Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Tưởng nhớ Trưởng Ngô Văn Phương

(GẤU ĐIỀM ĐẠM) 

NGUYÊN ĐẠO TRƯỞNG ĐẠO PHONG CHÂU. 


Hôm nay ngày 15-4-2014, nhằm ngày 16 tháng 3 năm Giáp Ngọ, ngày lễ “tốt khốc”, cúng 100 ngày của Trưởng Ngô Văn Phương, nguyên Đạo Trưởng Đạo Phong Châu, chúng tôi xin được thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến Trưởng, một ân nhân của Tập san Vững Tiến Miền Trung. Sau khi đọc được tập san Vững Tiến số 1, (tháng 6-2011) Trưởng Ngô Văn Phương, đã gọi điện động viên chúng tôi : “Chúng ta hãy mạnh dạn làm được gì có ích thì ta cứ làm, đừng sợ lời thị phi”. Và tiếp đó Trưởng đã trở thành ân nhân của VT, qua “những bước chân đồng hành tiếp sức”.


Trưởng Ngô Văn Phương (Gấu điềm đạm), sinh ngày 22-2-1931, tại Cái Răng huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Trưởng đã sinh hoạt HĐ từ những năm 1941-1945. 

Tháng 4-2000 Trưởng trở lại sinh hoạt tại Liên đoàn Trương Định, và thay thế Trưởng Võ Văn Sương, trong trách vụ Liên đoàn trưởng từ ngày 2-11-2000. Đến ngày 6-11-2006 Trưởng thành lập Đạo Phong Châu, với 2 Liên đoàn Trương Định và Đông Đô. Sau 10 năm sinh hoạt, Trưởng tạm nghỉ và lo in sách báo. 

Trưởng là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà doanh nghiệp. Tên khai sinh là Ngô Minh Ngọc, bút hiệu là Trần Việt Hải, bí danh là Lê Bạch Sơn. Trưởng Gấu điềm đạm Ngô Văn Phương đã lìa rừng lúc 22 giờ 30 ngày 6-1-2014, nhằm ngày 6-12 năm Quý Tỵ. Hưởng thọ 83 tuổi. 

Trong sách “Có những Hướng Đạo sinh như thế”, Trưởng Phạm Văn Nhơn đã viết một bài riêng cho Trưởng Ngô Văn Phương với tiêu đề : “Một đam mê dễ thương”. Trưởng Nhơn đã viết : “Hình ảnh một Trưởng già kiên nhẫn, miệt mài với lý tưởng HĐ, thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ và trân trọng !” 

Còn Trưởng LT Nguyễn Thúc Tuân đã tặng Trưởng Ngô Văn Phương một bài thơ thất ngôn bát cú với tiêu đề “Một cuộc đời” kèm lời nhận xét như sau : “Tôi thấy sức chịu đựng của anh thật phi thường, tinh thần lạc quan, và tự tin là kỳ diệu”. 

Thủy chung trọn vẹn quá đi thôi, 
Kháng chiến bao năm hết nửa đời, 
Rừng núi, chiến khu đà nếm đủ, 
Công khai bí mật vượt qua rồi. 
Doanh thương thất bại không nao núng 
Cuộc sống gian nan vẫn một lời. 
Thiên Mụ, Hương Giang từng mến cảnh 
U Minh, Sa Đéc, biết bao nơi. 

Thanh Tâm ( 12-9-2009) 

Trưởng Trần Đông Giang, LT Trần Văn Hồng, cũng đã tặng Trưởng mấy vần thơ qua bài: “Từ Sông Hương đến Sông Hậu” 

Từ Huế tung bay cánh tuyệt vời, 
Tang bồng hồ thỉ rộng phương trời 
Sông Rồng gặp bạn cùng tâm huyết 
Núi Phụng nghe chuông độ cõi đời 
Gội sạch thù hằn xuyên đất nước 
Mưu cầu hạnh phúc khắp cùng nơi 
Neo thuyền , gác kiếm chờ trăng gió 
Khắc một vần thơ đậm chử thời. 

Trần Đông Giang ( tháng 12-2009) 



Nhân dịp lễ “tốt khốc” 100 ngày Trưởng lìa rừng, chúng tôi xin đăng bài “Tình Huynh đệ trong Hướng đạo” của Trưởng, trích trong tập sách “Mười năm Đạo Phong Châu” do Trưởng biên soạn, để anh chị em chúng ta cùng đọc. 

VT.MT

---000---

TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG HƯỚNG ĐẠO 

Ngô Văn Phương 


Tôi là một trong những thành viên của kỳ trại trường, được dịp chứng kiến sự có mặt đông đủ của trên 50 khóa sinh trong kỳ trại trường, với nhiều sự kiện diễn ra, đ• dấy lên trong lòng tôi sự xúc động và cảm phục.

Từ khắp các vùng miền của đất nước, các Huynh Trưởng cùng tề tựu về nơi đây, mỗi người một nghề nghiệp, một hoàn cảnh và tuổi tác cũng khác biệt. Có chị là giáo viên, có anh là bác sĩ, có em là công chức, có em còn là sinh viên đại học. Có anh từ miền Tây nguyên xa xôi…

Không phải ai cũng dễ dàng rời xa gia đình, thu xếp công việc trong thời gian không phải là ngắn. Không phải ai cũng rảnh rỗi về thời gian và dư thừa tiền bạc để đi dự kỳ trại trường của Hướng Đạo, khi mà ai cũng đều biết rằng, không hứa hẹn gì cho các trại sinh sẽ nhàn hạ như một kỳ nghỉ dưỡng hay một chuyến du lịch tham quan… Trái lại, đó là những ngày trại dày đặc các tiết mục huấn luyện đòi hỏi ở mỗi khóa sinh một tinh thần chấp nhận huấn luyện thật cao, thật gian khổ với nhiều cố gắng, quyết tâm.

Vậy động lực nào đã thúc đẩy, tác động để chúng ta gặp nhau ở đây, nếu không phải vì lòng yêu thương trẻ em, niềm tin tưởng và nỗi đam mê đối với phong trào Hướng Đạo, cộng với niềm vui được sống chan hòa trong tình Hướng Đạo ấm áp, thiêng liêng và thấm đậm tình người.

Thật vậy, cuộc sống riêng tư của các Trưởng hôm nay chắc vẫn còn nhiều khó khăn về nhiều phương diện, nhưng các bạn đã có mặt, có mặt đúng hẹn, đúng giờ… với tinh thần “Sắp Sẵn”, vui tươi hăng hái và trẻ trung. Mỗi bạn là một tấm gương sáng, khi nhìn vào tấm gương ấy, tôi không tránh khỏi cảm giác bồi hồi xúc động.

Không ai trả lương cho Hướng Đạo, không hề có kinh phí hoạt động, các điều kiện vật chất để một đơn vị Hướng Đạo tồn tại. Đều là tự lực, tự lo, không ai khuyến khích, cũng chẳng ai tặng bằng khen cho các hoạt động nỗ lực của bạn vì các thế hệ hôm nay và mai sau. Vì vậy, nhìn các bạn mà tôi thầm nể phục và yêu mến, những người bạn trẻ còn đang đến trường, những người còn bề bộn với sinh kế gia đình và cả những bạn đến đây với những vết hằn của bao năm tháng vì tuổi đời chồng chất.

Dĩ nhiên, tôi có thể hiểu bạn, vì chúng ta có một điểm chung như đã nói, đó là lòng yêu thương trẻ em và sự tin tưởng vào phương pháp giáo dục của Hướng Đạo sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho con em chúng ta. Vậy đã đủ chưa?

Tôi nghĩ, còn một yếu tố nữa, đó là tình huynh đệ trong Hướng Đạo. Dường như mọi khoảng cách về tuổi tác, mọi khác biệt về tôn giáo,về nghề nghiệp, về sự giàu nghèo, đã không còn ý nghĩa gì. Khi chúng ta có cùng một mục tiêu đó là hướng về trẻ em với một tinh thần Hướng Đạo trong sáng… Và tôi tin tưởng về một ngày mai, Hướng Đạo Việt Nam được chính thức công nhận là một thành tố tham gia tích cực vào quá trình xã hội hóa giáo dục theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong sự nghiệp trồng người.

Ngày ấy, lịch sử Hướng Đạo Việt Nam sẽ không quên sự đóng góp thầm lặng của những Hướng Đạo sinh hôm nay… Trong đó, có những thành viên của kỳ trại trường lần này với tình Hướng Đạo bền vững và sâu đậm


TP Hồ Chí Minh,ngày 15/09/2005
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét