Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

Trưởng ơi?

Sóc tử tế 

- Em chào Trưởng. 

- Trưởng chào ..Trưởng. 

- Trưởng làm em ngượng quá! 

- Có gì đâu mà ngượng, em chào tôi là Trưởng, rất chí lý, vì tôi đã từng dẫn dắt em từ một Tân tráng đến Dự trưởng và hiện nay đã là Trưởng thực thụ của một đơn vị, là đồng đội của Trưởng rồi. Tinh thần biết trước biết sau như thế là rất quý giá đối với một Trưởng HĐ. Còn tôi chào em là Trưởng cũng rất chính đáng và phải lẽ, vì hiện nay em đã trở thành Tráng phó của một đơn vị. 

- Dạ em biết rồi nhưng cũng thấy sao sao ấy. 

- Cứ thế cho quen, quan trọng nhất là tấm lòng chứ không phải ở ngôn từ, câu chữ (nói dzậy mà không phải dzậy). Thế hôm nay em đến đây có việc gì phải không? 





- Trưởng tài quá. 

- Tôi biết em rất quý thời gian, nên mất thời gian đến tìm tôi chắc là có vấn đề. Có gì thì cứ tự nhiên. 

- Dạ thưa Trưởng, vừa qua ở Tráng đoàn em có tổ chức lễ lên đường cho một Tráng sinh... 

Tôi chen vào: 

- Tổ chức lên đường là chuyện thường ngày ở huyện có gì đâu mà tâm trạng. 

- Dạ cũng có một vấn đề tuy nhỏ thôi, nhưng cũng làm em ray rức, suy nghĩ mãi mà không dám nói cùng ai! 

- Chuyện gì mà ghê thế ? 

- Dạ trong lễ lên đường vừa rồi, Trưởng bảo huynh của Tráng sinh lên đường đòi anh Tráng trưởng để cho Trưởng ấy trao gậy nạng cho Tráng sinh lên đường… 

- Như thế có gì là ghê gớm đâu. 

Em Tráng phó ngắt lời tôi. 

- Dạ tại vì Tráng trưởng không chịu, bảo là quyền của Chủ lễ. 

- Thế cũng có gì quan trọng đâu. 

- Dạ là tại vì ‘hậu lên đường’ có nhiều tranh cãi qua lại, đúng – sai, làm bầu khí nóng lên. Cái khó là Trưởng bảo huynh cũng là một trưởng có đẳng cấp, nên em không biết tin vào ai. 

- Nếu không tin được ai thì cứ tin vào sách vở, tin vào nội qui, điều lệ, nghi thức thôi. 

- Theo ý Trưởng là sao ạ ? 

- Em là Phó tráng trưởng, em đã đọc cuốn “ Đường thành công chưa” ? 

- Dạ đọc rồi. 

- Trong Đường thành công BP có nói gì về lễ lên đường không . 

- Dạ sau khi nêu lên 5 tảng đá ngầm hiểm trở, Cụ có đề cập đến Tráng đoàn, nhưng em không thấy Cụ nói chi tiết về lễ lên đường ạ. 

- Đúng, Em nhớ như thế là rất chính xác, điều đó rất cần thiết cho một Tráng trưởng sau này. Thế em đã đọc cuốn “Cẩm nang Tráng trưởng” của G.G. Pursis do Trưởng Phạm Quốc Thuần dịch chưa? 

- Dạ em chưa có cuốn đó. 

- Em cố gắng tìm đọc, nếu cần đến Trưởng cho mượn đi phô-tô. Trong cuốn sách này, tác giả có nhắc đến lễ lên đường, nhưng cũng nói sơ về ý nghĩa lên đường, chứ cũng không có qui định gì về Lễ lên đường. Ngoài ra thì em phải tìm đọc cuốn “Gửi Bạn Tráng sinh” của Trưởng Nguyễn Văn Thuất nữa. 

- Em có rồi nhưng chưa có thời giờ để đọc. 

- Đây cũng là một tài liệu em cần đọc. Trong đó Trưởng Nguyễn Văn Thuất cũng có viết về lễ lên đường, nhưng cũng hoàn toàn theo “Nghi thức HĐVN năm 1964”. 

- Sao các sách đó không đưa ra qui định lễ lên đường hả Trưởng? 

- Ai dám đưa ra. Chỉ có Hội HĐ Quốc gia, qua Hội nghị Huynh trưởng, mới có thể đưa ra những nội lệ, nghi thức mẫu cho các đơn vị trong hệ thống của mình mà thôi. Và đây cũng chỉ là những mẫu mực chung để các đơn vị tùy theo sáng kiến, hoàn cảnh, môi trường văn hóa địa phương mà tạo nên những sáng kiến, những khác biệt. Đó cũng chính là ý kiến của Thủ Lĩnh Baden Powell. 

- Như vậy Tráng đoàn phải theo qui chế và nghi thức của ngành Tráng phải không Trưởng ? 

- Chứ còn gì nữa. 

Nghe thế, em Tráng phó mới rút tập nghi thức ra và nói : 

- Dạ em cũng có cuốn “Quy chế, Nghi thức, Sổ tay ngành Tráng” đây Trưởng. 

- Thế em dở ra xem đi. 

- Dạ đây Trưởng, điều 22 - Nghi thức Lên đường. 

- Em đọc đi. 

Tráng phó cao giọng đọc chậm rải. 

- “Cốt lõi của nghi thức lên đường đánh dấu sự trưởng thành của tráng sinh đã hoàn tất việc rèn luyện theo chương trình huấn luyện Dự tráng... Người Tráng sinh sẽ long trọng nhắc lại Lời hứa HĐ, và Trưởng Chủ lễ sẽ trao Huy hiệu RS, tua vai 3 màu, gậy nạng...nên về hình thức không cần phải cứng nhắc theo một khuôn mẫu, tuy vậy phải tổ chức sao cho trang trọng, ấn tượng. 

Dưới đây là một đề nghị theo qui chế 1964.” 

Đến đây tôi mới ngắt lời em. 

- Đó em thấy chưa, Tráng trưởng là Chủ lễ, theo nguyên tắc không ai được quyền xen vào. Thế nhưng Trưởng hỏi em, để tạo dấu ấn cho Tráng sinh lên đường, trong trường hợp có một Trưởng cấp trên tham dự, hoặc có bảo huynh, Tráng trưởng cầm gậy nạng trao cho Trưởng cấp trên đó, hoặc cho bảo huynh, để nhờ Trưởng đó trao lại cho Tráng sinh lên đường có được không nào. 

- Dạ chắc được . 

- Được chứ chắc gì nữa. Sau khi Chủ lễ trao một vài món như RS, Tua vai...anh cũng có thể nhờ các Trưởng khác, thay mặt anh trao tiếp những thứ còn lại như gậy nạng, ba lô, tặng vật... Dù ai trao cũng thừa lệnh Chủ lễ mà trao thôi. Có gì đâu mà ầm ĩ. 

- Thưa Trưởng là vì một phần Trưởng bảo huynh đòi được trao gậy nạng, một phần là Trưởng Chủ lễ không chịu, nên sau đó lời qua tiếng lại, đúng đúng sai sai, làm mất bầu khí thân thiện, huynh đệ. 

- Theo Trưởng nghĩ thì chắc không ai đòi, vì lòng tự trọng của một Trưởng hướng đạo chân chính, làm sao đòi cái việc không phải của mình. Còn Tráng trưởng có lẽ cũng vì xét nét sao đó mới không nhường việc trao gậy cho bảo huynh. Có mất mát gì đâu. Theo suy tư của Trưởng thì chuyện nóng này không thuộc về phạm trù đúng sai, mà lại thuộc về phạm trù giao tế. Khi thương quả ấu cũng tròn... mà. 

- Dạ em cũng thấy rồi. Em xin cám ơn Trưởng. Chào trưởng em về. 

- Em hãy nhớ lời dạy của BP “Anh nên mở ít nhất một con mắt (để quan sát), hai lỗ tai (để lắng nghe), và toàn trí của anh để suy xét” ( ĐTC trang 185 ). 

Thôi uống tạm ly nước rồi về. 



Sóc tử tế.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét