Hướng Đạo Việt Nam
Nguyễn Xuân Tăng
Trên muôn vạn nẻo đường của cuộc sống,trong muôn vàn ký ức của tâm tưởng mình, có khi ẩn, cũng có khi hiện thật rõ ràng như mới hôm qua, có khi chỉ bất chợt nghĩ đến rồi thôi, nhưng cũng có khi có những ý niệm đến rồi lại trở về, và làm cho ta trăn trở, ray rức vì nó.
Giờ này đây, trong tôi rõ ràng đang mang tâm trạng ấy: nhớ về một hình ảnh, nhớ về một kỷ niệm đẹp, về người đã mở đường cho ngành Tráng Hướng Đạo Việt Nam mà nếu không nhắc đến, không nhớ đến thì thật là thiếu sót lớn lao! Tôi muốn viết vài nét thật đơn sơ, thật khái quát, một vài nét chấm phá về một con người đã dấn thân mở đường cho ngành Tráng, ngành Đường Hướng Đạo Việt Nam để cho chúng ta tiếp bước. Người đó chính là Trưởng Hồng Sơn Dã Mã Võ Thanh Minh. Cũng chính Trưởng là người đã khai sinh ra Hướng Đạo Trung Kỳ.
Đối với các thế hệ Hướng Đạo sinh trước đây thì Trưởng Hồng Sơn Dã Mã chẳng có gì xa lạ, nhưng chắc chắn đối với các Tráng sinh của chúng ta ngày nay khi nghe những câu chuyện về Trưởng Dã Mã thì chúng ta nghĩ là những chuyện bịa đặt hay những huyền thoại.
Trưởng Dã Mã vốn xuất thân trong một gia đình Nho học. Thuở thiếu thời học chữ Hán với thân phụ mình, một “ông Đồ Nghệ”. Nhưng từ khi trong xã hội Việt Nam ta xuất hiện những câu hát :
“Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,
Mười người theo học,chín người thôi”
thì Trưởng đã quay sang học tiếng Pháp rồi thi đỗ Thành chung (Diplòme) và lại thi đỗ làm giáo học trường công dạy các môn như: Hán văn, Việt văn, Pháp văn,…*(1).
Vào cuối năm 1932,thời cuộc ở Thanh Nghệ có phần căng thẳng, gay cấn nên Trưởng bỏ dạy vào Huế, rồi vào thẳng Sài Gòn gặp Trưởng Trần Văn Khắc-Sếu Siêng Năng, người đã thành lập Hướng Đạo Bắc Kỳ ở Trường Thể dục Thể thao Hà Nội cùng với Trưởng Hoàng Đạo Thúy. Nhưng đến năm 1932 Trưởng Khắc đã vào Sài Gòn, rồi lại thành lập Hướng Đạo ở Nam Kỳ và cả Campuchia nữa.
Sau khi gặp được Trưởng Sếu để trao đổi kinh nghiệm về việc thành lập các đơn vị Hướng Đạo ở Bắc cũng như ở Nam Kỳ, Trưởng Dã Mã lại quay về Huế để cùng với các Trưởng như Trưởng Tráng Cử , Trưởng Song Hòe , Trưởng Hy Đơn , Trưởng Bá Vị ,… lập thêm một số đơn vị Hướng Đạo ở Huế, ngoài Thiếu Đoàn Bình Dân mà Trưởng đã lập ở trường tư thục Hồng Lạc, một ngôi trường nhỏ nằm ở xóm dân nghèo lao động trong khu vực Gia Hội, Huế mà Trưởng Dã Mã vừa là giáo viên vừa là hiệu trưởng và cũng là huynh trưởng Hướng Đạo.
Năm 1934-1935,phong trào Hướng Đạo ở Huế phát triển nhanh và mạnh. Người đầu tiên được vinh dự nhận trách nhiệm Đạo Trưởng, đó cũng chính là Trưởng Võ Thanh Minh.
Rồi cuối năm 1935, người dấn thân mở đường cho ngành Tráng, ngành Đường Hướng Đạo Việt Nam, đó cũng chính là Trưởng Hồng Sơn Dã Mã. Người đã chính thức lên đường, dưới chân núi Ngự Bình, Huế mà Trưởng chủ lễ lại là Huynh trưởng Hướng Đạo Hải Đoàn Pháp, Trưởng Nga Nam Tào - Raymond Schlemmer. Sau đó không lâu, Trưởng Raymond Schlemmer đã cùng với hai Trưởng Niédrist - Sơn Dương và Trưởng Dã Mã mở khóa huấn luyện Huynh Trưởng đầu tiên ở Huế. Khóa Dự Bị Thiếu với chừng 20 khóa sinh, mà Trưởng Schlemmer là khóa trưởng và hai Trưởng Sơn Dương - Niédrist và Dã Mã là Huấn luyện viên.
Rồi đến những năm 1936-1937 cũng chính các Trưởng này cùng nhau xây dựng Trại trường quốc gia: Bạch Mã-Huế. Trưởng Dã Mã Võ Thanh Minh đã nhận nhiệm vụ Tổng ủy viên Hướng Đạo Trung Kỳ cho đến năm 1937 trao đuốc cho Trưởng Tạ Quang Bửu , khi Trưởng Bửu từ nước ngoài (Anh quốc) về dạy ở trường Thiên Hựu -Providence, Huế.
Nhưng sau đó Trưởng Dã Mã lại phải nhận một nhiệm vụ mới là Tổng thư ký Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương, gồm năm xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Kampuchia và Lào. Trong thời gian này, Trưởng Dã Mã đã đi quanh xứ Đông Dương hai lần bằng xe đạp và xe máy.
Đến những năm 1939-1940, Trưởng lại về Thanh-Nghệ mở thêm một số đơn vị và được cử giữ nhiệm vụ Đạo trưởng ở đó . Trưởng Lê Phỉ, năm nay đã 84 tuổi hiện là Đạo trưởng Lâm Viên, là một Đội trưởng trong bốn Đội trưởng của Trưởng Dã Mã *(2)
Qua năm 1949 Trưởng lại vào Huế và qua năm 1950, Trưởng đã tìm cách qua Pháp với số tiền ít ỏi mà Trưởng có được nhờ bán bản quyền tập thơ “Tiếng thương tâm” của Trưởng.
Ở Pháp một thời gian ngắn, Trưởng lại tìm đường qua Thụy Sĩ và đến văn phòng Liên Hiệp Quốc diễn thuyết, tuyệt thực để nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp cho Việt Nam được độc lập thống nhất theo thể chế trung lập như Thụy Sĩ. Trưởng cắm lều bên hồ Leman để thổi sáo, tuyệt thực đấu tranh cho lý tưởng của mình. Trong thời gian này, Trưởng đã viết bài “Phú Trung lập” khá dài với mấy câu mở đầu như sau:
“Thương thay trung lập!
Thảm thay trung lập !
Danh rất đơn sơ, nghĩa nhiều phức tạp!
Báo chí phương Đông,cũng như phương Tây đã ra công vùi dập!”
và đoạn kết có những câu như sau :
“Một đằng hách hách làm tay sai cho M.
Một đằng vênh váo làm đầy tớ cho Ng.
Việt Nam chỉ còn xương với da
Chứ có chi mà tranh nhau gặm cạp…”
Đến lúc văn phòng Liên Hiệp Quốc dời qua New-York, Mỹ Trưởng lại tìm đường qua Mỹ để tiếp tục con đường đấu tranh “bất bạo động” của mình cho Tổ quốc và đất nước. Trưởng đã được một số Thượng nghị sĩ da đen trong khối đa số ở Thượng viện Mỹ như : Fulbright Mike Mansfield và mục sư Lutter King cùng với phe phản chiến Mỹ tích cực ủng hộ. Do đó, cứ mỗi lần có những buổi diễn thuyết về chiến tranh Việt Nam thì họ lại đến mời Docteur Võ *(3) của Việt Nam đến tham dự và còn mời Trưởng phát biểu ý kiến trước khi các diễn giả nói chuyện.
Cũng chính vì thế mà cuối năm 1965, chính quyền Mỹ buộc lòng phải trục xuất Trưởng ra khỏi lãnh thổ Mỹ. Năm 1965, về Việt nam Trưởng lại bị chính quyền miền Nam bắt giam ở Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, rồi quản chế ở Pleiku. Cuối năm 1965,Trưởng xin phép về Quảng Trị với lý do thăm bà Kế mẫu và người em ruột cùng cha khác mẹ là Trưởng Võ Thanh Khiết. Trưởng Khiết lúc đó là một thương gia lớn và là Trưởng ban bảo trợ của Đạo Aí Tử. Trưởng Khiết ở ngay ngã tư Trần Hưng Đạo-Quang Trung thị xã Quảng Trị.
Nhưng sau khi ăn Tết Nguyên Đán xong, Trưởng Dã Mã quyết định xin vào nhang khói ở Từ đường cụ Phan Bội Châu tại Dốc Bến Ngự, Huế *(4)
Trong thời gian ở tại Từ đường cụ Phan, Trưởng đã dạy ngoại ngữ Anh, Pháp cho sinh viên nghèo ở Huế mà không nhận thù lao hoặc nếu có thì chỉ vài ba kg gạo hoặc năm ba chai xì dầu. Nếu dùng không hết, Trưởng đem tặng cho các gia đình nghèo trong vùng. Vào mùa hè những năm 1966-1967, Trưởng lại tiếp tục tuyệt thực để nhớ nỗi đau đất nước bị chia cắt vẫn chưa liền.
Nếu biến cố Tết Mậu Thân-Xuân 68 không xảy ra thì sau Tết năm ấy có lẽ Trưởng đã được mời dạy một số học phần về triết học Đông phương tại trường Đại học Văn Khoa Huế, theo lời thầy phó Viện trưởng Viện Đại học Huế. Thầy còn nói thêm, ra Tết thầy sẽ giới thiệu “Bác Dã Mã” với trí thức và các nhà toán học Huế vào dịp gặp mặt đầu năm, mồng 8 Tết. Tôi lúc đó là nhân viên văn phòng ở trường Đại học Khoa học Huế, còn thầy là Khoa trưởng kiêm phó viện trưởng Viện Đại học Huế.
Trên đây chỉ là một số nét hết sức đơn sơ, khái quát về một Trưởng lớn, tầm cỡ của Hướng Đạo Việt Nam, về nhiều mặt. Tôi có một chút may mắn được gần gũi Trưởng trong hai năm, khi Trưởng về quê và sống ở Huế. Tôi đã được nghe Trưởng kể rất nhiều chuyện, nên tôi muốn viết lại nhưng tiếc là tôi lại không đủ khả năng. Chắc hẳn trong tất cả anh chị em chúng ta ai cũng đã ngậm ngùi thương tiếc vì sự ra đi quá oan uổng của Trưởng trong biến cố Tết Mậu Thân-68 tại cố đô Huế.
Và ai là người tiếp bước ? Xin xem số sau…
Đà Lạt,cuối Đông Tân Mão (2011)
Ngựa Đằm Thắm
Rừng Lâm Viên
_________________________________________________________________________________Chú thích :
*(1) & (2) : Theo lời Trưởng Phỉ kể lại.
*(3) : Docteur Vô là danh xưng của các Thượng
nghị sĩ Mỹ gọi Trưởng D• M•-Võ Thanh Minh.
*(4) : Có lẽ do Trưởng sợ ảnh hưởng bất lợi cho các Trưởng đàn em:Nguyễn Trung Thoại(Tỉnh trưởng Quảng Trị),Nguyễn Xuân Đê,Phạm Tri(phó Tỉnh trưởng Quảng Trị).
Ghi thêm : Có thể đọc quyển “Kể về Trưởng Võ Thanh Minh” của Trưởng Sóc Trầm Tỉnh để biết thêm về Trưởng. BBT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét