Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Những trang tư liệu ngày xưa


Lời BBT

Kể từ VT. Số 10, chúng tôi tăng cường thêm “ Những Trang Tư Liệu Ngày Xưa” để quí Trưởng và anh chị em cùng tham khảo và có một cái nhìn về những ngày đầu xây dựng Phong trào ở Việt Nam. Trang tư liệu này sẽ do Trưởng Sơn Dương nhanh nhẹn, một nhà nghiên cứu trên nhiều lãnh vực phụ trách.


Những tài liệu mà chúng tôi gởi đến quí Trưởng lần này là những tư liệu được viết bằng tiếng Pháp, từ những năm 1935-1940, do Ông J-H Cardona đã sao chụp và gởi cho Trưởng Sơn Dương để chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bài dịch dưới đây được trích trong tập sách có tựa đề “Premiers Pas Sur La Piste – Fédération Indochinoise de Scoutisme – Manuel de L’Aspirant, p.13-17" –


(Những Bước Đường Đầu – Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương – Cẩm Nang của Tân Sinh, trang.13-17.)
                                           sonduongnhanhnhen


            
         

CÁC TIỀN NHÂN CỦA HƯỚNG ĐẠO SINH ĐÔNG DƯƠNG

Bạn có mơ ước trở thành người hiệp sĩ giống như hiệp sĩ Pháp, hiệp sĩ Việt Nam, hay như hiệp sĩ Cao Miên? Các hiệp sĩ "hành trang vỏn vẹn chỉ có thanh kiếm và ống sáo, băng ngàn vượt núi", hành tung bất định.  Người hiệp sĩ trừng phạt những kẻ áp bức, giúp đỡ những người yếu đuối. Họ ẩn danh làm việc tốt, cho dù phải hy sinh họ vẫn tươi cười.


Hướng đạo sinh ngày nay chính là các hiệp sĩ của ngày xưa.  Danh dự đối với họ rất là cao trọng và họ không bao giờ trộm cắp hay nói dối.  Họ thà phải bỏ mạng chứ không khuất phục làm một hành động thấp hèn. Họ luôn sẵn sàng chiến đấu cho đức tin hay danh dự của họ và là những trung thần.  Cùng với đồng đội của mình, họ sát cánh với đội trưởng và đội phó, cùng đồng tâm, hiệp lực trong mọi hoàn cảnh; giữ gìn sức khỏe, luyện tập thể lực để luôn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.  Họ dùng chính tài sản của mình để tương trợ kẻ bần cùng, luôn giúp đỡ mọi người, cư xử thật tử tế với phái nữ, với người bệnh tật, và biết kính trên nhường dưới.  Họ chỉ dạy cho các con trai của họ biết dùng vũ khí, biết đến thiết xa, biết đọc sách vở, và khắc sâu trong tâm khảm chúng tám nguyên tắc "LÀM NGƯỜI"

lòng hiếu thảo,
tình anh em,
tính trung thực,
sự chân thành và tin tưởng,
lịch sự,
trách nhiệm, công bằng và hào hiệp,
khách quan,
biết xấu hổ.
Khi trưởng thành, người con quỳ xuống để người cha đeo thanh kiếm trên lưng, đôi khi người cha còn xâm một ký tự trên cánh tay hay vai của con và huấn dụ con với những lời tâm huyết cuối cùng.
Hành trang với ống sáo và vài cuốn sách yêu thích, chàng trai trẻ ấy đã lên đường đi tầm sư học đạo và bắt đầu cuộc hành trình của chính mình.  Khi đã tìm thấy được đúng thầy, thường ở các hang động hay ngôi nhà nhỏ ở các vùng núi non.  Chàng trai ở đó năm năm, mười năm, đôi khi nhiều hơn để thực tập các đức tính của thầy; noi gương thầy, văn ôn võ luyện không chểnh mảng và luôn đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất. Cho đến khi chàng trai chứng minh mình đã đủ bản lãnh để hành hiệp, thì người thầy sẽ làm nghi lễ “hạ sơn - xuống núi”.  Trước sự chứng kiến của tất cả học trò (thường là ba hoặc bốn), chàng phủ phục trước mặt thầy; người thầy sẽ đặt lên vai chàng bảo vật như thanh kiếm hay dao găm, và chàng thề rằng luôn luôn sống xứng đáng.  Sau khi được đỡ đứng dậy, tràn ngập những suy tư , chàng nhìn về chính điện của thầy, và rồi nhìn xuống đất nơi mình đang đứng, chàng tự hứa với bản thân: “Các bổn phận của tôi được gói trọn trong vũ trụ này."
Như thế, chàng bắt đầu một cuộc hành trình vô định.  Chàng trừng trị: những kẻ áp bức và hà hiếp dân; các chủ nợ bóc lột và ăn chặn dân lành. Hành động hào hiệp, trượng nghĩa của chàng “Hiệp Sĩ” được khắc ghi trong lòng mọi người, mặc dù chẳng một ai biết đến tên chàng.   Mãi đến một ngày kia, Tổ Quốc cần đến chàng.
Lịch sử vẫn kính cẩn nhắc đến Phù Đổng Thiên Vương, sự hy sinh cao cả của Lê Lai, xả thân quên mình của Le-Phan-Quan….
Hướng đạo sinh Đông Dương, họ sẽ làm gì tốt hơn để theo bước chân của các hiệp sĩ Việt Nam, Cao Miên và của Pháp.

 LÀM NHỮNG VIỆC TỐT

Một trong những nguyên tắc lớn nhất trong cuộc sống của họ là mỗi ngày làm một việc tốt cho một người nào đó; và nó cũng là một quy luật của hướng đạo sinh. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy nhớ rằng bạn cần làm một việc gì đó cho một người nào đó trong ngày. Hãy đánh dấu bằng cách thắt một nút trên chiếc khăn tay hay cà-vát của bạn; và khi bạn đi ngủ vào ban đêm, hãy nghĩ đến người mà bạn đã làm việc tốt đó.

KĨ NĂNG CỦA HƯỚNG ĐẠO ĐÔNG DƯƠNG


Bài viết này trích trong báo  “CHEF, REVUE MENSUELLE, ORGANE OFFICIEL DES CHEFS DE LA FÉDÉRATION INDOCHINOISE DE SCOUTISME” –
(“Báo TRƯỞNG, phát hành hàng tháng, Cơ quan chính thức của Trưởng thuộc Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương”– số 2, tháng 11, năm 1937. ) 

DÀNH CHO THIẾU ĐOÀN

 
"Mỗi khu đất trại đã được hoạch định, sắp xếp rất chu đáo, đường dẫn đến trại cũng cao hơn và cứng cáp chắc chắn hơn nhiều so với những gì tôi đã thấy trước đây. Nhiều “nam trại sinh” lần đầu đi trại họp bạn quốc tế từ Mễ Tây Cơ, Trung Quốc, Nhật Bản, Venezuela, .v.v... đã có mặt; tuy mới nhưng chẳng hề thua kém các trại sinh khác trong việc dàn dựng đất trại của mình. Thật vậy, các trại sinh Nhật Bản đã làm nổi bật đất trại với công trình dựng trại bằng tre”.

                             B. P. Perspective on the Jamboree.
                             Báo Scouter tháng 9 năm 1937

            Đó mới đúng là một kĩ năng của người HĐ Đông Dương. Khó mà tưởng tượng một hướng đạo sinh đang cắm trại ở đây với cái lều nhập từ Mỹ, túi xách ở Na Uy, một dây thừng không biết nơi xuất xứ, đang nấu nướng theo sách chỉ dẫn cho trẻ em bằng tiếng Pháp, nghe nhạc ngoại quốc, nút dây thắt rành rẽ.  Hẳn nhiên, các vật dụng thì rất tốt, nhưng lại quên đi một điều là không tìm hiểu về khí hậu của Đông Dương và còn là lỗi lớn: vừa tốn tiền và không thích hợp hòa lẫn với thiên nhiên, rừng rú.

Đây không phải là làm cho các em trở về sống thời kỳ trước khi BP lập phong trào, lúc đó các em trai phải tập sống trong rừng với các phương tiện như người ở rừng. Ở Đông Dương, vẫn có những người rất thạo về rừng, họ sống ở trên rừng hay ngay cả ở vùng đồng bằng, nhưng họ biết dùng khả năng tận dụng tất cả những gì họ có.  Từ những nút làm bằng dây leo, mây tre và dây thừng, sợi dừa, các nút đặc biệt dành cho các nguyên liệu thô. Người HĐS có bản lãnh không thể chỉ dựa trên vòng dây mang trên vai mình, nhưng phải biết dùng tất cả những thứ chung quanh mình.

Một ngày kia, khi trên đường đến Bạch Mã, tôi thấy một anh khuân vác có sợi dây bị đứt, anh ta vội đi vào bụi rậm gần đó và trở lại với sợi dây nhỏ đã được bện xoắn trong tay. Một phút sau, anh đã thắt nút, cột chặt kiện hàng và bắt kịp các người bạn phía trước.  Với một chút ganh tỵ, tôi đã quan sát xem anh ấy đã thắt những nút gì và thật mắc cỡ là tôi đã không biết cái nào cả. Bắt chước thực tập trong 10 phút, tôi thất vọng là chẳng làm được gì, chẳng qua tôi chỉ làm được vài nút thông thường trên nhánh dây leo. Trên sông Đà, một trường hợp tương tự như vậy đã xảy ra với tôi. Người bạn Mường không có dụng cụ nấu nướng, ấy thế mà lại ăn trước và ngon lành hơn tôi, một hướng đạo sinh với đầy đủ mọi thứ trong ba lô.

Chúng ta có nhiều cơ hội hơn so với những người không thạo về rừng. Với tôi, phong trào hướng đạo khởi sinh từ các thuộc địa và rồi lan tới Âu châu, không chỉ dạy chúng ta dùng những phương tiện của phương Tây, nhưng điều quan trọng là phải biết ứng biến.

Nếu bạn đồng ý rằng anh em hướng đạo một nhà, thì đây là những gì chúng ta cần phải giải quyết. Mỗi người trong chúng ta cần phải trau dồi, học hỏi về nút dây, vật liệu, dụng cụ, các bài hát, cách ứng biến hay mẹo vặt của người dân hay của người thiểu số quanh mình; rồi gởi các thông tin hay bài viết đến cho các trưởng đang trong chương trình thăng tiến đẳng cấp, để còn chuyển dịch hay phổ biến khi cần.

Để bắt đầu, chúng ta cùng học:

“Hướng đạo sinh và các bụi tre”

Trong các khu rừng ở những thung lũng, dọc theo các con sông, trải dài vùng đồng bằng bao la bát ngát, tre dường như được sinh ra để dùng trong mọi ngành nghề. Chúng ta phải biết tận dụng tài nguyên tuyệt vời này, nhưng không phá hoại các bụi tre đẹp đẽ đó; không nổi lửa nếu chưa dọn sạch các lá khô phủ đầy chung quanh; không được cắt các măng tre, chồi non nếu chưa thật cần thiết.
Hãy để cái rìu, cái búa chặt cây qua một bên mà hãy dùng con dao phay.

Vật dụng – Cây gậy của bạn bị hỏng, hãy cắt 1 cây tre. Tốt hơn hết là chọn những cây tre đực, nhỏ gọn hơn, rất bền, và đường kính hợp lý. Cây dài 160cm, bắt đầu và kết thúc ở các mắt tre.

Tre còn được dùng làm khung rất tốt cho những tán lá để làm những mái nhà.  Bạn còn có thể đan lại làm những thúng, gùi đựng cứng rắn. Nếu khéo léo, bạn kết làm 2 lớp che bên ngoài áo, cho dù mưa trút nước, áo bạn vẫn khô ráo.

Người vụng về cũng có thể làm một cái khung cho cái túi đơn giản.  Anh Cò (Raoul Serène) cũng đã vẽ cho tôi một mẫu rất đẹp. 

Khi bạn mất cái còi thì một loại tre, Trúc, có thể thay thế nó. Nếu vội phải dùng còi, thì hãy tìm lóng có mắt gỗ và thổi vào với hơi ngắn dài khác nhau: tiếng còi sẽ nghe sâu hơn và ngọt hơn, nếu lóng dài, âm thanh sẽ truyền đi xa hơn.

Một loại tre khác, Nứa, nếu phạt chéo cho nhọn thì sẽ trở thành một vũ khí đáng sợ, ngay nhà hổ cũng phải gờm. Loại Vầu thì thiệt tốt để làm cung, nỏ hay ống thổi. Mũi tên thì thẳng tự nhiên dễ dàng xuyên thủng.  Các gai nhọn của tre thì đâm qua áo quần, cản trở người săn đuổi. Tre còn được dùng làm vỏ bọc ngoài cho dao và rìu. Trang trí bên ngoài cho các vỏ bọc này thì dễ vô cùng, chỉ cần dùng dao cạo đi lớp vỏ xanh bên ngoài. Cứ nhìn xem các món đồ làm bằng tre từ Vinh; nếu muốn có những hàng kẻ đen, bôi đều một lớp sáp, sau đó khắc bỏ lớp sáp đi những chỗ nào muốn làm đen, và rồi đốt ám khói.
  
Dây thừng làm bằng tre thì rất bền dai, chỉ có một khuyết điểm là hơi cứng; đó cũng là lý do tại sao phải biết dùng các nút dành riêng.

Loại tre Rang thì khỏi chê khi dùng để nối dài, đầu này với đầu kia, hãy dùng nút tháp cây như đã trình bày trong báo HĐ Thẳng Tiến số 3.

Cắm trại – Trong rừng rậm với nhiều dã thú, nhà sàn là nơi tốt để nghỉ qua đêm. Ngay cả các con báo cũng không trèo được cây tre.  Bạn có thể dựng một nơi tạm trú cho 2 người hay một cái nhà cho cả 30 người trong vòng nửa ngày, như đã thấy ở trại họp mặt Lam Sơn ở Thái Bình.  Rất dễ để làm sàn ngang cả 8m với tre và đất.  Những bức vách thì dùng Nứa đan bện lại. Để làm mái nhà thì dùng ống tre đã xẻ đôi theo chiều dọc, lợp lớp đầu với tre ngửa lên; sau đó lại lợp lớp kế tiếp lên trên với tre ụp xuống, xen kẽ. Mái nhà của người Thượng ở Cao Bằng đã được lợp theo kiểu này và bền biết bao. Điều nên lưu ý:  phải có một lớp đất để phân nhiệt và phòng cháy nơi đặt bếp núc nấu nướng. 
Hàng rào dùng tre Nứa-Tép hay Hóp sẽ chống kẻ lạ xâm nhập vì các loại tre này cắt bén như lưỡi dao cạo. Dùng tre Nứa làm dao thì khỏi sợ con mãnh thú nào.

Tre còn được dùng để trang trí nội thất, bàn ghế, giường, kệ.

Tre mỏng đổ nhựa vào hay chỉ đơn giản đánh dập một đầu có thể dùng như ngọn đuốc.  “Buông”, loại tre lớn, làm xô múc nước không tốn kém gì mà lại bảo đảm không thấm nước. Có thể dùng Buông để mà nhấn lưới cá cho sâu xuống. Không nên dùng những cây tre đã ngâm lâu trong nước vì sẽ có mùi hôi thối.

Nấu nướng – Cắt một cây Nứa xanh.  Giữa các lóng tre đã có đầy nước sạch, chỉ cần bỏ gạo, thịt và rồi nấu trên than hồng. Cái ấm nước thiên nhiên đó, chẳng được nấu bao giờ, lúc nào cũng có đầy nước.  Nhớ thay đổi ấm mới sau mỗi lần dùng.  Làm như thế khi muốn có nước nấu lên và rất là sang khi phải dùng ấm nước mới cho mỗi buổi sáng.  Tre còn dùng xiên thịt để nướng. Tre còn được dùng làm ống thuốc lào, nhưng người hướng đạo sinh thì không hút thuốc. 

Không nhặt những cây tre đã ngã nằm xuống đất làm củi vì có nhiều độ ẩm ướt.  Hãy chọn ở những bụi tre mà cây đã chết gốc, thân cây chết khô nhưng cây không ngã đổ.  Dùng lá tre khô để làm mồi đốt lửa thì nhạy bén vô cùng.

Nếu thực phẩm bi thiếu hụt, măng tre là một loại rau tuyệt với, có dinh dưỡng và có thể nấu nướng như sau. Một số măng đắng, luộc hai lần. Măng tươi, sấy khô hoặc ướp muối đều ăn được cả. Một công thức chế biến “Rưa góp” dùng: măng non xắt nhỏ, muối, tiêu, gừng, chanh, và nếu được thêm tí xíu đường.  Chồi non của loại tre trúc (tre Mandarin) có thể dùng như sà-lách.

Thuốc men – Cảm hàn: dùng lá tre sắc thuốc; hít hơi thuốc sắc và uống một hay hai ngụm thuốc.
Ho: nướng một ít chồi non, ép lấy dung dịch và uống.

Âm nhạc: tôi không cần phải nói, bạn cũng dư biết rằng có thể làm nhiều loại sáo tre với tất cả âm hưởng.

Cuối cùng, thánh hiền nói cây tre đã dạy cho chúng ta bài học về ngay thẳng, trung kiên:  “Thậm chí bị đốt cháy, cây tre vẫn đứng thẳng.”       

                                                   HỔ SỨT




Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét