Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Văn hóa ứng xử

Lễ độ và liêm khiết.

Lưu Văn Thiên

“ Hướng đạo sinh lễ độ và liêm khiết” là điều luật thứ năm trong 10 điều luật mà các hướng đạo sinh đều thuộc nằm lòng, nhưng đó chỉ là trên môi miệng, còn ứng dụng vào cuộc sống như thế nào thì mỗi người trong chúng ta cần phải xem xét lại? 



“Tiên học lễ hậu học văn” là câu ca dao tục ngữ thường xuất hiện ở nhiều trường học, nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc giáo dục lễ nghĩa cho học sinh: phải biết cách giao tiếp cư xử với người khác đúng mực, thể hiện mình là người có văn hóa, có đạo đức. Trong cuộc sống ai cũng có nhiều mối tương quan giao tiếp : giao tiếp với ông bà cha mẹ anh chị trong gia đình; giao tiếp với thầy cô bạn bè ở học đường; giao tiếp với những người lớn tuổi, những người có địa vị trong xã hội và ngay cả giao tiếp với những người nhỏ tuổi cũng như những người thấp kém hơn trong xã hội. Trong gia đình hướng đạo, chúng ta giao tiếp với các trưởng, với các hướng đạo sinh. Và trong vô vàn mối tương quan giao tiếp đó mỗi hướng đạo sinh cần phải trang bị cho mình một “nghệ thuật giao tiếp”. 

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu ca dao tục ngữ dạy về cách cư xử mà các em cũng biết : “ Đi thưa về trình”, “ Gọi dạ bảo vâng”, “ Lời chào cao hơn mâm cổ”. Trong các nghi thức sinh hoạt hướng đạo các em đã được trao truyền một cách nghiêm túc về “ lễ độ”. Trước khi bắt đầu một công việc gì các em phải chào trưởng, chào các huynh đệ của mình. Phong trào HĐ muốn nhắn nhủ với các em rằng: một xã hội mà con người không cư xử với nhau theo “lễ” sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự mất tôn ti trật tự và thậm chí dẫn đến sự bất an, mất trật tự trong xã hội. Câu chuyện Vua Tống Mẫn Công và Tướng Nam Cung Trường Vạn là một minh chứng . Vua Tống Mẫn Công thường cư xữ khiếm nhã với Tướng Nam Cung và nhà Vua đã được quan đại phu Cừu Mục nhắc nhở: “Vua tôi giao tiếp nhau, cần phải giữ lễ. không nên đùa bỡn. Đã đùa bỡn thì lòng hết mà lại sinh ra phản nghịch. Chúa công nên để ý điều đó”.Thế nhưng nhà Vua không nghe và kết cục bị tướng Nam Cung giết chết… 

Người ta thường ngộ nhận “lễ phép” chỉ dành cho những người nhỏ tuổi, phải dạy cho kẻ dưới cư xử làm sao cho khỏi thất lễ với người trên, còn người trên thì tự cho mình không phải theo lễ. Trong phong trào hướng đạo các em đối với trưởng thường luôn giữ chữ “lễ” rất tốt nhưng có một số các trưởng lại quên mất điều này. Một số trưởng vin vào điều luật thứ 7, rồi lệnh xuống cho các em phải làm những điều không đúng theo tinh thần hướng đạo. Chúng ta quên rằng điều luật hướng đạo áp dụng chung cho mọi thành viên trong đó có các trưởng nữa. 

Nói đến liêm khiết thì người ta thường nghĩ đến những quan chức, những người có quyền thế trong xà hội. Hình ảnh lý tưởng của một viên quan chức mà mọi người mong đợi là một người có phẩm chất trong sạch, không tơ hào tiền của công quỹ hay của hối lộ. Thế nhưng từ xưa tới nay tìm ra một viên quan chức như vậy quả là không dễ. vì nhiều quan chức đều là những người giàu có, trong lúc tiền lương của họ cũng chỉ đủ tiêu dùng. Trong văn học dân gian Việt Nam có câu chuyện về một vị quan được người đời ca tụng là rất mực thanh liêm, không hề lấy của ai một xu một cắc. Thế rồi có người vì muốn trả ơn quan đã giúp đỡ nên lén lút đến gặp vợ quan dò hỏi và biết quan tuổi “Tý”, sau đó tặng quan một con chuột bằng vàng. Khi biết chuyện quan la mắng vợ mình là đồ ngu, sao không nói với người kia mình là tuổi “Sửu”! Đời là thế. 

Theo Lão tử, liêm khiết có nghĩa là : “Tấm gương sáng, bụi bặm chẳng làm dơ được. Tinh thần trong, lòng ham muốn chẳng dính vô được”. Là một trưởng hướng đạo chúng ta hãy tự vấn lương tâm của mình đã có được “tinh thần trong” chưa? Chúng ta có lạm dụng tiền công quỹ của phong trào để tiêu xài riêng hay không? Chúng ta có rành mạch các khoản chi tiêu hay chỉ làm đại khái thiếu chính xác? Một trưởng mà không có “tinh thần trong” thì chắc chắn không phải là một hướng đạo sinh đích thực và trở thành một tấm gương đục bám đầy bụi bặm. Còn các em hướng đạo sinh thì sao? Các em đừng lầm tưởng mình còn nhỏ không có địa vị chức quyền gì trong xã hội cũng như trong phong trào nên hai từ “liêm khiết” chẳng có liên quan đến mình. Nghĩ vậy là các em lầm to rồi đấy, các em phải học giữ cho mình một “tấm lòng trong”, vì các em chính là những trưởng hướng đạo, những quan chức trong tương lai. Ngay từ bây giờ các em phải rèn luyện cho mình một : “tinh thần trong”, các em không làm ngơ trước cái xấu, cái ác, nhằm kiếm lợi cho mình. Câu chuyện về em học sinh Ngyễn ngọc Khang ở Đồng Nai là một mẫu gương như thế: Em Khang chỉ mới 6 tuổi, gia đình rất nghèo, bố mẹ em sống dựa vào những đống rác thải, đồ phế liệu thế nhưng em vẫn giữ được cái tinh thần :” Đói cho sạch, rách cho thơm”. Vào ngày 11/4/2014, Khang phát giác một kẻ xấu dụ dỗ một học sinh lấy đôi hoa tai bằng vàng, kẻ xấu hối lộ Khang mười nghìn đồng kèm theo lời dọa dẫm nếu mách sẽ bị đánh. Khang không nhận tiền và nhanh chân chạy báo cho thầy cô và cuối cùng tên gian manh bị bắt. 

Và mới đây nhất, vào lúc 13g30 ngày 16/11/2014 tại khu du lịch sinh thái Suối Lương, hai sói con Dương Vân Trường và Dương Vân Hội Minh thuộc Bầy Tiên Sa, đã nhặt được một túi tiền ( 1.330.000d) và hai em đem túi tiền đó giao lại cho Trưởng Trần Thị Thu Trang, và Trưởng Nguyễn Thanh Chanh để tìm trả lại cho người bị mất. 

Đây là một nét văn hóa ứng xử rất đẹp theo tinh thần “ liêm khiết ”của hai sói con Vân Trường và Hội Minh

Các em thân mến, lòng tham lam đã làm cho con người mù quáng, họ lao vào kiếm tiền bằng mọi giá, họ tẩm hóa chất để biến thịt thiu, thịt ôi thành thịt tươi và họ đâu có biết rằng họ đang giết chết giống nòi của mình. Lòng tham lam đang trở thành một phong trào, nó lấn lướt và dẫm đạp lên cái thiện, cuộc sống người dân đang bị đe dọa và ai sẽ là người bảo vệ cho họ? Câu trả lời xin dành cho các em đấy!

Lưu Văn Thiên


Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét