Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Cách soạn Chương trình thăng tiến

Lê Thọ 
(LĐ Ngũ Hành Sơn) 

Để soạn một chương trình thăng tiến cho sinh hoạt Đoàn có chất lượng, phương thức hay nhất là anh chị thực hiện những gì mình nhìn thấy và các em mong muốn. Chúng ta có thể soạn thảo nhiều chương trình hấp dẫn và anh chị sẽ thấy thích thú với chương trình của mình hơn là của người khác. 


Phương pháp HĐ là học bằng thực hành, nên Đoàn Trưởng phải đầu tư nghiên cứu một chương trình hợp lý, cân bằng tâm trí - thể lực cho các em, và theo phương pháp hướng dẫn tiệm tiến. Nếu cần thì nên trao đổi với những người có kinh nghiệm. Không nên sao y bản chính các chi tiết chương trình của người khác, rồi thực hiện một cách máy móc, mà kết quả cuối cùng chưa chắc đã thành công..


Bên cạnh đó, anh chị cũng không quên đưa vào thực hành bằng hình thức trò chơi lý thú để kiểm tra trắc nghiệm chương trình, nhằm đánh giá khả năng hấp thụ của các em, cũng như giúp chúng ta kiểm soát lại khả năng và phương pháp truyền đạt của chính mình.

THIẾT LẬP KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG 


Phương cách hay nhất có thể thành công trong mọi việc là lập kế hoạch cho một việc làm, rồi thực hiện theo kế hoạch đó, dựa vào chương trình cụ thể đã được lập sẵn. Nếu anh chị không dự thảo sẵn kế hoạch, thì không thể tiến xa được. 

Theo trải nghiêm của chúng tôi, khi có một chương trình hoạt động hẳn hoi thì kết quả đạt được sẽ hơn gấp 2 lần so với cách làm việc ngẫu nhiên tùy tiện. 

Vấn đề song hành là rèn luyện tính khí, và làm phát triển tính khí các Đoàn Sinh tốt hơn, điều đầu tiên là BHT giúp các Đội trưởng lập kế hoạch chinh phục các “Chuyên hiệu”. 

MỤC ĐÍCH NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH LÀ GÌ? 


- Chủ đề mà BHT muốn hướng dẫn hay truyền đạt cho các em trong chương trình, phải dựa trên mục đích giáo dục của PTHĐ, những nhu cầu cần thiết do Đoàn đề ra, hay cũng có thể dựa trên những chủ đề nghiên cứu mới nhất đang được áp dụng trong đời sống các em để lôi cuốn trẻ vào sinh hoạt Đội. 

- Nội dung của các bài hướng dẫn phải là những tài liệu hay nhữnng tin tức chọn lọc liên quan đến mục đích của chương trình, tìm hiểu sở thích các Đội và tra cứu tài liệu (Sách của Trưởng HĐ) Chương Trình Thăng Tiến các cấp do Phong Trào soạn, là một trong những tài liệu hữu ích và cần thiết mà Huynh Trưởng có thể dùng trong việc soạn bài học cho các em. Dĩ nhiên còn rất nhiều tài liệu khác có thể tham khảo và đem vào hoạt động hợp lý. 

TRỌNG TÂM MỤC TIÊU 


- Trọng tâm của toàn bộ chương trình phải là các em. Chương trình cần phải soạn để phù hợp với nhu cầu, sở thích và khả năng của các em. Nên nhớ rằng: chương trình được soạn là để thích hợp cho các em, chứ không phải bắt các em phải thích hợp với chương trình. 

- Phần giới thiệu mục tiêu: Phần này rất quan trọng vì sẽ gây được ấn tượng tốt nơi các em ngay từ ban đầu. Những câu hỏi cần phải đặt ra là: Làm thế nào để lấy được sự chú ý của các em? Anh chị sẽ dùng phương pháp hoặc hình thức nào để gây sự thích thú cho các em trong bài huấn luyện. 

- Chúng ta muốn các em học được điều gì trong bài học, nên chọn một hoặc hai vấn đề mà thôi. BP thường nói rằng: “Đoàn Trưởng là người câu cá, phải biết dùng mồi câu thích hợp với cá, chứ không phải người câu.” 

SỰ CÂN BẰNG HOẠT ĐỘNG 


Khi áp dụng chương trình sinh hoạt, chúng ta quan tâm chú ý cân bằng trạng thái: “thể lực – trí lực” của các em, đó là nguyên tắc quan trọng trong công việc giáo dục. Huynh Trưởng cần phải biết chia đều các bài hướng dẫn về thời gian cũng như về nội dung. Các em cần phải có những sinh hoạt vui chơi đi kèm với các bài học. Các bài hướng dẫn cần phải cân bằng cho thích hợp với từng lứa tuổi. 

- Thời gian: Huynh Trưởng cần phải biết trước khoảng thời giờ cho phép một trò chơi và sắp đặt bài HL cho thích hợp. Nếu cảm thấy không đủ thời gian thì chia ra làm 2 hoặc 3 lần. Không nên dồn quá nhiều đề tài cùng một thời gian sẽ không đạt được kết quả mong muốn; đôi khi có tác dụng ngược lại. 

PHẢI THỰC TẾ 


Chương trình sinh hoạt cần phải cung cấp cho các em những bài học liên quan đến cuộc sống hằng ngày. Các em muốn nhìn thấy hoặc muốn học những điều cần thiết cho bản thân ngay bây giờ cũng như cho tương lai. Vì vậy Huynh Trưởng có thể đặt những câu hỏi cho chính mình trong khi soạn chương trình: các em có cần những cái này hay không? Vậy thì phải làm thế nào?... 

Tài liệu và Trợ huấn cụ: Nên sử dụng trợ huấn cụ cho mỗi bài hướng dẫn để giúp công việc giảng dạy đạt được kết quả cao. 

SỰ LIÊN TỤC 


- Sự học hỏi và phát triển bản thân của các em phải là một quá trình liên tục từ lúc mới vào. Do đó chương trình chúng ta soạn cần phải được sắp xếp kỹ lưỡng từ các bài học kỹ năng cho đến các sinh hoạt trò chơi để tạo được tính cách liên tục. 

- Theo dõi đánh giá: Chuẩn bị các dự án về nhà làm hay những công việc cụ thể trong tuần giúp các em hiểu rõ và thực hành những điều vừa mới học. Việc lôi cuốn các em đi sinh hoạt liên tục đều đặn là do tài trí biên soạn chương trình của BHT. 

SỰ THÍCH THÚ 


- Sự thích thú trong sinh hoạt Đoàn là một điều không thể thiếu được. Những điều mới lạ thích thú, những hoạt động sáng tạo trong các bài học, sẽ gây được nhiều sự chú ý của các em. Một khi các em tìm thấy được sự thích thú hấp dẫn trong huấn luyện hay trong sinh hoạt, các em sẽ thích đi sinh hoạt hơn. Điều cần nhớ là tránh lập đi lập lại một vài vấn đề hay một số trò chơi cũ, làm nhàm chán bầu khí sinh hoạt. 

ĐÀO LUYỆN TÍNH KHÍ 


Điều cốt yếu khi thực hiện chương trình Đoàn, luôn luôn nhớ đến phương pháp đào luyện tính khí, là phần quan trọng nhất của giáo dục Hướng Đạo. Phải tạo cơ hội cho các em luôn gắng sức sắp sẵn để nhận lãnh công việc và phải làm có kết quả. 

BHT hãy khuyến khích gây hứng thú cho trẻ thích làm việc. Chơi hay làm việc là để đào luyện tính khí, nên trước hết phải biết làm cho chúng quan tâm đến việc làm, và làm đến nơi đến chốn. Ví dụ như học gút dây, làm một món thủ công, hoặc chơi…đều không bỏ cuộc nữa chừng. Những việc nhỏ nhặt đơn giản như trên cũng phải bền chí gắng sức chu toàn không nên thi hành một cách hời hợt cho có lệ. Hãy nhớ rằng một đứa trẻ không thích làm việc thì không thể rèn luyện tính khí được. 

Tóm lại, rèn luyện phải đi đôi với thực hành.Cố gắng tập cho các em những thói quen và tập quán tốt để mai sau có tánh khí tốt. 

ĐỐI VỚI ĐOÀN SINH 


Nên có những bài kiểm tra nhanh mỗi tuần, mỗi tháng về khảo sát thi qua Đẳng Thứ&Chuyên Hiệu. Hình thức đặt câu hỏi kiểm tra có thể thay đổi tùy theo trình độ, tuổi tác, và thời gian cho phép. Sau đây là một vài hình thức đặt câu hỏi thông dụng trong bài khảo sát, Chúng tôi gợi ý vài điểm sau đây, anh chị Đoàn Trưởng có thể triển khai chi tiết cụ thể mà áp dụng: 

- Trả lời câu hỏi về Nghi thức điền vào: Đúng/Sai 
- Trả lời câu hỏi chọn lựa thực hành tại chổ 
- Trả lời vấn đáp Đẳng Thứ tại buổi khảo sát 
- Viết câu trả lời sau khi bốc xăm câu hỏi… 
- Gọi điện thoại gặp Trưởng hoặc đến nhà để kiểm tra vài mục còn thiếu trong chuyên hiệu khó. 

ĐỐI VỚI BAN HUYNH TRƯỞNG 


BHT không quên ký tắt vào “Sổ tay chuyên cần” của HĐS khi đã trắc nghiệm xong từng phần, hoặc cho những thang điểm mỗi câu hỏi trong phần soạn thảo đã khảo sát; thường thì từ 1 cho đến 5 hoặc đánh dấu chọn khi đã thi qua. Và nên có phần nhận xét về các em trong chương trình đã học, những điều các em thích và không thích nơi chương trình. 

Sau cùng họp BHT đánh giá cuộc trắc nghiệm và Đoàn Trưởng ký kết quả cuối cùng trong sổ các em. Để làm tốt điều nầy các anh chị nên nắm vững và hiểu rõ giá trị của chính mình trong công việc thực dụng của việc giáo dục. 

LƯU TRỮ HỒ SƠ 


Chúng ta luôn lưu ý công việc hành chánh Đoàn, lưu giữ các hồ sơ bao gồm : 

§. Giữ gìn lưu hồ sơ sổ điểm và quá trình sinh hoạt của các em về kiến thức (Đẳng Thứ và Chuyên hiệu) sự chuyên cần (Sổ điểm danh), cũng như đời sống đạo đức (làm việc thiện hàng ngày); nhờ đó mà Đoàn Trưởng có thể thấy được sự thành công hay thất bại trong công việc giảng huấn của mình, cũng như nhìn ra được sự học tập và thăng tiến của mỗi em trong Đoàn. 

§. Đoàn Trưởng luôn luôn cử thư ký hoặc phụ tá thay phiên nhau viết nhật ký Đoàn hàng tuần, công việc nầy tuy đơn giản nhưng về sau rất có nhiều điều bổ ích và giá trị lớn, 

§. Hơn nữa, nếu công việc này được thi hành đúng cách, thì khi một Đoàn sinh di chuyển từ Đoàn mình sang một Đoàn khác em đó có thể tiếp tục việc học đang dở của mình mà không phải học lại hoặc bị giữ ở cấp thấp hơn. 

§. Liên lạc với phụ huynh để thông báo việc tiếp thu của các em giúp BHT có cơ hội cảm thông và hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc huấn luyện và dạy dỗ các em . 

§. Khen thưởng kịp thời hoặc trao bằng huy hiệu, giấy chứng nhận khả năng cho cá nhân đạt được để làm gương cho các em khác và khuyến khích các em trong sự thi đua và nổ lực phấn đấu cho những lần kế tiếp. (Hiện nay HĐVN đang có những băng hiệu và cấp hiệu để khen thưởng nhưng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi hoặc sử dụng đúng cách. Hy vọng tương lai các Đoàn Trưởng đem về áp dụng ở Đoàn để tạo bầu khí thi đua học tập.) 

TẦM NHÌN XA 


Chúng ta cần thường xuyên thay đổi và cập nhật hóa chương trình cho thích hợp với hoàn cảnh và môi trường các em đang sống. 

Đoàn Trưởng cần phải có cái nhìn xa, vạch ra hướng đi trong chương trình để dìu dắt các em đến mục đích mà chúng ta mong muốn. Nghiên cứu kỹ lưỡng các bài học và những sinh hoạt có tính cách chuyên môn, nhằm giúp phát triển những năng khiếu đặc biệt và sở thích của các em. phải cho các em có một cái nhìn tổng quát chung về các môn học và sự liên hệ các nội dung với nhau. 

Ngoài ra, Đoàn Trưởng cần phải theo dõi thường xuyên mức độ phát triển của các em về tâm sinh lý, kiến thức lẫn đời sống tinh thần; cộng tác với gia đình trong việc hướng dẫn và dìu dắt các em thành những người công dân tốt trong xã hội. 

CHẤM DỨT CHƯƠNG TRÌNH HỢP LÝ 


Một buổi sinh hoạt thành công là niềm vui của tất cả các Đoàn sinh và BHT, chúng ta không chỉ chú trọng đến lý tưởng của PPHĐ, đến khía cạnh hấp dẫn của trò chơi mà chúng ta phải biết chấm dứt chương trình một cách hợp lý (soạn thảo một cách thông minh, có phương pháp đem lại thoải mái và sung sướng) 

Tóm lại, Một chương trình thành công là một chương trình luôn thay đổi và cải tiến để thích hợp với nhu cầu của các em, không kéo dài lê thê mà chẳng có kết quả gì! Hãy luôn luôn cập nhật hóa những tin tức hay những tài liệu mới nhất liên quan đến lãnh vực giáo dục và rèn luyện tính khí trẻ em. 

SỰ LƯỢNG GIÁ SAU SINH HOẠT 


Qua một buổi sinh hoạt, sau khi kết thúc BHT nên ngồi lại lượng giá 15 phút là tốt nhất, để xem lại công việc thực hiện chương trình HL của mình và việc tiếp thu qua mức độ hiểu bài của các em, đồng thời xem lại kế hoạch đã áp dụng có thích hợp và đạt được kết quả mong muốn như thế nào, để rút kinh nghiệm lần sau anh chị có thể đặt những câu hỏi ngay bài hướng dẫn hoặc cho làm bài kiểm tra ngắn. 

Sự lượng giá và khảo sát phải là điều không thể thiếu được trong việc điều khiển Đoàn, còn giúp cho các anh chị kiểm soát lại khả năng giảng huấn của mình, tìm ra những thiếu sót trong khi soạn chương trình . 

Tóm lại, Sự lượng giá một chương trình đã thực hiện là rút ra được một bài học hôm nay và ngày mai sẽ có thêm một kinh nghiệm để làm tốt hơn. Những chương trình hằng tuần luôn thay đổi và cải tiến bao giờ cũng hấp dẫn mọi người, điều nầy cho thấy các em đến sinh hoạt đều đặn và đông hơn. 

( Còn tiếp) 

Mùa hè 2012 
Nai điềm đạm 


Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét