Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Đoàn vững tiến do ai?

(Tâm sự cuối năm) 

Lê Thọ (LĐ Ngũ Hành Sơn) 



Ngày tháng như thoi đưa, mới đó mà đã bước sang một năm. Nhìn lại, có những điều chúng ta cần tâm sự, trao đổi chân tình với nhau để cùng hòa bước. Bài viết nầy là một thành ý xây dựng Phong Trào, không hề có ý nào khác. Với suy nghĩ thoáng mở, sự trăn trở ưu tư của người “Trưởng đơn vị”.

Trong thời gian qua, “Nghề Trưởng” chúng ta có thực hiện đúng mức trong sinh hoạt HĐ hay chưa?. Có nhiều nguyên do khách quan và chủ quan nào? Trước mắt mỗi chúng ta hãy nghiệm lại sổ tay “Nhật Ký Đoàn” của mình đã thấu đạt những gì? Một chuỗi kế hoạch chương trình cho các em thực hiện đến đâu? Đoàn Sinh còn lại bao nhiêu người và đã thăng tiến ra sao???

Khiêm tốn lượng giá “nghề Trưởng” là công việc cần thiết của ban Huynh Trưởng. Điều quan trọng cần có sự trải nghiệm, phải cố gắng bằng mọi hình thức để tiếp xúc với các em để tìm hiểu cá tính và ước vọng của họ, tạo mọi cơ hội cho đoàn sinh thăng tiến. Việc nầy Trưởng cầm đoàn cần phải “có tài có tâm”. 

Sự quan trọng của truyền đạt, ứng xử 


Huynh Trưởng chúng ta luôn biết đón nhận và cung cấp thông tin. Khi truyền thông phải đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đúng phương tiện, kỹ thuật và tất nhiên thông tin sao cho hữu hiệu trung thực. Khi thông tin đạt đến hiệu năng cao, chính nó sẽ nâng cao tinh thần của đơn vị hoặc cá nhân. 

Truyền thông có nhiều cách, nhưng đơn thuần nhất là truyền thông bằng lời. Thông thường chúng ta nói năng trong đời thường ít khi quan tâm đến những tác động của lời nói, nhất là nói năng trong sinh hoạt HĐ. Trưởng cầm Đoàn chúng ta nói năng nhiều với đoàn sinh và người cộng sự, nên rất cân nhắc điều nầy. Chúng ta hướng dẫn và trông coi đơn vị phải biết “dụng nhân” chịu trách nhiệm như một đầu tàu trên hành trình giúp đoàn tàu kéo các toa thông suốt và vững tiến. Như vậy, Trưởng phải luôn có được sự khôn khéo và tế nhị trong cung cách ứng xử với các cộng sự và đoàn sinh. 

Một Trưởng giỏi là luôn quan tâm trong việc khuyên bảo từng Đoàn Sinh của mình, tạo cảm giác là mọi người đều được trọng dụng. Có khi chúng ta cũng gặp vài trường hợp bất ổn từ một vài cá nhân, thế thì không vạ đâu nói đó mà hãy sử dụng thuật “Anh cả cố vấn” tìm một nơi kín đáo, riêng tư, đừng để cho họ cảm thấy có sự cách biệt với mình, giúp vấn đề sáng tỏ hơn và biết đâu tự họ sẽ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề việc gì họ nên làm. Có thể từ tin tức Trưởng đưa ra sẽ giúp họ tự giải quyết. 

Nếu Trưởng được sự nể phục, hết lòng hợp tác của các cộng sự viên và sự yêu mến của đoàn sinh là đã đạt được hơn một nữa sự thành công trong “nghệ thuật lãnh đạo”. Thật vậy, muốn “Đắc nhân tâm” cần có được tinh thần bao dung và thông cảm lẫn nhau trong mọi nơi mọi lúc, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi người. BP nói rằng Trưởng HĐ là “người anh” lòng chân chính, hiền lành có tâm hồn trẻ em, có thể đặt mình vào một bình diện với trẻ, không thiên vị. Lúc nào cũng vui tươi niềm nở sẵn sàng dang đôi tay đón nhận, chăm sóc các em trong tinh thần vô vị lợi, không cau có, không thoái thác khi được nhờ tới. 

Một điều quan trọng nữa với “thuật lãnh đạo” của HĐ, là bước đầu tiên là phải chiếm được nhiệt tình và sự trung tín của đứa trẻ thông qua tình anh em, cùng sự cảm thông và qua những thành tích khiến cho nó ngưỡng mộ. Khi chiếm được lòng tin của chúng, và tự đặt mình vào vị thế chủ yếu để giáo dục các em bằng cách làm gương rồi hầu như trẻ sẽ tự động noi theo gương của Trưởng mình. Đừng bao giờ lái đoàn sinh mà phải hướng dẫn chúng đi đúng hướng, phải chăm sóc từng em thay vì chung cho cả nhóm. 

Tóm lại, chúng ta nên lưu ý rằng các em muốn thấy Trưởng làm nhiều hơn là nói nhiều. Thái độ và cách cư xử của Trưởng rất ảnh hưởng đến các em. Thường xuyên quan sát các em lúc sinh hoạt, nắm rõ những việc đã xảy ra, tìm hiểu thái độ sinh hoạt của đoàn sinh. Phải có những hướng dẫn rõ ràng và thích hợp, nhanh nhẹn giải quyết xung đột, những rạn nứt có thể xảy ra, đúng người, đúng lỗi, không để sai lầm xảy ra trầm trọng, luôn luôn làm phát triển tinh thần đồng đội giữa các em để đạt được kết quả tốt nhất. 

Hướng Đạo là “Khoa học lãnh đạo” 


Hướng Đạo ngày nay không chỉ mang một định nghĩa cổ điển: là một sân chơi mang tích chất giáo dục cho thiếu niên, bổ sung cho gia đình và nhà trường… nhưng nó còn là một “Khoa học lãnh đạo”. Đây là một chiều hướng mới của Hướng Đạo nước ngoài; đây cũng là một nhận thức và thử thách mới cho phong trào HĐVN nhất là những người Trưởng mang trọng trách cầm đoàn, nếu chúng ta muốn tồn tại, phát triển và bảo tồn truyền thống HĐVN. 

Hiện nay Trưởng cầm đoàn rất ưu tư, trăn trở, đương đầu với bao khó khăn gian nan. Các đơn vị đa số dậm chân chương trình cũ, biết bao nhiêu năm tháng chưa có gì mới để sáng tạo khai thông lề lối sinh hoạt thích hợp cho các em trong thời Internet nầy. 

Phong trào Hướng Đạo các nước hiện nay đã tự bung mình ra khỏi những thông lệ, truyền thống, lắm khi thủ cựu, để lao theo những bước tiến vượt bực của xã hội, khoa học. Đặc biệt là giới trẻ tại Hoa kỳ đã trở mình, lột xác, qua một tiến trình phấn đấu với nghiên cứu, cân nhắc, tái tổ chức có tính cách khoa học. 

Như chúng ta đã biết chương trình huấn luyện Huy hiệu rừng gần đây theo chương trình của thế kỷ 21, đã thấy rõ những thay đổi trong nội dung cũng như các nguyên tắc huấn luyện so với các khoá Huy hiệu rừng trước đây. Chung qui lại, có nhiều yếu tố then chốt để được gọi là một người “lãnh đạo” làm Trưởng một cách hiệu quả. Mong rằng chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng để chia sẽ phương pháp mới áp dụng cho đơn vị . 

“Khủng hoảng” Trưởng cầm Đoàn 


Trong vài năm qua nhiều HĐS chúng ta đã đi suốt con đường HĐ thông qua sinh hoạt các ngành. Tuy nhiều em chưa đạt được mức HĐ Hạng Nhất nhưng các em đang học đại học, có em ra trường tìm công ăn việc làm, tự tin vào đời, ấy đã là toại nguyện lắm rồi. 

Hậu duệ nối gót làm Trưởng cầm đoàn hiện tại đếm chẳng được bao nhiêu người tâm huyết, có thể cũng do yếu tố chính là “hoàn cảnh” và sự xem nhẹ trách vụ! Tham dự vài trại huấn luyện, đạt Huy hiệu rừng, nhận gỗ không hẳn là một người “lãnh đạo” có khả năng. Người Trưởng chân chính bao gồm nhiều yếu tố hoàn toàn không lệ thuộc, dính dáng hay liên quan gì đến đồng phục, tuổi tác, địa vị, hoặc những kỹ năng chuyên môn, mà trước hết người “lãnh đạo” đơn vị phải có tâm huyết, quan tâm đến phong trào, tận tâm tận lực với các em, có tinh thần bác ái. Người Trưởng hôm nay phải là một nhà “lãnh đạo” thực sự! 

“Một người thầy giỏi chưa chắc dạy được người học trò giỏi, nhưng một người thầy dở chắc chắn sẽ cho ra những người học trò kém” ( Trích tâm thư trong Vững Tiến 2) 

Người Trưởng cầm đoàn hôm nay đang đối diện với một nhu cầu thanh thiếu niên hoàn toàn khác với môi trường, xã hội, truyền thống mà người Trưởng khi còn là một Thiếu sinh. Cho nên chúng ta cần am tường nhiều kiến thức, hiểu biết tâm lý trẻ, thực tâm tham gia các khoá huấn luyện; biết truyền thông internet, thông suốt nguyên tắc sinh hoạt, nắm rõ chương trình thăng tiến, trau dồi kỹ năng “lãnh đạo” của trẻ và trên hết đó chính là việc áp dụng Luật HĐ vào đời sống và mọi sinh hoạt của chúng ta. 

Người Trưởng cầm đoàn không thể nào đơn phương “lãnh đạo” tùy tiện qua mặt cấp trên mình, coi thường Phương Pháp Hàng Đội, tự ý làm những điều thiếu sự “trong sáng” gây tổn hại đến uy tín của đoàn. Chúng ta mong sự việc nầy không xảy ra để PTHĐ mãi mãi là bức tranh tươi đẹp trong nhãn quan của các HĐS. 

Nói chung, người Trưởng chúng ta cần phải có một sức mạnh nội tâm trong môi trường sinh hoạt HĐ hiện nay, bén nhạy và nhất là sự cảm thông biết chia sẻ đúng lúc. Chúng ta rất sợ những người Trưởng “lãnh đạo” không có cảm xúc, háo danh và thiếu lòng nhân ái. 

Hiểu rõ vai trò Trưởng cầm đơn vị 


Chúng ta phải am tường 6 yếu tố then chốt của “Phương Pháp Hàng Đội” để hướng dẫn cho tất cả HĐS. Ở Thiếu Đoàn vấn đề giáo dục “kỹ năng sống” cho HĐS là rất quan trọng, lưu ý 4 đẳng thứ ngành Thiếu HĐVN song song với 4 năm trung học cấp 2: HĐ Tân Sinh. HĐ Hạng Nhì. HĐ Hạng Nhất và HĐ Hiệp Sĩ (HĐVN), chúng ta quan tâm hướng dẫn thực sự để Thiếu sinh đạt HĐ Hạng Nhất càng sớm càng tốt. 

Các HĐS chúng ta phải đạt được đẳng thứ HĐ Hạng Nhất khi còn là Thiếu Sinh, có như vậy đoàn sinh và phụ huynh mới thiết tha với PTHĐ. Nếu Trưởng “lãnh đạo” đơn vị không am tường những nấc thang huấn luyện kỹ năng chuyên môn, chương trình đẳng thứ, các chuyên hiệu của ngành và thuật “lãnh đạo” cho HĐS thì làm sao có thể giúp các em tiếp tục gặt hái những kết quả để đạt được đẳng thứ HĐ Hạng nhất chứ chưa bàn đến HĐ Hiệp sĩ (HĐVN). Như vậy, Trưởng sẽ là bức tường vô hình ngăn cản mọi bước tiến, và thời gian trôi qua đánh mất đi tất cả những cơ hội thăng tiến của các em. 

Vấn đề cốt yếu là “Phương Pháp Hướng Đạo” cần áp dụng đúng. Nếu một người Trưởng không am tường, hiểu mập mờ, hay vô tình không áp dụng những nguyên tắc “Phương Pháp Hướng Đạo” vào sinh hoạt, thì chính người Trưởng đã không làm tròn trọng trách huấn luyện cho đoàn sinh. 

Trong các ngành, ngành Kha là khó khăn nhất để duy trì sinh hoạt và phát triển đoàn sinh, nhóm tuổi lớp 11, 12 đa số các phụ huynh đầu tư cho các em học hành liên miên để thi cử… không có thời gian đến sinh hoạt…chứ chưa bàn đến tâm sinh lý tuổi mới trưởng thành, điều nầy cũng lắm ưu tư của Trưởng coi đoàn. Như vậy một Trưởng “lãnh đạo”của Kha đoàn phải am tường, từng trải, có trải nghiệm HĐ, biết cách tổ chức và điều hành đơn vị, hướng dẫn các em đạt mục tiêu đã đề ra bằng nhiều hình thức. Ngoài việc nắm rõ tâm lý các em, trên hết phải tuyệt đối đắc thủ Phương Pháp HĐ, rèn luyện tích chất “lãnh đạo” theo nhu cầu của các em hôm nay, mới hòng giữ vững nếp hoạt động “Khai Phá” của Kha đoàn. Kha trưởng là một cố vấn, giúp ý kiến, thúc đẩy và hướng dẫn, thay vì chỉ huy, ra lệnh hoặc làm thay những gì Kha sinh có thể làm được. 

Kha Trưởng lại có trọng trách huấn luyện, đào tạo về “lãnh đạo” cho Chánh Tuần Trưởng và các Tuần Trưởng. Chúng ta biết tận dụng nguồn lưc chung quanh, biết giao trách vụ, và sáng tạo chương trình sinh hoạt phong phú, đáp ứng nhu cầu của các em. Nhờ đó, chúng ta sẽ không phải hụt hơi hoặc thiếu hụt nguồn lực cũng như sự hợp tác. 

Sự có mặt Tráng Đoàn trong các Liên Đoàn là quan trọng, các Trưởng đơn vị (Kha, Thiếu, Ấu) cũng là thành viên của Tráng Đoàn nên tham gia sinh hoạt thường xuyên, không phải để đạt “quân số” mà cùng hoạt động chia sẽ trách nhiệm, gặp gỡ học hỏi lẫn nhau, tìm hiểu khả năng mỗi người có thể đến giúp ích đơn vị có nhu cầu huấn luyện cho các em. 

Trưởng đơn vị có trách vụ thật sự 


Trách vụ trong sứ mệnh Trưởng cầm đoàn là trách vụ quan trọng và rất cao cả, đó là phương cách tổ chức và điều hành đơn vị. Nếu chúng ta thiếu sót soạn thảo kế hoạch thì chính mình đã chuẩn bị cho việc thất bại. Kế hoạch, không phải là do nơi sáng kiến, hoặc ý kiến độc quyền người “lãnh đạo”, nhưng là nguyện vọng, sáng tạo, sự tham gia, đóng góp của các thành viên trong Hội Đồng Đoàn

Trưởng đơn vị luôn cập nhật những chương trình huấn luyện ‘Kỹ năng sống”, không những riêng gì cho các em, nhưng ngay cho chính mình. Các em luôn luôn cần được người Trưởng hướng dẫn và áp dụng vào mọi sinh hoạt, kể cả đời sống cá nhân mỗi em. Ngoài khoá huấn luyện Huy hiệu rừng, chúng ta cần tham dự thêm các khoá huấn luyện khác như: Xưởng kỹ năng ngành, Khóa Tâm lý trẻ, Khóa Liên Đoàn Trưởng, HHR thế kỷ 21… trong đó có hàng trăm môn để bồi dưỡng, trau dồi kiến thức; và nhất là liên kết, học hỏi với nhiều Trưởng đang nắm đòan trong khu vực. 

“Trưởng là người câu cá, phải biết dùng mồi thích hợp với cá, chứ không phải với người câu” 

Trong chương trình sinh hoạt của đơn vị các em mong đợi cái gì trong đó, muốn thấy những gì mà chúng sẽ thực hiện, chương trình nào hấp dẫn các em nhất, những gì các em định làm dự án cho đẳng thứ& chuyên hiệu. 

Baden Powell đã từng nói rằng: “Tôi nghĩ rằng, nhiều người có khả năng hơn tôi, có thể chăm sóc trẻ và giúp chúng thăng tiến kiến thức mà không cần làm việc theo một hệ thống đặc biệt nào cả; nhưng tôi thú thật rằng mình không làm như vậy được. Theo cá nhân tôi, phương cách duy nhất, có thể thành công trong mọi việc là dựa vào một chương trình cụ thể đã được lập sẵn và theo đó mà làm. Thật không quá đáng khi nói rằng kết quả thu được bởi một chương trình hành động có hệ thống hẳn hoi sẽ gấp 4 lần hơn cách làm việc ngẫu nhiên tùy tiện. Để giúp phát triển tính khí các em tốt hơn, phải dạy cho chúng lập kế hoạch hành động trước khi bắt tay vào việc; và biết trước mục tiêu phải đạt, chúng sẽ thu được thành quả gấp đôi. 

Mỗi đơn vị cần có một danh sách phụ huynh, những tình nguyện viên, thân hữu am hiểu những chuyên môn, tài năng, và khả năng đóng góp cho đơn vị, nhất là một danh sách của những cố vấn về chuyên hiệu để bất cứ lúc nào cần đến, các em sẽ không bị đình trệ trong tiến trình gặt hái những chuyên hiệu theo khả năng để thăng tiến. 

Điều chúng ta mong muốn 


Ngày nay, hãy “sắp sẵn” cho các em biết khai thác triệt để những viễn kiến - khát vọng, nhất là phải biết giúp các em tạo cho mình một uy lực, sức lôi cuốn để làm người “lãnh đạo”. Trong những điều luật của Hướng Đạo, một tính chất hết sức quan trọng nơi một người Trưởng, trong môi trường sinh hoạt cũng như trong xã hội, đó là sự TRONG SẠCH! Chúng ta không thể làm được việc lớn khi hành động thiếu sự “trong sạch.” 

Đơn vị Hướng Đạo không thuộc về một người “lãnh đạo”, một Trưởng, nhưng thuộc về quyền lợi của trẻ; vì Hướng Đạo không phải “sân chơi” dành cho người lớn, Huynh Trưởng chỉ là những người sáng lập xây dựng, tồn tại, phát triển không ngừng trên khắp thế giới, chỉ vì duy nhất cho một tầng lớp đó là Thanh Thiếu Niên. 

Chúng ta đã sắp sẵn cho các đoàn sinh qua bao năm tháng, để rồi mừng vui nhìn thấy các em tự tin vào đời, có ăn học, có hiểu biết, có địa vị, trở thành những nhà “lãnh đạo”, có ích cho xã hội. Đã đến lúc chúng ta phải can đảm trao đuốc lại cho thế hệ tiếp nối, những người tâm huyết, mến trẻ, yêu phong trào. Vì đây chính là thái độ can đảm và “trong sạch” của huynh trưởng chúng ta. 

Cụ tổ BP đã để lại trong tâm thức hàng triệu HĐS, hàng vạn Trưởng khắp cả năm châu với châm ngôn “Sắp Sẵn” đã và đang áp dụng vào mỗi ngày trong môi trường làm việc đến đời sống của chúng ta: 

“Châm ngôn của HĐ bắt nguồn từ những chữ đầu của tên tôi, đó là Be Prepared (BP: Sắp sẵn), nghĩa là bạn phải sẵn sàng về thể chất cũng như về tâm hồn để làm bổn phận mình. 

“Sắp sẵn về tâm hồn” vì bạn đã tập cho mình quen phục tòng mọi mệnh lệnh và cũng vì bạn đã nghĩ trước tới bất cứ tai nạn hoặc tình huống nào có thể xảy ra được, do đấy bạn biết làm đúng việc vào đúng lúc và bạn mong muốn làm như vậy. 

“Sắp sẵn về thể chất” vì bạn luyện cho mình cường tráng, hoạt động và có khả năng làm đúng việc vào đúng lúc, và hãy làm như vậy đi”. Trích: Dấu Chân Người Sáng Lập – 610) 

Chào năm mới Qúy Tỵ 2013, chúng tôi xin tri ân sâu sắc quý anh chị Tráng sinh và thân hữu, đã dành thời gian quý báu của mình, tự nguyện đến phụ tá đơn vị sinh hoạt với các em. Chân thành cảm ơn quý phụ huynh và ân nhân đã tận tình giúp đỡ đơn vị. Chúng tôi rất mong muốn luôn được lắng nghe sự chia sẻ góp ý việc cầm Đoàn từ các anh chị em. 

Hôm nay, sau khi những lời nầy được thoáng mở, bay xa, ước gì lời tâm sự chân tình nầy trở thành sự thật. Để rồi, tất cả chúng ta can đảm và tạo niềm tin thân ái để sáng tạo những gì chúng ta có thể làm và cùng nhau đoàn kết “Vững Tiến” trên con đường “Hướng Đạo phục vụ cho trẻ em” 

Nai Điềm Đạm 



- Đối với Tráng Sinh, giúp ích là kết quả thực hành của HĐ. 

RTS, 226.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét