Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Hãy xứng đáng với tên gọi tráng sinh VN

Nguyễn Đức Là 


Từ xưa đến nay hễ nói đến điều gì có liên quan tới sự khỏe mạnh, thông minh, đi đầu và xông pha cho việc chung, cho cộng đồng ta thường nghe hai chữ trai tráng đi kèm. 

Ngày xưa thời phong kiến thì tráng đinh là những người thanh niên khỏe mạnh trong làng xã, không có chức vị gì. Còn tráng sĩ là người đàn ông có sức lực cường tráng và chí khí mạnh mẽ, luôn sẵn sàng phụng sự xã hội, tổ quốc, cứu giúp người yếu thế, hoạn nạn. Và với tinh thần đó ngày xưa đã sản sinh ra những người hiệp sĩ nguyện luôn xả thân phục vụ cho đời.




Câu chuyện điển cố cách đây hơn 2.200 năm cho ta hình dung rõ hơn về những tráng sĩ. Một người được coi là hình tượng tiêu biểu của người tráng sĩ đó là Kinh Kha, người nước Vệ. Chuyện kể Kinh Kha hành thích hụt Tần Thủy Hoàng, rằng vị tướng Tần, Phàn Ư Kỳ, người từng bị thất sủng với vua Tần, Tần Thủy Hoàng rất giận Phàn Ư Kỳ và muốn lấy đầu của ông. Biết được điều đó, Phàn Ư Kỳ quyết định tự sát để tạo cơ hội ám sát vua Tần, vị vua vô cùng tàn ác. Với cái đầu Phàn Ư Kỳ và bản đồ nước Yên, Kinh Kha đã có cơ hội để tiếp cận Tần Thủy Hoàng.

Với nhiệm vụ cao cả, khi xung phong lên đường đến nước Tần để ám sát Tần Thủy Hoàng, Kinh Kha biết đây là một công việc vô cùng khó khi một thân một mình làm sứ giả, tìm cách tiếp cận Tần Thủy Hoàng trong nội điện với hàng ngàn quân tử cấm thành bảo vệ, nên tại bờ sông Dịch (biên giới nước Triệu), Kinh Kha đã ứng tác hai câu thơ:

Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về.

Trong lịch sử nước nhà cũng đã có biết bao tráng sĩ đã hy sinh cho sơn hà xã tắc được lưu danh đến ngày nay như anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn Hưng Đạo Vương. Tráng sĩ can trường Đỗ Khắc Chung, trước mặt Ô Mã Nhi gầm thét, mà ung dung, không để nhục mệnh vua. Trần Bình Trọng trong tay tướng giặc với câu nói nổi tiếng “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Nguyễn Chế Nghĩa tướng nhà Trần, cưỡi ngựa, múa thương xông vào chiến trận Mông Cổ mà không sợ chết. 

Đó là những hình ảnh tiêu biểu về tinh thần thật hào hùng của những người tráng sĩ.


Trong cuốn sách “Đường thành công” (nguyên tác có tên “Rovering to success” của Baden Powell (BiPi) xuất bản năm 1922, tại Anh quốc, một cuốn sách mà BiPi đã viết dành cho lứa tuổi thanh niên, cho Tráng sinh của Phong trào Hướng đạo. Trong đó tác giả đã ca ngợi tinh thần hào hiệp, nghĩa khí của các tráng sĩ cũng như hiệp sĩ ngày xưa và Người cũng mong muốn Tráng sinh ngày nay hãy noi gương họ. Qua cuốn sách này BiPi muốn giúp cho các Tráng sinh tu thân, tề gia để phục vụ cho chính bản thân mình, cho đất nước, và cho Phong trào Hướng Đạo. 

BiPi hình dung cuộc đời là 1 con thuyền, mỗi một chúng ta phải “tự chèo lấy thuyền mình”, không nên ỷ lại vào kẻ khác, cũng không thể buông xuôi để lênh đênh theo dòng đến đâu thì đến, mà phải hướng về bến bờ hạnh phúc. 5 hiểm trở trên đường đời BiPi gọi là những tảng đá ngầm, nếu chúng ta không biết cách tránh xa thì thuyền đời sẽ đắm, đó là: 

1.NGỰA: Đua ngựa đã trở thành những cuộc cá độ, cờ bạc đỏ đen, làm khánh kiệt của cải vật chất do công sức lao động mình đã làm ra; rồi do thiếu thốn sinh ra trộm cắp, lừa đảo, thậm chí đến bước đường cùng là chọn cái chết để giải quyết. BiPi khuyên ta kiếm một nghề thích hợp, siêng năng cần cù, lao động tạo ra của cải vật chất và phải biết tiết kiệm để phòng khi mưa gió, hoạn nạn và dành một phần để giúp ích tha nhân… 

2.RƯỢU : BiPi đề cập thói mê say rượu chè, nghiện hút… làm cho con người không tự chủ và đưa đến hư đốn… BiPi khuyên ta chỉ nên uống rượu khai vị vào giờ ăn.

3.ĐÀN BÀ: Tai hại của tảng đá ngầm này là tà dục, làm cho ta lãng quên sự tôn kính đối với phụ nữ. Tà dục hại sức khỏe, giảm trí tuệ. BiPi khuyên chúng ta đừng sống buông thả, trụy lạc. Phải chế ngự được tà dục bằng cách trau dồi tinh thần nghĩa hiệp, khí phách bao dung, che chở của bậc trượng phu.

4.HẠNG TU HÚ & KHOÁC LÁC: là bọn tham lam, xu thời, tự phụ, lập dị, khoác láo và lừa phỉnh… BiPi khuyên chúng ta lo tu dưỡng bản thân cho khỏi bị bọn tu hú lôi cuốn và luôn đề cao cảnh giác để đừng mắc bẫy của bọn tuyên truyền, phỉnh gạt… 

5.VÔ TÔN GIÁO: Là những người không tin ở Thượng đế, họ trực tiếp công kích một cách khó chịu tín ngưỡng của kẻ khác. BiPi khuyên ta, nếu muốn thành công thực sự, nghĩa là đạt đến hạnh phúc, chẳng những anh đừng để kẻ khoác lác vô tôn giáo lừa phỉnh mà còn phải có một căn bản giáo lý để ở đời. 

Một phần để đáp ứng yêu cầu của phát triển Phong trào, đồng thời một phần vì sự ngưỡng mộ hình tượng những tráng sĩ, hiệp sĩ thời xưa, cộng hưởng với tinh thần Hướng đạo tuyệt vời của BiPi qua tác phẩm “Đường thành công”, những lớp người thanh niên tiến bộ của Việt Nam trong những năm của thập niên 30 của thế kỷ 20 (Võ Thanh Minh, Trần Điền, Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Thúc Toản, Phạm Biểu Tâm, Mai Liệu…) đã khai sinh ra Ngành Đường, nay gọi là Ngành Tráng. 

Do điều kiện thông tin lúc bấy giờ còn hạn hẹp, cuộc sống của người dân còn nghèo nàn lạc hậu, nên dù Phong trào Hướng đạo đã manh nha du nhập vào Việt Nam trước đó, nhưng đến năm 1930 thì mới chính thức được thành lập, nhưng cũng chỉ được một số ít người ở thành thị, có học thức, hiểu biết, là chức sắc trong xã hội, biết tiếng Pháp, mới tìm hiểu Hướng đạo qua sách báo nước ngoài rồi lập nên các đơn vị Hướng đạo cho con em người Việt… Họ vừa làm Trưởng vừa sinh hoạt Tráng đoàn để trau dồi kỹ năng và tu luyện đạo đức. 

Năm 1943, Hoàng Đạo Thúy viết cuốn sách "Trai nước Nam làm gì?" để kêu gọi thanh thiếu niên rèn luyện trí tuệ, đạo đức, ý chí và thể lực, chờ ngày giúp nước. Cuốn sách được viết cách đây hơn 70 năm, nhưng tính thời sự và giá trị giáo dục của tác phẩm vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống ngày hôm nay.

Trong tình trạng đất nước còn thực dân phong kiến, nhưng những lớp Tráng sinh HĐVN trong giai đoạn này vẫn đồng tâm, bền chí, dày công chung sức tiến lên. Đem tâm trí lên đường xây đắp. Không ngại khó gian nan lấp đường, vì Việt Nam xã hội đang mong Tráng sinh như lời bài hát Tráng sinh ca.

Nhìn lại chặng đường đã qua ta thấy, để có được sự duy trì và phát triển của Phong trào Hướng đạo Việt Nam (1930-2016) qua 86 năm như hiện nay là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng nhằm bổ sung cho sự nghiệp giáo dục thanh thiếu niên nước nhà qua bao thế hệ. Nhờ đó đã đào tạo được nhiều lớp thanh niên xứng đáng là rường cột của nước nhà. Cũng nhờ sự nhìn xa, trông rộng, và khôn khéo của các thế hệ Tráng sinh, mà không ít những giai đoạn, những tình huống, những áp lực nan giải họ đã khéo léo lèo lái con thuyền HĐVN vượt qua bao thác ghềnh để đi đúng hướng, đúng tinh thần của Hướng đạo do BiPi đề ra. 

Nói tóm lại từ khi được khai sinh đến những năm trước 1975 Ngành Tráng nói chung và các huynh trưởng Ngành Tráng HĐVN nói riêng đã dày công vun đắp cho phong trào HĐVN luôn vững tiến, ngày càng phát triển góp phần giáo dục nhiều thế hệ thanh thiếu niên của đất nước cũng như làm đầy đủ trách vụ của một thành viên chính thức của Phong trào Hướng đạo Thế giới (WOSM). 

Rồi lại một thời gian bị gián đoạn (1975-1995), Phong trào HĐVN như những ánh đom đóm trong đêm, chỉ là những ánh sáng lập lòe khi mờ khi tỏ, nhưng với tinh thần Hướng đạo đã trở thành máu thịt, những Trưởng, đã từng là những Tráng sinh đầy nhiệt huyết với phong trào, cùng nhau tâm niệm “Thà thắp một ngọn lửa le lói trong bóng đêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”; họ đã làm hết sức có thể để giữ lửa trong 20 năm và sau đó, họ đã cùng thổi bùng lên ngọn lửa BÁCH HỢP, KỲ VÂN, 2007, và ngọn lửa Hướng đạo đã được tỏa sáng trên mọi miền đất nước.

Di nguyện của BiPi có nói “ Tôi trao Phong trào lại cho Tráng sinh”. Do đó vai trò của Tráng sinh rất quan trọng, phải có kiến thức để đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay, phải luôn rèn luyện kỹ năng Hướng đạo và đạo đức gương mẫu trong lối sống để có thể chỉ dạy lại cho đàn em, đồng thời phải học hỏi “Nghề Trưởng” để điều hành đơn vị được vững vàng. 

Để không phụ những mong ước của BiPi, của những thế hệ Tráng sinh HĐVN đi trước, Tráng sinh ngày nay cần phải tự tu thân mình, tự rèn luyện một thân thể cường tráng và một tinh thần minh mẫn, thông thái, đầy nghị lực sẵn sàng giúp ích tha nhân và đất nước của mình. 

-Về kiến thức phải tiếp cận với công nghệ thông tin, phải tích lũy thêm sự hiểu biết về cuộc sống hiện đại so với nếp sống đơn giản ngày xưa; phải nắm bắt những mối liên hệ và tương quan rộng rãi của cuộc sống trong một xã hội phát triển không ngừng như hiện nay, tất yếu sẽ làm thay đổi tâm sinh lý của giới trẻ. Có hiểu được điều đó người Tráng sinh với vai trò giúp ích các em ở các đơn vị mới có sự uyển chuyển và linh hoạt trong ứng xử và hướng dẫn cho phù hợp . 

-Về kỹ năng người Tráng sinh phải được huấn luyện qua trại trường để nắm bắt và thực hành các kỹ năng điều hành quản lý đơn vị và các tổ chức bên ngoài xã hội, kỹ năng mưu sinh thoát hiểm trong thiên nhiên để hướng dẫn các em trong sinh hoạt cũng như trong đời sống thường ngày.

-Về phẩm chất thì người Tráng sinh là những người đã trưởng thành về trí lực, thể lực và nhân cách. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, xã hội đang phát triển chóng mặt nên cũng phát sinh kèm theo những tệ nạn xã hội làm đạo đức suy đồi. Do vậy trách nhiệm của những người Tráng sinh càng nặng nề hơn. Phải tự tu thân mình để đứng vững và làm gương cho các em.

Thân ái , bắt tay trái ./.



Đà Nẵng, tháng 10/2016

Nguyễn Đức Là - Hoẵng điềm đạm
Tráng đoàn Hải Vân, Đạo An Hải
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét