Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Văn hóa Hướng đạo

Phạm Cảnh Đáng

UNESCO (LHQ) đã nhận định rằng : “Các kế hoạch phát triển không chú ý tới yếu tố văn hóa, sớm muộn gì cũng dẫn tới thất bại”. Vì thế LHQ đã phát động “thập kỷ” văn hóa thế giới vào năm 1988 đến 1997.

Hiện nay, Việt Nam chúng ta cũng có nhiều chủ trương “ xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ”, và người ta cũng thường nói đến : văn hóa lễ hội – văn hóa giao thông – văn hóa ẩm thực v..v..

Vậy văn hóa là gì ?



Thật khó mà có một định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất.

Theo nghĩa đen : văn hóa là trồng trọt ; còn nghĩa bóng : văn hóa là trồng người, là chăm sóc dưỡng dục nhân cách để con người có phẩm chất tốt đẹp. Định nghĩa này rất phù hợp với văn hóa Hướng đạo.


Còn theo định nghĩa của UNESCO (1970) thì văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh thần, tinh vi, hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Có 2 loại di sản văn hóa : văn hóa vật thể (đình, chùa...) và văn hóa phi vật thể (âm nhạc, phong tục…). Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm thì văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo nên và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.

Cũng có định nghĩa rất đơn giản : văn là vẻ đẹp – hóa là làm cho trở nên – cả hai từ văn hóa là làm cho trở nên đẹp, có giá trị. Nói cách khác văn hóa chính là chân – thiện – mỹ, là mục tiêu và động lực cho sự phát triển.

Người ta cũng thấy rằng do yếu tố địa lý, khí hậu, môi trường, kinh tế mà thế giới này chia ra 2 nền văn hóa khác nhau, đó là :

- Văn hóa phương Đông bắt nguồn từ nông nghiệp
- Văn hóa phương Tây bắt nguồn từ chăn nuôi, du mục.

Ngày nay, thế giới đã thông thương, giao lưu dễ dàng, nên các nền văn hóa cũng đã đan xen với nhau, như khi tham quan lăng Khải Định, chúng ta thấy nơi đó có cả văn hóa Đông và Tây (âm & dương).

Khi đi tìm bản sắc văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng, một tổ chức v..v…người ta căn cứ vào ba yếu tố tạo nên cấu trúc văn hóa đó là :

- Văn hóa nhận thức.
- Văn hóa tổ chức
- Văn hóa ứng xử.

Vì thế khi đi tìm giá trị văn hóa hướng đạo, chúng ta cũng sẽ lần lượt xem xét ba yếu tố căn bản đó : 

1. Văn hóa nhận thức hướng đạo : 


Hướng đạo là một Phong trào giáo dục thanh thiếu niên để trở thành một con người toàn diện, một mẫu người lý tưởng, có đầy đủ : Trí tuệ, Tinh thần, Thể lực, Tính khí, và Tha nhân ( xã hội tính) (5T) qua một hệ thống tự giáo dục tiệm tiến (tuần tự) và đặt trên những yếu tố nền tảng của Phong trào hướng đạo, được gọi là các “Nguyên tắc căn bản” hay là “Nguyên lý hướng đạo”.

Tại Chương I của bản Hiến chương Tổ chức Hướng đạo Thế giới đã được Hội nghị Hướng đạo Thế giới lần thứ 26 tại Canada, năm 1977, đã đồng ý thông qua và được tu chính mới đây tại Hội nghị Hướng đạo Thế giới lần thứ 38 tại Hàn Quốc, năm 2008, thì Điều 1 là phần Định nghĩa và Mục đích của PT.HĐ.. còn Điều 2 là Các nguyên tắc.


Trước hết PT.HĐ đặt nền tảng trên các nguyên tắc sau :

- Bổn phận đối với Thượng đế.
- Bổn phận đối với tha nhân.
- Bổn phận đối với chính mình.

Thứ đến là mọi thành viên của Phong trào Hướng đạo được yêu cầu cam kết tuân theo Lời hứa và Luật Hướng đạo... phỏng theo bản Lời hứa và Luật do Vị sáng lập đặt ra lúc nguyên thủy.

Lời hứa và Luật, là khí cụ để diễn đạt trong thực tế các nguyên lý, nguyên tắc chỉ đạo và được lập thành như một qui tắc ứng xử mà các HĐS phải noi theo. Lời hứa và Luật được viết theo ngôn ngữ, văn hóa, văn minh của đất nước mình dựa trên nguyên bản do BP đề xướng - Luật và Lời hứa giống như một bản hương ước, mà các thành viên trong cộng đồng phải tuân giữ. Nói chung, Nguyên lý HĐ, Luật và Lời hứa HĐ, chính là văn hóa nhận thức của hướng đạo.

2. Văn hóa tổ chức hướng đạo :


Văn hóa tổ chức hướng đạo đó chính là phương pháp hướng đạo. Phương pháp hướng đạo chính là một khung cấu trúc, gồm một nhóm các yếu tố bổ sung cho nhau để tạo nên một tổng thể hài hòa và thống nhất, hầu hướng dẫn và khuyến khích HĐS theo con đường phát triển cá nhân. 

- Lời hứa và Luật là yếu tố đầu tiên của văn hóa hướng đạo. Đó là một phương tiện cụ thể để HĐS hiểu đâu là những giá trị đích thực mà em cần phải tuân giữ để đem lại cho em một con người hữu ích. Trưởng cũng luôn luôn có trách nhiệm nhắc nhở, khích lệ các em sống theo Lời hứa và Luật, vì đây là một yếu tố trung tâm trong văn hóa tổ chức hướng đạo. 

- Yếu tố thứ hai của văn hóa tổ chức hướng đạo là : Hướng đạo học bằng thực hành, bằng việc làm thực tế, không học bằng lý thuyết suông. Muốn biết lịch sử ta dùng trò chơi, ca kịch, lấy bối cảnh lịch sử làm nội dung. Muốn học về vạn vật ta đưa các em đến với thiên nhiên, cây cỏ, muôn thú. Muốn học về trí tuệ thì cho các em chơi những trò chơi trí tuê, tập óc quan sát, hệ thống ghi nhớ…

-Yếu tố thứ ba là : Hướng đạo sinh hoạt từng nhóm nhỏ, tử 6 đến 8 em, mà nhóm trưởng (đàn, đội, tuần, toán) chính là người lãnh đạo của nhóm. Tất cả thành viên của nhóm đều có một vai trò trách nhiệm nhất định trong nhóm, không ai ở không. Các em được sinh hoạt dân chủ, mọi hoạt động của nhóm đều phải được các thành viên trong nhóm đồng thuận, nghĩa là cùng bàn thảo, cùng phát họa, sinh hoạt với nhau. Cuộc sinh hoạt của nhóm là một hình thức sinh hoạt dân chủ, giúp cho đoàn sinh quen với nếp sống trong một cộng đồng xã hội và luyện tập khả năng cộng tác với người khác, cũng như khả năng lãnh đạo, tổ chức và rèn luyện tính khí. Nên nhớ phương pháp Hướng đạo là một hệ thống bao gồm bảy yếu tố, chứ không phải phương pháp Hướng đạo là một phương pháp hàng đội, như nhiều người đã lầm tưởng.

- Yếu tố thứ tư là : Khung biểu tượng, cũng là một yếu tố quan trọng trong văn hóa tổ chức hướng đạo. Tùy vào từng lứa tuổi mà Phong trào đã cống hiến những khung biểu tượng khác nhau để trẻ dễ lãnh hội những ý niệm trừu tượng, những ý tưởng cao siêu, siêu hình. Hình ảnh một sói con, một thám sát viên hay một nhà thám hiểm, một hiệp sĩ... là những khung biểu tượng rất kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo và sự hấp dẫn, ham thích phiêu lưu mạo hiểm của các HĐS. Nói chung, tất cả hình thức bên ngoài như tên gọi các ngành, đồng phục, huy hiệu, logo, bài hát, khăn quàng…đã tạo nên một khung cảnh, một bầu khí, chứa đựng những giá trị, những đề nghị của Phong trào, giúp HĐS dễ tiếp nhận những ý tưởng hơn là những lời giải thích trừu tượng riêng cho từng ngành, từng lứa tuổi. Một Tráng sinh sẽ dễ hiểu về giá trị cuộc sống của mình qua hình ảnh biểu tượng của chiếc gậy nạn, hay câu “tự chèo lấy thuyền anh”.

- Yếu tố thứ năm là : Thăng tiến cá nhân, cũng là một yếu tố trong phương pháp giáo dục hướng đạo; chú ý đến từng cá nhân riêng biệt, vì không có em nào giống em nào. Mỗi em là một nhân vị cá biệt. Giáo dục hướng đạo nhắm đến sự tiến bộ của từng em, với nhịp độ tiến triển riêng của từng em, theo định hướng chung của các mục tiêu giáo dục mà PT nhằm đến ( 5 T). Nếu không chú ý đến yếu tố thăng tiến cá nhân thì chắc chắn Phong trào giáo dục hướng đạo sẽ không đạt được mục đích.

- Yếu tố thiên nhiên cũng là một yếu tố quan trọng ; Nơi thiên nhiên sẽ cung cấp cho các em vô số lợi ích : không khí trong lành, không gian thoáng đảng có lợi cho sức khỏe. Thiên nhiên có đầy đủ nguồn tư liệu cho các em tha hồ khám phá, quan sát, suy luận…Thiên nhiên còn là nơi tạo nên cảm xúc, những thử thách mà các em phải vượt qua để rèn luyện bản thân. Thiên nhiên còn làm phong phú tâm hồn theo chiều kích tâm linh. BP đã nói : “Người không cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên thì mất đi một nửa phần vui thú của cuộc sống” (Ris - 199), vì thiên nhiên là môi trường cung ứng những thuận lợi lớn lao cho sự phát triển toàn diện (5T). Thiên nhiên là kho tàng quí báu, dồi dào và sinh động nhất mà Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta.

- Cuối cùng, yếu tố thứ bảy là sự hỗ trợ của Trưởng (người lớn).

Trong cuộc chơi hướng đạo, vai trò và trách nhiệm của Trưởng đã được BP minh định như sau :

Trưởng HĐ không phải là giáo viên, cũng không phải là một sĩ quan chỉ huy ra lệnh, một giáo sĩ hay là một huấn luyện viên. Anh phải tự đặt mình ở vị trí một người anh cả, có nghĩa là phải biết nhìn mọi việc theo nhãn quan của trẻ, để dẫn dắt, hướng dẫn tạo niềm phấn khởi để hướng về con đường tốt”. (Aids to Scoutmastership).

Như vậy Trưởng chỉ là người hướng dẫn sinh hoạt, là người điều hợp nhóm, luôn tạo điều kiện để đoàn sinh thấy phấn khởi, thích thú chấp nhận một chương trình tự giáo dục để phát triển các khả năng của mình. Trưởng chính là nhà giáo dục vậy.

Tất cả những yếu tố trên đã tạo thành một phương pháp độc đáo, có tính hấp dẫn và lôi cuốn các em tự giáo dục mà các em không hề hay biết, đó chính là văn hóa tổ chức của hướng đạo.

3. Văn hóa ứng xử hướng đạo


Nhờ có văn hóa nhận thức đúng đắn, đến văn hóa hành động (tổ chức) tuyệt đẹp, mà HĐS có một nếp văn hóa sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hết sức tuyệt vời.

Nhìn hình ảnh của một HĐS khi nghe vang vọng bài quốc ca và thấy quốc kỳ đang tung bay phất phới, em liền hướng về phía quốc kỳ, đứng nghiêm và đưa tay lên chào quốc kỳ, đủ nói lên lòng yêu nước của em như thế nào.

Hoặc một em HĐS đứng nghiêm đưa tay lên mũ chào chiếc quan tài đang đi ngang qua, đã nói lên em chính là bạn của mọi người, mà không phân biệt giai tầng xã hội, nguồn gốc dân tộc, xuất xứ…

Khi hai HĐS xa lạ, không hề quen biết, tình cờ gặp nhau và nhận ra nhau là hướng đạo, thì hai em sẽ tự nhiên đưa tay trái ra để bắt tay nhau, để chuyển tình yêu từ trái tim đến trái tim như anh em ruột thịt, như cái bắt tay lịch sử giữa Trưởng Tạ Quang Bửu với linh mục Gagné, một cựu tráng sinh, tại sân bay Gia Lâm Hà Nội năm 1970. Một nét văn hóa rất đẹp của HĐS là tinh thần danh dự, mà văn hóa Á Đông gọi là lòng tự trọng, hay là chữ tín của Nho giáo. Người HĐ có danh dự cũng giống như một người quân tử, kẻ sĩ của Á Đông – “quân tử nhất ngôn” – “quân tử ứ hự cũng đau”. Danh dự là vật bảo chứng vô giá của HĐ, mất danh dự là mất tất cả, vì danh dự không cho họ nói dối, nói sai, nói một đàng làm một nẻo, không hứa lèo, hứa mà không giữ lời, đã lỡ hứa rồi thì phải làm, không làm được thì phải giải trình xin lỗi. Một HĐS biết trọng danh dự thì luôn có văn hóa cám ơn và xin lỗi. Khi nhận một cái gì của ai thì cảm ơn và khi làm một cái gì sai thì xin lỗi. Khi nhận được thư từ, ý kiến, đề nghị thì lập tức hồi âm, không im lặng, không né tránh. Họ còn có cả văn hóa từ chối khi biết đó không phải của mình. Họ không tham nhũng, không nhận HHR mà họ thấy như ban ơn, không tham dự khóa vì họ chưa đủ điều kiện xứng hợp. Vì danh dự mà HĐS luôn đúng giờ (trước giờ không phải là giờ, sau giờ không phải là giờ).Nói tóm lại là họ biết sĩ diện, biết xấu hổ..



Khi gặp những sự cố xảy đến cho người chung quanh, họ bình tĩnh nhiệt tâm giúp đỡ, không chần chừ, không vô cảm. Người chung quanh thường tặng cho họ cụm từ dụng dị nhưng rất tin yêu : “Dân hướng đạo”.

Một nét văn hóa rất đẹp nữa là sự tương kính giữa các niềm tin tôn giáo khác nhau. Họ có tôn giáo nhưng không phải giáo phái. (Religious not sectarian)

Cũng có một nét đẹp văn hóa mà hiện nay đang bị khủng hoảng, đó là sự đoàn kết dưới một mái nhà, huynh đệ nhất gia. Triết lý sống của người Việt Nam tuy hài hòa giữa âm và dương, giữa tình và lý, nhưng hơi thiên về âm (tình) nên dẫn đến tình trạng phe ta, nhóm họ, thiếu minh bạch công bằng kiểu phương Tây: tình lý rõ ràng phân minh.

Người ta công nhận “văn hóa là động lực và là mục tiêu phát triển” vì thế cái gì là phi văn hóa như đố ky, cục bộ, bè phái, thì phải được dẹp bỏ vì nó sẽ cản trở sự phát triển.

Văn hóa hướng đạo được xuất phát từ phương Tây, ảnh hưởng của nền văn hóa duy lý : tôn trọng cá nhân xuất sắc, chúc mừng người chiến thắng, dù mình thua cuộc; Còn văn hóa Việt Nam thì duy tình : xuề xòa, cả nể, đố kỵ…nên dễ bị chệch hướng. Chúng ta lại có bệnh tùy tiện, dễ thay đổi, không có bản lĩnh ứng xử kiên định, nguyên tắc như văn hóa phương Tây. Vì thế mà ta cần hội nhập, chắt lọc những tinh hoa của thế giới. Có thể khẳng định văn hóa hướng đạo được đặt trên nền tảng Chân – Thiện – Mỹ, cho nên dễ dàng dung hợp với hầu hết mọi nền văn hóa trên thế giới.



Muốn cho PT – HĐVN phát triển thì chúng ta phải biết dẹp bỏ những thứ phi văn hóa, làm cản trở bước tiến, và trân quí gìn giữ những nét đẹp văn hóa mà chúng ta vừa tìm hiểu, đó chính là “ Sức Sống Hướng Đạo”, mà chúng tôi sẽ bàn đến trong Vững Tiến số 9 sắp đến.

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét