Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Bệnh vô cảm

Lưu Văn Thiên 




Là con người ai cũng có cảm xúc, cũng đầy đủ thất tình lục dục, vì nếu không, họ sẽ bị gọi là một tâm hồn “sỏi đá” , vô sầu vô cảm hay là một con robot không có cảm xúc, không có lương tri. Thế nhưng đáng buồn thay con người đang dần dần bị robot hóa. Căn bệnh vô cảm đang trở thành một căn bệnh truyền nhiễm, lan rộng ra cả một lớp người, một thế hệ, một xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu bệnh vô cảm là bệnh gì?


Đó là căn bệnh khiến con người không cảm thấy động lòng trước nổi đau của người khác, không cảm thấy nhức nhối trái tim. Hẳn chắc ai cũng biết câu chuyện của bé Yue Yue ở Trung Quốc và bức xúc trước thái độ vô cảm của gần 20 người qua đường không chịu giúp đỡ bé đang phải nằm trên đường suốt 7 phút đồng hồ sau khi bị xe tải chà. 

Đó là căn bệnh mà đứng trước cái xấu xa, cái đê hèn họ không cảm thấy phẩn nộ, trái lại họ còn lợi dụng thời cơ để kiếm lợi cho bản thân. Bài viết đăng trên báo Dân Trí hôm 16.6.2012 kể chuyện về người đàn ông vừa thoát nạn sau vụ cướp phải bất lực đứng nhìn những đồng tiền của mình vương vãi trên đường bị người dân xung quanh ùa nhặt “ bỏ túi ” 

Đó là căn bệnh mà đứng trước một việc tốt họ không muốn noi gương nhưng lại thần tượng việc xấu. Vào ngày 20.11.2011, Công an huyện Điện Bàn, Quảng Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, tại địa bàn khu vực Điện Nam- Điện Ngọc, xuất hiện một nhóm thanh niên từ 14 đến 16 tuổi tự xưng là nhóm “sống về đêm” và là “ đàn em Lê Văn Luyện” – sát thủ vụ cướp vàng tại Bắc Ninh. Nhóm thanh niên này đã tự chế mã tấu và tuýp sắt khắc chữ “sống về đêm”, sau đó chụp hình tung lên mạng. 

Bệnh vô cảm không phải là một căn bệnh thể xác, người vô cảm vẫn có thể khóc cười, có thể nói năng, có thể nghe nhìn nhưng con tim của họ thì chai cứng, không rung động, đó là căn bệnh về tâm hồn, nó hủy hoại nhân cách và đạo đức của con người, làm cho não bị liệt không còn biết phân biệt phải trái 

Là một Hướng đạo sinh chúng ta không thể quên lời tuyên hứa của mình trước khi gia nhập phong trào : “Tôi hứa cố gắng hết sức giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.” Như vậy trên nguyên tắc, người Hướng đạo sinh đích thực không thể mắc bệnh vô cảm và chắc chắn rằng phong trào Hướng Đạo cũng không chấp nhận một Hướng đạo sinh như thế. Thế nhưng, bệnh vô cảm là một bệnh lây nhiễm, ai cũng có thể vướng mắc nếu không tỉnh táo. Xin được nêu lên một số trường hợp sau đây để mỗi Hướng đạo sinh suy nghĩ xem thử mình có đang dần dần bị lây nhiễm căn bệnh này một cách vô thức không? Và nếu có hãy khắc phục ngay đừng để bệnh ngày càng thêm nặng. 

Khi đi trên xe buýt, bạn có sẵn sàng nhường chỗ cho người tàn tật và già cả không? Hay chen lấn để tìm cho mình một chỗ tốt ? 

Đi đường gặp người bị tai nạn bạn bỏ đi vì không can gì đến mình hoặc đứng xem vì hiếu kỳ mà không sẵn sàng cứu giúp? 

Khi gặp những người bắt chước động tác của những người khuyết tật để làm trò đùa, bạn có khó chịu hay hùa theo cho vui ? Hoặc khi thấy một người mù bước nhầm vào vũng nước bạn chạy đến giúp đỡ hay bật cười thích thú? Khi gặp những người hành khất, nếu không giúp đỡ được, bạn có xua đuổi và dùng lời lẽ miệt thị không? Bạn có ở trong số những học sinh hùa nhau đánh đập, nhiếc mắng một bạn khác không? 

Trong nghề nghiệp, bạn có quan tâm giải quyết công việc cho mọi người hay bắt họ phải đi lại nhiều lần, có khi còn vòi vĩnh mới giải quyết? 

Tất nhiên không thể liệt kê hết mọi trường hợp ra đây nhưng chừng đó cũng đủ cho mỗi hướng đạo sinh nhìn lại mình. Nếu chúng ta rơi vào một trong những trường hợp trên đó là dấu hiệu chúng ta đang bị lây nhiễm căn bệnh này, nếu không lo sửa đổi chắc chắn bạn sẽ thành người vô cảm. Chúng ta dễ nhầm lẫn khi cho rằng những người “điên” là những người vô cảm không biết đau, không biết sầu khổ rồi đua nhau chế giểu, đối xữ tệ bạc với họ mà không biết rằng chính mình mới là người vô cảm! 

Xét cho cùng, căn nguyên vô cảm là do ích kỷ, con người chỉ biết đến bản thân mình, họ không muốn giúp đỡ người khác không phải vì họ không thể nhưng vì họ không muốn liên lụy đến mình, họ sợ mang họa vào thân. Vì thiếu tình yêu thương nên họ khô cứng, con tim họ đóng băng và cách duy nhất để chữa bệnh này là họ phải học hỏi yêu thương để bù đắp tình yêu thương cho chính bản thân mình. 

Người vô cảm cần được rèn luyện để biết mở lòng mình ra với thiên nhiên, để thấy cuộc sống quanh họ thật tươi đẹp, cuộc đời rực rỡ muôn màu, sự sống đang sinh sôi nảy nở và từ đó, họ lại mở lòng mình ra với người thân với gia đình, với bạn bè…Con tim họ sẽ được sưởi ấm, dần tan đi băng giá để nó lại biết yêu thương và rung cảm. Tóm lại, chúng ta hãy biết sống vì mọi người, biết cho đi mà không cần lãnh nhận, biết sống hòa nhập, chia sẽ, cảm thông vì không ai là một hòn đảo cô độc cả. Để kết thúc tôi xin mượn lời của một nhà văn Nga nói rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương ”. 

Lưu Văn Thiên

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét