Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Vai trò "Nghề cầm Bầy"

Lê Thọ

Bầy Tiên Sa_LĐ Ngũ Hành Sơn


CHỌN PHỤ TÁ BẦY


Với thuật lãnh đạo của Bầy trưởng Hướng đạo, bước đầu tiên lập Bầy là phải tìm người cộng sự, tham gia chung sức với mình để điều khiển Bầy.

Các anh chị Kha sinh, Tráng sinh của Liên đoàn hoặc Đạo có nhiệt huyết Hướng đạo tình nguyện tham gia được chúng tôi lưu tâm hướng dẫn để phụ tá với mình và chia sẻ trách nhiệm với Ban sói già là một phần quan trọng của điều hành Bầy.

“Bổ túc nghiệp vụ ”cho phụ tá như thế nào? 

Bầy trưởng hãy vạch cho mình kế hoạch đa dạng:


- Trường hợp một Tráng sinh đã học xong khóa dự bị - một Kha sinh, Tráng sinh chưa qua khóa - đôi khi một phụ huynh tham gia nữa, đây là vấn đề không phải lúc nào cũng như mong muốn được. Một phụ huynh tham các hoạt động Bầy có thể đảm trách vai trò huấn luyện một chuyên môn nào đó, nếu họ muốn điều khiển và lãnh đạo Bầy trước hết họ phải trải qua đời HĐS, am hiểu phương pháp HĐ mới thực thụ lãnh đạo Bầy được. Đa số Anh chị cộng sự khi mới xuống Bầy còn bỡ ngỡ nhiều thứ như các tập tục nghi thức và sự ứng xử xưng hô, các kỹ năng đa dạng khác ...





Những anh chị “yêu trẻ” bắt đầu muốn tham gia sinh hoạt Bầy, và được đồng ý chấp nhận “Vào nghề” cầm Bầy, thì công việc trước hết là phải đi “một vòng quanh ” tìm hiểu kỹ về vai trò mà mình sẽ được phân công.

Bầy trưởng cần sắp xếp thời gian trong tuần để họp mặt trao đổi cách thức điều hành, cung cấp thông tin tài liệu bổ sung kiến thức cho họ. Tìm hiểu cá tính và chuyên môn kỹ năng mỗi người để phân vai' trò hợp lý. Đó là công việc khởi sự lập Hội Đồng Bầy Trưởng.

Trong Bầy có nhiều vai trò phụ tá Bầy, ví dụ như:


- Baloo (Gấu) dạy luật, nghi thức, kể chuyện.
- Bagheera (Báo) bày trò chơi, kỹ năng, hát múa.
- Hathi: (Voi) Kể chuyện dạy lịch sử .
- Kaa: (Trăn) Múa hát, diễn kịch.
- Chill: ( Đại Bàng) truyền tin, phương hướng.

Vai trò Baloo Bagheera là cần thiết để làm Bầy phó điều hành. Quan trọng mỗi Đàn nên có Anh Xám (Đàn Trưởng) phụ tá, trực tiếp giúp đỡ hướng dẫn từng Đàn là tuyệt vời nhất.

Trước khi điều khiển Bầy gặp mặt làm quen với các Sói Con, anh chị nên đọc lại cuốn Sách Rừng Xanh (SRX) của Rudyard Kipling và vận dụng giá trị khung cảnh tượng trưng đó làm nền tảng để thiết kế hoạt động. Đây là một yếu tố quan trọng trong Phương pháp Sói Con.

Ở Bầy có những ngôn ngữ xưng hô giản dị dễ hiểu của “xã hội dân rừng” đó là những câu chuyện lý thú kể cho các em biết, đề nghị trẻ phải làm gì, tôn trọng những giá trị nào, nhắm đến những mục tiêu nào và cho các em thấy những ưu điểm của cuộc sống trong Bầy.

Họp Hội Đồng Bầy


Gồm có Bầy Trưởng, Bầy phó, các phụ tá và các Đầu Đàn (những Bầy mới thành lập, Đầu Đàn chưa họp). Sau mỗi lần sinh hoạt có thể thu thập ý tưởng mới, hoặc lượng giá trong ngày. Hội đồng tham dự sẽ đóng góp một số ý kiến và đề nghị các chủ đề sinh hoạt cho thêm hương sắc.

Nếu thuận lợi Bầy Trưởng nên tổ chức các buổi họp Hội đồng Bầy hàng quý, (có thể mời phụ huynh phụ trách chuyên môn cùng tham dự) tranh thủ họp vào các ngày nghỉ lễ, thiết kế chương trình có đầy đủ các ý tưởng, các dự án, chủ đề hoạt động, tập tục nghi thức và các kế hoạch liên quan. Kiểm tra đôn đốc các phụ tá và quan tâm đến phụ huynh có thể giúp ích chương trình.

Khi họp anh chị có cơ hội để chia sẻ ý tưởng của mình với người khác, và nhận được những dự án hoạt động để triển khai trong Đàn của mình hoặc Bầy.

SỰ HIỂU BIẾT VÀ NHIỆT TÌNH


Nghề cầm Bầy không phải là vấn đề nhỏ phải đối mặt trong buổi đầu tiên của anh chị, mà nhiều thách thức phải đối mặt." Đặc biệt anh chị biết rõ mình là ai, hiểu biết gì, theo đuổi sự tiến bộ của mình như thế nào! Điều nầy có nghĩa là anh chị không ngừng cải thiện làm chủ bản thân, đừng có “điểm tiêu cực” trong đời sống, có lập trường tích cực, chính trực, và cũng phải có một khả năng nào đó tốt để cung cấp kiến thức cho trẻ, bởi vì trẻ nhỏ không có thời gian cho một lý thuyết dài dòng, mà phải cụ thể, sống động, uyển chuyển từng giai đoạn theo tâm sinh lý.

Nếu anh chị muốn giữ chúng thì trước tiên anh chị phải là một tấm gương tốt, một chương trình tốt. Anh chị phải truyền cảm hứng cho trẻ thông qua sự chăm sóc nhiệt tình có khoa học và quan tâm dìu dắt chúng bằng tấm lòng của mình.

Vâng, tất nhiên, thời gian đầu tiên cần được thực hiện là anh chị trực tiếp gặp mặt với các Sói Con để có được sự hiểu biết toàn diện, để áp dụng phương pháp của Bầy và những gì cần thực hiện trước. Anh chị cần phải nắm bắt được tinh thần Bầy và tập tục của Bầy để tạo ra bầu khí tươi vui và niềm nở khi tiếp xúc với từng em trong Đàn. - Hãy mở lòng nhiệt tình và yêu mến trẻ.

Tóm lại, không có công thức nào bó buộc để anh chị lãnh đạo Bầy, tùy kinh nghiệm khả năng và tài trí sẵn có mỗi người, nhưng điều trước tiên phải:


  • - Biết lắng nghe 
  • - Biết cách cư xử với mọi người và nâng cao các mối quan hệ.
  • - Biết kỹ năng nói chuyện trước đám đông.
  • - Có lòng can đảm và tính lạc quan.
  • - Có trách nhiệm và đưa ra quyết định đúng đắn
  • - Chấp nhận được đào tạo, biết chia sẻ trách vụ.

NHẬN RÕ MỤC ĐÍCH


Bước kế tiếp, để cho các em được khuyến khích mạnh mẽ, hiểu rõ từng Đàn hãy đọc và thẩm tra Sổ tay chuyên cần Sói Con, Sổ việc thiện, học vấn của lớp, thăm hỏi ý kiến gia đình. Bạn cần hiểu quan điểm, ưu khuyết từ Sói con và thể hiện cụ thể những gì mà bạn phải làm để quan tâm tới từng em. Hãy lưu ý những sự việc cần sự giúp đỡ của phụ huynh và đồng nghiệp. Các tài liệu Hướng đạo trên Internet, sách Hướng đạo liên quan, hy vọng sẽ có ích với bạn.

Toàn bộ ý tưởng của Ngành Ấu là để chuẩn bị các em cho Phong trào Hướng đạo. Chúng ta có thể đào tạo Ấu sinh các kỹ năng sống, các cảnh báo, và quan tâm đến tất cả xung quanh mình, làm phát triển trong trẻ một ý thức của sự vâng lời người lớn, vâng lời tự nguyện chứ không phải ép buộc vâng lời, điều nầy cần phải hiểu một cách thấu đáo. Bầy trưởng là sự khởi đầu gây được tinh thần Bầy, vì vậy mọi việc huấn luyện Sói Con là cần thiết, cốt yếu để ươm mầm HĐS tương lai.

Khi tham gia sinh hoạt Bầy, anh chị sẽ sống lại thời thơ ấu của mình bằng cách cùng chơi chung với các em vừa hướng dẫn chúng, chiếm được cảm tình và sự trung tín của trẻ và khiến cho nó ngưỡng mộ. Để được thành công trong vai trò làm Trưởng chỉ cần “lớn người - trẻ dạ”, nghĩa là:

* Điều tiên quyết là phải có tâm hồn trẻ em, có thể hòa mình vào thế giới của trẻ. Thành công trong vai trò nầy là kẻ biết làm “anh/chị cả” của các em. không phải là một. thầy giáo hay một huấn luyện viên. Trưởng phải đặt mình vào vị trí của người anh/chị trong 1 gia đình, nghĩa là phải nhìn sự vật theo như nhãn quan của trẻ rồi lèo lái và hướng dẫn chúng theo đúng hướng để cho chúng yêu thích. Cùng chơi, cùng cười với chúng, do đó chiếm được lòng tin của chúng, rồi trẻ sẽ tự động noi theo gương mình.

* Phải hiểu rõ nhu cầu, cách nhìn và những ước vọng theo từng lứa tuổi trong đời sống của Bầy. Anh chị có kinh nghiệm cá nhân và trí tưởng tượng hoạt động sáng tạo, tính trẻ trung và thiện cảm với trẻ sẽ là Tưởng hướng dẫn tốt nhất cho các em. Các anh chị không nên quá ràng buôc bởi truyền thống, những điều lệ và các giáo trình đè nặng, để rốt cuộc sinh hoạt khô khan nhàm chán.

* Phải chăm sóc từng em thay vì chung cho cả Bầy. Công việc của anh/chị cũng giống như người câu cá. phải biết dùng mồi câu. thích hợp, động tác nhẹ nhàng không dùng sức. Nếu hấp tấp thì sẽ chẳng được gì cả. Tất cả mục đích “Sách Sói Con” đều nhắm đúng hướng. Sự thành công trong việc áp dụng những mục đích đó còn tùy thuộc nơi anh chị và cách thức mà mình áp dụng nữa.

* Cần phải làm phát triển tinh thần cộng đồng giữa các em, dẫn dắt chúng theo đúng hướng để đạt được kết quả tốt nhất. Muốn được bền vững thì phải cương nghị và thẳng thắn, phải biết những truyền thống tập tục của Bầy cần gìn giữ, ngay cả nếu cần thì anh cũng phải tỏ ra thật cương quyết trong vấn đề này.

* Sự đúng giờ của Ban sói già lại càng cần thiết với các em.

Đó là thứ kỷ luật tự giác và chúng ta gương mẫu chấp hành kỷ luật trước tiên, hẹn với ai thì phải đúng hẹn, hứa điều gì thì phải thực hiện cho được đó là một biểu hiện tốt để trẻ bắt chước mà không cần nói ra.

* Hãy vui vẻ tiến bước với nụ cười trên môi và làm cho sự hăng hái của trẻ đi đúng hướng. - Anh chị hãy tươi cười với trẻ, cùng tham gia vào tinh thần trò chơi của trẻ và cảm thấy niềm say mê làm cho cuộc sống chúng ta có sự phong phú như vậy.

Tóm lại, chúng ta muốn đạt được cảm xúc Bầy là một gia đình hạnh phúc, và tham gia chung sức điều hành một Bầy thì cần phải:


  • - Ý thức bổn phận của mỗi người.
  • - Luôn xét về thái độ của mình khi ứng xử.
  • - Tôn trọng các nghi thức, tập tục Bầy.
  • - Ra quyết định đúng đắn, đúng lúc và dân chủ
  • -Ý thức vấn đề kỷ luật tự giác.
  • - Trước tiên hãy làm việc mình vì mọi người
  • - Quan tâm đến người khác.
  • - Tạo sự vui vẻ cho người nhận trách vụ.
  • - Gần gũi chia sẻ thông tin với cộng sự.
  • - Luôn luôn sáng tạo hoạt động hấp dẫn.
  • - Luôn tạo các cơ hội cho từng trẻ thực hiện.
  • - Khuyến khích các thành quả đạt được.

Mùa thu - 2011
hdsletho@yahoo.com

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét