Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Lội ngược dòng

Lưu Văn Thiên

Nạn bạo lực học đường hiện nay là một nhức nhối cho xã hội, chưa có dấu hiệu dừng mà đang trên đà gia tăng. Theo một nghiên cứu gần đây thì vào năm 2015 có đến 50% học sinh trung học tham gia vào bạo lực học đường, và theo thống kê cơ quan chăm sóc và bảo vệ bà mẹ trẻ em thì năm 2012 con số bạo lực học đường tăng gấp 13 đến 14 lần những năm trước. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an trong năm 2012, tình hình tội phạm do người chưa thành niên (từ 16 đến 18 tuổi) thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%. Các em vô cùng hung hãn, hành xử không còn tính người, các em hành hung và tra tấn bạn rất dã man, dùng thuốc lá đang cháy châm vào hai tay, dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu, tát, giật tóc… và đáng buồn hơn nữa là xung quanh có rất nhiều học sinh đứng ngoài không can thiệp mà trái lại cổ vũ, la hò, quay clip đưa lên mạng, đây là những mầm non tương lai sao? Là những con người hoàn toàn vô cảm này sao! Nguyên nhân vì đâu?




Nguyên nhân từ giáo dục gia đình vì bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, và khi con mình làm điều sai trái thì bao che và luôn cho rằng con mình ngoan hiền. 

Nguyên nhân từ xã hội vì nền kinh tế thị trường tác động đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em dễ bị cuốn hút vào lối sống thực dụng, ảnh hưởng hành vi bạo lực từ mạng internet, game online, phim ảnh xấu.

Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là từ giáo dục trong nhà trường, chương trình giáo dục đạo đức công dân không thực tiễn, nặng về lý thuyết, không có những hoạt động trải nghiệm để các em hiểu biết rõ hơn về lòng nhân ái, bao dung, biết tôn trọng mọi người và nói không với bạo lực. Ông Lê Bạch Dương đã nhận xét như sau: “Giáo dục ở mình, ở Việt Nam, thực ra không chú trọng dạy các vấn đề liên quan đến ứng xử, nhân cách và kỹ năng sống mà chủ yếu tập trung vào dạy kiến thức. Còn việc dạy về đạo đức thì rất là sách vở. Cũng có những môn giáo dục công dân, dạy phải cư xử như thế nào nhưng đa phần là lý thuyết. Nó không thu hút đối với học sinh vì nó rất là xa vời thực tế.”

Chính vì những nguyên nhân trên mà các em đã mất niềm tin về đạo đức làm người, về công bằng bác ái và sự bình đẳng trong học đường. 

Nhìn lại Phong trào Hướng đạo, chúng ta ai cũng biết rằng mục đích của Phong trào Hướng đạo là giáo dục bổ túc cho giáo dục gia đình và học đường, giúp thanh thiếu niên rèn luyện tính khí, tháo vát, để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, chuẩn bị để trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm, biết trọng danh dự, hữu ích cho xã hội. Thế nhưng trong tình thế hiện nay, giáo dục gia đình đã bất lực, giáo dục học đường cũng buông xuôi thì việc làm của Phong trào Hướng đạo không khác gì chèo chống một con thuyền ngược nước, đang lội ngược dòng, không tiến ắt phải lùi. Buông tay chăng? Và nếu buông tay thì Phong trào Hướng đạo lập nên để làm gì? Phong trào Hướng đạo đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm nhưng vẫn đứng vững cho đến ngày nay thì chắc chắn không bao giờ buông tay, và đây là lúc Phong trào càng phải tích cực hơn, dấn thân nhiều hơn để chèo chống con thuyền không bị tụt lùi lại đàng sau, mái chèo nên dùng lúc này là tinh thần nghĩa hiệp, phải có hùng lực, hùng tâm để che chở cho những người yếu thế. Không thể tưởng tượng ra một Hướng đạo sinh thay vì can ngăn lại cổ vũ reo hò khi nhìn thấy những nạn nhân bị đám đông hà hiếp; hay cho rằng đó “không phải việc của tôi”, một lối nói của kẻ hèn nhát, che đậy tinh thần kém hào hiệp của mình. Đây chính là thời điểm nêu cao giá trị của Phong trào Hướng đạo, là lúc khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết là Phong trào Hướng đạo chúng ta đang đi đúng hướng. Chúng ta đang dẫn dắt các em hòa mình vào với thiên nhiên để học biết yêu thương, lôi kéo các em rời xa những trò chơi bạo lực trên game online, đang tạo cho các em kỹ năng sống độc lập không phụ thuộc và biết thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Phong trào Hướng đạo mãi mãi là một Phong trào hữu ích mà xã hội phải thừa nhận dù cho có thích hay không. Chúng ta hãy đoàn kết, vững chắc tay chèo, ngược dòng tiến lên:

“Tự chèo lấy thuyền anh dô ta,
Đừng ngồi không khoanh tay dô ta
Chớ khóc than chớ chau đôi mày dô ta,
Mà hãy tự chèo lấy thuyền anh, í a í a i à a dô ta.”

Lưu Văn Thiên. Phó ĐT Quảng Nam
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét