Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Bài 2: Băng bó, băng đắp

BS. Lê Quang Khanh – Sơn dương từ tốn

Băng đắp và băng bó là những công cụ cơ bản của sơ cứu. Chúng cần thiết cho việc chăm sóc vết thương, và chăm sóc những tổn thương về cơ, xương, và khớp.



I. BĂNG ĐẮP


Băng đắp là miếng phủ bảo vệ đặt lên trên bề mặt vết thương để giúp cầm máu, hấp thụ chất dịch tiết ra từ vết thương, và ngăn ngừa sự nhiễm bẩn và nhiễm trùng.




Một miếng băng đắp nên:

(1) vô trùng hoặc càng sạch càng tốt;

(2) có tính thấm nước tốt và xốp để giữ vết thương khô ráo;

(3) có thể nén ép, dày, và mềm, đặc biệt là trong trường hợp mất máu nặng, để áp lực có thể dàn đều lên vùng tổn thương;

(4) không dính và không bị xơ để làm giảm khả năng tấm băng đắp dính vào vết thương. Gạc, vải bông, hoặc vải lanh là những miếng băng đắp tốt. Vải len hay những vật liệu có lông tơ là không thích hợp để làm băng đắp.

Để sử dụng băng đắp một cách có hiệu quả, bạn nên tuân theo những quy tắc dưới đây:


(1) sạch là yếu tố cơ bản để tránh nhiễm bẩn và nhiễm trùng. Rửa tay sạch sẽ trước khi băng vết thương. Sử dụng những vật liệu sạch nhất mà bạn có được để làm băng đắp. Khi đặt miếng băng đắp lên vết thương, cần cẩn thận để không chạm tay hay thở vào phần miếng băng sẽ tiếp xúc trực tiếp với vết thương.

(2) che phủ hoàn toàn vết thương, và bờ mép miếng băng trãi rộng vượt quá giới hạn của vết thương.

(3) phủ tăng cường những miếng băng gạc với lớp vải bông thấm nước hoặc vật liệu khác trước khi băng bó.

(4) không tháo bỏ lớp băng đắp khỏi vết thương. Nếu miếng băng ướt đẫm máu, vẫn để tấm băng đắp tại chỗ và phủ thêm bên ngoài lớp băng tăng cường, và giữ chặc miếng băng bằng băng bó.

(5) giữ miếng băng tại chỗ bằng dải băng hay băng cuộn.

II. BĂNG BÓ


Băng bó là bất kỳ loại vật liệu nào được dùng để giữ cho miếng băng đắp nằm tại chỗ, duy trì áp lực đặt lên vết thương, nâng đỡ chi thể hay khớp, bất động những phần của cơ thể, và bảo vệ nẹp. Băng bó có thể được tìm mua trên thị trường, hay được sáng tạo tại chỗ.

Khi sử dụng băng bó, bạn nên tuân theo những quy tắc dưới đây:

(1) băng chặt để bảo đảm cầm máu tốt, hoặc sự bất động được vững chắc;

(2) thường xuyên kiểm tra tuần hoàn ở phần xa để bảo đảm sự băng bó là không quá chặt;

(3) không sử dụng băng bó làm vật đệm hay băng đắp cho vết thương khi đã có sẵn những vật liệu khác. Chúng có thể cần thiết cho những tổn thương khác.

1. BĂNG TAM GIÁC


Một trong những loại băng bó có tính đa năng và sáng tạo là băng tam giác. Cắt theo đường chéo một miếng vải lanh hay vải bông hình vuông có cạnh là một mét, ta sẽ có được hai miếng băng tam giác. Để dễ dàng cho những phần hướng dẫn sau này, những phần của miếng băng tam giác được xác định như sau:

• ĐÁY, bờ dài nhất của miếng băng (đường chéo hình vuông);

• ĐẦU, nằm ở hai đầu của đáy;

• ĐỈNH, là phần góc nằm đối diện với đáy;

• MÉP, là hai bờ nằm giữa góc và đỉnh (cạnh của hình vuông).

Hình 2.1. Băng tam giác 

Băng tam giác có thể được dùng theo những dạng như sau:


(1) Băng nguyên tấm. Khi trãi rộng toàn bộ miếng băng, nó có thể được dùng như là băng đeo, hoặc để giữ tại chỗ miếng băng đắp lớn.


Hình 2.2. Băng bản rộng và hẹp 

(2) Băng bản rộng. Gấp ĐỈNH đến giữa phần ĐÁY, và gấp đôi thêm một lần nữa từ trên xuống ĐÁY. Với dạng thức này, nó được dùng để giữ các nẹp tại chỗ, hoặc dùng để tạo áp lực đồng đều lên một vùng rộng.

(3) Băng bản hẹp. Gấp đôi băng bản rộng từ trên xuống ĐÁY. Dạng thức này dùng để giữ miếng băng đắp, giữ vững nẹp, hoặc để bất động cổ chân và bàn chân theo hình số 8.

(4) Tấm đệm vành. Trước tiên tạo một băng bản hẹp. Làm một cái vòng xuyến quanh bàn tay bằng cách giữ một ĐẦU của khăn rồi quấn hai vòng quanh bốn ngón tay. Luồn ĐẦU kia của khăn qua vòng đó để quấn quanh cho đến khi hết toàn bộ băng. Khi đó ta đã tạo ra được một tấm đệm vành rắn chắc. Khi cần, nối hai dải băng bản hẹp lại với nhau ta có thể tạo một tấm đệm vành có vòng xuyến lớn hơn. Sử dụng tấm đệm vành để hạn chế xuất huyết khi lực ép không thể đặt trực tiếp lên vết thương, ví dụ như trong trường hợp gãy xương hở.


Hình 2.3. Chuẩn bị một tấm đệm vành 

Khi không dùng, gấp băng tam giác thành băng bản hẹp, và rồi gấp góc-đến-trung tâm cho đến khi đủ nhỏ để cất giữ.


Hình 2.4. Gấp băng tam giác 

2. BUỘC ĐẦU BĂNG


Gút dẹt được dùng để buộc đầu băng vì nó dẹt và tạo sự thoải mái hơn so với những gút khác. Nó không bị tuột và dễ dàng nới lỏng khi cần thiết.

Gút được đặt ở vị trí sao cho không tạo sự khó chịu cho nạn nhân vì nó ép vào xương hay da, đặc biệt là ở nơi gãy xương, hay ở vùng cổ khi buộc băng đeo. Nếu cần, dùng một vật mềm đặt bên dưới gút để tạo thành lớp đệm cho thoải mái. Dấu đầu gút cho khéo để nó không bị nắm vào hay bị kéo tuột khi di chuyển nạn nhân.

Hình 2.5. Gút dẹt

3. BĂNG HÌNH SỐ 8


Băng hình số 8 là phương pháp dùng băng để bất động cổ chân và bàn chân, để bó nẹp cho bàn chân, hay để nâng đỡ cổ chân bị chấn thương.

Cách băng hình số 8 như sau:


• Đặt phần giữa của băng tam giác bản rộng hay bản hẹp dưới cổ chân. Băng có thể đặt bên ngoài quần, hay nẹp.

• Vòng các ĐẦU quanh cổ chân, bắt chéo phía trên cẳng chân rồi vòng các ĐẦU quanh bàn chân.

• Buộc chặt, hoặc lập lại hình số 8 nhưng theo hướng ngược lại. Buộc chặt ở điểm khởi đầu.

Hình 2.6. Băng hình số 84. BĂNG ĐEO 

4. Băng đeo

Băng đeo tạo ra sự nâng đỡ và bảo vệ cho chi trên. Chúng có thể được dùng để nâng cao hay bất động tay, hoặc chuyển sức nặng của nó từ một bên sang bên kia.

4.1. Băng đeo cánh tay


Băng đeo cánh tay nâng đỡ cẳng tay và bàn tay khi chi trên bị tổn thương. Cách thực hiện băng đeo tay như sau:

• nâng đỡ cẳng tay của tay bị thương đặt chéo ở trước thân sao cho cổ tay và bàn tay bị thương hơi cao hơn khuỷu;

• đặt toàn bộ mảnh băng tam giác giữa cẳng tay và lồng ngực với ĐỈNH băng ở phía khuỷu tay và vượt quá khuỷu;

• đưa ĐẦU trên lên vai nạn nhân, vòng ra phía sau cổ để sang phía không bị tổn thương, rồi đi ra trước;

• vẫn nâng đỡ cẳng tay, đưa ĐẦU dưới của băng phủ lên cẳng tay và bàn tay rồi buộc với ĐẦU kia ở vùng hõm phía trên xương đòn;

• vòng ĐỈNH băng đi ra trước vòng quanh khuỷu rồi dùng kim băng để cố định. Bạn cũng có thể xoắn ĐỈNH băng thành “đuôi heo” rồi nhét vào trong băng;

ĐÁY của băng tam giác nằm ngang với khớp đốt ngón tay của ngón út, như vậy tất cả các móng tay đều được bộc lộ để dễ quan sát 


4.2. Băng đeo kiểu hình ống St. John


Băng đeo kiểu hình ống St. John được dùng để nâng đỡ bàn tay và cẳng tay ở tư thế nâng cao. Nó có thể được dùng để nâng bàn tay, hoặc để chuyển trọng lượng của chi trên từ một bên sang bên kia khi tổn thương xảy ra ở vai hoặc xương đòn. Để thực hiện băng đeo hình ống St. John, ta:

Hình 2.7. Băng đeo cánh tay

• nâng đỡ cẳng tay phía bên tổn thương đặt chéo qua trước ngực với các ngón tay hướng về phía vai đối diện;

• đặt toàn bộ mảnh băng tam giác phủ lên cẳng tay và bàn tay, ĐỈNH của nó vượt quá khớp khuỷu, ĐẦU trên vượt quá vai ở bên không tổn thương, và ĐÁY nằm trùng với đường thẳng của cơ thể ở phía không tổn thương;

• trong khi nâng đỡ cẳng tay, lồng ĐÁY của mảnh băng qua dưới bàn tay, cẳng tay, và khuỷu, rồi đưa ĐẦU dưới chạy chéo phía sau lưng vòng lên vai ở phía không tổn thương;

• nhẹ nhàng điều chỉnh độ cao của tay khi bạn buộc các ĐẦU của mảnh băng lại với nhau ở vùng hõm phía trên xương đòn;

• nhét ĐỈNH vào giữa cẳng tay và mảnh băng, và cố định nó bằng kim băng. Nếu không có sẵn kim băng, đỉnh có thể được vặn xoắn thành “đuôi heo” rồi nhét vào.

4.3. Băng đeo kiểu cổ-tay áo


Băng đeo kiểu cổ-tay áo được hình thành bởi hai phần, một vòng quấn quanh cẳng tay để tạo thành ống tay áo, và một vòng quàng quanh cổ của nạn nhân. Loại băng đeo này có thể được làm bằng hai mảnh băng tam giác. Nó cho phép cánh tay được bất động ở nhiều độ gập khuỷu khác nhau tùy thuộc vào mức độ cử động cho phép. Nó đặc biệt hữu dụng trong trường hợp tổn thương khớp vai và khớp khuỷu, khi mà cử động của khớp vai hay sự gập của khuỷu tay có thể làm cơn đau tăng thêm.

Cách thực hiện như sau:

• đặt đoạn giữa của một băng bản hẹp lên cẳng tay và thả rơi hai ĐẦU sang hai bên, một nằm ở gần cổ tay, và một nằm gần khớp khuỷu để tạo ra một đường chéo;

• quấn một ĐẦU quanh cẳng tay và luồn qua dưới đoạn giữa để tạo thành một cái vòng quanh cẳng tay;

• quấn ĐẦU kia quanh cẳng tay theo hướng ngược lại và luồn nó qua dưới đoạn giữa để tạo thành một cái vòng khác;

• chuyển cả hai ĐẦU lên trên để tạo thành ống tay áo quanh cẳng tay, vòng ống tay áo này phải hơi lỏng và không gấp nếp để nó nâng đỡ tay một cách thoải mái;

• chuyển các ĐẦU vòng quanh cổ nạn nhân rồi buộc lại với nhau ở vùng hõm phía trên xương đòn phía bên tổn thương;

• nếu chiều dài của băng không đủ, nối ĐẦU của một băng bản hẹp khác vào một ĐẦU của băng đầu tiên rồi vòng quanh cổ nạn nhân;

• buộc các ĐẦU lại với nhau sao cho vị trí của cẳng tay nằm đúng theo mức độ cần thiết. 



Hình 2.9 (a). Cách quấn băng đeo kiểu cổ-tay áo


Hình 2.9 (b). Băng đeo kiểu cổ-tay áo

4.4. Băng đeo cải tiến


Băng đeo có thể được cải tiến theo những cách như sau:

• đặt bàn tay vào phía trong áo khoác đã cài nút;

• nâng đỡ chi thể bằng cách dùng khăn choàng cổ, dây nịt, cà vạt …… choàng quanh cổ nạn nhân;

• ghim tay áo của áo khoát hay áo sơ mi vào thân áo;

• lật ngược mép dưới của áo khoác lên chi thể bị tổn thương rồi ghim vào thân áo.

Hình 2.10. Những kiểu băng đeo cải tiến



III. KỸ THUẬT BĂNG BÓ


1. BĂNG TAM GIÁC


Băng tam giác được dùng để giữ miếng băng đắp vào những phần khác nhau của cơ thể như đầu, khuỷu và gối, và bàn tay và bàn chân.

1.1. Băng đầu


• đứng phía sau nạn nhân;

• sử dụng toàn bộ mảnh băng tam giác, gập một đường viền hẹp dọc theo ĐÁY của mảnh băng;


Hình 2.11. Băng để giữ miếng băng đắp ở đầu

• đặt phần giữa của ĐÁY vào điểm giữa của trán gần sát với lông mày, rồi phủ phần ĐỈNH lên đỉnh đầu để che phủ miếng băng đắp, xong chuyển nó ra sau đầu;

• vòng hai ĐẦU ra phía sau đầu, bắt chéo lên phần ĐỈNH, rồi tiếp tục vòng quanh đầu, và buộc lại với nhau ở vùng trán;

• giữ chặt đầu của nạn nhân bằng một tay trong khi dùng tay kia để kéo ĐỈNH của mảnh băng xuống để tạo một lực ép vừa đủ theo mong muốn lên miếng băng đắp. Gập ĐỈNH lên trên về phía đầu và cố định cẩn thận bằng kim băng.

1.2. Băng khuỷu và gối


Phương pháp để băng các khớp bản lể như khuỷu và gối đều giống nhau:


Hình 2.12. Băng khớp khuỷu       Hình 2.13. Băng khớp gối

• sử dụng toàn bộ mảnh băng tam giác, gập một đường viền hẹp dọc theo ĐÁY của mảnh băng;

• đặt phần giữa của ĐÁY lên vùng cẳng tay khi băng khớp khuỷu, và vào cẳng chân phía dưới xương bánh chè khi băng khớp gối. Đặt ĐỈNH hướng lên trên và che phủ miếng băng đắp. Vòng các ĐẦU quanh chi thể, bắt chéo ở phía trước khuỷu hoặc ở phía sau của gối;

• buộc chúng lại ở phần trên của chi thể;

• kéo ĐỈNH lên trên để tạo một áp lực cần thiết lên miếng băng đắp, và rồi gập nó lại hướng xuống dưới. Cố định bằng kim băng

1.3. Băng bàn tay và bàn chân


• sử dụng toàn bộ mảnh băng tam giác, đặt nó lên một bề mặt phẳng với ĐỈNH tách ra xa nạn nhân;

• đặt bàn tay hay bàn chân lên mảnh băng tam giác với các ngón hướng về phía ĐỈNH, chừa mảnh băng đến cổ tay và cổ chân để có thể che phủ hoàn toàn bàn tay và bàn chân;

• đưa ĐỈNH lên và đặt nó ở cổ tay hoặc cẳng chân để che phủ bàn tay hay bàn chân;

• đưa hai ĐẦU lên rồi vòng quanh cổ tay hay cổ chân, bắt chéo qua ĐỈNH rồi vòng thêm một lần nữa quanh bàn tay hay bàn chân trước khi buộc chúng lại;

• kéo ĐỈNH để tạo một áp lực cần thiết, gập nó xuống dưới rồi cố định bằng kim băng.



Hình 2.14. Băng bàn tay Hình 2.15. Băng bàn chân


2. BĂNG CUỘN


Băng cuộn cũng có thể được sử dụng để giữ miếng băng đắp trên vết thương. Băng được cuốn sao cho thoải mái và vững nhưng không được thít chặc vì nó sẽ làm phù nề vùng bị tổn thương do cản trở tuàn hoàn.

Để cuốn băng theo dạng hình xoắn ốc đơn giản, cần bắt đầu từ phần hẹp của chi thể và cuốn chéo lên phần lớn hơn. Hãy chồng lặp mỗi vòng băng khoảng một phần tư hay một phần ba chiều rộng của băng để che phủ miếng băng đắp, và cũng để làm sự băng được vững chắc hơn. Băng cần phải được giữ chặt ở vòng đầu tiên bằng cách như sau:


Hình 2.16. Băng kiểu xoắn ốc đơn giản

• đặt đầu cuộn băng theo đường chéo ở điểm khởi đầu;

• cuốn một vòng và để lồi ra một góc của đầu cuộn băng;

• lật mút nhô ra xuống dưới rồi cuốn chồng lên nó một vòng để giữ chặc.

• Đến đoạn cuối, quấn hai hoặc ba vòng chồng lặp toàn bộ bề rộng của cuộn băng rồi cố định bằng kim băng hoặc băng dính.


IV. THEO DÕI TUẦN HOÀN


Một vài loại tổn thương và những tiến trình sơ cứu có thể gây nên sự suy giảm tuần hoàn cho chi thể. Tổn thương khớp hay gãy xương có thể chèn ép các động mạch. Băng bó quanh chi thể để bất động trong trường hợp gãy xương, để giữ miếng băng đắp, hay để hạn chế xuất huyết có thể được thực hiện quá chặt, hoặc chi thể có thể bị phù nề sau khi băng. Nếu như mô cơ thể không có đủ lượng máu nuôi dưỡng, sự tổn hại sẽ xảy ra và điều này có thể dẫn đến tình trạng cắt đoạn chi. Tình trạng nghiêm trọng này phải được chỉnh sửa hoặc phải được cấp cứu ngay.

Cần phải theo dõi tuần hoàn ở bất kỳ chi thể nào bị gãy xương, bị tổn thương khớp, hay được băng bó. Kiểm tra mạch ở điểm dưới vùng tổn thương hay được băng bó. Nếu như vị trí để bắt mạch khó tìm được thì cần so sánh nhiệt độ của ngón tay hay ngón chân của chi thể tổn thương với chi thể lành lặn. Bất kỳ một sự giảm nhiệt độ nào ở chi thể bị tổn thương đều cho biết là lượng máu nuôi dưỡng chi thể đã bị giảm.

Cần tháo lỏng băng tức thời, và trong trường hợp tổn thương khớp thì cần đặt lại tư thế của chi thể để làm giảm nhẹ sự chèn ép tuần hoàn. Băng lại chi thể và kiểm tra trở lại để bảo đảm là tuần hoàn máu không bị trở ngại. Tiếp tục theo dõi tuần hoàn cho đến khi nhân viên cấp cứu đến. Nếu như tuần hoàn không thể phục hồi thì cần ngay cấp cứu y học.

BÀI LIÊN QUAN:

Bài 1: 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét