Phạm Cảnh Đáng
Bạo lực học đường đã được nói đến từ rất lâu rồi, nhưng thời gian vừa qua nó đã trở thành một nỗi kinh hoàng đối với phụ huynh, gia đình; một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Từ vụ nữ sinh Hà Nội đánh nhau và được quay clip tung lên mạng xã hội vào năm 2009, người ta mới để ý nhiều đến nạn bạo lực học đường. Và như thế, bạo lực học đường đã trở thành một hiểm họa, không còn giấu giếm, lén lút, sợ sệt nữa, mà đã công khai cho mọi người xem. Ngoài những vụ được đưa lên mạng chắc chắn số vụ không đưa lên còn nhiều hơn nữa.
Bạo lực học đường có 3 loại:
- Bắt nạt tinh thần như: trấn áp, uy hiếp, trêu chọc, vu oan, lấy khiếm khuyết thân thể bạn làm trò cười, chế giễu giọng nói, tật xấu của bạn, cướp công của bạn, cô lập bạn, tung tin đồn về bạn trong lớp, trên mạng internet…
- Bạo lực thân thể như: đánh đập, gây thương tích cơ thể, làm đau như nắm tóc, lột quần áo...
- Trấn lột như: lấy đồ dùng học tập, bắt nộp tiền, cung phụng quà, bánh…
Phải nói rằng, bạo lực học đường thời nào cũng có, nơi nào cũng có, nhưng thời gian qua, bạo lực học đường Việt Nam đã gia tăng về số lượng và tính chất hung ác. Trước đây các em, thường là nam, có hành động chửi bới hay xúc phạm, lăng mạ, sỉ nhục, làm tổn thương về mặt tinh thần, bằng lời nói. Đôi khi cũng có những cuộc ẩu đả tay chân, nhưng rồi cũng được bạn bè can ngăn. Thế nhưng ngày nay hình thức bạo lực nguy hại hơn nhiều, (kể cả phái nữ vốn dịu dàng, yểu điệu thục nữ), như đánh hội đồng, đánh rất tàn bạo, đánh rất dã man, đánh bằng hung khí, thậm chí còn xúc phạm phẩm giá như lột quần áo (nữ), làm nhục bằng nhiều hình thức man rợ như bắt nhảy xuống hồ, bắt quỳ xuống liếm chân… trước sự chứng kiến vô cảm của bạn bè. Nhưng độc ác nhất là chuẩn bị cho người quay video để tung lên mạng nhằm chà đạp nhân phẩm, sỉ nhục công khai.
Hành vi bạo lực này đã mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân các em nạn nhân: thân thể các em bị tổn thương, tâm lý bất an, có thể dẫn đến sự hoảng loạn về tinh thần, ức chế tâm lý, sợ hãi, trầm cảm, tự kỷ…tạo ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển nhân cách bản thân, và đời sống xã hội.
Khi đi tìm nguyên nhân của căn bệnh này, người ta thường đổ lỗi cho các em. Đúng ra thì nguyên nhân chính là của người lớn, của người có trách nhiệm; chúng ta chưa quan tâm, chưa giáo dục và chăm sóc các em đầy đủ. Nhà báo Nguyễn Duy Xuân đã viết: “Trong một môi trường sống ‘tứ bề thọ địch’ như vậy, làm sao con em chúng ta tránh khỏi hư hỏng? Cho nên, bạo lực học đường gia tăng chẳng có gì lạ. Nó chứng tỏ sự bế tắc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ trong cuộc sống hiện đại. Sự bế tắc đó là hệ lụy tất yếu của những tiêu cực trong xã hội, nhà trường và gia đình. Mà suy cho cùng là do người lớn - những người đáng lẽ ra là gương sáng dẫn đường cho họ đi tới tương lai với tư cách công dân.”
Còn theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân xảy ra các hành vi bạo lực phải khẳng định là do từ chính các học sinh - chủ thể của các hành vi bạo lực, đã chưa được giáo dục đầy đủ, kém phát triển về phẩm chất đạo đức, nhân cách”... và nói như Giáo sư TSKH Phan Hồng Giang, từng là Viện trưởng Viện Văn hóa- Nghệ thuật Việt Nam, thì cho rằng các học sinh chúng ta bị “ Rối loạn nhân cách”, “ lệch lạc nhân cách”, “ Đa nhân cách “
Đúng vậy, vai trò giáo dục đạo đức nhân bản cho các em phải nói là trách nhiệm của nhà trường. Từ lớp Mẫu giáo cho đến hết lớp 12, là một hành trình mà các em phải được giáo dục đạo đức nhân bản, đạo đức làm người (chứ không làm ngợm) một cách tiệm tiến, chứ không thể ngày một ngày hai mà có thể định hình nhân cách tốt cho các em được. Hiện nay nhà trường chưa làm tròn chức năng giáo dục của mình. (gần đây có sửa sai với khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng cũng chỉ mới là khẩu hiệu)
Bên cạnh đó cũng có phần quan trọng của giáo dục gia đình. Phụ huynh chưa quan tâm đủ.
Ở đây chúng ta không đi sâu vào nguyên nhân, không phân tích về những hệ lụy của bạo lực, vì ai cũng biết, và đó là trách nhiệm của các nhà giáo dục, các nhà hữu trách. Họ phải có trách nhiệm tìm hiểu cặn kẽ để đề ra những giải pháp hữu hiệu nhất, vì đây là một vấn đề hệ trọng của quốc gia, như báo Dân trí đã viết: “Để khắc phục, đi đến chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường hiện nay thì giải pháp quan trọng hàng đầu liên quan đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường.” Hay nói đúng hơn là của nền giáo dục nước nhà.
Trong khi đó chúng ta, là những phụ huynh, là những huynh trưởng, không thể ngồi nhìn và chờ, mà chúng ta phải có những nỗ lực tự thân để giúp cho con em chúng ta biết thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tôi muốn nói đến vai trò của các Trưởng đơn vị, và các phụ huynh. Tôi cũng tin tưởng rằng các em Hướng đạo sinh của chúng ta, nếu được giáo dục đúng phương pháp của Baden Powell, thì sẽ không gây nên những hành vi bạo lực cho bạn bè, vì với cuộc sống ngoài trời, với phương pháp giáo dục hướng đạo hữu hiệu, sẽ giúp các em hóa giải những bốc đồng của tuổi trẻ, làm tiêu hao bớt năng lượng dư thừa của tuổi mới lớn; Đồng thời qua tinh thần Luật, Lời hứa, các em đã có được cuộc sống quân bình của một con người toàn diện: có tinh thần (tâm linh), có trí tuệ, có sức khỏe, có xã hội tính (nhận biết tha nhân), và có tình cảm đồng loại (không vô cảm). Từ đó chắc chắn các em HĐS sẽ không manh động, không ngỗ ngáo mà gây nên bạo lực cho kẻ khác. Tôi tin như thế, nên vào năm 2005, khi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An về tiếp xúc cử tri tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, tôi đã mạnh dạn đề đạt ý kiến với Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu là sớm thể chế hóa các “Hội giáo dục xã hội” (HĐ), theo tinh thần đổi mới mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố từ lâu là “đa dạng hóa công tác giáo dục thanh thiếu niên”, để giảm bớt trẻ em hư.
Vì thế mà vấn đề chúng ta cần quan tâm lúc này là đừng để các em (HĐS) của chúng ta trở thành nạn nhân của bạo lực. Muốn vậy thì phụ huynh và các Trưởng phải làm gì?
Trước hết đối với phụ huynh chúng ta phải quan tâm hướng dẫn các em về đạo đức nhân bản; đặc biệt quan sát các em xem có biểu hiện gì bất thường không như sợ hãi, hoang mang, bất ổn, buồn phiền, cáu gắt, khép mình, ngại giao tiếp, học hành giảm sút, không dám đi học, có thương tích trên cơ thể...
Nếu có những biểu hiện khác thường thì phụ huynh phải tìm mọi cách với tình thương và thông cảm, để tâm tình với các em, tìm ra sự việc, nguyên nhân và hành động. Nếu chẳng may, con mình bắt nạt người khác, thì điều quan trọng là bạn phải giúp đỡ con bạn vượt qua khủng hoảng này. Nếu không can thiệp kịp thời, thì tình hình này sẽ dẫn đến các khó khăn về học tập, xã hội, tình cảm và cả pháp luật nữa.
Phụ huynh cần dành nhiều thời gian làm bạn với con, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách hóa giải. Bên cạnh đó, hãy hướng dẫn con các giá trị sống, về sự tôn trọng người khác; giá trị yêu thương, bình an, tha thứ…Bạn hãy trao đổi, hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giao tiếp, thương lượng, lắng nghe…Bạn cần phải làm cho trẻ hiểu bạo lực không giải quyết được vấn đề, mọi xung đột đều có thể giải quyết bằng thương lượng, trao đổi đôi bên cùng có lợi.
Phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, thầy Hiệu trưởng, hoặc nếu cần thì nhờ bác sĩ gia đình để tìm ra giải pháp giúp đỡ con bạn. Nếu con bạn vẫn tiếp tục bắt nạt người khác, bạn cần sắp xếp cho bé đi gặp bác sĩ tâm lý. Đánh giá của bác sĩ có thể giúp bạn và con bạn hiểu nguyên nhân vì sao con bạn bắt nạt người khác và bác sĩ tâm lý sẽ cùng bạn đưa ra một kế hoạch để ngừng hành vi tiêu cực này.
Còn ngược lại nếu con bạn bị bắt nạt, bị bạo hành thì bạn dạy con bạn đi thẳng người và tự tin, nhìn thẳng vào mắt của kẻ bắt nạt. Ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng. Vóc dáng tự tin, tích cực sẽ giúp con bạn đương đầu với những kẻ bắt nạt. Dạy con bạn kết hợp vóc dáng tự tin với những suy nghĩ tự nhận thức tích cực về bản thân. Không khiêu khích kẻ bắt nạt, và không làm tình huống căng thẳng. Hướng dẫn con bạn các kỹ năng giao tiếp, ứng phó với bắt nạt, kỹ năng ra quyết định và giải quyết xung đột, hướng dẫn con bạn các tư thế thoát thân…Đừng khuyến khích con bạn tấn công lại. mà hãy khuyên con bạn bỏ đi để tránh kẻ bắt nạt, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của thầy cô giáo hoặc người lớn khác. Giúp con bạn thực tập những gì sẽ nói với kẻ bắt nạt để con bạn chuẩn bị trong thời gian tới. Khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động xây dựng sức mạnh và sự tự tin.
Còn đối với các Trưởng chúng ta thì phải tập cho các em sống theo tinh thần Lời hứa và Luật. Rèn luyện cho các em các kỹ năng sống, huấn luyện các em về trí tuệ, tinh thần, tha nhân, tình cảm và thể xác; trí tuệ thông minh, tinh thần vững mạnh, nhận biết tha nhân, đồng cảm với bạn, và sức khỏe dẻo dai, để các em có đủ tự tin hóa giải các cuộc khiêu khích, đủ bản lĩnh để vượt qua bạo lực và giúp đỡ các em cô thân cô thế.
Thể chất tốt sẽ giúp các em tự tin, phản ứng nhanh nhẹn với những tình huống nguy cấp.
Khuyến khích các em tham gia tích cực vào công tác ở trường, như đi tham quan hoặc đi dã ngoại cùng với bạn bè. Làm việc nhóm. Kẻ bắt nạt sẽ không dám bắt nạt một người trong nhóm. Tình bạn là yếu tố rất quan trọng, là pháo đài bảo vệ trẻ khỏi kẻ bắt nạt.
Để giúp các em vượt qua những cuộc bắt nạt, bạo hành, trấn lột, thì Trưởng phải nghiên cứu các kỹ năng ứng phó bắt nạt để trao đổi trực tiếp với các em, giúp các em nhận thức đầy đủ về nạn bạo lực học đường hiện nay; hoặc có thể nhờ các chuyên viên về các kỹ năng sống đến giúp các em hiểu và biết phải làm gì khi gặp các tình huống bạo lực xảy ra. Đây là một vấn đề mà các Trưởng đặc biệt quan tâm trong lúc này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét