Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Góc kỹ năng chuyên môn

Sơn dương từ tốn-Liên đoàn Quang Trung 


A. TÌM NƯỚC UỐNG 


Nước là nhu cầu thiết yếu để sống còn. Mỗi ngày, dù ở mùa lạnh, chúng ta cũng cần tối thiểu là 2 lít nước. Hơn ba phần tư cơ thể của bạn là nước. Cơ thể mất nước là do nóng, lạnh, lo âu, lao động…. Để hoạt động có hiệu quả, bạn cần phải bồi phụ lại nước.Vì thế, mục tiêu đầu tiên trong mưu sinh là phải tìm được nguồn nước.Có nhiều cách để có được nước và dưới đây là một trong các phương cách.

CHƯNG CẤT

Để làm lò chưng trên mặt đất, bạn cần một khoản sườn dốc về hướng mặt trời để đặt lò chưng. Bạn cần có một bao nhựa trong, loại cây cỏ có nhiều lá xanh, và một viên đá nhỏ (hình 1)
  1. Làm phồng bao bằng cách hướng miệng bao về hướng gió, hoặc thổi hơi vào bao. 
  2. Chứa đầy một nửa bao nhựa những loại cây cỏ có nhiều lá xanh. Cần loại bỏ hết cành cứng và gai nhọn để tránh làm thủng bao. Chú ý là không dùng những loại lá cây độc vì nó sẽ cho nước độc. Hình 1.Lò chưng cất nước trên mặt đất 
  3. Đặt một viên đá nhỏ hay vật tương tự vào trong túi. 
  4. Buộc chặt miệng bao, càng gần với miệng bao càng tốt để giữ lại một lượng tối đa không khí trong bao. Nếu bạn có một đoạn ống dẫn, một cọng rơm, hay ống sậy, bạn nên đưa ống đó vào miệng bao trước khi buộc chặt, rối nút chặt ống để không khí không bị thoát ra ngoài. Ống này sẽ giúp bạn tháo nước ra ngoài mà không phải mở miệng bao. 
  5. Đặt bao ở khoảng đất dốc nhiều ánh nắng với miệng bao hướng xuống phía thấp. Miệng bao phải cao hơn điểm thấp nhất của bao. 
  6. Đặt bao ở vị thế sao cho viên đá nằm ở điểm thấp trong bao. 
Để thu được nước từ lò chưng cất, tháo lỏng mối buộc quanh miệng bao rồi nghiêng bao để nước tích tụ quanh hòn đá chảy ra ngoài. Buộc miệng bao trở lại rồi đặt lò chưng cất theo vị thế cũ để trích lấy nước tiếp. Sau vài lần, cần thay thế lá xanh trong bao để lượng nước trích ra được tối đa. 


B. CÁC LOẠI BẪY THÚ 


Sau nước, nhu cầu cần thiết nhất của con người là thực phẩm.Thú vật, cá, chim, côn trùng, loài giáp xác…. là những loài ta có thể dùng để sinh tồn.

CÁC LOẠI BẪY THÚ – BẪY GIẬT 


Để đặt bẫy thú có hiệu quả, bạn phải: 
  1. biết rõ loài thú bạn muốn bắt, 
  2. làm được cái bẫy đúng, 
  3. không đánh động con mồi bằng cách xóa dấu vết về sự hiện hữu của bạn, và 
  4. kết hợp bẫy với mồi nhử. 
Bẫy giật là một thân cây non dễ uốn. Chọn một thân cây gỗ cứng còn non trên đường mòn của thú. Bẫy sẽ giật nhanh hơn và mạnh hơn nếu bạn chặt bỏ hết cành con và lá. Một bẫy giật đơn giản sử dụng hai cái gậy có chạc, mỗi gậy có môt chạc dài và một chạc ngắn (hình 2).     
Uốn cong thân cây và đánh dấu. Gắn chặt chạc dài của một gậy xuống đất ở điểm đánh dấu. Bảo đảm là nhát cắt ở chạc ngắn của cây gậy này song song với mặt đất. Buộc chạc dài của cây gậy còn lại vào sợi dây được thắt chặt ở ngọn cây. Cắt chạc ngắn của gậy để nó móc vào chạc ngắn của gậy dưới đất (tạo thành cái lẩy). Tháo rộng thòng lọng đặt trên đường mòn.Bẫy giật hình thành khi thân cây được uốn cong và hai chạc ngắn của hai gậy móc vào nhau. Khi con vật chui đầu vào thòng lọng, nó sẽ kéo hai chạc ngắn tách xa nhau (bật lẩy), và bẫy giật bật thẳng lên. Con vật bị treo trên cây.

Chú ý: Không nên dùng cành cây tươi để làm cái lẩy. Mủ cây tiết ra có thể gắn chặt hai chạc cây lại với nhau. 

Hình 2. Bẫy giật 

ĐÁNH BẮT CÁ – BẰNG LƯỚI 


Bạn có thể đan lưới bằng dây dù hay vật liệu tương tự (hình 3). Rút những sợi tơ nhỏ trong ruột dây dù để đan lưới. Chăng một sợi dây dù giữa hai thân cây. Gắn những sợi tơ nhỏ vào dây chính bằng cách gập đôi chúng và buộc bằng gút prusik hay gút sơn ca. Bắt đầu từ một bên,buộc dây thứ hai và dây thứ ba với nhau bằng gút đơn. Buộc dây thứ tư và dây thứ năm với nhau, và tiếp tục như thế cho đến dây cuối cùng.

Bạn đã có hàng đầu tiên với các cặp dây được buộc với nhau ngoại trừ hai sợi dây lẻ ở hai đầu.Bắt đầu hàng thứ hai với sợi dây thứ nhất (dây lẻ) với dây thứ hai, thứ ba với thứ tư và tiếp tục đến hết. . Đan lưới cá Để giữ cho các hàng gút ngang nhau và các mắt lưới đều nhau, buộc một sợi dây chuẩn qua giữa hai cây.Di chuyển dây chuẩn xuống dần khi hoàn thành một hàng gút.Các sợi dây luôn rủ thành đôi, và bạn luôn phải buộc một sợi của đôi dây này với một sợi của đôi dây kế cận.Tiếp tục các hàng cho đến khi lưới đủ rộng. 

Hình3

C. NHÓM LỬA 


Khả năng nhóm lửa rất quan trọng.Lửa không chỉ giúp ta nấu nướng và dự trữ thức ăn, nó còn giúp ta tiệt trùng, tạo dấu hiệu để được giải cứu, cung cấp phương tiện để ngăn ngừa thú dữ. Ngoài ra, cùng ngồi bên bếp lửa, con người có cảm giác an tâm và dâng lên tình cảm bạn bè thân hữu.

NHỮNG PHƯƠNG CÁCH THÔ SƠ - CUNG VÀ KHOAN 


Từ phương cách thô sơ là để chỉ phương pháp đã được tổ tiên chúng ta sử dụng. Bạn cần tạo những thành phần sau: 

Hốc. Hốc là một viên đá dễ kiếm, hay một đoạn ngắn gỗ cứng, hay mảnh xương, và nó có một hõm nhỏ ở một bên. Hốc này dùng để giữ cái khoan tại chỗ và chịu một lực ép xuống. 

Khoan. Khoan là thanh gỗ cứng và thẳng có đường kính khoảng 2 cm và dài 25 cm. Đầu trên tròn và đầu dưới cùn để làm tăng sự ma sát. 

Tấm lửa. Kích cở của nó tùy thuộc vào bạn. Tốt nhất là một tấm gỗ mềm dày khoảng 2.5 cm và rộng 10 cm. Khoét một cái hố rộng khoảng 2 cm ở mép của tấm ván gỗ. Ở bên dưới hố, khía một khuyết hình chữ V ở mép ván sâu đến tận hố khoét. 

Cung.là một thanh gỗ tươi, dẻo có đường kính khoảng 2.5 cm và một sợi dây. Loại gỗ để làm cung không quan trọng. Có thể dùng bất cứ loại dây nào để làm dây cung. Bạn buộc thật căng dây cung từ đầu này đến đầu kia của cây cung. 

Để sử dụng cung và khoan, đầu tiên hãy chuẩn bị kỹ đống củi lửa. Đặt một nhúm bùi nhùi ở dưới khuyết chữ V của tấm lửa.Tì một chân lên tấm lửa. Lồng dây cung quanh thanh khoan và đặt thanh khoang vào cái hố của tấm lửa. Một tay cầm cái hốc, đặt lên đỉnh thanh khoan để giữ thanh này đúng vị trí. Ấn mạnh thanh khoan xuống và kéo cây cung tới lui để xoay thanh khoan (hình 4). Khi chuyển động khoan đã uyển chuyển, bạn cần ấn mạnh thanh khoan xuống và kéo cây cung nhanh hơn. Hoạt động này sẽ nghiền bột gỗ nóng lên rồi truyền xuống bùi nhùi, kích hoạt để bắt lửa. Thổi nhẹ vào bùi nhùi cho đến khi lửa bùng lên 


Hình 4. Cung và khoan

D. TÌM PHƯƠNG HƯỚNG 


Rất dễ cho bạn khi tìm đường nếu bạn có bản đồ và la bàn.Nếu không có hai phương tiện đó, có một vài phương pháp giúp bạn xác định phương hướng.Tuy nhiên, những cách xác định này chỉ có tính gần đúng để giúp bạn tìm đường.

SỬ DỤNG MẶT TRỜI VÀ BÓNG CÂY GẬY 


Mặt trời luôn mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây, nhưng không thật đúng Đông và Tây, và nó cũng thay đổi theo mùa. Dùng một cây gậy thẳng dài khoảng 1 mét. Tìm nơi trống để cây gậy có thể tỏa bóng. Phương pháp này đơn giản và chính xác. Nó có bốn bước: 

Bước 1. Cắm cây gậy xuống đất ở nơi trống và phẳng. Đánh dấu đỉnh cái bóng của cây gậy bằng viên đá, cành con, hay một vật gì khác. Điểm đầu tiên này luôn luôn chỉ hướng tây, bất cứ ở đâu trên quả đất. 
Bước 2. Chờ từ 10 đến 15 phút cho đến khi cái bóng di chuyển được vài centimet. Đánh dấu điểm bóng mới của đầu cây gậy bằng cách như ở bước 1.  
Bước 3. Vẽ đướng thẳng qua hai điểm đánh dấu, ta có được đường gần đúng theo hướng Đông-Tây. 
Bước 4. Đứng với điểm dấu đầu tiên (Tây) nằm phía trái của bạn, và điểm dấu thứ hai nằm về bên phải bạn. Khi đó, bạn hướng mặt về hướng Bắc. Điều này đúng với bất cứ nơi nào trên quả đất.

Hình 5. Phương pháp điểm đầu gậy

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét