Khi sa cơ, lúc hoạn nạn, mới thấy tình huynh đệ hướng đạo thật cao đẹp.
Ngày 28/3/75 gia đình tôi, hai vợ chồng, và 11 đứa con với ông cha già đau yếu, bồng bế nhau chạy xuống hải cảng Tiên sa, Bộ Tư lệnh hải quân vùng I duyên hải, để di tản vào Sài Gòn.
Đến bến cảng lúc đó tôi thấy cả một rừng người đang tìm mọi cách để chen lấn nhau xuống chiếc vận tải hạm LST. Gia đình tôi cũng chen lấn một cách vô vọng thì bỗng đâu một viên thiếu tá Hải quân chen đến chỗ gia đình tôi, tay chào miệng nói: thưa trưởng để em dìu ông cụ lên tàu trước rồi sẽ xuống đưa gia đình trưởng lên sau (vì lúc đó tôi đội cái mũ Hướng đạo có gắn Huy hiệu trưởng).
Viên thiếu tá dìu ông già tôi đi hơn hai tiếng đồng hồ sau mới quay lại.
Theo sau viên thiếu tá có hai thủy thủ yểm trợ hộ tống gia đình tôi hơn hai tiếng đồng hồ mới lên được boong tàu. Cha con tôi mệt lả người, thở không ra hơi; còn ba anh chàng Hải quân áo đẫm ướt mồ hôi thở hổn hển.
Viên thiếu tá tự giới thiệu: em là Hạm trưởng chiếc LST nầy, trước khi vào trường sĩ quan Hải quân em là tráng sinh Hướng đạo, sinh hoạt ở đơn vị Sài Gòn-Gia Định. Đứng trên boong tàu nhìn xuống thấy một người đội mũ Hướng đạo đang chen lấn trong đám người di tản, nên em đoán là anh em Hướng đạo nên xuống xem tìm cách giúp đỡ. Suốt cuộc hải trình em tráng sinh Hạm Trưởng đó lo cho gia đình tôi từ bữa ăn đến chỗ ngủ được no ấm.
Tàu vào bến cảng Phú Quốc đổ người di tản, em tráng sinh đưa gia đình tôi lên tận bến rồi nói nhỏ : Trưởng ghi danh sách tên họ tất cả gia đình để em xuống tàu điện cho Đại tá Hải quân đặc khu trưởng Đảo Phú Quốc xin bảo lãnh cho gia đình Trưởng được về Sài Gòn. Vì có lệnh mật của biệt khu Thủ đô Sài Gòn, tất cả những người di tản miền Trung lưu trú lại Đảo Phú quốc không cho về Sài Gòn vì vấn đề an ninh.
Chúng tôi chia tay nhau: kẻ xuống tàu làm nhiệm vụ người lên nhập trại tạm cư. Tôi lên tạm trú được ba ngày thì Bộ chỉ huy đặc khu gọi tôi lên cấp giấy phép cho gia đình tôi xuất trại về Sài Gòn, đây là nhờ sự bảo lãnh của em Tráng sinh (thiếu tá hạm trưởng) tôi mới được xuất trại.
Tình huynh đệ Hướng đạo là thế đó. Tôi và anh không quen biết,! chưa một lần gặp mặt, nhưng vì là Hướng Đạo sinh, là Huynh trưởng, nên anh sẵn sàng giúp đỡ, một cách nhiệt tình nhiệt tâm, không so đo tính toán, không nghĩ đến sự phiền phức hay bị ảnh hưởng đến bản thân mình. Đúng là coi nhau như anh em ruột thịt. Thật là cao đẹp.
Đã 34 năm rồi mà tôi vẫn nhớ mãi tình huynh đệ này. Tôi luôn luôn tự hào điều luật thứ tư của phong trào Hướng đạo là điều luật đầy nhân bản, hàm chứa tình người, lòng vị tha. Coi mọi người là .”Tứ hải giai huynh đệ”
Xin các trưởng cũng như các anh chị em Hướng đạo sinh cố gắng gìn giữ lấy điều luật nầy yêu thương nhau như ruột thịt để xóa bỏ bớt những dị biệt, những bất đồng để cùng nhau xây dựng phong trào Hướng đạo Việt Nam trường tồn mãi mãi.
(Trích trong hồi kí cuộc di tản của gia đình tôi ngày 28/3/75)
Nguyễn Xuân Vinh
Hươu thận trọng
-Rừng An Hải-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét