi phá hủy) của những người anh em ấy, họ sẽ vui thích hơn món quà bạn cho họ." 

Đường lên đến đây quá xa, nhiều khó khăn, ít có đơn vị đến chia sẻ nên khi gặp đoàn chúng tôi họ rất vui mừng, họ thấy gần hơn với cộng đồng. 

Năm.
VỀ VỚI TRẠI RẠNG ĐÔNG. 



Điểm cuối cùng hành trình dọc Tây Nguyên là chúng tôi về với người anh em Kon Tum, trong kỳ trại Rạng Đông, từ 3-4/1/2015, của LĐ Ngọc Linh - Đạo Đăk Bla - Kon Tum. Chúng tôi còn nhớ là vào tháng 5 năm 2014, anh em chúng tôi đến Kon Tum chia sẻ với gia đình Trưởng Phan Nhiều, và thăm các Trưởng. Rồi câu chuyện tâm tình xoay quanh ngọn lửa Hướng đạo, "Làm thế nào để phát triển phong trào trên quê hương nầy ?" 

Đêm nay bên ngọn lửa dặm đường, các anh rất vui khi Liên đoàn Ngọc Linh ngày một phát triển bền vững. Hiện đã có Bầy Sao Mai và Thiếu đoàn Bạch Đằng. Trong quí 1 năm 2015, sẽ ra mắt Tráng đoàn. 

Liên đoàn Ngọc Linh - Đạo Đăk Bla, đang có một bước đi vững chắc. Hoan hô các anh. Chúc các anh vững tiến.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét