Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Đào tạo Trưởng Hướng đạo hiện nay

Phong trào Hướng đạo Thế giới đã cắm mốc son kỷ niệm một trăm năm thành lập và phát triển. Hướng đạo tại Việt Nam cũng đã hân hoan trong trại Họp bạn kỷ niệm 80 năm thành lập. Thời gian qua với những biến đổi do thời cuộc, đã thật sự ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Phong trào Hướng đạo. Khi nhìn lại Phong trào Hướng đạo tại Việt Nam, trong thời điểm hiện tại, chúng ta không thể không băn khoăn khi nhìn vào lực lượng Trưởng hiện tại cũng như những Trưởng sẽ kế tục nắm giữ Phong trào sau này.


Lực lượng Trưởng hiện tại chưa đồng nhất. 

Có thể có nhiều lý do, phần nhiều do tuổi tác, các Trưởng lão khó có thể tham gia và “nắm” hết các hoạt động của các đơn vị, các Trưởng trẻ đôi lúc lại không tuân thủ về mặt tổ chức, tuỳ nghi, trăm hoa đua nở, một mặt nào đó thì nó làm phong phú thêm cho Phong trào, nhưng mặt khác, sự tuỳ nghi thường dẫn đến sự “biến dạng” Phong trào. Nhưng may thay, Ban Điều Hành đã sớm chính thức hình thành, và đã đi vào hoạt động; hy vọng sẽ dẫn dắt Hội đi đúng với nguyên lý và phương pháp của Phong trào do chính Cụ B.P khởi xướng.

Việc đào tạo các Trưởng trẻ. 


Phải nhìn nhận rằng, việc đào tạo Trưởng luôn được chú trọng, nhất là trong thời gian gần đây, từ Ban Điều Hành, đến các Đạo và các Liên đoàn, các đơn vị Hướng đạo địa phương. Các trại Dự bị, Huy hiệu Rừng các Ngành được liên tục mở ra, và các đơn vị náo nức gởi đoàn sinh tham dự. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho Phong trào trong thời gian chờ ngày phục hoạt. Tuy nhiên, nếu việc đào tạo Trưởng không theo những tiêu chí tốt đẹp được thống nhất và chuẩn bị trước, được thảo luận và đồng thuận bởi các Trưởng và các Tráng sinh, thì thay vì chúng ta nỗ lực đào tạo Trưởng trẻ để kế tục Phong trào, chúng ta lại mở đường cho những ảnh hưởng có thể sẽ làm lệch hướng hay biến dạng Phong trào.

Tráng đoàn - Vườn ưom Trưởng:


Trong những tháng ngày cuối đời của mình, B.P. đã nhắn gởi: “Tôi trao Phong trào lại cho các Tráng sinh” như muốn nói lên tất cả những kỳ vọng của chính Cụ B.P vào Tráng sinh, là những người sẽ kế tục nắm giữ Phong trào. Hơn ai hết, chính Tráng Trưởng sẽ làm nhiệm vụ “gieo mầm” này, bằng những hoạt động của Tráng đoàn, bằng những câu chuyện dưới cờ, bằng những giờ tâm tình trong Lửa Dặm Đường. Anh Tráng Trưởng sẽ hướng Tráng sinh của mình lần theo tinh thần giúp ích của Tráng sinh, và chính vì hiểu được Tráng sinh của mình, nên Tráng trưởng phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu Tráng sinh tham dự trại trường để trở thành Trưởng của Phong trào sau này.

Gia đình Liên đoàn:


Thật sự tốt đẹp khi Phong trào Hướng đạo đi đúng các nguyên lý do chính Cụ B.P khởi xướng. Không thể so sánh tính hơn thua và tính cần thiết giữa các nguyên lý, nhưng trong phạm vi suy nghĩ về việc đào tạo Trưởng Hướng đạo, Báo tôi thực sự tâm đắc khi nhắc đến nguyên lý: Phong trào Hướng đạo được tổ chức theo phương pháp hàng đội và hệ thống Liên đoàn. Và thực sự như vậy, Liên đoàn là một hệ thống hành chính, và lý do cho sự tồn tại của Liên đoàn không ngoài một việc gì khác là tạo nên một không khí như trong một gia đình, để các em có thể vui sống và lớn lên theo từng Ngành, nhưng vẫn cảm thấy như lớn lên trong một gia đình. Đây chính là cơ sở thuận lợi cho việc giáo dục đoàn sinh về tình huynh đệ Hướng đạo. Không khí gia đình này sẽ không thể nào có được khi không có sự gắn bó, cộng tác, hoà họp và tôn trọng giữa các Trưởng với nhau và tôn trọng tổ chức, và tinh thần này cũng phải được ăn nhập vào từng Tráng sinh, những người Dự Trưởng sau này. Một Gia đình Liên đoàn nếu như đầy đủ sẽ có bốn Ngành và Ban Huynh Trưởng Liên đoàn. Do vậy Liên đoàn Trưởng là người có trách nhiệm điều phối, huy động, và chuẩn bị lực lượng Trưởng bổ sung cho cả bốn Ngành, về chất cũng như về lượng, về năng lực cũng như về đạo đức tư cách Trưởng. Có như vậy, Gia đình Liên đoàn mới có thể hoàn thành việc giáo dục đoàn sinh qua các Ngành từ Ấu, Thiếu, Kha, Tráng một cách tốt đẹp theo đúng mục đích của Phong trào.

Ban Huynh Trưởng của các đơn vị trong Liên đoàn có Dự Trưởng đến giúp ích, học hỏi sau khi qua trại huấn luyện, sẽ giúp cho các Dự Trưởng thực hành những gì đã được học hỏi nơi trại trường và giúp cho Liên đoàn Trưởng có những nhận xét, đánh giá đúng mực về sự tiến bộ, trưởng thành của Dự Trưởng đó.

Sự tham gia của Tráng sinh:


Thật sự đây là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đào tạo Trưởng, vì Phong trào Hướng đạo giáo dục trẻ thông qua sự tham gia của chính trẻ. Việc đào tạo Trưởng sẽ hỏng đích nếu như không có sự tham gia của chính Tráng sinh đó. Tráng sinh tham gia qua những hoạt động của Tráng đoàn. Sự mộ mến Phong trào được thể hiện bằng sự gắn bó với mọi hoạt động của đơn vị, tích cực xây dựng Toán, năng động, hợp tác trong mọi công cuộc, vì tình huynh đệ và sự phát triển của Tráng đoàn, sẽ là tiêu chí chọn lựa Tráng sinh tham dự Trại huấn luyện. Khi chú trọng tiêu chí này sẽ làm giảm thiểu được tình trạng “Trưởng Salon”, mang khăn quàng Trưởng mà tư cách Trưởng và lòng mến mộ Phong Trào còn chưa đủ.

Cũng chính trong hoạt động của Tráng đoàn, Tráng sinh thể hiện con người của mình với đầy đủ cá tính, đặc điểm tâm lý, năng lực, sở trường của mình. Tráng Trưởng sẽ giúp định hướng tốt Ngành mà Tráng sinh đó nên tham gia, và chỉ khi phù hựp với năng lực sở trường theo từng Ngành, bản thân Tráng sinh mới thấy vui và hiệu quả hơn trong đời làm Trưởng; và các đoàn sinh được Trưởng đó cầm đoàn cũng sẽ hưởng nhờ cuộc sống phát triển tốt đẹp do chính những gì mà Trưởng đó mang lại cho đoàn.

Vai trò của Tráng sinh tham gia còn thể hiện qua việc chứng nhận sự trưởng thành về mặt Phong trào của Tráng sinh đó qua Lễ Lên Đường. Hơn ai hết, Tráng Trưởng sẽ nhìn nhận sự trưởng thành đó qua việc thực hiện quy ước tu thân, và do vậy, theo suy nghĩ của Báo tôi, sẽ còn thiếu sót nếu như một Tráng sinh nhận khăn quàng Trưởng mà chưa Lên đường.

Và cuối cùng: sự phối hợp tốt giữa Ban Huấn luyện và Ban Huynh Trưởng Liên đoàn.


Đây là một yếu tố quan trọng góp phần đào tạo Trưởng. Phần lớn thời gian Tráng sinh sinh hoạt tại đon vị, và chỉ qua đơn vị địa phương, mới biết rõ đời sống, tinh thần, và lòng nhiệt thành với Phong trào của Tráng sinh, còn với thời gian ngắn ngủi tại trại trường cùng với những công trình mang tính lý thuyết, Ban Huấn luyện chỉ đánh giá được phần nào con người của khoá sinh. Do vậy hai khái niệm: “Trao khăn quàng Rừng” tạị trại trường và “Trao trách nhiệm” tại đơn vị phải có sự thống nhất giữa Ban Huấn luyện trại trường và Ban Huynh Trưởng đơn vị, làm thế nào để thực sự tạo được một sự động viên, danh dự gắn liền với trách nhiệm thực sự cho Tráng sinh đó.

Đào tạo Trưởng là một công cuộc vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển Phong trào, nên chăng, cần thiết thực hiện tốt quy trình huấn luyện, góp phần gầy dựng một thế hệ Trưởng thật sự trưởng thành, góp phần tốt đẹp cho sự phát triển Phong trào.

Tại sao không ?


Với những ưu tư, trăn trở về việc huấn luyện Trưởng trong giai đoạn hiện nay, và trong tinh thần trách nhiệm là một Trưởng của Phong trào Hướng đạo, Báo tôi xin chân thành nói lên những suy nghĩ của mình, có gì mong quý Trưởng chỉ giáo thêm.

Báo Nhiệt Tâm
Nguyễn Đông Nhựt RS. 

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét