Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Những nét đặc thù của phương pháp Hướng đạo

Tưởng nhớ
Trưởng Nguyễn Duy Thu Lương
Nguyên Tổng Ủy viên Hội HĐVN



Nhân dịp Lễ Chung Thất (49 ngày) của Trưởng Nguyễn Duy Thu Lương (24/11/2013) - Tập San Vững Tiến xin quý Trưởng dành ít phút để mặc niệm Trưởng và đốt nén hương lòng cầu xin cho hương hồn Trưởng được siêu thoát.

Trưởng GS Nguyễn Duy Thu Lương sinh ngày 17/8/1921, và lìa rừng ngày 07/10/2013. Hưởng thọ 93 tuổi.

Sáng ngày 24/11/2013 gia đình đã tổ chức Lễ Chung Thất cho Trưởng tại Quảng Hương Gìa Lam số 498/11 Lê Quang Định, quận Gò Vấp, TP, HCM.

Trưởng Nguyễn Duy Thu Lương là Tổng Ủy viên Hội HĐVN từ năm 1960 - 1963.

Trong Khóa Huấn Luyện. ALT. 1/2007 do Ban Điều Hành tổ chức tại Tân Định - Trưởng đã đến giảng Khóa cho khóa sinh vào ngày 27/4/2007 với đề tài "Những nét đặc thù của phương pháp Hướng đạo". 

Ban biên tập Vững Tiến xin đăng nguyên văn bài Khóa rất xúc tích này để chúng ta cùng đọc và nhớ đến Trưởng. 
BBT. VT.
---00---

Đặc thù thứ nhất : Hướng đạo là một phương pháp giáo dục trẻ em : 


  • Giáo dục : Mục đích tối hậu của HĐ là Giáo dục. HĐ kết nạp trẻ em để giáo dục họ, chứ không dùng họ làm công cụ phục vụ cho mục đích nào khác (xã hội, chính trị, tôn giáo…) 
  • Trẻ em : Là đối tượng của việc giáo dục HĐ. Trẻ em được hiểu là những nhi đồng từ 5, 6 tuổi và thiếu niên cho đến 17, 18 tuổi mà thôi, chứ không gồm thanh niên từ 18 tuổi trở lên. 
  • Phương pháp : Là một hệ thống cách thức sinh hoạt gắn liền với những phương tiện thích ứng. Những phương tiện này do yếu cầu của sinh hoạt mà tạo nên, và tất yếu chịu sự chi phối chặt chẽ của mục đích giáo dục. Sau đây sẽ xét những đặc thù về mục đích và về phương pháp. 

Đặc thù thứ hai (về mục đích) Mục tiêu của HĐ là đào tạo công dân tốt, cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc. 

Người sáng tạo ra phương pháp HĐ là người Anh, tên R. Baden-Powell (1857 - 1941) định nghĩa phong trào HĐ là "một trường học công dân nhờ qua thiên nhiên" (Le scoutisme est une école de civisme par le moyen de la nature).

Mô hình một công dân tốt, là một cá nhân có tính khí, biết sống và hòa mình với xã hội.

* HĐ rèn luyện tính khí cho trẻ em. Tính khí được hiểu là tập hợp của một số đức tính, như ý chí mạnh mẽ, lạc quan, trí tuệ nhạy bén, thân thể tráng kiện.

+ Về tinh thần và trí tuệ :

  • Tự lực, tự giác, tự tín, tự trọng và nhất là tự chủ, làm chủ bản thân. 
  • Ham tiếp thu kiến thức, kiên trì học tập, nghiêm túc và khiêm tốn, là các đức tính cần thiết để phát triển trí tuệ. 
  • Ham thích lao động tay chân và trí óc : khéo léo tay chân giúp rất nhiều cho sự mở mang kiến thức, và là đòn bẩy cho ý thức đạo đức. 
  • Quen xem xét, suy luận : phát triển khả năng xét định, đánh giá sự việc : đúng - sai, phải - trái, nên - không nên. 
  • Quả cảm để quyết định. 

+ Về thể chất :

  • Sức khỏe tráng kiện, cơ thể dẻo dai, linh hoạt nhưng không đặt nặng thành tích phô trương. 
  • Chăm chú giữ gìn sức khỏe bằng thể dục, chế độ ăn uống và bằng lao động chân tay. 

* HĐ đào tạo công dân bằng cách tôi luyện tinh thần đồng đội :

  • Tập và tạo điều kiện cho trẻ cùng sinh hoạt gắn bó với trẻ khác. 
  • Luyện cho trẻ dẹp bỏ tánh vị kỷ, để vui lòng phục vụ tập thể. 
  • Tập nhận định rõ vị trí và vai trò của mình trong tập thể, ham thích đóng góp phần mình (ý kiến, công sức) cho tập thể. 
  • Bày cho biết cách thông tin chính xác và ý thức thông cảm với trẻ đồng đội trong sinh hoạt và mọi công tác. 
  • Tập cách thức sắp đặt công tác của chính mình và cho trẻ đồng đội, tức là tập cách dìu dắt kẻ khác : "HĐ là trường học quản lý". 

Đặc thù thứ ba (về mục đích) : Tính chất toàn diện của phương pháp giáo dục HĐ. 


HĐ chú trọng đồng thời và coi ngang nhau cả ba khâu : đức dục, trí dục và thể dục. Phương pháp HĐ đặt nền tảng lý luận trên sự gắn bó mật thiết của cả 3 phần đạo đức, trí tuệ và sức khỏe trong thể thống nhất của con người trong thực tiễn hoạt động, Phương pháp HĐ chủ trương phát triển song song tất cả 3 khâu đó, dùng chúng để kích thích và hỗ trợ lẫn nhau. 

Đặc thù thứ tư (về mục đích) : HĐ bổ sung cho giáo dục nhà trường và gia đình. 

+ Giáo dục nhà trường : có những nhược điểm mà ai nấy đều biết, đặc biệt là :

  • Đặt nặng từ chương, hình thức và xa rời thực tế và bản chất : Đức dục : tác động không đúng mức; Trí dục : phương pháp luận bị bỏ rơi; Thể dục : chú trọng thành tích, sức khỏe chưa được để ý đúng mức. 
  • Bình quân hóa trẻ nhỏ : tuổi tác, chương trình, lối truyền đạt (nhược điểm này tất yếu đối với tình hình nhà trường ở ta hiện nay). 

+ Giáo dục gia đình :

  • Đời sống hiện thời không cho phép đại bộ phận các gia đình (cha mẹ, anh chị, ông bà…) chăm sóc trẻ cho đúng mực. 
  • Xu hướng đặt nặng tinh thần cá nhân, bất lợi cho xã hội, tập thể.. 
Với những đặc thù sẽ kể sau đây, Phương pháp HĐ đã chứng tỏ khả năng bổ sung cho sự dạy dỗ của nhà trường và gia đình. Lưu ý là HĐ bổ sung, chứ không thay thế học đường và gia đình. 

Đặc thù thứ năm (về phương pháp luận) : HĐ dùng môi trường tự nhiên của trẻ để giáo dục. 


Xem đặc thù thứ hai "thông qua phương pháp tự nhiên"

* HĐ vâng theo và lợi dụng qui luật tự nhiên đối với trẻ :
  • Thực hành chủ nghĩa "vô vi" tính chất tự nguyện của các em về mọi mặt 
  • Tôn trọng tính cá biệt và chỗ khác biệt của từng em một 
  • Lợi dụng sở thích tự nhiên của trẻ để phát triển những bản năng tốt, và duy trì thói quen tốt. 
* Phong trào HĐ tạo cho trẻ một môi trường xã hội tự nhiên, thích hợp với bản chất biến chuyển của trẻ (là một sinh vật đang phát triển thành người lớn)
  • Trẻ nhỏ tự nhiên họp nhau thành cụm, thành nhóm, thành đàn, để cùng nhau chơi đùa (thực sự là để tăng trưởng kiến thức và cơ thể). HĐ lợi dụng bản năng tụ họp tự nhiên thành tiểu đội để trẻ cùng nhau học tập, tu luyện. 
  • Về phương tiện, HĐ dựa vào đó mà chế đồng phục vừa tiện lợi, vừa hấp dẫn, đặt ra hệ thống chuyên hiệu, để kích thích thi đua. 
* HĐ dùng trò chơi làm đòn bẩy chính yếu trong cách giáo dục. Nhưng trò chơi HĐ phải tập thể và mang một hiệu quả giáo dục nào.
  • Kích thích thi đua, để trẻ ham học, ham tu luyện. 
  • Phát huy tinh thần đồng đội 
  • Khai triển kiến thức, tăng cường sức khỏe. 
Mọi hoạt đồng HĐ đều mang hình thức "trò chơi" vui thích, kể cả khi học tập kỹ năng, kể cả làm việc thiện hằng ngày ("việc thiện" phải được coi là một trò vui có ích : A good turn, tiếng lóng của trẻ con người Anh), kể cả phần tinh thần như Luật, Lời Hứa, Châm Ngôn, đều được xem là thể lệ của một cuộc chơi lớn (là đời sống con người). Đã chơi thì phải đúng thể lệ, mới là chơi hay, chơi thật (theo nghĩa từ Fair-play của giới thể thao toàn cầu)

Những chương trình thứ hạng và chuyên hiệu chỉ là những cách thức tiêu chuẩn hướng dẫn các em chơi cho "đúng thể lệ". 

Đặc thù thứ sáu (về phương diện) :


  • HĐ đưa các em ra ngoài trời, là khung cảnh tự nhiên của mọi sinh vật. thiên nhiên ngoài trời là môi trường tốt nhất cho mọi động vật phát triển (trong đó có loài người). Cho nên khung cảnh ngoài trời là khung cảnh bắt buộc cho tất cả mọi sinh hoạt HĐ. 
  • Do đó mọi tổ chức, những cuộc đi chơi (một ngày), căm trại ngắn hạn (vài ngày) và nhất là cắm trại dài ngày (10 đến 15 ngày) hàng năm, rất cần thiết cho sinh hoạt HĐ : trong trại dài ngày các em mới được đùa vui hả hê, tức là học tập vô khối. 

Đặc thù thứ bảy (về phương thức) : HĐ giáo dục bằng thực hành và tôi luyện thói quen. 


  • Đối với trẻ, HĐ không chỉ nói lý thuyết, không có lý luận : trong buổi trại hay buổi họp, Đoàn Trưởng chỉ có một phút đồng hồ để đề cập bằng lời bóng gió đến vấn đề tinh thần. HĐ "dạy mà không giảng", dạy làm, không dạy nói. 
  • HĐ đặt nặng việc thực hành cả về 3 mặt : đạo đức, trí tuệ và sức khỏe. Thực tiễn kinh nghiệm trên 250 triệu trẻ em kinh qua giáo dục HĐ trong gần một thế kỷ nay, đã chứng minh rằng giáo dục kiểu này mang lại hiệu quả cao nhất. 
  • HĐ coi trọng việc duy trì và phát triển những thói quen tốt. 
– Thói quen làm thiện dần dà gây nên tâm lý nghĩ thiện, đi vào tâm thức trẻ nhỏ, làm phát huy mạnh mẽ tâm - địa - vị - tha, nghĩ đến người khác, tức là tinh thần xã hội.
– Thói quen tìm tòi, xem xét, suy nghiệm, phát triển tri thức, giúp ích lớn lao cho khối óc, trí tuệ.
– Thói quen lao động chân tay, giúp giữ gìn sức khỏe và là một trợ lực đáng kể cho đạo đức lẫn trí thức.
– Thói quen tằn tiện của mình, của xã hội …

Đặc thù thứ tám (về phương thức) : HĐ là một lối giáo dục tự ngẫu : 


  • HĐ nhằm phát triển ý chí ham học, ham hỏi, ham làm thiện, lưu tâm đến sức khỏe của mình : tức là phát triển sự tự học, tự luyện, tự kiềm chế của từng em một. Thực tế khắp nơi đều cho thấy rằng các tệ nạn xã hội đều do tại các cá nhân không hề được tập tự kiềm chế (liên hệ đặc thù thứ hai : rèn luyện tính khí). 
  • HĐ tạo điều kiện cho trẻ dạy trẻ, dạy lẫn nhau, học tập của nhau trong từng cụm 1, 2 em, hoặc trong tiểu đội nhiều nhất là 8 em : đó là mục đích của phép "Hàng Đội Tự Trị", chìa khóa vàng đã đem đến thành công rực rỡ cho Phương pháp Giáo dục HĐ. Tế bào quan trọng nhất trong tổ chức HĐ là tiểu đội, tức là một cụm vài trẻ cùng chơi, cùng học, cùng tập : trong đó các em luân phiên nhau gánh vác trách nhiệm là Đội Trưởng học quản lý thực hành. 

Đặc thù thứ chín (về phương thức) : HĐ giáo dục bằng gương mẫu của Đoàn Trưởng.


  • Huynh trưởng HĐ là người đứng tuổi (trên 2o tuổi), tự nguyện phục vụ việc giáo dục trẻ em theo phương pháp HĐ. Lưu ý đến tính cách tự nguyện, có học tập nghệ thuật hướng dẫn trẻ em một cách nghiệp dư, nhưng sâu sắc và nghiêm túc. 
  • Trưởng Đoàn HĐ (Đoàn gồm có nhiều Đội) phải là gương mẫu cho các em noi theo về mọi mặt : tác phong, thái độ, cử chỉ, nếp sống, cách thức làm việc, tinh thần trách nhiệm, tinh thần cộng tác, … Trưởng Đoàn phải một phần nào là "thần tượng" cho các em nhìn và noi theo. 

Đặc thù thứ mười (tổng kết) : Phương pháp HĐ mang tất cả những tính chất khoa học :


  • Qua những phân tích đặc thù trên, tính chất khoa học được hiện rõ trong mọi phương thức và chi tiết hoạt động của HĐ, để đạt tới mục tiêu đề ra. 
  • Một nhà lý luận khoa học đời trước có nói ::Ta chỉ có thể sai khiến được vạn vật, khi ta đã chịu phục tòng qui luật của nó". Câu này làm đầu mối cho cả nền khoa học kỹ thuật thế giới, với những kết quả to lớn mà ta đang mục kích ngày nay. 
  • Phương pháp HĐ đã hoàn toàn chịu phục tòng những qui luật tự nhiên của bản chất trẻ nhỏ (bản năng tụ họp tự nhiên, ham muốn chơi đùa, ưa thích sinh hoạt ngoài trời, phát hiện và duy trì những bản tính làm thiện, nghĩ thiện, ham học hỏi …) để đạt được mục tiêu tối hậu là un đúc ra những công dân tốt, những phần tử xứng đáng đang cần cho xã hội, cho đất nước, nói cách khác là xây dựng thực sự những "Con Người Mới". 

Nguyễn Duy Thu Lương.

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét