Phạm Cảnh Đáng
Cụ tổ Baden Powell đã viết : “Hướng Đạo là một cuộc chơi cho các em dưới sự lãnh đạo của các em ,với sự hướng dẫn của người lớn (Trưởng) (Scouting is a game for boys under the leadership of boys ,under the direction of a men) . Và Hướng Đạo Hoa Kỳ đã tóm lược ý tưởng này trong một câu gọn nhẹ, dễ nhớ : “Hướng Đạo là trò chơi cho trẻ, nhưng là công cuộc của người lớn” ( Scouting is a game for boys , but a job for men).
Đối với BP , nói đến “ Chơi Hướng Đạo ” là nói đến giáo dục giới trẻ . Đó cũng chính là mục đích cuối cùng của Hướng Đạo . Khi nào chúng ta xa lìa mục đích đó, thì chúng ta không còn là Hướng Đạo nữa.
Chính vì thế mà trong suốt quãng đời Hướng Đạo, BP không ngừng nhắc đi nhắc lại cái mục tiêu tối thượng này.
Trong cuốn “ Hướng Đạo cho trẻ” (SFB) BP đã khẳng định : “ Mục đích toàn diện của hoạt động Hướng Đạo là nắm vững tính khí đứa trẻ khi còn đầy nhiệt tình và uốn nắn cái tính khí ấy theo đúng hướng , cùng khuyến khích và phát triển cá tính của nó . Nhờ vậy mà đứa trẻ có thể tự rèn luyện để trở thành một người tốt, một công dân xứng đáng của đất nước”.
Lần khác, tại Hội nghị Hướng Đạo Thế giới lần thứ 9, vào tháng 8 năm 1937, tại Hague, BP vẫn nhắc lại : “ Mục tiêu tối thượng của chúng ta là làm sản sinh những con người xứng đáng cho mọi quốc gia ; mạnh mẽ về thể xác , tâm trí và tinh thần ; những con người đáng tin cậy , những kẻ có thể đối mặt với công việc nặng nhọc , khó khăn ; những người có thể tự quyết định chứ không bị lôi kéo bởi ý kiến đám đông; những kẻ có thể hy sinh bản thân cho quyền lợi của tổ quốc. Lòng ái quốc của họ không được hẹp hòi mà phải có quan điểm quảng đại”.
Vào những tháng ngày cuối đời , trước lúc đi xa , BP cũng còn căn dặn : “ Mục đích của giáo dục Hướng Đạo là kiện toàn trình độ của thế hệ công dân tương lai, đặc biệt là về tính khí và thể lực, bằng cách thay thế VỊ NGÃ bằng VỊ NGHĨA , làm cho trẻ trở nên hữu hiệu về tinh thần cũng như về thể xác với mục tiêu xử dụng hiệu lực ấy để phục vụ cộng đồng” (Lời tựa trong cuốn Hướng Đạo cho Trẻ-SFB -xuất bản năm 1940)
Vì thế để đánh giá một Trưởng , một nhóm , một tổ chức có phải là Hướng Đạo không? Có hoàn thành được mục đích Hướng Đạo không? thì không gì khác hơn là phải dựa vào cái mục đích mà BP đã đề ra, để làm chuẩn mực, làm thước đo chất lượng Hướng Đạo của cá nhân, của tổ chức đó.
Nói cách khác, dù ở bất cứ lãnh vực nào (quản trị, sinh hoạt, huấn luyện) , dù ở bất cứ cương vị nào (Trưởng Ban, Đạo trưởng, Liên Đoàn trưởng,…) mọi hoạt động của mình đều phải qui hướng về mục đích cuối cùng là giáo dục trẻ Chẳng hạn để đánh giá một Trưởng huấn luyện, không phải căn cứ vào số khóa đã mở , số lượng khóa sinh tham dự , số gỗ đã trao,…mà là Trưởng đó đã huấn luyện ,đã đào tạo, đã trao truyền được bao nhiêu Trưởng thực sự dấn thân giúp đỡ các em , hướng dẫn các em để các em trở thành người hữu ích, người công dân tốt. Nếu ta trao được nhiều gỗ, cấp đươc nhiều chứng thư, mà họ không làm gì (trực tiếp hay gián tiếp) để góp phần hướng dẫn, giúp đỡ các em trở thành người tốt, người có ích …thì việc huấn luyện đó xem ra cũng không ích gì.
Hoặc khi đánh giá một Tráng Đoàn , một anh Tráng trưởng có thành công hay không , chúng ta cũng không căn cứ vào số lượng tráng sinh nhiều hay ít , có bao nhiêu buổi sinh hoạt văn nghệ hoành tráng , bao nhiêu cuộc dã ngoại dài ngày,…mà chỉ cần căn cứ vào việc có bao nhiêu tráng sinh đã “Lên đường” để tự nguyện “Chèo lấy thuyền anh” , tự rèn luyện bản thân để giúp ích và vững mạnh tiến bước (VT) trên con đường trở thành người công dân hữu ích .
Có phải thế không bạn?
Phạm Cảnh Đáng
Sóc Trầm tĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét