Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Giới thiệu tập tài liệu ngành Tráng

của Văn Phòng HĐTG_năm 2009.


“ GUIDELINES FOR THE ROVER SCOUT SECTION”

PHẠM CẢNH ĐÁNG

Tập tài liệu này dày 156 trang gồm 3 phần và 10 chương.

PHẦN MỘT: TẠI SAO ? ( Why ? ) 


có 2 chương :

  • Chương 1: nói về Mục đích của HĐ là giúp cho các em trở thành một con người toàn diện.
  • Chương 2: Nói về Tráng Sinh là ai ? (who are the Rover Scouts), những nét đặc thù (characteristines) và những nhu cầu (needs) của tráng sinh. Đặc biệt nhấn mạnh đến Hội HĐQG phải tự tìm ra phương pháp thích hợp nhất để có chương trình sinh hoạt Tráng. Hội HĐQG phải ấn định hạn tuổi tối đa để có chương trình phù hợp (VP nói đến lứa tuổi từ 18 đến 22), và tự do phác thảo những mục tiêu giáo dục, phương pháp, sinh hoạt riêng cho quốc gia mình, và cần điều chỉnh thường xuyên cho thích nghi với cuộc sống ngày càng thay đổi.



PHẦN HAI: LÀM THẾ NÀO ? (HOW?)


có 7 chương giới thiệu 7 Phương pháp HĐ trong ngành Tráng.

Chương 3: LỜI HỨA VÀ LUẬT HĐ (LAW AND PROMISE)


Tuyên Lời hứa không phải là hình thức để trở thành HĐ, mà là lời cam kết của một người trẻ (đang lớn) trước các bạn bè: là sẽ cố gắng sống theo Luật và Lời hứa. Điều đó có nghĩa là: người trẻ tự nguyện chấp nhận lời mời gọi của PT.HĐ là sẽ phát triển bản thân bằng nỗ lực chính mình. Có nhiều nơi chỉ làm hình thức mà không giúp cho Tráng sinh hiểu một cách đúng nhất lời hứa của mình.

Chương 4: HỌC BẰNG HÀNH ĐỘNG (LEARNING BY DOING) 


Tráng sinh phải thực sự tham gia sinh hoat chứ không phải đứng ngoài nhìn, im lặng lắng nghe.
Tham gia sinh hoạt sẽ đem lại cho người trẻ một chuỗi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng sống, phương cách hành xử v.v...

Một sinh hoạt có thể tạo ra những kinh nghiệm khác nhau cho từng cá nhân..

Sinh hoạt Ngành Tráng là gì ?


  • Những sinh hoạt cố định (như nghi thức, Hội đồng Tráng đoàn, bài hát, trò chơi..)
  • Những sinh hoạt thay đổi (như chèo thuyền, tắm biển. .)
  • Những dự án (như chèo thuyền để chụp ảnh chim chóc vườn tràm..tắm biển kết hợp tập bơi, cứu thủy nạn..)

Chương 5: LÀM VIỆC NHÓM. (TEAM SYSTEM, TEAM WORK) 


Có người nghĩ rằng tuổi tráng không thể áp dụng Phương pháp hàng đội kiểu HĐ được. Ý nghĩ đó không đúng. Ngày nay các Cty, Xí nghiệp rất thích phương pháp này, và đem áp dụng cho công nhân viên chức của họ, vậy tại sao không áp dụng cho Tráng sinh được .

Một tráng đoàn lý tưởng có chừng 20 tráng sinh thường trực và 1 toán phục vụ (team service) và 1 toán xưởng hay đặc nhiệm.

Cũng có thể mỗi Liên đoàn có 1 toán thường trực và nhiều toán này hợp lại thành 1 Tráng đoàn.

Chương 6: KHUNG BIỂU TƯỢNG (SYMBOLIC FRAMEWORK)


Tất cả những hình thức bên ngoài ( như tên các ngành HĐ: Ấu đồng phục, huy hiệu, logo, bài hát, khăn quàng, nghi thức...) đã tạo nên một khung cảnh , một bầu khí, chứa đựng những giá trị, những đề nghị của Phong trào, giúp người trẻ dễ tiếp cận hơn là những lời giải thích trừu tượng.

Có khung biểu tượng của Phong trào nói chung, có khung biểu tượng của Ngành Tráng nói riêng. Tráng sinh muốn tìm một con đường tốt đẹp nhất cho đời mình...những biểu tượng như “Tự chèo lấy thuyền anh”, “gậy nạng “.. là những khung biểu tượng đẹp nhất của ngành tráng.

Chương 7: THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (NATURE AND ENVIRONMENT ).


Thiên nhiên là môi trường giáo dục của PTHĐ, cung ứng những thuận lợi lớn lao cho sự phát triển: Thể chất,(l) Tinh thần,(2) Tập thể ( xã hội),(3) Tình cảm,(4) Trí thức,(5) và Tính khí. (6T).

Thiên nhiên là kho tàng quí báu, dồi dào, và sinh động nhất cho con người.

Chương 8: NHỮNG MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÀ TIẾN TRÌNH CỦA CÁ NHÂN (EDUCATIONAL OBJECTIVES AND PERSONAL PROGRESSION )


Mục tiêu cuối cùng của Phong trào là hướng tới một “mẫu người lý tưởng”- mẫu người trưởng thành về mọi mặt.

Vì thế ngành tráng phải có trách nhiệm giúp cho Tráng sinh: một sự hiểu biết mới, một kỹ năng mới, một thái độ mới, góp phần vào sự phát triển của một con người toàn diện.

Tráng sinh tuy có nhiều tự do để chọn lựa cách thức tiến bộ trên hành trình HĐ , nhưng vẫn cần có cơ chế để hướng dẫn , và cần có sự khuyến khích, khích lệ, động viên, nhắc nhở để họ tiến bước.

Có 3 giai đoạn trong tiến trình của 1 tráng sinh.


  • Giai đoạn “ Khám phá “ ( Discovery): hiểu biết và cam kết.

    Tráng sinh (tân tráng) tìm hiểu ý nghĩa sinh hoạt tráng và quyết định bước vào “ hành trình” tráng sinh ( tuyên lời hứa).
  • Giai đoạn “Hành trình” (Journey): Sinh hoạt trong tráng đoàn.

    Mỗi tráng sinh phải có kế hoạch cho bản thân (gồm 6 T). Thời gian thực hiện hành trình này tùy thuộc vào bản thân tráng sinh. Khi hoàn tất được các mục tiêu cuối cùng của ngành, tráng sinh chuyển qua giai đoạn lên đường.
  • Giai đoạn “ Lên đường“ ( Departure ): Kế hoạch về đời sống.

    Khi đi hết cuộc hành trình tráng (sinh hoạt tráng) Tráng sinh sẽ tự lập kế hoạch về đời sống của bản thân (học vấn, sự nghiệp, tình yêu, gia đình..) và đó cũng chính là lúc Tráng sinh quyết định “lên đường”. Lễ lên đường đánh dấu sự kết thúc sinh hoạt tráng của một tráng sinh. (ghi thêm: nhưng nếu chưa quá tuổi Tráng và còn muốn ở lại vừa giúp Phong trào, vừa trải nghiệm thêm thì Tráng sinh có thể tiếp tục ở lại với Tráng đoàn).

Muốn thẩm định chất lượng của chương trình Tráng đoàn ta phải căn cứ vào số lượng Tráng sinh lên đường, chứ không phải số lượng Tráng sinh xin vào đoàn .

Tráng đoàn chú ý giúp cho mỗi Tráng sinh phải có “Sổ tay Tráng sinh“ để ghi nhận những lựa chọn và hoạt động cùng thẩm định tiến trình cá nhân :

  • Các mục tiêu giáo dục sau cùng của chương trình Tráng.
  • Những thử thách cá nhân được lựa chọn của Tráng sinh cho mỗi mục tiêu sau cùng.
  • Những hoạt động và dự án.
  • Những ghi chú đặc biệt.

Chương 9: SỰ YỂM TRỢ CỦA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH -TRƯỞNG ( ADULT SUPPORT)


Vai trò “Trưởng’’ trong PTHĐ sẽ thay đổi tùy theo ngành (lứa tuổi). Ngành tráng thì Trưởng chỉ giữ vai trò cố vấn, hổ trợ, hướng dẫn, còn Tráng sinh mới nắm giữ các hoạt động của Tráng đoàn. Trưởng ngành Tráng còn được gọi là Cố vấn Tráng đoàn (Rover Scout Advisor), còn các bảo huynh, bảo tỷ gọi là người trợ giúp (Rover Scout Mentor). Vì thế Ban huynh trưởng Tráng đoàn phải là những người từng trải, có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết để sẵn sàng đồng hành với các Tráng sinh, giúp đỡ, tư vấn, góp ý, khích lệ, uốn nắn...họ.

Trường ngành Tráng không kéo hay đẩy Tráng sinh chạy theo sau hay đi trước mình.

Tóm lại: Trưởng ngành Tráng là những người cần hội đủ một số yếu tố quan trọng như: người đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định, có nhiều kinh nghiệm về thành công cũng như thất bại, đầy nhiệt huyết, lạc quan yêu trẻ và được Huấn luyện chu đáo.

Chương 10 : SINH HOẠT NGÀNH TRÁNG.


Sinh hoạt ngành Tráng rất phong phú và đa dạng, có nhiều hình thức khác nhau và được tổ chức trong nhiều khung cảnh khác nhau.

Sinh hoạt ngành Tráng gồm có :


  • Sinh hoạt cố định, tức là những sinh hoạt thông thường của PTHĐ (xem lại Chương 4 ).
  • Sinh hoạt thay đổi (dự án). 

Có rất nhiều sinh hoạt nhưng có 4 loại sinh hoạt có thể giúp Tráng sinh đương đầu với những thách thức đặc biệt của tuổi Tráng.

1/ Du Hành Sinh Động ( Active travelling ).
Tráng sinh không du lịch như những du khách thông thường, mà du lịch một cách sinh động, tức là du lịch để tìm hiểu, khám phá, và cả thử thách nữa (có thể gọi là du lịch balo, tour bụi, vừa rẻ, chất lượng, hiệu quả)

2/ Phiêu Lưu Trong Hoang Đã (Adventures in wilderness)

Cuộc sống nơi thiên nhiên hoang dã rất hữu ích cho người trẻ tìm được sự quân bình tự nhiên, rèn luyện cơ thể, thích nghi cuộc sống...và cảm nhận được sự quí báu của môi trường thiên nhiên.

Cả 2 loại du hành trên cần chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các vật dụng... và phải ghi chép đầy đủ.

3/ Phục Vụ Cộng Đồng ( Community Service ).

Sứ mệnh của PTHĐ là “ Giúp kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn’. Qua các hoạt động du hành, Tráng sinh sẽ cảm nhận được những gì cần phải làm (dự án) để kiến tạo một sự thay đổi tốt đẹp hơn.

Phục vụ cộng đồng không hàm ý của công tác “làm việc thiện” thông thường, mà phục vụ cộng đồng phải mang tính suy tư, phân tích, giải quyết vấn đề và thiết lập dự án khả thi, quản lý dự án.

4/ Hội Nhập về Xã Hội và Kinh Tế (Social and economic integration)

Tráng đoàn phải giúp cho Tráng sinh chuẩn bị đời sống nghề nghiệp, gia đình ở tương lai.
Tráng đoàn nên cung cấp cơ hội cho Tráng sinh tiếp xúc thị trường nhân dụng.
Yểm trợ cho các dự án kinh tế của Tráng sinh (tạo thu nhập, kinh nghiệm.)

Ngày họp mặt Trưởng Ngành Tráng Miền Trung
dịp đầu năm tại Đà Nẵng (20-2-2010)

PHẠM CẢNH ĐÁNG

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét