Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Văn hóa "Xin lỗi"

Lưu Văn Thiên. 

Nhân vô thập toàn, con người không ai là hoàn hảo cả cho nên việc mắc sai phạm, lỗi lầm là một điều rất bình thường trong cuộc sống. Có một câu nói mà tôi không nhớ rõ nguồn gốc : ”Đấng Thánh một ngày còn phạm tội đến 7 lần” thì huống lựa là chúng ta. Cho nên điều quan trọng là mình có nhận thấy lỗi lầm của mình hay không và phải làm gì với những lỗi lầm mình đã gây ra? 


Ở phương Tây, hai từ “xin lỗi” luôn nằm trên đầu môi chót lưỡi của họ. Từ xin lỗi được bật ra hết sức tự nhiên, dù rằng nhiều khi trong thực chất đó không phải là lỗi. Họ xin lỗi khi hỏi thăm đường đi, hỏi thăm giờ giấc hay khi vô tinh khẽ chạm vào người khác nơi đám đông. Có lẽ họ nghĩ rằng chỉ cần làm phiền đến người khác, dù rất nhỏ cũng đều phải xin lỗi.

Ở phương Đông thì không như vậy và có những suy nghĩ trái ngược nhau , một số coi việc xin lỗi là cần thiết còn một số thì không.

Những người coi xin lỗi là cần thiết vì họ nghĩ rằng đó là cách hành xử của người văn minh có văn hóa. Xin lỗi là một cách chúng ta nói lên sự hối tiếc và tỏ lòng kính trọng người mình đã xúc phạm, dầu rằng xin lỗi không chắc xóa được nỗi đau ta đã gây ra nhưng lời xin lỗi chân thành khiến người bị xúc phạm cảm thấy dễ chịu, hóa giải được cơn giận.. Xin lỗi cần phải kịp thời đừng để hố sâu ngăn cách ngày càng nới rộng và cơ hội hòa giải càng trở nên khó khăn. Người biết nói xin lỗi là người can đảm, không hèn nhác lẫn tránh mà sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. Xin lỗi là chúng ta phát triễn tính tự trọng của mình, vượt qua được cái ngang bướng và khiến chúng ta khiêm tốn hơn và quyết không tái phạm nữa. 

Những người không muốn nói lời xin lỗi có lẽ bắt nguồn từ quan niệm sai lầm rằng xin lỗi là hạ thấp giá trị của mình, là một sự sỉ nhục. Không muốn nói xin lỗi vì họ nghĩ chỉ có kẻ dưới mới xin lỗi người trên, chỉ có cấp dưới mới xin lỗi cấp trên , một quan niệm tưởng chỉ có ở thời phong kiến ( vua quan không bao giờ xin lỗi dân vì những hành động sai trái của mình ) nhưng vẫn còn tại ngay trong gia đình, trong các cơ quan, công ty, các tôn giáo và các đoàn thể ngày nay. 

Trong gia đình Hướng đạo cũng có một số hướng đạo sinh ngộ nhận tưởng rằng hướng đạo sinh là số 1, là đáng tôn trọng vì “Hướng đạo sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin vào lời nói của hướng đạo sinh” hay vì “Hướng đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm” cho nên sinh ra ngại ngùng khi phải nói lời xin lỗi. 

Hãy nói lời xin lỗi để được sự tha thứ; hãy nói lời xin lỗi để tỏ ra là một người can đảm biết lãnh nhận trách nhiêm; hãy nói lời xin lỗi để chữa trị căn bệnh tự cao tự đại ; hãy nói lời xin lỗi để thêm bạn bớt thù vì “Hướng đạo sinh là bạn của mọi người và coi các hướng đạo sinh khác như anh em ruột thịt”. 



Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét