“Hãy đến chia nhau nghèo khó
Hãy cố yêu người mà sống”
NS Vũ Thành An
Nguyễn Đức Là
Chắc ai trong chúng ta, những người Việt Nam, đều không xa lạ với câu hát “Trời làm cơn lụt mỗi năm”, bài hát ngày xưa gợi thêm niềm chua xót khi nói về những nổi khổ cực, nhọc nhằn của người dân miền Trung trong thiên tai bão lụt hàng năm. Mùa mưa bão năm 2016 vừa qua, một lần nữa những tai ương này lại ập đến với các tỉnh miền Trung kéo dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị vào tận Bình Định, Phú Yên. Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Bão SARIKA chưa dứt nối tiếp siêu bão HẢI MÃ với sức gió đạt 275km/h, gió giật đạt 330km/h và ảnh hưởng trên phạm vi rộng, gây ra lũ lụt làm hàng ngàn nhà cửa, ruộng vườn, cơ nghiệp cuốn theo dòng nước lũ, trong đó có cả những người thân mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại, làm đồng bào miền Trung đã nghèo khó càng thêm kiệt quệ.
Một lần nữa câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, lại nhắc nhở, thôi thúc chúng ta, những người Hướng đạo sinh Việt Nam, dù hoàn cảnh còn thiếu thốn, chật vật trong cuộc sống, nhưng luôn giàu lòng nhân ái, đã hưởng ứng lời kêu gọi của Ban điều hành HĐVN. Người góp công, kẻ góp của, kêu gọi, vận động, quyên góp từ những nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng, để các trưởng trong BĐH kịp thời ra tận những vùng bị thiên tai tàn phá như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để chia sẻ những tan thương mất mát mà đồng bào mình đã gánh chịu. và tận tay trao những món quà tình nghĩa, dù ít ỏi nhưng cũng phần nào làm ấm lòng bà con đồng bào nạn nhân.
Đúng là họa vô đơn chí, đang loay hoay với đồng bào các tỉnh phía Bắc Trung bộ thì thiên tai lại ập đến với đồng bào phía Nam Trung bộ như : Bình Định, Phú Yên. Đến chiều 3/11/2016, Phú Yên, Bình Định chìm trong biển nước, nhiều nơi ở Phú Yên và Bình Định bị cô lập. Tại Phú Yên nước lũ dồn về huyện Đồng Xuân trong đêm khiến 11 xã, thị trấn bị cô lập hoàn toàn. Nước lên nhanh, lúa thóc, quần áo ướt hết. Nhiều nhà không có gạo ăn. Người dân xã An Định khốn khổ chạy lũ không kịp mang theo cái ăn, cái mặc chỉ biết ngoảnh lại nhìn nước dâng cao gần áp mái nhà mình. Ngày 4/11, dù nước lũ bắt đầu rút nhưng hàng chục nghìn học sinh ở huyện Tuy An vẫn chưa thể đến trường .
Trước tình cảnh đau thương mất mát quá lớn của đồng bào Phú Yên, các đơn vị Hướng đạo trong cả nước lại phát động chương trình cứu trợ đồng bào lũ lụt 2 tỉnh Phía Nam miền Trung. Nhìn các Sói con tự tay bỏ vào thùng những khoản tiền nhỏ nhoi, có thể đó là phần tiết kiệm của quà vặt mà ba mẹ đã cho các em, nay các em lại dành cho những đồng bào của mình gặp hoạn nạn và chính các em lại ôm thùng đi quyên góp làm chúng ta không khỏi xúc động. Qua đây, ta biết được rằng Phong trào Hướng đạo đã hình thành nhân cách sống trong các em từ tuổi nhỏ, dạy cho các em lòng nhân ái, sống với tha nhân, giúp ích mọi người.
Để kịp thời mang những tình cảm sẻ chia của tất cả anh chị em HĐS khắp nơi đến với nạn nhân vùng lũ BĐH HĐVN đã thành lập Tráng đoàn biệt lập Phú Yên (Giúp đồng bào lũ lụt) gồm các thành viên sau :
Tráng trưởng : Trưởng Trần Xê - Trưởng khối Quản trị BĐH, Đạo trưởng Đạo An Hải. Tráng Phó: Trưởng Nguyễn Thanh Chanh, UV ngành Tráng Đạo, LĐT Hải Vân . Và một số Trưởng của các đơn vị thuộc Đạo An Hải.
Ngày 20-11-2017, Hướng đạo Việt Nam thông qua Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động đã trao 300 suất quà (mỗi suất gồm 20 con gà giống và 300 nghìn đồng tiền mặt) với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng, đến người dân vùng lũ 2 xã An Dân và An Thạch (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Nhân đợt cứu trợ, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Tuy Hòa và đề nghị BĐH HĐVN có kế hoạch giúp người dân nơi đây sớm xây dựng lại cây cầu Nhất Trí bị lũ cuốn sập. Đây là cây cầu dân sinh huyết mạch giúp cho người dân qua lại và các em học sinh đến trường, và bà con các thôn vùng sâu của xã An Định vận chuyển nông sản ra thị trấn Chí Thạnh
Báo Lao Động số ra tháng 11.2016 đã có bài phản ảnh hiện trạng và kêu gọi các tổ chức xã hội chung tay xây dựng cây cầu kiên cố thay cho cây cầu cũ, giúp người dân địa phương đi lại an toàn trong mùa lũ hàng năm. Hưởng ứng gợi ý, Hướng Đạo Việt Nam cùng các mạnh thường quân đã nhất trí sẽ chung tay xây dựng cây cầu với giá trị 420 triệu đồng, trong đó chính quyền và người dân huyện Tuy An đối ứng 100 triệu đồng. Dự kiến cầu xây dựng trong vòng ba tháng, đến tháng 6.2017 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ban Điều Hành cho đây là công trình rất hữu ích cho người dân mà anh chị em HĐVN rất vinh dự đóng góp; công trình này cần có ý kiến, sự góp sức của các nhà chuyên môn và sự cho phép của chính quyền địa phương.
Trong những ngày đầu Xuân năm Đinh Dậu, 2017 Trưởng Trần Xê Trưởng khối Quản trị, Đạo trưởng đạo An Hải cùng một số Trưởng của các Liên đoàn thuộc Đạo, nhân chuyến thăm và giao lưu với các đơn vị ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, đã có ghé làm việc với chính quyền huyện Tuy An để bàn và thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện thi công công trình cầu Nhất Trí.
Như kế hoạch đề ra, sáng ngày 01 tháng 3 năm 2017 đã khởi công xây dựng cầu Nhất trí tại thôn Phong Hậu xã An Định, Huyện Tuy An, Tỉnh Phú Yên do Hướng đạo Việt Nam và quý mạnh thường quân chung tay góp sức. Lễ khởi công cầu có sự tham dự của Ban Điều hành HĐVN, các tráng huynh giúp ích đại diện các Đạo: An Hải, Âu Lạc, Bạch Đằng, Daklak, Liên đoàn Ngok Linh, Liên đoàn Cheo Reo, Liên đoàn Trai Việt, Liên đoàn Trường Sơn, Liên đoàn Hồ Linh , Phú Yên, Quy Nhơn, Trưởng cố vấn Giáo hạnh Thích Hạnh Viên, Chánh bái Trưởng Trần Xê và đại diện chính quyền 3 cấp, Đài truyền hình Phú Yên.
Công việc tổ chức thi công được Ban Điều hành trao trách nhiệm cho Tráng đoàn biệt lập Phú Yên, do Trưởng Nguyễn Trung Hiếu làm Tráng trưởng. Một ban chỉ huy công trường đã được lập ra gồm các Tráng sinh giúp ích từ các đơn vị trong cả nước và Trưởng Dương Xuân Đào, Tráng phó, làm Chỉ huy trưởng công trình .Với chiến dịch 100 ngày đêm, giữa cánh đồng mênh mông không một bóng cây, dưới cái nắng hè như thiêu đốt, những Tráng sinh cùng những người thợ xây dựng quần quật, ngày dưới cái nắng nóng, đêm trăn trở trong lán trại công trường với những chỗ nằm tự tạo, có đêm không ngũ, và trông mong cho những ngày tới nắng ráo để công trình kịp tiến độ nhằm thỏa lòng mong ước của đồng bào và để cho các em đã nhắm mắt nơi dòng sông quê hương, có thể yên giấc ngàn thu như mong ước của tráng sinh giúp ích Dung Phan đã ghi trong NHẬT KÝ PHÚ YÊN của mình.“Có đến với công trường mới thấu hiểu những gian nan vất vả, thiếu thốn về vật chất và tình cảm gia đình của những người Tráng sinh giúp ích tại đây. Họ chấp nhận xa thành phố, người thân, với những bữa cơm ấm áp gia đình; xa ánh đèn thành phố để đến với những ngọn đèn tù mù, thay vì những thú vui giải trí đô thị bằng những bản hợp ca của côn trùng, ếch nhái thâu đêm và tiếng chim hót mỗi buổi ban mai nơi đồng quê. Tuy vậy, bù lại phần nào những thiếu thốn, họ đã nhận được nhiều tình cảm của những người anh em Hướng đạo trong cả nước, kẻ thùng mì, vài chục ký gạo, bánh tráng, người hủ mắm, hủ dưa hành...kể cả những viên thuốc phòng khi trái gió trở trời.”
Đối với bản thân tôi cũng như nhiều anh em Hướng đạo trên mọi miền, ngày ngày theo dõi trên facebook về tình hình trên công trường, mong sao cho anh em chân cứng đá mềm, cầu cho thời tiết thuận lợi và ao ước có dịp ghé thăm.
Ngoài ra anh em công trường cũng đã nhận được những tình cảm quí báu từ đồng bào địa phương. Những món quà về vật chất cũng như tinh thần, con gà nải chuối trong những lúc thi công ban đêm. Một điều lạ là tuy gian nan vất vả, thiếu thốn nhưng các anh em luôn lạc quan, hăng hái và tràn đầy quyết tâm sớm hoàn thành chiếc cầu nhân ái này. Bên bếp lửa hồng, tiếng hát tiếng đàn vẫn vang vọng giữa cánh đồng hàng đêm. Mỗi buổi sáng tinh sương các em học sinh trên đường đến trường, băng đồng mạ non xanh mướt rồi ngang qua công trường trong tiếng cười rộn rã, cái vẫy tay và nụ cười của những cô thiếu nữ khi qua đây, cảnh và người nơi đây chính là nguồn cảm xúc cho cây bút không chuyên Dung Phan (Tráng sinh giúp ích) làm nên những trang “NHẬT KÝ PHÚ YÊN” thật sống động, thật nên thơ. Trong thời gian thi công công trình các Tráng sinh giúp ích ngoài những giờ lao động ở công trường họ cũng tiếp cận và giao lưu cùng với người dân địa phương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. BCH công trường đã thay mặt Ban Điều hành HĐVN gởi tặng quà cho các em học sinh trường mẫu giáo xã An Đinh; vận động và đã được Quỹ Tấm lòng vàng Lao động tặng 60 triệu đồng giúp cho cháu Liễu mổ tim. Nhân dịp này anh em công trường cũng góp tặng thêm cho gia đình 2 triệu đồng nhằm hỗ trợ tàu xe cho gia đình đưa cháu vào Bệnh viện chợ Rẫy TP.HCM. Tôi xin “a” một tiếng thật dài về những việc làm của các anh: các anh đã gieo mầm “Hoa nhân ái” của phong trào Hướng đạo VN nơi vùng lũ Tuy An này.
Tôi tin chắc rằng, không lâu nữa khi chiếc cầu hoàn thành, những Tráng sinh giúp ích này sẽ phải lưu luyến chia tay với người dân vùng lũ Tuy An trong niềm thương nỗi nhớ về một miền quê hẻo lánh và họ sẽ để lại những dấu ấn khó phai trong lòng đồng bào địa phương về hình ảnh những con người tử tế. Xin phép cho tôi được gọi họ là những “Hiệp sĩ thời @”, không giống như nhà hiệp sĩ quí tộc Đông Ki Sốt xứ Tây Ban Nha, trong tác phẩm tiểu thuyết “Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha, Miguel de Cervantes, luôn chuốc lấy sự thất bại trên đường hành hiệp của mình. Vì với những “Hiệp sĩ thời @” này họ không phải là những nhân vật tiểu thuyết, họ là những người thật, việc thật, là những Hướng đạo sinh luôn có đôi bàn tay tháo vát, một khối óc sáng tinh, biết việc gì phải làm và nên làm và một trái tim giàu nhân ái, biết sống cho tha nhân như Luật và Lời hứa của mình : Có bổn phận giúp ích mọi người bất cứ lúc nào, coi đó là niềm hạnh phúc như lời khuyên của cụ BP “Hạnh phúc là khi chúng ta đem hạnh phúc đến cho người khác”.
Chúng ta đang tính từng ngày để chiếc cầu được hoàn thành giúp người dân địa phương vùng quê nghèo An Định bớt lo âu mỗi khi lũ về. Dẫu rằng những làng quê trên quê hương Việt Nam vẫn đang cần rất nhiều chiếc cầu như vậy, nhưng dù sao với một cây cầu Nhất Trí này khi được đưa vào xử dụng chúng ta cũng phần nào bớt đi những trăn trở, xót xa, bởi nghĩ rằng vì dù gì mình cũng có góp một phần nho nhỏ với những khó khăn của người dân vùng lũ. Rất mong những nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng Hướng đạo Việt Nam xây thêm những cây cầu mơ ước và đầy tình nghĩa như thế này .
Tôi xin phép được mượn lời phát biểu của Chủ tịch huyện Tuy An trong buổi lễ khởi công, để thay cho lời kết bài viết này: “Ước mơ của bà con và các lãnh đạo Huyện nhà đã 25 năm nay, qua 5 đời Chủ tịch huyện, ngày nay Hướng đạo Việt Nam đã làm cho ước mơ đó thành hiện thực”.
Nguyễn Đức Là RS Hoẵng điềm đạm
* Hình ảnh xin được lấy từ các trưởng:
Đào, Dũng, Thanh, Hiếu, Thưởng. Xin cảm ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét