Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Vài suy nghĩ về vấn đề trải nghiệm trong giáo dục

Thân Thị Kim Cúc 


Hoạt động Hướng đạo, thông qua trò chơi, thực hành các bài học để rèn luyện kỹ năng sống…thực chất là nhắm vào mục đích giáo dục con người. 

Xã hội đòi hỏi những con người tốt, có ý thức cộng đồng cao, phát huy “cái riêng tư” (privacy) nhưng không ích kỷ, tham lam và bàng quan trước những bất công trong xã hội. 

Không ai vừa lọt lòng mẹ đã có kỹ năng sống và có kinh nghiệm trong xử lý mọi việc! Trải nghiệm sẽ giúp con người biết phải làm gì khi gặp lại sự cố cũ mà không gặp phải một cản ngại nào.

Một người vô ý bị điện giật nhẹ, anh ta biết rõ hơn là muốn chạm vào điện phải có vật cách điện. 

Một người không thể tự nổi trên mặt nước sẽ rút ra kinh nghiệm là dứt khoát phải biết bơi lội!

Có một câu chuyện xảy ra ở Mỹ: 

Một cặp vợ chồng đưa đứa con nhỏ đi chơi thuyền. Đứa bé rất nghịch ngợm, tự nhúng đầu vào dòng nước chảy ngược hướng đi của thuyền và như thế đứa bé có thể bị nước cuốn trôi. Cặp vợ chồng đó không hề can thiệp hay la rầy con mình mà cứ để cho nó “trải nghiệm” (tất nhiên họ chăm chú nhìn vào con mình để có gì sơ sẩy là kịp thời giúp đỡ). 

Ngoài việc cho đứa bé tự rút kinh nghiệm trước cuộc sống, cái riêng tư ở đây được tôn trọng gần như tuyệt đối! 

Giáo dục một con người không phải đem kiến thức nhét vào đầu họ mà chỉ hướng đi cho họ tìm đến tri thức và biến cái kho kiến thức của toàn nhân loại ấy thành cái riêng của mình để tiếp nhận và sáng tạo, nếu có thể. 

Như vậy, không ai thay mình để trải nghiệm trước cuộc sống cả trừ chính mình. Cũng giống như ai ăn nấy no, ai làm việc thiện thì được tiếng tốt, ai giận thì mình khổ tâm chứ người bị giận có khi chẳng sao cả! 

Giáo dục thời nay thiếu trải nghiệm mà chú trọng đến lý thuyết, thậm chí là những lý thuyết vô bổ. 

Không có ranh giới nào trong kiến thức của nhân loại, vậy thì chúng ta hãy cùng trải nghiệm đi, không chỉ có lợi cho bản thân của chúng ta mà còn góp phần với cộng đồng, đất nước và dân tộc! 



Thân Thị Kim Cúc (Sáo đảm đang) 

(Tháng 3/2016)
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét