Sally Võ
“Cám ơn Phong Trào Hướng Đạo đã đem đến cho tôi những anh chị em dễ thương, thân thiện ở đất nước xinh đẹp này. Khi bạn là Hướng Đạo Sinh, dù bạn ở bất cứ nơi đâu, bạn luôn có một đại gia đình đặc biệt ở bên mình”.
Trước khi đến với xứ sở Phần Lan lạnh giá, một trong những mối quan tâm hàng đầu của mình là tìm hiểu về phong trào Hướng Đạo nơi đây. Qua thông tin đăng trên trang web chính thức của Hướng Đạo Phần Lan, mình vui lắm khi được biết đất nước mà mình sắp trải qua 3 năm rưỡi của đời sinh viên này là một trong những cái nôi sớm nhất của phong trào trên thế giới (năm 1910) và đến bây giờ thì ngày một lớn mạnh. Càng vui sướng hơn khi vùng Kymenlaakso, nơi mình sinh sống có cả trang web riêng cập nhật về hoạt động và hình ảnh. Trang web thật cuốn hút với những chương trình sinh hoạt ngoài trời với đời sống trại gắn liền với những khu rừng thực thụ. Mình cảm thấy thật an tâm khi vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt Hướng đạo lúc xa nhà, dù đó là những người mình chưa gặp bao giờ nhưng nụ cười rạng rỡ của họ trong những bức ảnh trông thật nồng nhiệt, như những người bạn mình đã quen biết từ lâu.
Cuối cùng thì mình cũng có mặt ở Phần Lan. Đó là những ngày cuối tháng 8, mùa hè nóng bức dần nhường chỗ cho mùa thu lá vàng nên không khí mát lạnh, gió thoảng nhẹ nhàng. Mọi người cũng quay về với cuộc sống đời thường sau kì nghỉ dài ở những căn nhà gỗ gia đình trong rừng. Dù trung tâm thành phố rất nhỏ với những tòa nhà xám xịt cũ kĩ nhưng mình vẫn yêu quý vùng đất nơi đây vì thiên nhiên rất gần gũi với cuộc sống con người, chỉ cần bước ra khỏi trung tâm một chút thì khung cảnh cây cối xanh tươi hòa lẫn với nắng vàng đầy tiếng chim hót ríu rít đã hiện ra trước mắt. Phải chăng người ta quan tâm đến vẻ đẹp của thiên nhiên nên không mặn mà với việc sửa sang những tòa nhà từ thập niên 60, 70 này?
Lúc mới qua, mỗi lần ra đường thì nào là tất, mũ len, găng tay, nói chung là trùm hết mức có thể. Có chị người Việt Nam bảo mình là mới mùa hè mà ăn mặc kín mít như vậy thì làm sao chiến đấu nổi với mùa đông. Vậy là mình cố gắng thay đổi, hằng ngày đạp xe khám phá thành phố và chỉ mặc một cái áo thun cộc tay với cái áo khoác phao ghi-lê, quần lửng với giày sandals. Cũng may là cơ thể mình thích nghi với thời tiết nhanh nên trong suốt khoảng thời gian “mặc đồ phong phanh” vậy, mình không ốm đau gì cả.
Ổn định nhà cửa khoảng ba ngày thì các anh chị dẫn mình và các bạn mới sang lên trường làm thủ tục. Trên đường đến trường mình thấy có một ngôi nhà màu xanh bên cạnh cây phong cao lớn, có logo hình hoa huệ ở ngay cửa ra vào, mình nghĩ chắc rằng đây là nhà sinh hoạt của Hướng Đạo, nên lần nào đi ngang qua đó, mình cũng lưu tâm quan sát, nhưng khổ nỗi là không lần nào nó mở cửa, cứ im ỉm không tí động tĩnh, nên mình lại nghĩ hình hoa huệ này là biểu tượng cho một cái gì khác, như biểu tượng cho phương Bắc trên la bàn hay biểu tượng cho hoàng gia hay quân đội vân vân. Cuối cùng thì mình cũng không quan tâm đến căn nhà đó nữa. Lúc về nhà lên mạng thì mình không thể tìm thấy địa chỉ sinh hoạt đâu cả, gửi mail thì không có hồi âm, đúng là bí ẩn nhưng rồi mình tin chắc chắn là sẽ tìm ra nếu có cơ duyên.
Và rồi một ngày đẹp trời, mình đến thư viện trung tâm thành phố và tình cờ thấy được tờ rơi của ‘Kouvolanpartiolaiset’ (Hướng đạo sinh ở Kouvola). May mà trước khi đi có học được từ ‘hướng đạo’ trong tiếng Phần là ‘partio’ nên mình cầm tờ rơi lên đọc ngay lập tức. Trong đó có ghi thông tin chi tiết của các Đoàn, địa chỉ và giờ giấc sinh hoạt. Có một điều thú vị là Đoàn nào cũng có nhà sinh hoạt riêng và ngày sinh hoạt của ngành thường rơi vào thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4 trong tuần. Mỗi Đội trong Đoàn có một giờ sinh hoạt riêng chứ không như ở Việt Nam, tất cả các Đoàn gặp mặt làm nghi lễ vào ngày chủ nhật.
Mình nhờ người thủ thư chỉ giùm đường đến văn phòng hướng đạo và theo bản đồ chỉ dẫn, mình đến ngay cái ngôi nhà màu xanh trước đó, và không nghi ngờ gì nữa, đó là căn nhà hướng đạo! Mình đi vòng ra sau nhà thì thấy có một kho chứa gỗ và dụng cụ đi trại, nhìn vào bên trong qua cửa kính là bảng những gút dây, nhưng thật xui xẻo khi hôm nay căn nhà này cũng đóng cửa. Mình đọc kĩ trong tờ rơi thì đây là căn nhà sinh hoạt của hướng đạo sinh nam và văn phòng của Đạo cách đây chỉ vài căn nhà và nằm trên cùng một con đường.
Mình gõ cửa thì một người phụ nữ vui vẻ đón tiếp mình. Jutta từng tham gia hướng đạo ở Kotka, giờ đã nghỉ hưu và làm việc tại văn phòng Đạo vào các ngày trong tuần.Văn phòng nhỏ xinh được trang trí bằng khăn quàng của các Đoàn nối nhau quanh phòng, trên tường có treo bức tranh lớn hình cụ BP và những bức ảnh của các Trưởng đầu tiên của Hướng đạo vùng Kymenlaakso.Không khí trong nhà thật ấm cúng và thân thuộc làm mình rất cảm động.
Mình trò chuyện với Jutta về Hướng Đạo Việt Nam, nói cho bà nghe về ước muốn được tham gia sinh hoạt của mình.Bà cố gắng nói chuyện với mình bằng tiếng Anh.Vì vốn tiếng Anh ít ỏi nên không nói được nhiều với mình nhưng mình nói gì thì bà hiểu nấy. Bà cố gắng tìm mấy tờ catalogue của Hướng đạo Phần bằng tiếng Anh nhưng tìm hoài không ra để mình tiện đọc và hiểu biết rõ hơn về phong trào nơi đây. Sau cùng, bà nói là tuần tới có đợt xuất du vào rừng của Sói con, nếu rảnh thì mình có thể tham gia, hai vợ chồng Jutta sẽ chở mình đi. Tất nhiên là mình nhận lời vì việc học lúc đó cũng không đến nỗi bận bịu.
Lần đầu trải nghiệm với hướng đạo sinh Phần Lan thật lý thú, mới lạ. Đúng 5 giờ chiều, tất cả mọi người đã có mặt đông đủ ở Tuuliniemi, một khu rừng dành riêng cho Hướng đạo Kouvola cách trung tâm thành phố 20 km. Khoảnh đất đẹp lắm, cây cối hoang sơ, phía trước là một cái hồ lớn, xa xa là những hòn đảo nhỏ toàn là cây thông. Trên bờ, hội Hướng Đạo xây những căn nhà gỗ dễ thương gồm nhà sinh hoạt chung thông với phòng bếp, một căn dành riêng cho sauna, ở gần mép bờ hồ là một ngôi nhà nhỏ màu đỏ chất củi với hàng ghế dựng bằng những thanh gỗ ngang xung quanh bệ đá để đốt lửa trại. Ngoài ra, cách nhà sinh hoạt không xa là nhà vệ sinh và một căn lều dùng để tích trữ gỗ. Các hướng đạo sinh được quyền sử dụng thoải mái, có thể chặt cây để lấy củi hoặc làm thủ công trại. Điều đặc biệt là các hướng đạo sinh mặc thường phục, chỉ đeo khăn quàng màu xanh dương, một số em mặc áo khoác tay dài đồng phục có thêu các chuyên hiệu mình đạt được trên tay áo và logo Đoàn.
Jutta giới thiệu mình với 2 Trưởng trong Đoàn, thực ra là hai mẹ con. Chị Lina sẽ hướng dẫn mình trong buổi tối đó, chị lớn hơn mình 3 tuổi, nói tiếng Anh kha khá. Mọi người xì xồ tiếng Phần, mình nghe không hiểu, do tính người Phần rụt rè, ít nói với người lạ nên người ta không nói chuyện với mình nhiều. Đến khi mình hỏi chị Lina là bây giờ mình phải làm gì, chương trình có gì? Chị mới cố gắng trả lời: “Nếu thích thì em có thể chơi trò chơi với Sói con ở bờ hồ hoặc bổ củi với phụ huynh.” Mình hỏi: “Thế chị làm gì? Em sẽ đi theo vì em không biết nói tiếng Phần.” Chị Lina đáp: “Bây giờ chị phải đi dọn phân trong nhà vệ sinh, kinh lắm, em là khách mời, không được làm việc này.” Mình nói là: “Bây giờ em không nói được tiếng Phần và mọi người thì không hiểu tiếng Anh nên em không thể tham gia chơi với Sói được, vì có mỗi chị là nói chuyện với em được. Vả lại em cũng chưa dọn toilet trong rừng bao giờ nên em muốn thử sức xem sao”.
Thế là hai chị em lấy xẻng, đeo bao tay ra phía sau nhà vệ sinh. Trong rừng, mọi thứ đều tự nhiên nên nhà vệ sinh không có hệ thống xử lý chất thải là chuyện bình thường.Toilet làm bằng gỗ, cách mặt đất khoảng nửa mét, bên trong có bồn cầu. Khi đi vệ sinh xong thì mình vứt giấy xuống bồn cầu rồi rắc mùn cưa lên để khử mùi chừ không có nút để giật nước, cho nên cứ sau mỗi kì trại, phải có người dọn sạch đống chất thải ở phía dưới bồn cầu để toilet phục vụ nhu cầu cho những đợt tiếp theo.
Thật là vui khi mình dọn vệ sinh trong rừng ngay vào ngày sinh hoạt đầu tiên vì mình chưa bao giờ làm, không như hồi ở Việt Nam, trại trường toàn là khu du lịch, có điện, nước, nhà vệ sinh thì đầy đủ chức năng, có người dọn sẵn. Ở đây mình có cảm giác được hòa mình với thiên nhiên thực thụ , tất cả mọi thứ đều tự nhiên, tiện ích và quan trọng là không có điện, nước.
Chị Lina còn thông báo thêm là cách đây khoảng một tháng có một đợt trại hè khoảng 100 trại sinh tham dự nên bây giờ dọn vệ sinh khá là vất vả. Mình quan sát chị làm trước rồi mình tập làm theo. Nhìn thì đơn giản, nhưng lại nặng nhọc, mình phải đưa cái xẻng vào dưới bồn cầu rồi xúc mớ chất thải đen thui trộn với mùn cưa đổ lên chiếc xe rùa. Mình làm chậm chạp lắm, không như Lina, là con gái, dáng người mảnh khảnh nhưng làm việc nhanh thoăn thoắt, mạnh mẽ, thuần thục.Thỉnh thoảng chị phải vào nhà vệ sinh, lấy một cây gậy chọc vào bồn cầu đẩy đẩy cho chất thải xuống hết phía dưới. Khi xe rùa được chất đầy, chị đẩy xe rùa đi đến chỗ đổ rác, vì đây là “hàng nhạy cảm” nên phải đẩy đi cẩn thận, tránh đổ xuống đất. Chị dùng hai tay dựng đứng xe rùa nặng trịch để chất thải đổ xuống hết rồi lấy rơm rạ phủ lên. Đi đổ rác tầm 4,5 lần thì cái hố xí cũng sạch, mình vừa làm vừa nói chuyện về Hướng đạo Việt Nam với Lina nên làm hơi chậm chút xíu.. Mình tỏ ý thán phục chị, nhưng chị bảo đây chẳng qua là một việc bình thường, đã là Hướng đạo sinh thì ai cũng có thể làm được như vậy. Về phần chị, Lina cứ liên tục xin lỗi vì để mình dọn vệ sinh với chị, đáng lẽ không được để khách quý như mình đụng tay tới việc này. Mình thì đáp lại rằng Hướng đạo sinh có bổn phận giúp ích mọi người bất cứ lúc nào (điều luật thứ 3) và hiếm khi có cơ hội được dọn vệ sinh trong rừng nên mình rất sẵn lòng xắn tay áo lên làm cùng chị. Hai chị em cười xòa.
Đến giờ ăn tối, mọi người quây quần nhau quanh bếp lửa, cùng nhau nướng xúc xích và uống trà. Có thể nói xúc xích là món ăn kinh điển của người Phần mỗi lần làm chuyến dã ngoại trong rừng. Ai muốn ăn thì tự phục vụ chứ không ai mời ai cả. Mình cũng đói lắm rồi nên lấy cành cây xiên xúc xích, nướng trên lò than cho đến khi bên ngoài có màu nâu óng ánh, sau cùng mình chỉ cần xịt lên phía trên ít sốt Sinappi màu vàng cam là có thể thưởng thức món ăn đơn giản này rồi.
Sau khi ăn no, mọi người đứng nói chuyện với nhau, Sói con bên này cũng dễ thương và nghịch ngợm lắm. Các Sói chơi trốn tìm, đuổi bắt rồi chọc ghẹo lẫn nhau, nghe ồn ào, vui vẻ. Chị Lina phải điều khiển các Sói nên không nói tiếng Anh được, chị nói vui là: “Mấy Sói này tiếng Phần còn chưa hiểu hết, huống gì là tiếng Anh” Vậy là mình quay sang nói chuyện với 2 thiếu sinh 13 tuổi, xuống Ấu đoàn phụ giúp. Thật may là 2 em đó hiểu và nói được tiếng Anh sơ sơ nên mình cũng đỡ đơn độc. Đứng nói chuyện khoảng 15 phút thì đến giờ về, mọi người dọn dẹp đất trại, tưới nước vào lò than, dùng bạt phủ lên đống củi vừa mới chặt, không quên ký tên vào quyển guestbook rồi chào nhau ra về.
Sau đó, mẹ chị Lina giới thiệu mình với Tanja, 21 tuổi, đang làm Trưởng cho một nhóm Adventurers (10-12 tuổi). Vì Lina bảo là Sói con thì không thể giao tiếp bằng tiếng Anh ,tốt nhất là mình nên tham gia nhóm lớn hơn. Mình hẹn Tanja ra uống café trước khi đi sinh hoạt để hiểu rõ hơn. Ấn tượng đầu tiên của mình về Tanja là hiền lành và thân thiện. Chị nói tiếng Anh không được tốt lắm nên trong suốt buổi gặp mặt, chị liên tục dùng laptop để tra từ điển. Chị nhiệt tình giải thích cho mình những chỗ mình không hiểu nên từ điển được sử dụng rất nhiều lần. Ngoài ra chị còn cho mình xem hình ảnh, video của những đợt trại trước nữa. Mình cũng cho chị xem hình ảnh sinh hoạt ở Việt Nam và nói cho chị nghe nhiều về hướng đạo bên mình.Chị thích thú lắm khi thấy Hướng đạo Việt Nam thật đông người sinh hoạt, ai cũng cười tươi vui vẻ. Chị bảo rằng bên này đồng phục chỉ được dùng cho những buổi lễ thật trang trọng còn bình thường, một chiếc khăn quàng màu xanh dương là đủ. Đồng phục bên này đắt nên các hướng đạo sinh có thể mua hoặc không mua tùy theo điều kiện của mình.
Hướng đạo Phần Lan có 5 ngành, tạm dịch là: Sói con (Cubscouts): 7-10 tuổi; Nhà thám hiểm (Adventurers): 10-12 tuổi; Thiếu sinh (Trackers): 12-15 tuổi; Kha sinh (Explorers): 15-17 tuổi; Tráng sinh (Rovers): 18-22 tuổi. Mình sẽ sinh hoạt cùng đội nhà thám hiểm nữ Jellonat (Sư tử) do Tanja hướng dẫn. Cũng may là chị ở gần nhà mình nên chị lái ô tô chở mình đi sinh hoạt luôn.
Buổi đầu tiên với đội Jellonat rất vui vẻ, hào hứng vì đó cũng là lần đầu mình bước chân vào căn nhà sinh hoạt của Hướng đạo sinh nữ Kouvola.
Đội Sư tử gồm 11 em nữ 11 và 12 tuổi, có em tự đi xe đạp tới, có em được bố mẹ đưa đón bằng xe hơi. Không khí trong nhà thật ấm cúng, trang trí rất bắt mắt, dễ thương. Khăn quàng từ xưa đến giờ nối nhau chạy quanh phòng. Trên tường có treo gậy đội các đời, hình ảnh BP, các Trưởng có công khai lập phong trào ở Phần Lan rồi những hình ảnh đi trại sinh động. Trong phòng cũng trưng bày những mô hình thủ công trại rồi tủ sách Hướng đạo nữa. Nhà sinh hoạt là không gian thân thiện để các Hướng đạo sinh gặp mặt hàng tuần nên có hẳn một bộ ghế sofa êm ái, thảm trải khắp nơi để ấm chân, góc phòng có căn bếp nhỏ để nấu ăn và nhà vệ sinh nữa. Ngoài bộ sofa là một cái bàn dài để đội ngồi họp, cạnh đó có ngăn kéo với đầy đủ dụng cụ thủ công, giấy màu, bút, kéo, thước,… để các em có thể tự trang trí phòng, vẽ tranh hay làm bất cứ thứ gì mình thích. Các em gái bên này dù mới 11, 12 tuổi nhưng trông cao lớn lắm, có em còn cao hơn mình (mình cao 1,75 m), nhìn dễ thương và cũng khá nghịch. Mới đầu thấy mình, các em cũng khá rụt rè, ngại ngùng. Các em được chị Tanja dặn trước rồi nên mỗi người sẽ tự giới thiệu tên và sở thích bằng tiếng Anh. Tên của người Phần nghe lạ tai nên lúc đầu mình không thể nhớ hết được, mình cố gắng đọc tên lại 2 lần nhưng vẫn không thể nào nhớ hết. Ai cũng cười ầm với cách phát âm của mình. Sau cùng mình tự giới thiệu bằng vốn tiếng Phần ít ỏi (lúc đó mình mới học được 3 tuần), thật may là mọi người đều hiểu.
Đầu tiên, mọi người ra ngoài chơi vài trò chơi vận động rồi vào trong sinh hoạt tiếp. Hôm đó, chị Tanja cho chúng mình xem những bức tranh được vẽ vô cùng tỉ mỉ, xem qua một lượt rồi chị mới tiết lộ những bức tranh này được vẽ bằng miệng. Các em nghe xong, đồng loạt thốt lên: “Bằng miệng hả?”.Rồi chị nói bây giờ chúng ta sẽ thử sức vẽ tranh bằng miệng xem thử như thế nào.Tấm giấy trắng dài được trải lên sàn nhà, mọi người đem màu ra, lấy nước để chấm màu rồi cố gắng ngậm cọ hí hoáy vẽ. Ai cũng hào hứng cố gắng hoàn thành tác phẩm của mình, có em chán quá dùng cọ đi vẽ mặt. Thấy vậy, các em khác cũng muốn vẽ mặt, thế là các em quay qua vẽ cho nhau lên mặt, tay chân giống như thổ dân da đỏ rồi chụp ảnh rất ngầu. Sau đó, mọi người chào nhau ra về. Buổi sinh hoạt chỉ dài 2 tiếng nhưng chương trình cụ thể và được canh đúng thời gian. Mình và chị Tanja ở lại lâu hơn để dễ dàng trao đổi về nội dung sinh hoạt. Mình tặng chị logo Thiếu Đoàn Ngũ Hành Sơn, chị mừng lắm và tặng lại mình chiếc khăn quàng màu xanh dương và logo Đoàn chị, mình về nhà may logo vào sau đuôi của khăn quàng rồi mang nó vào mỗi buổi sinh hoạt.
Vào mùa đông, mình có tham gia xuất du và cắm trại nữa. Kì trại đúng vào ngày sinh nhật của mình, mọi người hát chúc mừng sinh nhật bằng tiếng Phần làm mình rất cảm động, chưa có ngày nào đặc biệt hơn ngày hôm đó. Bước vào đời sống trại, mình càng học hỏi thêm nhiều điều qua quan sát. Các em gái rất ngoan, tự giác và chịu khó vâng lời Trưởng làm việc hăng hái đến nơi đến chốn mà không kêu ca. Qua đây, mình cũng thấy được rằng các Trưởng ở đây giỏi, năng động và tràn đầy nhiệt huyết, hơn nữa đó toàn là những thanh niên dưới 30 tuổi, điển hình là chị Tanja, trong 3 ngày trại chị đóng vai trò như một người chị và một người thủ lĩnh, chăm lo từng tí một, không ngưng tay, lời nói của chị rất mạnh mẽ và ai cũng vâng lời tuân theo, hoạt động trại được sắp xếp logic, khớp với kế hoạch, không thừa không thiếu.
Năm học sắp kết thúc nên mình có nhiều thời gian rảnh dành cho Hướng đạo. Sắp tới vào đầu tháng 6 ở Kouvola có sự kiện Hướng đạo lớn của Phần Lan, tổ chức 7 năm một lần, các Trưởng ở đây đang làm việc 8 tiếng mỗi ngày kể từ năm ngoái để mang đến cho sự kiện một chương trình trại ý nghĩa, thành công, kết nối anh em Hướng đạo sinh trên cả nước. Mình hy vọng trình độ tiếng Phần của mình lúc đó sẽ tốt hơn để mình có thể giao tiếp với mọi người một cách dễ dàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét