Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Hiểm trở thứ hai trên Đường thành công

Tết tản mạn về tửu

Nguyễn Xuân Vinh 


Nói về rượu thật là khó. Khi mới lọt lòng mẹ, ta đã được nghe ru hời ầu ơ “chiều chiều ông lữ đi câu ,cái ve cái chén, cái bầu sau lưng” …. Khi lớn lên rượu không thể thiếu trong cuộc sống giao tế hằng ngày: công việc quan hệ làm ăn ,Quan hôn tang tế, lễ nghi ,cúng bái, xóm làng, tộc họ, giao tiếp với bạn bè ….Người đời đã bảo : “Vô tửu bất thành lễ ”. 

Thậm chí đến khi lìa đời, rượu cũng không thể thiếu trong khâu tẩm liệm để thân xác rũ bỏ những nặng nợ với trần gian


Từ xưa Bạch Cư Dị, Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Khuyến với những án văn trác tuyệt để đời, cũng do “thơ túi rượu bầu” làm mạch cảm hứng, khơi nguồn bất tận. Rượu nó ru ta ngủ, nó bám thắt lưng ta trên dặm bước đường thiên lý; nó tưới tẩm ta về bên ấy cho giấc ngủ thiên thu dịu vợi. 

Thế mới biết “con rượu” nó đeo bám ta trên từng cây số, suốt cả cuộc đời, mà chẳng chịu rời ta dẫu có khi ta muốn rời nó mọi lúc mọi nơi. 

Người của rượu thì nói “nam vô tửu như kỳ vô phong” . 

Công bằng mà nói, rượu nguyên cơ của nó là một nét đẹp văn hóa tuyệt đỉnh của nhân loại, rượu là một phát kiến, một sản phẩm vô giá của con người. Nó thâm nhập mọi ngõ ngách từ đời thường đến vương giả. Nó là chất xúc tác làm cầu nối, hòa giải nhiều bất đồng của cuộc sống. Nó là thuốc, là thực phẩm trợ giúp kể cả cứu chữa và nâng cấp chất lượng sống cho sinh vật và cho nhiều lĩnh vực 

Đối với một số người, bia rượu là một phần nào đó của cuộc sống, thiếu nó hoa sẽ giảm sắc màu, nhạc sẽ bớt cung trầm bổng. Vì hà cớ gì lắm người lên án và xem rượu như một khổ nạn của thực tại, một tệ nạn của xã hội! 

BP xem rượu như một hiểm trở thứ hai trong năm hiểm trở trên đường thành công. Không chỉ hôm nay mà từ ngàn xưa, Đông phương có câu : Tránh trâu ba bước, tránh voi sáu bước, tránh người say rượu hai mươi bước. Ta hiểu rằng cụng ly là để chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công, là nét đẹp của phong cách sống xã giao. Nhưng ngày nay cung cách cụng ly ngày càng biến tướng hò hét om sòm, “zô zô” đinh tai nhức óc, trên mọi nẻo đường, thì có còn là nét văn hóa, xã giao nữa không ! Cái hợm hĩnh đã thực sự lên ngôi, chiếm lĩnh thị trường và thay thế nét đẹp, nét văn hóa, vốn dĩ được gìn giữ từ lâu. Một hiện tượng đáng ngại. Vàng bạc không đánh đổi được tư cách, tư cách còn quý hơn vàng ngọc. 

Con sâu rượu nó là tác nhân nâng cấp cái sẵn có và dẫn dắt cái chưa có đến với mọi tội lỗi của con người, nó sẵn sàng đánh mất “tứ quý” mà không hề thương tiếc. Mất thời gian, mất sức khỏe, mất tiền bạc, mất tư cách, chưa kể mất mạng (mình và người), mất vợ, mất bạn, mất cái nhìn thiện cảm của tha nhân, có khi mất tất cả. Rượu rất tốt, nếu biết xử dụng đúng chỗ, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng thể trạng, nhất là đúng việc. Ngược lại nó như con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm. 

Anh em Hướng Đạo chúng ta cũng không nằm ngoại lệ. Ma rượu cũng đã theo vào những cuộc trại, những buổi dặm đường, những chuyến xuất du. Nếu không rèn luyện tính khí, trao dồi nhân cách, tu dưỡng đạo đức để chiến thắng thị dục, mà sống dễ dãi với bản thân trong giao thiệp bạn bè, có thể dẫn đến thói quen uống rượu, nghiện ngập rượu chè, là một nguy hại cho quốc gia. Ngoài sự cám dỗ của bạn bè còn có sự cám dỗ mãnh liệt hơn của cá nhân, đó là cái thói tiêu sầu giải muộn bằng cách “Dục phá thành sầu dụng tửu binh”. BP không cấm anh em Hướng Đạo chúng ta uống rượu nhưng uống một cách tỉnh táo sáng suốt, đừng để rượu mê hoặc khống chế vì trên quả đất này con rượu luôn có khả năng kì diệu biến con người tự triệt tiêu ý chí, tâm thức của mình một cách tự nguyện, thích thú, hăng hái mà không biết mình đã bị ma đưa lối quỉ dắt đường từ lúc nào. 


Hươu thận trọng 

Rừng An Hải

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét