Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Sự tham gia của trẻ và tính tự chủ về đạo đức (1)

Võ Văn Tuấn 


Lời Hứa và Luật Hướng đạo là yếu tố thiết yếu của Phương pháp Hướng đạo. Tuy nhiên, yếu tố này thường bị hiểu nhầm cả trong và ngoài Phong trào. 

Bài này trình bày những nền tảng tâm lý học của Lời Hứa và Luật như những yếu tố thiết yếu của Phương pháp Hướng đạo và giải thích sự liên quan của chúng đến nhu cầu giáo dục hiện nay. Điều đó cho thấy rằng việc sử dụng Lời Hứa và Luật Hướng đạo như là công cụ để phát triển tính tự chủ về đạo đức được nối kết với sự tham gia của thanh thiếu niên.

1. Những sự hiểu nhầm: 


Đôi lúc, trong sự dễ dãi của xã hội phương Tây, thuật ngữ “Lời Hứa” và “Luật” hé ra sự lỗi thời và hoài nghi. 

Đối với nhiều người, luật được xem như sự biểu lộ tự phát và ý muốn cá nhân. Trong nhiều cấu trúc xã hội, Lời hứa và Luật được hiểu theo nghĩa đen như là một tập hợp những nghĩa vụ mà trẻ phải chịu phục tùng. Những môi trường văn hóa này cũng không chuẩn bị cho người ta hiểu Lời Hứa và Luật Hướng đạo một cách chính xác. 

Chúng ta hãy trở lại cội nguồn của Phong trào Hướng đạo. Baden Powell đã nói gì về Lời Hứa và Luật? Đây là vài trích dẫn: 

Luật Hướng đạo là nền tảng mà toàn bộ việc huấn luyện Hướng đạo sinh dựa vào đó. 

Không chi phối trẻ bằng cách CẤM, mà dẫn dắt trẻ LÀM. Luật Hướng đạo đề ra như là một hướng dẫn hành động của trẻ hơn là hà khắc với lỗi lầm của nó. 

Chúng ta hãy dừng lại để suy nghĩ những lời nói mà Baden Powell đã dùng: “Không chi phối trẻ bằng cách CẤM” – Giới trẻ không nên bị chi phối bằng (khuất phục), phủ nhận và luật hà khắc, mà nên hướng dẫn theo một luật có hướng tích cực (“dẫn dắt bằng cách LÀM”) 

Trong những bài viết của ông, Baden Powell thường kịch liệt phản đối bản chất nguy hại của những luật có tính ngăn cấm hoặc trấn áp. Ví dụ, vào tháng giêng năm 1916, ông đã viết trong tờ Headquarters’ Gazette: 

Giáo dục phải tích cực, không được tiêu cực, không thụ động. Ví dụ, Luật Hướng đạo trong mỗi chi tiết của nó đều nói: “Hướng đạo sinh làm” điều này, điều kia, hoặc điều khác. 

Có những chuyên gia đã nhanh tay cải tiến Luật Hướng đạo mà không nhận ra mặt tích cực của nó, đã thay đổi đảo ngược lại – một loạt từ “Cấm”. “Cấm”, dĩ nhiên, là đặc tính nổi bật và khẩu hiệu của hệ thống lỗi thời về sự trấn áp và là một mảnh vải đỏ cho trẻ. Điều đó dẫn dắt trẻ làm sai. 

Chúng ta không thể hiểu Phong trào Hướng đạo nếu bỏ qua khía cạnh thiết yếu này về tư tưởng của Người Sáng lập. Phong trào Hướng đạo không áp đặt hay ép buộc; nó mời gọi giới trẻ thực hiện một cam kết cá nhân liên quan đến chính sự phát triển cá nhân của trẻ. Đây là một trích dẫn khác từ Baden Powell: 

Hai phương pháp huấn luyện chính là: 

1. Giáo dục: Đó là bằng cách “Vạch ra” cho cá nhân trẻ và cho nó sự khát khao và hăng hái học tập từ chính bản thân mình. 

2. Chỉ dạy: Đó là bằng cách khắc ghi và đưa dần kiến thức vào cho trẻ 

Mục 2 là quy tắc thông thường. Trong Phong trào Hướng đạo chúng ta sử dụng mục 1. 

Không thể rõ ràng hơn! Luật là một lời kêu gọi tích cực để làm tốt hơn và để phát triển chính bản thân và Lời Hứa là sự đáp lại lời kêu gọi này của cá nhân trẻ. 

2. Khái niệm về quy tắc 


Phân tâm học đã chỉ ra khái niệm quy tắc bắt đầu hình thành ở tuổi lên ba như thế nào, khi trẻ nhỏ nảy sinh một mối quan hệ hợp nhất từ người mẹ, chấp nhận sự hiện diện của người cha và “tiếp nhận” quyền cha mẹ (cái “siêu ngã(2)” đại diện cho các quy tắc). Cho đến khi cái siêu ngã được thiết lập, các quy tắc chưa được tiếp nhận; cá nhân vẫn còn ở trạng thái hợp nhất trong đó trẻ là đối tượng của những cơn bốc đồng trong chúng. Luật chính là mong muốn của trẻ. Đến lúc tột cùng, điều này có thể dẫn đến rối loạn nhân cách chống xã hội, ví dụ: cá nhân không có khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác hoặc tự trải nghiệm mọi cảm xúc của lòng vị tha hay thương cảm. 

Tình huống này đang tăng lên trong những xã hội hiện đại, trong đó có hiện tượng những gia đình cha mẹ đơn thân thiếu hình ảnh người cha, và nhà giáo dục đối mặt với những trẻ chưa bao giờ chạm trán với bất cứ điều gì bị ngăn cấm và nổi loạn chống lại xã hội từ lứa tuổi rất nhỏ. 

Có những trường hợp khác trong đó con người vẫn còn bị hạn chế ở giai đoạn sơ khai với một luật toàn năng mà họ phải tự mình tuân theo. Đây là luật nhằm trừng phạt, hệ thống trấn áp cũ mà Baden Powell kịch liệt phản đối. 


Hình 1 cho chúng ta thấy con đường hướng đến sự hiểu biết của người trưởng thành về các quy tắc 

• Bắt đầu, trẻ con tuân theo bất cứ quy tắc nào. Nếu một thái độ như thế vẫn tồn tại đến tuổi trưởng thành, ở mức tốt nhất, người đó sẽ là người bảo thủ cao, và ở mức tệ nhất là bị bao bọc trong thế giới loạn thần kinh chức năng của những điều cấm kỵ và tội lỗi. 

• Mục đích của giáo dục Hướng đạo là mang lại cho mỗi người một quan niệm của người trưởng thành về luật: tôn trọng luật (các quy tắc) cũng như khả năng để phê phán những gì có xuất hiện tính xấu hoặc thiếu sót để thay đổi chúng một cách dân chủ vì lợi ích của tất cả theo nhiều giá trị cơ bản. 

• Có thể có một hướng đi chệch, là nguyên nhân làm cho con người áp đặt luật lệ lên những người khác vì lợi ích riêng mình hoặc vì lợi ích nhóm của người đó: “Tôi là luật!”. Đây là thái độ độc tài hoặc phát xít. Đó cũng là ảo tưởng về quyền lực tác động đến một số người có yếu tố tâm thần. 

• Có thể một hướng chệch thứ hai là không chấp nhận mọi luật lệ. Bất cứ quy tắc nào cũng bị cho là không đúng: “Không được phép ngăn cấm”. Đây là thái độ tự cho mình là trung tâm của những trẻ hư hỏng, người mà không thể chịu được bất cứ sự thất bại nào. Loại bỏ tất cả những quy tắc dẫn dắt con người nghĩ đến việc thỏa mãn cơn bốc đồng của họ như là luật lệ đúng đắn duy nhất và có thể dẫn đến phạm tội. 

3. Cặp đôi Luật – Lời Hứa: Một động cơ cho sự phát triển 


Trong Phong trào Hướng đạo, Luật Hướng đạo là một lời mời gọi sống theo giá trị của các nguyên tắc cơ bản: Sự liêm khiết và lòng trung thành (“được tin cậy”, “trung thành”); tôn trọng và đoàn kết đối với mọi người (“là bạn với tất cả mọi người”, “giúp đỡ mọi người”); bảo vệ sự sống và thiên nhiên (“bảo vệ các giống vật và cây cỏ”); có thái độ tích cực với sự thăng trầm của đời sống (“mỉm cười trước mọi khó khăn”); coi trọng công việc và cố gắng làm hết sức (“tôn trọng công việc của người khác”, “không làm việc gì nửa vời”); có ý thức về phẩm giá của chính bản thân mình (“trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm”). 

Luật Hướng đạo không ngăn cấm bất cứ điều gì. Đó là một lời mời gọi để phát triển chính bản thân, để trở nên nhân bản hơn. Đó là sự nhắc nhở đến cuộc sống của con người. 

Luật Hướng đạo là tích cực, nó không áp đặt lên cho giới trẻ. Ngược lại, nó được đề xuất đến giới trẻ và giúp họ nhận thức được Luật Hướng đạo thông qua đời sống đoàn đội. 

Lời Hứa vì vậy trở nên không ràng buộc và là sự hưởng ứng tự nguyện của cá nhân người ý thức được và bày tỏ trước đoàn: Tôi đã nhận thức được những giá trị mà các bạn mong muốn thực hiện theo và với sự giúp đỡ của các bạn, tôi bằng lòng cố gắng và thực hiện theo những giá trị đó. 

Nói cách khác, Lời Hứa là điểm khởi đầu về sự thăng tiến cá nhân của trẻ; đó là vì trẻ muốn sống theo Luật Hướng đạo, nó sẽ thiết lập các mục tiêu phát triển cá nhân để đạt đến thông qua các hoạt động Hướng đạo và cuộc sống hàng ngày. 

Thông qua Lời Hứa, trẻ thực sự trở nên một tác nhân gánh vác chính sự phát triển của bản thân mình. 


Hình 2: Lời hứa và Luật HĐ: Đường xoắn ốc dẫn đến tính tự chủ về đạo đức 

3. Lời Hứa và Luật trong đời sống đoàn đội 


Luật không phải là một tài liệu tham khảo có tính trừu tượng gắn lên tường trong một cái khung đầy bụi bặm. Luật phải cụ thể thực chất trong những trải nghiệm của đoàn đội thông qua sự đồng tâm nhất trí những quy định được chấp thuận để quản lý đời sống đoàn đội. Hình 2 tóm lược tiến trình này. Cuộc sống ở đơn vị chắc hẳn liên quan đến nhiều vấn đề nảy sinh. Sau mỗi hoạt động chính, ta nên có thời gian để ghi nhận và thảo luận những sự kiện và các điểm quan trọng đã tác động đến đời sống đoàn đội, trước tiên là các hội đồng đội, rồi đến hội đồng đoàn. 

Đã quan sát được điều gì? Một số chưa hoàn thành hết vai trò của mình; một số khác thì không trung thực trong trò chơi; hoặc là có một đội không thể tán thành một số hoạt động. Cũng sẽ có những trải nghiệm tích cực: có một đội kiên trì với nhiệm vụ của họ bất chấp khó khăn; đội khác là một điển hình cho ý nghĩa chia sẻ và tình thân hữu; ..v..v. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong các điều của Luật Hướng đạo? Làm thế nào để chúng ta có thể sống với nhau tốt hơn? 

Nếu các huynh trưởng biết cách tạo điều kiện thảo luận mà không áp đặt quan điểm riêng của họ, trẻ sẽ tự đề xuất những quy định liên quan đến đời sống đoàn đội. Những điều này có thể được thảo luận, sửa đổi nếu cần thiết và cùng thông qua. Ví dụ: “Ở đây mỗi người đều có quyền tự bày tỏ quan điểm của mình và được mọi người lắng nghe”, “Không ai được sử dụng quyền lực để áp đặt quan điểm của mình”; “Chúng ta chia sẻ với tất cả mọi người”; “Quyết định của hội đồng phải được tôn trọng”;..v..v. 

Do đó, các quy tắc được phát xuất từ Luật Hướng đạo sẽ nảy sinh ra trong trải nghiệm của đời sống đoàn đội được đánh giá trong hội đồng đoàn. Đổi lại, những quy định này sẽ định hình được đời sống đoàn đội và giúp mọi người nhận thức được những giá trị nằm trong Luật Hướng đạo thông qua những trải nghiệm cụ thể. 

Do đó, mong muốn dấn thân để sống theo những giá trị này bằng việc tuyên Lời Hứa Hướng đạo sẽ đến một cách tự nhiên cho những đoàn sinh mới. Đối với những người khác, đó là một cơ hội để hiểu Luật Hướng đạo và chính lời cam kết của họ được tốt hơn. 

4. Từ các quy tắc đến những giá trị; các giai đoạn của sự phát triển 


Chúng ta có thể thấy những quy tắc phổ biến như thế nào – Đã quyết định theo những kết quả của những gì đoàn đội đã trải qua – Có thể là bàn đạp để nhận thức sâu sắc hơn những giá trị được miêu tả bởi Luật Hướng đạo. Điều này có thể dễ dàng quan sát được trong sự phát triển của trẻ nhỏ. 

Trước tuổi lên năm, trẻ con vẫn còn mãi mê với mong muốn tự khẳng định mình, và còn chưa thể đặt nó vào tình cảnh của người khác để thực sự chấp nhận một quy tắc. Nó bắt chước theo các quy tắc của người lớn hơn nhưng không thể tôn trọng các quy tắc đó. Luôn luôn có người chơi không trung thực bởi vì sự mong muốn chiến thắng quá nặng nề; vì vậy bọn trẻ cãi nhau, cuộc chơi bị dừng lại, khi đạt được các thỏa thuận mới, cuộc chơi tiếp tục nhưng rồi lại ngưng sau vài phút giữa những cuộc tranh cãi mới. 

Từ 5-6 tuổi đến 9-10 tuổi, các quy tắc được xem là bất khả xâm phạm. Trẻ nhỏ nghĩ rằng các quy tắc đó “phát xuất từ” người lớn và chúng không có khả năng thay đổi. Chỉ từ lứa tuổi 10-11 điều đó mới thay đổi: Các quy tắc được xem là kết quả của sự đồng tâm nhất trí. 

Từ đó, ý kiến của thanh thiếu niên là các quy tắc không phải “kế thừa” từ người lớn; chúng được phát kiến từ chính trẻ và có thể được thay đổi nếu họ đồng thuận. 

5. Tính tự chủ về đạo đức và huấn luyện bổn phận công dân 


Từ các quy tắc của các trò chơi, chúng ta đưa đến những quy tắc đạo đức. Trước khi tuổi lên bảy hoặc tám, trẻ con không phân xử các hành động; chúng làm theo các quy tắc văn hóa: “tốt hoặc xấu”, “đúng hay sai” ... Chúng cho rằng nhiều hơn một sai lầm là khó xảy ra, đó là điều tệ hại nhất. Làm điều gì đó nghịch ngợm, sự nghiêm trọng nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ thiệt hại vật chất. Khái niệm này không phải là vấn đề. Hình phạt được xem như hình thức chuộc tội: phạt phải nghiêm khắc đủ để làm cho đứa trẻ phạm lỗi nhận thức được tính nghiêm trọng của hành vi. 

Giai đoạn tiếp theo là tập quán đạo đức. Trẻ con thực hiện vai trò chúng nhận thức đúng theo sự mong muốn của cha mẹ hoặc xã hội: “một đứa trẻ tốt”, “luật lệ và trật tự”, coi trọng người có quyền được cho là tuyệt đối. Một số người lớn không bao giờ xuất hiện từ giai đoạn này, không có sự nghi ngờ do thiếu kinh nghiệm phong phú của đời sống trong xã hội hoặc vì họ phải chịu một nền giáo dục quá cứng nhắc và độc đoán. Từ tuổi 10 hay 11 (khi chúng trở nên có khả năng suy luận logic), trẻ con phát triển chậm tính tự chủ về đạo đức. Chúng có thể đánh giá con người qua hành động và trở nên nhận thức được nhiều hơn về đặc điểm nhân cách của họ. Do vậy chúng có thể hiểu được những lỗi lầm và khuyết điểm và không còn mù mờ tự tin về thẩm quyền của mình. Chúng bắt đầu tự phán xét về hành động của mình và của những người khác. Các nguyên tắc đạo đức được bản thân chấp nhận như một cách chia sẻ quyền và nghĩa vụ trong đoàn đội của chúng. 

Đến tuổi 12, đứa trẻ chấp nhận các quy tắc như một loại thỏa thuận giữa những con người. Quy tắc không thể không sờ thấy được và có thể được thay đổi bằng việc thỏa thuận với nhau. Dần dần (nhất là đến tuổi 15), trẻ có thể hiểu được khái niệm các giá trị phổ quát: như công bằng, nhân nhượng lẫn nhau, bình đẳng, lòng tự trọng. Điều “đúng” được định nghĩa căn cứ theo sự tuân thủ cá nhân và có ý thức đối với các nguyên tắc đạo đức. Đây là giai đoạn tiếp cận ý niệm “người lớn” của Luật. 

6. Lời Hứa và Luật: Công cụ cho tính tự chủ về đạo đức 


Hai yếu tố có khả năng làm cho giới trẻ tiến đến sự tự chủ về đạo đức, một mặt là việc làm gương của người lớn tuổi hơn (các đoàn sinh lớn hơn và huynh trưởng) và mặt khác là sự tương tác giữa các nhóm trẻ đồng trang lứa. 

Sự phát triển hài hòa của giới trẻ - đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên – và tiến trình hướng đến sự tự chủ về đạo đức của chúng đòi hỏi cả hai mặt tác động. Một mặt, thanh thiếu niên cần những mẫu hình với những ai chúng có thể nhận biết và những người có những giá trị cuộc sống điển hình; mặt khác, thanh thiếu niên cần trải nghiệm một tiến trình được phép thảo luận và phát triển các quy tắc trong một nhóm đồng trang lứa. 

Tuy nhiên, tiến trình này không phải là tất yếu, có nhiều trở ngại có thể ngăn cản một người thực sự trở thành tự chủ về mặt đạo đức và phát triển ý niệm người lớn của Luật. Một số người là nhà giáo dục làm cho vấn đề tồi tệ hơn khi họ không tự mình đạt đến đầy đủ mức độ chín chắn đối với Luật. Ví dụ, thái độ điều khiển hoặc độc đoán quá đáng có thể làm trẻ cứ mãi là trẻ con, luôn có thái độ phục tùng. 

Thái độ bảo bọc thái quá, làm giảm sút sự tương tác của tính xã hội trong nhóm đồng trang lứa, có thể dẫn đến kết quả tương tự. Thường thường, chủ nghĩa độc đoán quá mức hoặc sự che chở không hợp lý có thể làm cho trẻ đột nhiên nổi loạn và cự tuyệt tất cả các quy tắc. Ngoài sự thách thức, trẻ nổi loạn sẽ có cách cư xử trái ngược và tham gia vào các hoạt động liều lĩnh. 

Mặt khác, một thái độ vượt mức cho phép sẽ không thể giúp trẻ xây dựng được nhân cách của chúng. Thái độ như thế sẽ giữ trẻ ở giai đoạn không phân biệt được, “luật” chỉ là những cơn bốc đồng và làm hài lòng cá nhân. Một số người được giáo dục theo cách quá độc đoán có khuynh hướng thái độ “không can thiệp vào việc của người khác” đối với chính con em họ. Điều này thật không tốt. 

Điều đáng quan tâm trong Phương pháp Hướng đạo là đề ra hai “công cụ” hiệu quả - Luật và Lời Hứa – để giúp cho nhà giáo dục và giới trẻ tiến dần theo định hướng đúng. 

Luật tóm lược một số giá trị thiết yếu mà huynh trưởng có thể đề ra cho giới trẻ theo cách phù hợp cho mỗi nhóm lứa tuổi (đây là lý do tại sao Luật của ngành Ấu khác với Luật Hướng đạo). Đời sống đoàn đội và các bộ phận đánh giá nó, quyết định các quy tắc chung (hội đồng đội và hội đồng đoàn) làm cho những giá trị này được học hỏi cụ thể và tạo thuận tiện cho việc cam kết cá nhân của trẻ thông qua Lời Hứa. 

Do vậy có một tiến trình hai chiều: Người lớn đề ra Luật Hướng đạo; giới trẻ thực nghiệm với các điều luật đó và tuân thủ với tư cách cá nhân. Đây là cách Phong trào Hướng đạo có thể đạt được với hàng triệu đoàn sinh, điều mà Jean Piaget (một nhà tâm lý học và giáo dục) đã chủ trương cho các trường thực nghiệm: 

Bằng cách chính các trường học tự xây dựng các quy tắc quản lý kỷ luật, bầu chọn những người chịu trách nhiệm áp dụng những quy tắc này và hình thành nên bộ máy tư pháp mà chức năng của nó dùng để xử lý những vi phạm, trẻ em đạt được khả năng nhận biết thông qua trải nghiệm những gì tuân theo các quy tắc, thuộc về một nhóm có tính xã hội và tất nhiên là trách nhiệm cá nhân” 

Võ Văn Tuấn – Nai thiện chí 


(Dịch từ Toolbox Programme Handouts Youth Involvement, Youth Empowerment 

Của VP HĐTG phát hành) 

Chú thích: 


1)Tự chủ về đạo đức: Tính tự chủ về đạo đức là được tự mình nhận thức, đủ khôn ngoan và thông minh để phân biệt đúng sai, xử sự phù hợp với những người xung quanh’ 

2)Siêu ngã: Siêu ngã là một trong ba thành phần của nhân cách con người. Đó là bản ngã (Id), ngã (ego) và siêu ngã (superego). Bản ngã là phần cốt lõi vô thức của nhân cách, là nguồn gốc của tất cả năng lực tâm lý và tạo ra những thành tố nguyên thủy của nhân cách. Bản ngã hoạt động trên nguyên tắc khoái lạc tình dục và có thể tạo ra những hành vi khủng khiếp. Ngã là phần nhân cách liên kết với thực tế. Ngã phát triển trên cơ sở bản ngã và đảm bảo những xung lực của bản ngã thể hiện ở những hành vi chấp nhận được trong thực tế. Siêu ngã là phần nhân cách liên kết con người với xã hội, với tất cả những chuẩn mực và tư tưởng đạo đức, tức là ý thức về đúng và sai của hành vi con người. Siêu ngã tiếp nhận những chuẩn mực đạo đức từ cha mẹ và xã hội. Siêu ngã ngăn cản những hành vi không chấp nhận được của bản ngã và chiến đấu để ngã tuân theo những nguyên tắc lý tưởng hơn là nguyên tắc thực tiễn. Nhờ có siêu ngã mà con người biết được những hành vi đúng, sai, chấp nhận được hay không chấp nhận được.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét