Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Bài 3: Sơ cứu vết thương và xuất huyết

BS. Lê Quang Khanh – Sơn dương từ tốn


Vết thương là mọi sự đứt vỡ tính liên tục của mô cơ thể. Nó thường gây nên xuất huyết, và có thể tạo điều kiện cho các mầm bệnh xâm nhập gây nên nhiễm trùng. Xuất huyết là sự thoát của máu từ các mạch máu vào các mô chung quanh, vào các xoang cơ thể, hay ra khỏi cơ thể.


I. PHÂN LOẠI VẾT THƯƠNG


Những vết thương mô mềm được phân loại như sau:

  1.  Đụng dập hay thâm tím thường gây nên bởi té ngã hoặc bị đánh bởi một dụng cụ cùn lụt mà không rách da. 
  2.  Trầy da hay cào xướt là rách bề mặt của da và có thể không gây xuất huyết nhiều, nhưng chất bẩn dính vào da có thể dẫn đến nhiễm trùng.
  3.  Vết cắt ở mô mềm gây nên bởi những dụng cụ sắc cạnh như lưỡi dao hay mảnh gương vỡ. 
  4.  Rách da và những mô bên dưới thường gây nên bởi những vật như là máy móc, dây kẽm gai, hoặc vuốt của thú vật. Mép của vết thương lởm chởm và không đều. Chất bẩn thường xuất hiện ở vết thương làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
  5.  Vết thủng hay vết thương bị đâm gây nên bởi những vật nhọn. Những vết thương này có thể có lổ nhỏ nhưng thường ăn sâu vào mô cơ thể. Có thể có sự nhiễm bẩn sâu trong vết thương, và những cơ quan nội tạng có thể bị tổn hại.
  6.  Những vết thương do đạn bắn là loại vết thương đâm thủng đặc biệt. 

II. CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG


Mục đích của chăm sóc vết thương là làm ngừng xuất huyết và phòng ngừa nhiễm trùng.

1. XUẤT HUYẾT


Xuất huyết có thể xảy ra bên trong (xuất huyết nội) hoặc bên ngoài (xuất huyết ngoại. Sự khác nhau chủ yếu giữa xuất huyết động mạch và tĩnh mạch là, (1) ở xuất huyết tĩnh mạch, dòng máu chảy ra đều đều, và sẽ ngưng ngay khi đè ép trực tiếp, nâng cao chi thể, và nghỉ ngơi; (2) ở xuất huyết động mạch, dòng máu phun ra thành vòi theo mỗi nhịp mạch, và rất khó cầm máu.

1.1. Dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết


Mất nhiều máu sẽ tạo ra những dấu hiệu và triệu chứng như dưới đây, và đó cũng là chỉ báo cho sự tiến triển của sốc:

  1. da xanh tái, lạnh, và ẩm ướt;
  2.  mạch nhanh, dần dần trở nên yếu hơn;
  3.  choáng váng và chóng mặt;
  4.  khát nước và buồn nôn;
  5.  bồn chồn và lo sợ
  6.  thở nông làm cho nạn nhân phải há miệng, thở dài, và thở hổn hển. 

1.2. Ngăn chận sự xuất huyết


Bạn có thể giúp cho tiến trình cầm máu tự nhiên bằng cách:

(1) Đè ép trực tiếp. Tạo một lực đè ép lên miếng băng đắp trên vết thương sẽ làm ngưng dòng máu chảy. Khi sự xuất huyết đã được kiểm soát, áp lực vẫn nên tiếp tục bằng băng đắp và băng bó.

(2) Nâng cao chi. Nâng cao chi thể bị tổn thương lên quá mức của quả tim nhằm sử dụng lực hút của quả đất để làm giảm lượng máu chảy đến vết thương.



Hình 3.1. Đè ép và nâng cao chi thể

(3) Nghỉ ngơi. Đặt nạn nhân ở tư thế nghỉ ngơi để làm giảm tần số mạch đập.

 BUỘC GA RÔ CẦM MÁU


Đè ép trực tiếp, nâng cao chi, và nghỉ ngơi sẽ ngăn chân được sự xuất huyết. Nhưng nếu sự xuất huyết ở chi thể không thể cầm được, bạn có thể dùng biện pháp buộc ga rô cầm máu. Tuy nhiên, buộc ga rô chỉ được áp dụng như là biện pháp cuối cùng, và theo trình tự dưới đây:

Hình 3.2. Kỹ thuật buộc ga rô cầm máu

  1.  gập mảnh băng tam giác thành băng bản hẹp (7-10 cm), hoặc cải biến bất kỳ loại băng nào có độ rộng tương tự. Không được sử dụng bất kỳ loại dây nào vì nó có thể cắt sâu vào da.
  2.  quấn chặt hai vòng băng quanh chi thể ở phía trên vết thương, và càng gần vết thương càng tốt.
  3.  thắt nửa gút, đặt một cái gậy hoặc bất kỳ một thanh cứng nào lên nửa gút đó, xong thắt thêm nửa gút để tạo thành một gút hoàn chỉnh.
  4.  xoắn cây gậy để thắt chặt ga rô cho đến khi nó vừa đủ để cầm máu.
  5.  cố định cây gậy tại chỗ bằng những ĐẦU còn thừa của băng.
  6.  ghi thẻ với dòng chữ “BUỘC GA RÔ” và buộc vào nơi dễ nhìn nhất. Có thể ghi lên trán nạn nhân nếu như không có thẻ để ghi. Nhớ ghi rõ thời điểm buộc ga rô
  7.  bảo đảm là ga rô luôn luôn ở vị trí có thể thấy.
  8.  nếu nhân viên cấp cứu đến chậm sau một giờ thì cần nởi lỏng ga rô để kiểm tra sự xuất huyết. Nếu máu ngừng chảy, ga rô đã được nới lỏng vẫn được giữ tại chỗ để có thể thắt chặt lại nếu sự xuất huyết bắt đầu trở lại. Nếu vẫn còn sự xuất huyết trầm trọng, cần thắt chặt ngay ga rô.
  9.  Thường xuyên kiểm tra tình trạng của nạn nhân.

Tất cả mọi nạn nhân được buộc ga rô đều phải gửi đi cấp cứu ngay.


2. HẠN CHẾ SỰ NHIỄM TRÙNG

Tất cả các vết thương đều bị nhiễm bẩn ở một mức độ nào đó. Bạn có thể ngăn chận sự nhiễm bẩn nhiều hơn bằng cách tuân thủ những sự phòng ngừa dưới đây:

  1.  rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi bắt đầu thực hiện việc sơ cứu;
  2.  không ho hay thở hơi thở trực tiếp lên vết thương;
  3.  rửa sạch những chất bẩn thấy được khỏi vết thương, và làm sạch vùng da chung quanh bằng xà phòng và nước;
  4.  không chạm các ngón tay vào vết thương, hay vào bề mặt miếng băng đắp sẽ tiếp xúc với vết thương;
  5.  nhanh chóng che phủ vết thương bằng miếng băng đắp vô trùng, hoặc tối thiểu là một miếng băng sạch;
  6.  bạn phải rửa tay và tất cả những vùng da đã bị dính máu của nạn nhân để ngăn ngừa sự nhiễm trùng chéo.

NHIỄM TRÙNG UỐN VÁN. Bất kỳ vết thương nào cũng có thể bị nhiễm bẩn bởi những mầm của bệnh uốn ván. Đây là một bệnh có khả năng gây chết người với đặc điểm là co thắt các cơ, mà dấu hiệu điển hình là cứng hàm. Những vết thương sâu, đặc biệt là gây nên bởi súc vật cắn, hoặc những vết thương bị nhiễm bẩn bởi rác rưởi, bụi bặm, và phân súc vật sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng loại này. Những nạn nhân bị những vết thương như vậy phải được khuyên là đến gặp nhân viên y tế để được chủng ngừa nhằm phòng tránh bệnh uốn ván.


III. SƠ CỨU VẾT THƯƠNG


1. Đụng dập hoặc thâm tím. Sơ cứu bao gồm làm giảm lượng máu chảy đến các vùng lân cận, và làm giảm đau đớn và phù nề. Cách tốt nhất là đắp các tấm gạc lạnh hay chườm túi đá lạnh, nâng cao chi thể bị thương, và cho nạn nhân nghỉ ngơi.

2. Vết thương nhỏ có xuất huyết. Rửa các vết thương dưới vòi nước nếu như nó bị bẩn. Nên lau khô bằng gạc vô trùng hay gạc sạch, xong dùng miếng băng đắp để che phủ vết thương rồi băng lại.

3. Vết thương nguy hiểm với xuất huyết trầm trọng. Loại này đòi hỏi một sự đè ép trực tiếp liên tục lên vết thương. Không can thiệp đến những vật gắn vào vết thương. Nếu vết thương không có vật gắn vào thì việc sơ cứu được tiến hành như sau:

  1. ép miếng băng đắp vô trùng vào vết thương rồi băng chặt bằng mảnh băng tam giác hay băng cuộn;
  2. nếu vết thương nằm ở chi thể, cần nâng cao chi để giúp cầm máu;
  3. nếu máu vẫn còn thấm ra ngoài, không tháo bỏ miếng băng đắp mà áp thêm một miếng băng đắp khác và cố định bằng mảnh băng mới, tăng thêm lực ép và nâng chi thể cao hơn;
  4.  bất động và nâng đỡ chi thể để duy trì sự nâng cao chi, và để tránh làm ảnh hưởng đến các cục máu đông.
Hình 3.3. Sơ cứu vết thương có vật lạ gắn vào


4. Vết thương có vật lạ gắn vào. Loại vết thương này đòi hỏi một sự chăm sóc đặc biệt. Không được can thiệp hay tháo bỏ vật lạ gắn sâu hay gắn chặt ở vết thương.

Nếu vật gắn ngắn và nhô ra ít, sơ cứu như sau:

  1.  phủ nhẹ lên vết thương và vật gắn bằng những miếng băng đắp, chú ý không đặt lực ép lên vật gắn;
  2.  làm một tấm đệm vành đủ rộng để nó nằm hoàn toàn quanh vết thương;
  3.  đặt tấm đệm vành bên ngoài miếng băng đắp và quanh vết thương, “dựng lều” miếng băng đắp để tránh áp lực đè lên vật gắn;
  4.  băng để giữ tấm đệm vành tại chỗ bằng băng bản hẹp.

Nếu vật gắn dài và nhô ra quá xa làm sự che phủ lên vật gắn và vết thương không thể thực hiện được thì ta thực hiện như sau:

Hình 3.4. Ổn định vật gắn vào

  1.  đặt băng đắp quanh đáy của vật gắn để che phủ vết thương;
  2.  đắp quanh vật gắn bằng những miếng băng đắp dày để giữ nó không di động;
  3.  giữ các miếng băng đắp tại chỗ bằng băng bản hẹp, chú ý là không đặt một áp lực nào lên vật gắn.

5. Vết thương đâm thủng. Vết thương có thể biểu hiện sự xuất huyết ngoại không nhiều, nhưng bạn nên nghĩ nhiều đến sự xuất huyết nội, đặc biệt nếu vết thương ở lồng ngực hay bụng. Những vết thương như vậy rất nguy hiểm vì có tổn thương mô bên trong, xuất huyết nhiều, và nhiễm bẩn sâu trong vết thương. Cần cầm máu và sơ cứu vết thương.

6. Tổn thương dập nát. Đó là sự thâm tím diện rộng của các chi thể hay của toàn bộ cơ thể. Hậu quả thường gặp là tổn thương mô và cơ quan nội tạng có thể bị vỡ.

7. Vết thương ở lòng bàn tay. Loại này thường gây xuất huyết trầm trọng vì nhiều mạch máu ở vùng này có thể bị tổn thương. 

Sơ cứu cho vết thương nằm ngang qua lòng bàn tay được thực hiện như sau:
  1.  phủ lên vết thương một miếng đệm làm bằng băng đắp;
  2. gập các ngón tay lên miếng đệm để tạo thành nắm đấm, và để tạo áp lực lên vết thương;
  3.  băng bàn tay đã nắm chặt bằng cách đặt trung tâm của tấm băng tam giác bản hẹp vào mặt trong của cổ tay, quấn hai ĐẦU của băng chéo lên mặt lưng của bàn tay để che phủ các ngón, chạy chéo ra mặt gan tay để về lại cổ tay, rồi gút chặt lại ở cổ tay;
  4.  nâng cao và nâng đỡ chi thể bằng băng đeo kiểu hình ống St. John.



Hình 3.5. Sơ cứu vết thương nằm ngang ở bàn tay

Nếu vết thương nằm dọc theo chiều dài của gan bàn tay, đặt miếng băng đắp dọc theo vết thương rồi băng phủ bàn tay với các ngón tay duỗi



Hình 3.6. Sơ cứu vết thương nằm dọc ở bàn tay

Dùng băng cuộn băng quanh bàn tay sẽ giúp làm hai mép vết thương sát lại nhau, và sẽ làm giảm xuất huyết. Nâng cao và nâng đỡ chi thể bằng băng đeo.

8. Xuất huyết da đầu. Thường trầm trọng, và có thể bị phức tạp thêm do vỡ xương sọ hoặc có vật gắn vào. Chăm sóc cần phải được thực hiện như sau:

  1.  làm sạch chất bẩn dính lỏng lẻo ở vết thương;
  2.  đặt miếng băng đắp vô trùng dày và đủ rộng để che phủ hoàn toàn vết thương rồi băng bó lại để cố định miếng băng đắp tại chỗ;
  3.  sử dụng một tấm đệm vành rộng đặt ở ngoài miếng băng đắp để duy trì lực đè ép chung quanh vết thương, nhưng tránh đè ép trực tiếp lên vết thương nếu nghi ngờ có vỡ xương sọ ở bên dưới, hoặc có vật gắn vào đầu;
  4.  chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

9. Chảy máu cam. Nó có thể xảy ra tự nhiên hoặc là do hỉ mũi, do tổn thương trực tiếp, hoặc do tổn thương gián tiếp như vỡ xương sọ. Trong trường hợp tổn thương đầu thì không được ngăn cản máu chảy ra. Với những trường hợp chảy máu cam khác thì sơ cứu được thực hiện như sau:

(1) đặt nạn nhân ở tư thế ngồi với đầu gập nhẹ ra trước;

(2) hướng dẫn nạn nhân dùng ngón cái và ngón trỏ để bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 10 phút;

(3) nới lỏng áo ở cổ và ngực của nạn nhân nếu quá chật gây khó chịu;

(4) giữ yên tĩnh cho nạn nhân để tránh gia tăng áp lực máu và làm gia tăng chảy máu.

(5) hướng dẫn nạn nhân thở bằng miệng, và không được hỉ mũi trong vài giờ sau khi máu cam đã ngưng chảy. Nếu vẫn còn chảy máu cam sau khi sơ cứu, hoặc nếu như nó tái phát thì gửi nạn nhân đến cơ sở y tế.

10. Vết thương thành bụng. Vết thương có thể bị hở rộng miệng, và do vậy cần phải phòng tránh tình trạng miệng vết thương bị hở rộng thêm. Để thực hiện việc này, nạn nhân thường được đặt tư thế sao cho đầu và vai được nâng hơi cao, chêm lót dưới hai đầu gối để làm hai chân gập. Phương pháp băng bó vết thương thành bụng phụ thuộc vào có hay không có tình trạng cơ quan nội tạng lồi ra ngoài:

(1) nếu các cơ quan nội tạng không lồi ra ngoài, đặt miếng băng đắp lên vết thương và băng chặt lại.

(2) nếu cơ quan nội tạng lồi ra ngoài, không được ấn nó vào lại trong bụng. Phủ vết thương và cơ quan nội tạng lồi ra bằng miếng gạc ẩm lớn, hay bằng một tấm khăn mềm ẩm và sạch, băng lại nhưng không được ép mạnh.

Không được cho bất kỳ thứ gì vào miệng nạn nhân. Nếu nạn nhân ho hoặc nôn mửa, băng hỗ trợ toàn vùng bụng bằng những tấm băng khổ lớn. Nạn nhân này thường bị sốc, và sự nhiễm bẩn vết thương sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Do vậy, phải vận chuyển nạn nhân đế cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét