LT. Bùi Văn Giải
Lời BBT :
Để trả lời cho một tráng sinh về việc “Đoàn mạnh là do ai? ” Trưởng LT. Bùi Văn Giải đã có bài viết: Đội “ chạy ” là Đoàn “ chạy ”, để nhắc lại cho chúng ta biết Đoàn có mạnh hay không là do chúng ta có áp dụng Phương Pháp Hàng Đội( PPHĐ) hay không. Ở đây chữ Đội (trong Thiếu đoàn) cũng hiểu là Tuần (trong Kha đoàn) hay Toán (trong Tráng đoàn). BBT xin giới thiệu bài viết này để chúng ta nhớ lại phương pháp cốt lõi mà BP. đã rất thành công trong vai trò là Thiếu trưởng Thiếu đoàn đầu tiên ở đảo Browsea, Anh quốc.
BP. đã viết trong quyển “ Hướng Dẫn Vào Nghề Trưởng” (Aids to Scoutmastership) như sau: “ Việc xếp đặt trẻ thành những đội từ 6 đến 8 em và huấn luyện chúng như những đơn vị riêng biệt, dưới sự điều khiển của chính trẻ, là cái chìa khóa mở cửa dẫn tới việc có một Đoàn khá.”.
Nói như thế , có nghĩa là Đội đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt Đoàn. Đội “ chạy ” là Đoàn “ chạy ”, tức là Đội sinh hoạt tốt thì Đoàn có kết quả tốt và ngược lại.
Cũng trong quyển sách nêu trên, BP viết :”Đội luôn là một đơn vị hoạt động trong HĐ, dù là để chơi hay làm việc, để thi hành kỷ luật hay thực hiện sứ mạng”.
Vậy phải tổ chức Đội như thế nào để sinh hoạt hỮu hiệu ? Như BP nói thì nhân số một Đội có thể từ 6 đến 8 em. Đoàn chọn một em khá nhất làm đội trưởng, và đội trưởng chọn một em tâm đầu ý hợp làm đội phó giúp mình. Vai trò của đội trưởng là “cầm đội”, điều hành sinh hoạt đội và thực hiện chương trình của đoàn. Còn đội phó thì cộng tác chặt chẽ với đội trưởng để giúp đội sinh thực hiện chu đáo chương trình của đội và của đoàn.
Dĩ nhiên đừng hiểu lầm rằng đội muốn làm gì thì làm, tách rời khỏi sự điều hành của đoàn. Áp dụng phương pháp hàng đội có nghĩa là Trưởng tin tưởng hoàn toàn ở trẻ, nhưng không phải để cho trẻ tự do không đường lối. Trưởng phải thường xuyên và đều đặn gặp gỡ các đội trưởng để giúp các em thực hiện thành công những sinh hoạt trong đội, trong đoàn.Trưởng tin tưởng vào các đội trưởng mình từ việc lớn đến việc nhỏ, dĩ nhiên phải theo dõi những công việc của đội trưởng để giúp em tránh những vấp váp, sai lầm đáng tiếc.
Để áp dụng PPHĐ, Trưởng nên :
1. Tìm cách đề cao và tạo uy tín cho đội trưởng, đội phó.Khi đã trao trách nhiệm cho đội trưởng, Trưởng không được trực tiếp can thiệp vào công việc của đội.
2. Không khiển trách đội trưởng, đội phó trước mặt tập thể.
3. Không truyền lệnh chung cho tập thể mà truyền lệnh qua đội trưởng.
4. Lập đội kiểu mẫu (đội trưởng và đội phó) để giúp riêng cho các em học hỏi thêm kỷ thuật lãnh đạo, và kỷ năng chuyên môn, giúp cho các đội trưởng và đội phó hiểu rỏ tinh thần trách nhiệm đối với đội và đoàn.
Đoàn Trưởng là đội trưởng đội kiểu mẫu.
5. Mỡ các Hội đồng đoàn, trong đó nên để các đội trưởng chủ tọa luân phiên hoặc để cho đội trưởng I chủ tọa. Trừ trường hợp đoàn mới thành lập hoặc trường hợp quan trọng thì Đoàn trưởng chủ tọa. Khi đoàn đã hoàn chỉnh thì trao quyền chủ tọa cho đội trưởng I hoặc các đội trưởng luân phiên.Đoàn trưởng , đoàn phó, phụ tá.. ngồi dự với tư cách cố vấn.
6. Dùng các đội trưởng như những Huấn luyện viên.
Tóm lại , thực hiện phương pháp hàng đội bằng cách :
a- Đoàn trưởng huấn luyện đội trưởng.
b- Đội trưởng huấn luyện đội viên.
c- Đoàn trưởng tạo cho các em cơ hội áp dụng cái đã học.
Như thế, mục đích của PPHĐ là phát triển tính khí của trẻ. Cần phải có thời gian lâu dài. Dùng thiếu sinh lớn tuổi hơn, có khả năng hơn, có đức tính hơn, huấn luyện các thiếu sinh nhỏ hơn mình. Vừa huấn luyện kẻ khác lại vừa trau dồi học hỏi thêm. Dùng hệ thống chuyên hiệu bổ túc vào PPHĐ.
BP. đã rất tin tưởng vào công hiệu của PPHĐ. Cụ đã thành công ngoài ước muốn khi áp dụng PPHĐ tại trại đầu tiên với 20 em ở cù lao Browsea năm 1907.
BP. Kết luận : “Chính phương pháp hàng đội là điều thực tiển nhất khiến Hướng Đạo khác mọi đoàn thể khác. Đây là con đường hay nhất để huấn luyện đoàn Hướng Đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét