Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Bài 1: Tổng quan về sơ cứu

Lời BBT: 

Kể từ số này, VT xin lần lượt giới thiệu loạt bài chuyên môn về sơ cứu của BS. Lê Quang Khanh, LĐT. LĐ Quang Trung, Đạo An Hải, để làm tư liệu tham khảo. 



Phần sơ cứu này có tất cả 12 bài với các nội dung như sau: 

Những bài trong phần SƠ CỨU bao gồm: 
  • Bài 1. Tổng quan vè sơ cứu 
  • Bài 2. Băng đắp và băng bó 
  • Bài 3. Vết thương và sự xuất huyết 
  • Bài 4. Gãy xương 
  • Bài 5. Tổn thương cơ-dây chằng-và khớp 
  • Bài 6. Vận chuyển nạn nhân 
  • Bài 7. Hô hấp nhân tạo 
  • Bài 8. Hồi sức tim-phổi 
  • Bài 9. Tắt nghẽn đường thở 
  • Bài 10. Vật lạ vào mắt 
  • Bài 11. Ngộ độc-Côn trùng đốt-Súc vật cắn 
  • Bài 12. Bỏng 

BÀI 1: Tổng quan về sơ cứu 

BS. Lê Quang Khanh – Sơn dương từ tốn 


1. ĐỊNH NGHĨA VÀ MỤC TIÊU 


Sơ cứu là sự chăm sóc khẩn cấp được thực hiện cho những người bị tổn thương hay mắc bệnh bất thình lình với những vật dụng có sẵn tức thời. Mục tiêu của sơ cứu là để: 

  1. duy trì sự sống; 
  2. ngăn ngừa tổn thương hoặc bệnh trở nên xấu hơn; 
  3. đẩy mạnh sự hồi phục 

Cần phân biệt với cấp cứu. Cấp cứu là sự điều trị được thực hiện bởi (hoặc dưới sự giám sát của) bác sĩ ở cơ sở y tế hoặc trên xe cấp cứu có đủ trang thiết bị. 

2. KIỂM SOÁT TÌNH HUỐNG 


Nếu như các dịch vụ về cấp cứu đã được gọi nhưng vẫn chưa đến thì bạn phải ngăn ngừa để nạn nhân không bị tổn thương nhiều hơn. Thực hiện những biện pháp đề phòng thích hợp tùy loại tổn thương và nguyên nhân gây nên tai nạn. Ví dụ như: 

  1. Tai nạn giao thông. Tắt máy xe và khuyến cáo mọi người không được hút thuốc. Đề nghị vài người chung quanh kiểm soát luồng giao thông hay đám đông bao quanh. 
  2. Tai nạn do điện. Tắt nguồn điện hoặc cách ly nạn nhân khỏi nguồn điện. Sử dụng các vật liệu không truyền dẫn điện, như là cây gậy khô chẳng hạn, để tách dây điện khỏi cơ thể nạn nhân. Phải bảo đảm rằng, nguồn điện đã được tắt hoặc vòng dây điện đã ở một khoảng cách an toàn đối với nạn nhân. Không được chạm vào dây điện cao thế bị sà xuống đát. Dòng điện nối tiếp với đất có thể gây chết người. 
  3. Khí ga, khói , và hơi độc. Ngắt nguồn khí độc và kéo nạn nhân ra chỗ thoáng khí. 
  4. Hỏa hoạn và sập nhà. Di chuyển nạn nhân đến nơi an toàn xa nơi hỏa hoạn, khói hoặc vôi gạch rơi vãi. 

3. ĐÁNH GIÁ NẠN NHÂN 


Để xác định được nhu cầu về sơ cứu, bạn phải chọn lọc và làm sáng tỏ những thông tin dưới đây: 

  1. Lịch sử tai nạn là những thông tin về hoàn cảnh dẫn đến tai nạn hoặc những yếu tố liên quan. 
  2. Những dấu hiệu là những tình trạng bạn quan sát được, mà nó sẽ cho bạn biết bệnh tật hay tổn thương. Ba trong số những dấu hiệu là thân nhiệt, mạch, và nhịp thở. Chúng được gọi là dấu hiệu sinh tồn. 
  3. Những triệu chứng là những cảm giác mà người bị nạn cảm thấy và mô tả lại. Chúng thường là những cảm nhận về sự khó chịu do nóng hay lạnh, đau, buồn nôn, hay những cảm giác bất thường khác. Tê hay mất cảm giác cũng là triệu chứng. 
Sử dụng toàn bộ giác quan của bạn, cũng như tìm hiểu những sự thay đổi rõ rệt của những dấu hiệu sinh tồn sẽ giúp bạn làm sáng tỏ được lịch sử tai nạn, những triệu chứng, và những dấu hiệu của tai nạn. 

4. NHỮNG ƯU TIÊN TRONG SƠ CỨU – ĐA TỔN THƯƠNG 


Khi nạn nhân có nhiều hơn một tổn thương hoặc tai nạn có nhiều hơn một nạn nhân thì bạn phải quyết định trong các tổn thương đó thì loại nào cần được sơ cứu trước, và trong các nạn nhân thì người nào cần được giải cứu trước để được chăm sóc y tế. 
  • Ưu tiên cao nhất phải được dành cho những nạn nhân cần được chăm sóc và vận chuyển tức thì theo danh sách như sau: (1) ngưng thở hay khó thở; (2) chạy máu trầm trọng; (3) hôn mê; (4) choáng; (5) những trường hợp cấp cứu y học đe dọa đến tính mạng ngay. 
  • Ưu tiên tiếp theo là những nạn nhân mà sự sơ cứu hoặc vận chuyển có thể được trì hoãn. Nó bao gồm: (1) bỏng; (2) các loại gãy xương; (3) những tổn thương ở lưng. 
  • Ưu tiên thấp nhất dành cho những nạn nhân có thể được sơ cứu và vận chuyển sau cùng. Nó bao gồm: (1) những loại gãy xương nhẹ; (2) xuất huyết nhẹ; (3) những vấn đề về hành vi. 
Thực hiện việc sơ cứu theo thứ tự ưu tiên cho tất cả những tổn thương theo mức độ cần thiết để giành lại sự sống, và để ổn định tình trạng của nạn nhân trước khi vận chuyển. Không nên chậm trễ vận chuyển nạn nhân đến nơi chăm sóc y tế để bạn còn có thời gian để sơ cứu những nạn nhân nhẹ hơn. 

Tiếp tục theo dõi những nạn nhân để phát hiện những thay đổi tình trạng của họ, và để thay đổi thứ tự ưu tiên cần sơ cứu và vận chuyển một cách thích hợp. Bạn cần phải ở bên cạnh nạn nhân cho đến khi có người có trình độ chăm sóc cao hơn đến, ví dụ như nhân viên cấp cứu, điều dưỡng, hay bác sĩ. 

5. CHĂM SÓC SAU SƠ CỨU 


Sau khi sơ cứu, cần làm ngay: 
  1. gọi dịch vụ cấp cứu nếu chưa có người nào gọi; 
  2. theo dõi các nạn nhân liên tục; 
  3. bảo vệ và che chở nạn nhân trong khi chờ đợi nhân viên chăm sóc y tế đến; 
  4. bảo vệ những tài sản cá nhân của nạn nhân; 
  5. hỗ trợ việc vận chuyển nạn nhân đến xe cứu thương; 
  6. bảo đảm là những nạn nhân nhẹ không cần đến sự chăm sóc y tế được đưa đến nơi có thân nhân hoặc bạn bè để họ chăm sóc; 
  7. viết tên của các nạn nhân và những người đứng bên cạnh, và ghi chép những việc về sơ cứu mà bạn đã thực hiện. 

Sơn Dương từ tốn

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét