Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Danh dự

Một tân sinh Hướng đạo khi bước qua dự tráng, phải qua một đêm tĩnh tâm, suy nghĩ chín chắn để sáng ngày mai ra đứng trước anh Tráng trưởng (chủ lễ) cùng anh chị em tráng sinh trong tráng đoàn để tuyên hứa. 

Tân tráng sinh một tay đặt lên Đoàn kỳ, một tay đưa lên làm thủ hiệu Hướng đạo để tuyên hứa. 

- Tôi xin lấy danh dự hứa cố gắng hết sức … 

Người tân sinh lấy gì để hứa : “lấy danh dự” 

Trưởng chủ lễ : anh ( chị) muốn tuyên hứa để trở thành dự tráng sinh của Phong trào Hướng đạo Việt Nam. vậy anh ( chị) có biết danh dự của Tráng sinh Hướng đạo là gì không ? 

Tân sinh : Thưa Trưởng tôi biết đó là sống làm sao cho mọi người tin lời nói của mình


Muốn cho mọi người tin lời nói của mình thì phải trọng danh dự. Danh dự là vật bảo chứng vô giá, mất danh dự là mất lòng tin, là mất tất cả. 

Mất của cải không đáng kể 

Mất sức khỏe mất đi nửa cuộc đời 

Mất lòng tin là mất tất cả. 

Một lần bất tín vạn lần bất tin. 

Trước năm 1975 dưới thời Miền Nam Việt Nam, người công chức ngành doanh thác bưu điện trước khi vào chánh ngạch, họ phải tuyên thệ trước Tòa án 

Tòa án mở phiên toàn công khai nghiêm túc, như một buổi lễ tuyên hứa Hướng đạo, người công chức đứng trước mặt vị chánh án, đưa tay lên tuyên thệ : 

Chúng tôi lấy danh dự xin tuyên thệ : 

- Tuyệt đối bảo tồn,bảo mật công văn của nhà nước và thư tín của công dân. 

-Tuân theo luật lệ và quy định của ngành Bưu điện Quốc gia và Quốc tế ..v.v. 

Vị chánh án đại diện cho ngành tư pháp nhận lời tuyên thệ, lập biên bản sau phiên tòa để đưa vào hồ sơ của cơ quan bưu điện sở tại. 

(Năm 1953 tôi là người được vinh dự tuyên thệ tại tòa án Đà Nẵng.). 

Lời tuyên hứa của HĐS và lời tuyên thệ của người công chức bưu điện đều lấy danh dự ra hứa và tuyên thệ.Như vậy danh dự là viên ngọc quý giá của mỗi con người cần phải gìn giữ và bảo vệ nó. Nó đại diện cho giá trị phẩm chất cá nhân của mỗi con người, vì vậy khi mất đi danh dự cũng có nghĩa là tự mình đánh rơi đi chính mình, bản thân mình, con người mình trong cộng đồng xã hội . 

Người lãnh đạo khi nói, khi hứa với cấp dưới, thì phải giữ lời hứa. không thể thất hứa. Hứa mà không thực hiện, làm mất lòng tin của thuộc cấp, thì người lãnh đạo đó tự đánh mất danh dự và lòng tự trọng của mình. Người lãnh đạo mà nói một đường làm một nẻo, nói không trung thực thì không còn ai tin tưởng kính trọng. 

Nhất ngôn cửu đỉnh.” 

.Xưa có câu “quân vô hý ngôn” tức vua không nói chơi. Người lãnh đạo Hướng đạo cũng vậy, trước khi nói phải thận trọng, trước khi hứa phải giữ lời, nếu không làm được thì không nên hứa, không nên thất lời hứa với các em. Hứa hươu hứa vượn, hứa suống, hứa mà không làm thì các em sẽ đánh giá người lãnh đạo của mình như thế nào ? khi lỡ hứa thì dù khó khăn hay thiệt thòi đến bản thân mình cũng cố gắng giữ lời hứa. Vì : 

Nhất ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy.” 

Chúng ta cố gắng làm sao giữ cho đúng lời hứa. Không vì lẽ gì đánh mất lời hứa, đánh mất danh dự. Cái danh dự của người công chức ngành bưu điện có sự ràng buộc pháp lý, vì anh đã tuyên thệ trước tòa án. Nếu anh làm sai lời tuyên thệ anh sẽ bị xử lý theo pháp luật. Còn người tráng sinh tuyên hứa với Trưởng của mình với sự tự nguyện, tự giác, không có ai ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, anh làm sai lời hứa, anh sẽ bị Tòa án lương tâm của anh tự xử. Đừng để các em phải thất vọng…Trưởng là gương sáng để cho các em noi theo. 

-Hươu thận trọng- Rừng An Hải

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét