Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Xây dựng Toán trong Tráng đoàn

Báo sốt sắng- RS


Định nghĩa ngành Tráng của Baden Powell bao hàm 3 yếu tố chính:


- Là một nhóm bạn thân;
- ưa thích sống ngoài trời và
- giúp ích (hay phục vụ).

Tuy rằng gần như không có một chương trình cụ thể áp dụng cho sinh hoạt ngành Tráng, nhưng định nghĩa của BP chính là định hướng bao quát nhất để xây dựng Toán thành công trong Tráng đoàn.

Hầu hết trong số các kỹ năng cơ bản để đào tạo đoàn sinh trở thành một con người thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh sống; biết sống hữu ích cho xã hội đều nằm trong chương trình sinh hoạt của ngành Ấu, Thiếu, Kha. Vì lý do này, hiện nay, không ít toán của Tráng đoàn bế tắc trong việc lên chương trình sinh hoạt và huấn luyện tráng sinh. Chúng ta gần như chỉ dựa vào các Công cuộc Giúp Ích như là một phương tiện để giữ mối dây liên kết giữa các thành viên. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt các công cuộc giúp ích, đòi hỏi tráng sinh phải có kỹ năng và bản lãnh vốn được hình thành từ sự giáo dục tiệm tiến của ngành ấu, Thiếu, Kha.

Trong hoàn cảnh Phong trào gián đoạn một thời gian dài đến hơn 30 năm, tương đương với gần 3 thế hệ hướng đạo. Được phục hoạt trong vài năm gần đây, Ngành Tráng ở Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, phần lớn Tráng sinh đều là thanh niên chưa từng một ngày sinh hoạt Hướng Đạo. Gần như chưa ai có khái niệm gì về Phong trào, chứ đừng nói đến mục đích, phương pháp cũng như kỹ năng Hướng Đạo. Qua khảo sát sơ bộ, Tráng sinh trè hiện nay đều biết HĐ qua phương tiện Internet hoặc sự giới thiệu của bạn bè. Cho nên thực trạng chung cho thấy, ngoại trừ một ít người có tinh thần, hoài bão, thiện chí và kiên trì thì may ra mới trụ lại được, còn hầu hết, sau một thời gian sinh hoạt, khá nhiều chán nản rời bỏ Phong trào.

Vì vậy, để duy trì sinh hoạt trong ngành Tráng, thì đòi hỏi Ban Huynh Trưởng Tráng đoàn phải dày công, kiên nhẫn và hơn cả phải biết xây dựng một chương trình phù hợp với điều kiện, tập tính cúa tráng sinh trong Tráng đoàn... để giúp họ cảm thấy hứng thú trong đời sống sinh hoạt tập thể và gắn bó với phong trào.

Vài kinh nghiệm xây dựng Toán trong Tráng đoàn 


Xây dựng nhóm ( Team building)


Do xuất thân phần lớn đều chưa quen biết nhau trước khi vào Tráng đoàn, nên tráng sinh chưa có một tình thân và sự chia sẻ với nhau nhất định; đặc biệt với điều luật thứ tư đòi hỏi: “Là bạn tất cả mọi người và coi các HĐS khác như anh em ruột thịt” thì càng trở nên không tưởng, khi mỗi tuần chỉ gặp gỡ nhau nhiều nhất là 2 tiếng đồng hồ. Kỹ thuật xây dựng nhóm (thường được gọi là team building) hiện được thực hiện phổ biến trong các cơ quan, đơn vị kinh doanh, hành chính có xuất phát điểm từ phương pháp hàng đội của HĐ, nhưng thực tế lại không tỏ ra dễ dàng trong các toán. Do vậy ngoài các giờ sinh hoạt chung, cần thiết phải tăng cường những hoạt động ngoài (outdoor) để các em có điều kiện cùng làm việc chung, cùng chia sẻ các thử thách... bằng các buổi cắm trại, xuất du, giúp ích, cứu trợ... Trong mỗi toán, nếu có điều kiện, cần nghĩ đến việc chia nhỏ nhóm theo lứa tuổi và công việc đang làm. Ví dụ nhóm các em sinh viên; nhóm các em thanh niên đã có việc làm và nhóm tráng huynh, tuổi đã lớn... Nội dung sinh hoạt sẽ được lựa chọn phù hợp với khả năng, trình độ và sức khỏe của từng nhóm.

+ Chia tách thu gọn quy mô toán có nhiều điều lợi. Thứ nhất các em dễ tổ chức xuất du tham quan các danh lam thắng cảnh hoặc thực hiện các công cuộc giúp ích; thứ hai với một nhóm từ 3-4 người, dễ tạo mối tình thân ái, giúp đỡ lẫn nhau và hơn hết là khá linh hoạt trong việc liên lạc, tổ chức... Và đây là cơ sở để xây dựng Toán mới.


Huấn luyện kỹ năng



Tuy vậy nếu một đoàn HĐ chỉ có họp nhau để tổ chức các cuộc đi chơi, thì không khéo sẽ nảy sinh tình trạng lệch hướng nguyên lý và mục tiêu Hướng đạo. Tất cả các cuộc thám du, tham quan đều phải được chuẩn bị, bàn bạc kỹ lưỡng và có mục đích. Cụ thể như tìm, khảo sát đất trại, công tác xã hội, thử thách kỹ năng... Sẽ là không tưởng khi muốn giúp ích mà không có kỹ năng Hướng đạo. Trong hoàn cảnh HLV kỹ năng còn khá hạn chế về người cũng như nghề như hiện nay, việc tổ chức dạy kỹ năng cho các em cũng khá khó khăn. Trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, khó có thể buộc các tráng sinh phải ngồi học từng cải gút, từng nốt morse, từng dấu semaphore, dấu đi đường... Do vậy tổ chức huấn luyện các em qua công cuộc giúp ích tại các Thiếu đoàn, Kha đoàn cũng là một biện pháp tốt. Dĩ nhiên các Tráng sinh giúp ích đều phải qua tuyên lời hứa một thời gian từ 2-3 tháng; thông hiểu nguyên lý, mục đích HĐ trên cơ sở lý thuyết.

+ Để thực hiện được điều này, phải có sự trợ giúp đắc lực của các Tr đang cầm đoàn, và nếu các Tr đó đang cùng sinh hoạt trong Tráng đoàn thì càng thuận lợi.

Như vậy, qua công cuộc giúp ích tại các đoàn, tráng sinh sẽ tự nhiên cùng các em học những kỳ năng chuyên môn đã được quy định trong chương trình đẳng thứ, từ tân sinh cho đến hạng nhất, và những chuyên hiệu đặc biệt thường được sử dụng trong các công cuộc giúp ích như:

Nghề rừng: Sử dụng tre, mây, lạt - Sử dụng rìu, rựa, cưa,
Nghề mộc: cắt, xẻ, bào, đục
Nghề nề: xây, tô, đúc.

Giáo dục nhân cách


Tham gia tích cực trong các hoạt động giúp ích xã hội hoặc trong phong trào gián tiếp là phương tiện rèn luyện nhân cách cho Tráng sinh. Sự cọ xát trong các hoạt động tập thể sẽ bộc lộ đầy đủ tính cách của một con người. Từ đó, người Tráng trưởng càng có cơ hội giúp đỡ xây dựng nhân cách cho các em. Đó cũng chính là phương pháp giáo dục HĐ giành cho lứa tuổi từ 18-25. Chỉ có một con đường duy nhất để trở thành một HĐS, khi tráng sinh ý thức công cuộc giúp ích một cách tự giác, một phản xạ vô điều kiện. Đó là phẩm giá của con người HĐ. và phong trào là phương tiện để đưa một HĐS đến mục đích cuộc sống.

Chương trình giúp ích của Tráng sinh không còn là việc “mỗi ngày làm vui lòng một người” của ngành ấu, hay “mỗi ngày làm một việc thiện” của ngành thiếu như dẫn người già cả qua đường, rửa chén bát, quét nhà giúp ba mẹ, lượm vỏ chuối ngoài đường . . . Giúp ích của người Tráng sinh là làm những công việc có ích lợi thiết thực cho cộng đồng chung quanh mình, nơi mình đang học tập, làm việc, trong khu xóm, thôn làng, thành phố.

Tráng đoàn huấn luyện cho Tráng sinh ý niệm cao về trách nhiệm công dân như: 


- Gìn giữ phong cảnh, lịch sử, môi trường sinh thái, cuộc sống thiên nhiên ở địa phương

- Tham gia gìn giữ an ninh trật tự công cộng,

- Tham gia các tổ chức phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

- Xây dựng hay sửa chữa nhà cửa cho người già neo đơn, tàn tật...

- Sửa chữa đường sá cầu cống

- Làm vệ sinh khu phố, khai thông cống rảnh ...

- Thăm viếng bệnh nhân, người già neo đơn, thương binh...

- Sinh hoạt với các thiếu nhi đường phố, cô nhi viện

- Làm trưởng hay phụ tá cho các đơn vị Hướng Đạo hay trong đoàn thể tôn giáo, xã hội...

- Tổ chức hoặc gia nhập các toán cấp cứu, cứu hộ, cứu hoả ...

Trong hoàn cảnh hiện nay của phong trào, chúng ta không thể làm được tất cả, nhưng nếu chú ý thì cũng dù việc để làm. Ví dụ từng Toán có thể bảo trợ cho Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi, gia đình nuôi dưỡng người già, neo đơn, tàn tật... Thực ra số tiền để thực hiện các công cuộc giúp ích không đòi hỏi nhiều. Ví dụ mỗi đợt công tác xã hội như vậy quỹ toán chỉ bỏ ra khoảng 500 ngàn đồng. Chủ yếu công việc tại đây là dạy cho các em chơi trò chơi, tắm rửa, cắt tóc, dạy học... Hay trong các đợt cứu trợ thiên tai bão lụt. Các cơ quan báo chí, tổ chức từ thiện xã hội rất cần nhân lực. Đây là lúc các toán thực hiện công cuộc giúp ích rất dễ dàng và hào hứng.

Từ những đặc điểm, hoàn cảnh, hoạt động của Tráng đoàn hiện nay sẽ phụ thuộc khá lớn vào sự năng động của người Tráng trưởng và Ban huynh trưởng Tráng đoàn. Ngoài ra hoạt động của Tráng đoàn phải gắn liền và được sự hỗ trợ hết lòng của các Trưởng phụ trách Thiếu đoàn, Kha đoàn hoặc Ấu đoàn. Hay nói cụ thể hơn, sự giáo dục HĐ cho lớp trẻ, tham gia phong trào Hướng Đạo khi tuổi đã hình thành nhân cách, thì đòi hỏi có một phưong pháp đặc thù và sự góp tay của tất cả các huynh trưởng không chỉ đang sinh hoạt trong ngành Tráng.

Ảnh Dự bị Ấu - Thiếu 2011 - Đà Nẵng

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét