Phạm Cảnh Đáng
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngành Tráng Hướng đạo thế giới (1918 - 2018), chúng ta nên dành một chút thời gian ngắn ngủi để nhìn lại ngành Tráng Hướng đạo Việt Nam của chúng ta hiện nay.
Mặc dù hiện nay ở một số nước người ta không còn tổ chức ngành Tráng nữa, như ở Mỹ chẳng hạn. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì ngành Tráng vẫn còn hấp dẫn và hữu ích cho lứa tuổi tráng sinh. Cũng vì lẽ đó mà Hội nghị Huynh trưởng ngành Tráng (Hội nghị Bay) năm 2012, đã quyết định nâng thêm tuổi tráng sinh, thay vì 18 tuổi đến 25 tuổi như nội quy trước năm 1975, thì tráng sinh được nâng lên từ 18 tuổi đến 30 tuổi, để đáp ứng yêu cầu của những tráng sinh đến tuổi phải rời Tráng đoàn (trên 25 tuổi) nhưng còn muốn ở lại sinh hoạt với Tráng đoàn.
Dù đã nâng tuổi tráng lên tối đa là 30 tuổi, nhưng ngành Tráng trong phong trào Hướng đạo Việt Nam hiện nay đang gặp “sự cố” cần phải giải quyết sớm, nếu không sẽ gây nhiều hệ lụy cho ngành.
Trong những năm gần đây, khi tình hình sinh hoạt hướng đạo Việt Nam được thông thoáng và dễ chịu hơn, thì có một số cựu Hướng đạo sinh, tuổi đời đã trên 30 thậm chí là 50 tuổi - 60 tuổi, ở tuổi nghỉ hưu, nhưng còn yêu thích phong trào Hướng đạo nên xin vào sinh hoạt ở các Tráng đoàn. Bên cạnh đó cũng có một số phụ huynh thấy sự hữu ích và vui thích của sinh hoạt Hướng đạo nên cũng xin gia nhập Hướng đạo, cũng vào sinh hoạt ở các Tráng đoàn. Rất tiếc, là những tráng sinh lớn tuổi này, phần vì công việc, phần vì tuổi tác, phần vì những lý do khác nhau, mà họ không hoặc chưa thể làm “dự trưởng” để giúp cho các đơn vị, nên chỉ sinh hoạt ở Tráng đoàn như một tráng sinh vậy.
Qui chế ngành Tráng năm 2012, tại Điều 3, số 2 cũng có qui định : “Người lớn trên 30 tuổi có thể tham gia sinh hoạt ngành Tráng để được hướng dẫn vào nghề Trưởng Hưởng đạo hoặc hỗ trợ cho Phong trào phát triển”
Tuy nhiên như đã nói ở trên, là các Tráng sinh lớn tuổi này chưa sẵn sàng tập làm dự trưởng, nên phương án tối ưu là phải tổ chức phân ngành Tráng niên cho anh chị em sinh hoạt.
Nhìn vào trại Rover Moot 2017, chúng ta thấy ngay những con số đáng chú ý :
- Trại Bạch Mã Miền Trung có 172 trại sinh thì tráng sinh trên 30 tuổi là 2/3, chỉ khoảng 60 em tráng sinh dưới 30 tuổi.
- Trại Bidoup ở Hầm Hô Bình Định, có 49 trại sinh trong đó chỉ có 7 tráng sinh thực thụ (dưới 30 tuổi) tỉ lệ 1/7.
- Còn 2 trại tại miền Nam cũng tương tự như vậy. Phải nói rằng các tráng sinh lớn tuổi này (trên 30) đã giúp cho Tráng đoàn rất nhiều việc rất đáng trân trọng, như giúp cho Tráng đoàn thực hiện được một số công việc giúp ích, tạo được bầu khí đông vui ở Tráng đoàn và cũng có thể làm bảo huynh bảo tỉ cho các em.
Tuy nhiên hiện tượng Tráng sinh lớn tuổi này đã gây nên sự mất quân bình ở Tráng đoàn và không còn sự thuần nhất. Tráng đoàn phải phân chia thành 2 lớp già, trẻ. Sự phân chia mặc nhiên này đã tạo nên hai hình thái sinh hoạt khác nhau, theo yếu tố tâm sinh lý, tuổi tác và thực trạng cuộc sống. Cũng từ đó, mục đích tối thượng của phong trào hướng đạo là giáo dục cũng bị khó khăn. Các em tráng sinh trẻ là đối tượng cần được giáo dục theo phương pháp của phong trào và theo sách lược của ngành Tráng; trái lại, các tráng sinh lớn tuổi không còn là đối tượng giáo dục của phong trào nói chung, của ngành Tráng nói riêng, vì họ là những bậc cha chú, anh chị… không còn nhu cầu phấn đấu. Tình trạng này tôi thấy cũng tương tự như tình trạng Thiếu nhỏ - Thiếu lớn thời điểm 1916 – 1917. Các Thiếu lớn đã trở thành cái mối quan tâm cho ngành Thiếu, nên BP phải quyết định phân ra ngành Thiếu lớn mà sau này là ngành Kha, để cho phù hợp với tâm sinh lý. Chính Trưởng Nguyễn Trọng Luyện, hiện nay là Trưởng Toán Sinh hoạt ngành Tráng đã có nhận xét như sau : “Sự có mặt của các tráng sinh này (tráng sinh trên 30 tuổi, lời tác giả) cũng mang lại một số hệ lụy cho sinh hoạt Tráng đoàn”.
Trưởng Nguyễn Trọng Luyện cũng có nêu lên một số điểm cụ thể như sau :
- Giờ giấc, đồng phục không nghiêm
- Không chấp hành tốt sinh hoạt Tráng đoàn (cà phê, thuốc lá, nhậu …)
- Tạo ra sự bất đồng giữa 2 thế hệ tráng sinh trong Tráng đoàn. (Trích: Dự thảo về “Hướng đạo Trưởng niên”)
Và để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả nhất, Trưởng Luyện đã đưa ra một hướng đi rất phù hợp là : “Để đưa Tráng đoàn về sinh hoạt đúng với tính chất của nó, mà vẫn giữ được hòa khí và tinh thần tôn trọng đối với các đàn anh thân yêu của mình, tôi thiết nghĩ việc thành lập ngành :“Hướng Đạo Trưởng Niên”, (tôi đã góp ý là lập phân ngành Trưởng Niên, chứ không lập thêm một ngành mới), để tạo sân chơi cho các anh chị, là một nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay (Dư thảo về “Hướng đạo Trưởng niên”).
Bên cạnh đó, năm 2012 Trưởng Luyện cũng đã bỏ công sức soạn ra “Quy chế Hướng đạo Trưởng Niên” (điều này tôi cũng đã có bản góp ý chi tiết với Trưởng Luyện vào ngày 04/4/2012), nhưng cho mãi đến nay đã 6 năm trôi qua, mà chưa thấy công trình thử nghiệm này ra sao cả ! còn sống hay đã qua đời ?
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngành Tráng Hướng đạo Thế giới (1918-2018) tôi thấy cần thiết phải đặt lại vấn đề này, để khẩn cấp giải nguy cho ngành Tráng.
Mong lắm thay.
2018
Phạm Cảnh Đáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét