Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Danh dự


Danh dự là gì?


“Danh dự”, là hai từ mà mỗi Hướng đạo sinh luôn luôn nhắc đến, trong 3 Lời Hứa và mười Điều Luật Hướng Đạo. Thế nhưng khi được hỏi “Danh dự là gì?” thì phần lớn đều tỏ ra lúng túng, một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng để lột tả hết ý nghĩa của nó thì lại không dễ. Có rất nhiều định nghĩa như sau:

- Danh dự (tiếng tốt) là phần giá trị tinh thần của một người do sự ý thức và thực hiện được nghĩa vụ tạo thành.

- Danh dự là những ấn tượng, những điều tốt đẹp mà mình đã thiết lập được trong mối quan hệ, trong sự nhận xét, đánh giá, và cái nhìn của nhiều người xung quanh trong cuộc sống.

- Danh dự là tiếng thơm của một con người. Càng làm được nhiều điều tốt đẹp thì danh dự càng cao. Nói tóm lại danh dự là điều cần có để làm người tốt hơn. 

Danh dự của một người nào là cái giá trị, cái đức độ của riêng người đó, đã do cung cách sống của họ tạo nên.

- Danh dự là tính liêm chính, chính trực; lòng trung thành với những nguyên tắc đạo lý hay sự kính trọng đối với một ai đó hoặc ai đó kính trọng bạn.

(Honour is personal integrity; allegiance to moral principles or a respect for someone or that someone has for you.)

Một vài mẫu gương về Danh dự


-Trần Bình Trọng


Tháng Giêng năm 1285, 50 vạn quân Nguyên-Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hoàng đế nhà Nguyên - Hốt Tất Liệt, cầm đầu chia quân làm hai cánh tấn công xâm lược Đại Việt.

Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường. Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.

Trần Bình Trọng đã tổ chức cuộc đánh chặn ngay tại bãi Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, Trần Bình Trọng bị bắt, nhưng trận đánh là một thắng lợi cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược với cuộc kháng chiến, khi kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn mất dấu vết bộ chỉ huy kháng chiến.

Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, dọa nạt, dụ dỗ’ ông. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc không, Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: 

“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, cần gì mà phải hỏi lôi thôi’’

Đó là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm cũng như lịch sử Việt Nam nói chung, trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt, một tấm gương cao cả về trọng danh dự. Không thể khuất phục được Trần Bình Trọng, quân Nguyên buộc phải giết ông vào ngày 21 tháng Giêng năm Ất Dậu. Năm đó, Trần Bình Trọng 26 tuổi.

-Thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/03/2011 tại Nhật Bản


“Ngày/11/03/2011, một thảm họa lớn bậc nhất trong lịch sử vận hành trái đất đồng hành với sự phát triển của xã hội con người đã xảy ra ở Nhật Bản, cơn động đất 09 độ richte, đã xé toạc mặt đất, tạo ra sóng thần cao 23m đổ vào bờ biển Nhật Bản, thảm họa thiên tai đã cuốn trôi hàng nghìn tòa nhà cao tầng, vùi dập cả triệu con người trong biển nước, thảm họa thiên tai còn chưa dứt, nó đã kéo theo thảm họa ‘nhân tai’, đã có 3 lò trong 6 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây nổ, tạo ra nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ nguy hiểm chết người..”

Theo bản năng, con người ai cũng khao khát sống, khao khát được tồn tại, và để đạt được mục đích ấy thì họ phải đấu tranh để giành sự sống, mạnh được, yếu thua đó là qui luật sinh tồn. Nếu những người sống sót sau thảm họa này chỉ nghĩ đến mình thì họ sẽ tranh nhau giành lấy miếng ăn, thức uống và chắc chắn thảm cảnh xảy ra sẽ càng bi đát hơn. Lúc này không còn là một thảm họa kép nữa mà là tam tai.

Nhưng danh dự của một đất nước, của một dân tộc sống theo tinh thần thượng võ không cho phép họ làm điều đó “tất cả người Nhật vẫn đứng vững. Không phải một sự đứng vững bình thường, mà là sự đứng vững ngay ngắn chỉnh tề, có hàng có lối, đan xen trong hàng ngũ đó là vô vàn những sự hy sinh, quăng thân cứu người, chăm sóc, chia sẻ, đùm bọc, và thực thi những nghĩa cử nhân ái con người...tất cả mọi người Nhật vẫn tề tựu nghiêm chỉnh xếp hàng. Một sự xếp hàng nhẫn nại! Nhẫn nại đến độ như làm cho người khác cảm thấy: người Nhật được song sinh cùng sự nhẫn nại. Người ta xếp hàng như chẳng cần để ý đến chiếc dạ dày đang sôi réo quằn quại bên miệng hố sinh tử của mình, cũng chẳng cần để ý liệu cái giỏ đựng bánh hay đựng nước đóng chai kia sắp hết hay còn….”

Danh dự cần cho đời sống nhân loại


Trong cái xã hội nhiễu nhưong chúng ta đang sống, một số người đã bán rẻ danh dự chỉ vì nhu cầu sinh sống vật chất, vinh hoa phú quý, danh vọng địa vị. Luân lý và đạo đức đang tuột dốc trầm trọng. Họ đã đánh mất danh dự - chính là ân huệ của Thượng Đế trao ban - là nền móng của cuộc sống trong xã hội, không có nó, xã hội sẽ lung lay sụp đổ. Danh dự là điều kiện cần thiết của đời sống nhân loại. Làm người, ai cũng mong muốn được kính trọng, được đánh giá tốt và không ai muốn mình bị người khác khinh thường, sỉ nhục. Người mà đánh mất danh dự sẽ luôn sống trong mặc cảm bị khinh chê, ghét bỏ, và sống như thế thì có hơn gì con vật, không có danh dự, không biết xấu hổ, họ sống mà như là đã chết, vì đã tự vùi chôn mình trong đống cặn bã vinh hoa phú quí.

Lưu Văn Thiên
Đà Điểu Nhiệt Thành. RS 

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét