Lê Thọ
Để công việc hướng dẫn mang lại nhiều thành quả và ích lợi cho các em, Ban Sói già cần phải đầu tư công sức, và tâm huyết qua việc chuẩn bị một chương trình học thăng tiến gồm có chương trình Đẳng Thứ và săn lấy các Chuyên Hiệu áp dụng trong sinh hoạt tại mỗi Đàn.
Sách “Em Săn Cùng Bầy” của Sói con do Ngành Ấu BĐH hiện nay soạn thảo dựa vào phần thực hành và các mục kiểm tra trong chương trình, nhằm đánh giá khả năng hấp thụ của các em, cũng như giúp Bầy Trưởng kiểm soát lại khả năng và phương pháp truyền đạt của chính mình.
Sổ tay nầy được trao cho mỗi em để học và thực hành khi bắt đầu vào Bầy. BSG theo dõi thường xuyên, dựa vào mức độ phát triển của các em về tâm sinh lý, kiến thức, thể lực cùng cộng tác với gia đình trong việc hướng dẫn và dìu dắt các em đạt được mục tiêu phấn đấu.
Ngoài mục nghi thức tập tục Bầy và các kỹ năng, chương trình học bằng thực hành chia ra làm 2 phần chính: Chương trình Đẳng Thứ và chương trình Chuyên Hiệu được soạn theo quy chế ngành Ấú có bổ sung cập nhật vài mục để phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Thực hiện sổ tay “EM SĂN CÙNG BẦY”
Bầy trưởng nắm vững và chuẩn xác các phần trong sổ tay “Em Săn Cùng Bầy” của mỗi cá nhân Sói Con, xem xét cái gì thật sự mà em ấy muốn đạt được. Khi đã xác định mục tiêu rõ ràng, chúng ta sẽ nhìn thấy được nội dung tổng thể và phải làm gì để quyết tâm đào luyện, dựa vào các chủ đề sinh hoạt hằng tháng, hằng tuần như: kỹ năng chuyên môn, đào luyện tính khí, việc tốt tại nhà, dã ngoại…
Điều này rõ ràng giúp chúng ta tránh được sự nhầm lẫn trong khi lập ra kế hoạch. Để xác định chủ đề một cách chính xác chúng ta phải liệt kê thật cụ thể thời gian, những trợ huấn cụ cần thiết và do ai phụ trách.
Bầy Trưởng phải hiểu từng mục trong sách, xác định mục tiêu hướng dẫn và biết đối chiếu với PPSC. Chúng ta triển khai các mục Đẳng Thứ và các Chuyên Hiệu một cách nghiêm túc ngay trong các buổi sinh hoạt. BSG cũng phải luôn xem lại hành động của mình có phản ánh được những gì các em mong muốn không, phải luôn khuyến khích các em rằng “Mục tiêu này là do các em tự thực hiện, nếu em không muốn thì không ai ép buộc và không phải do ai khác làm thay cho mình”
Những mục kiểm tra và đánh giá quá trình học tập của Sói Con được theo dõi hằng tuần và xác nhận ngay, các Sói Con có thể đề nghị Sói Già những mục mà em muốn thực hiện. Khi được khảo sát xong mục nào thì Sói Già ký xác nhận vào, cuối cùng Sói Con hoàn tất Bầy Trưởng có thể khen ngay huy hiệu trong buổi sinh hoạt Bầy.
Thực hiện từng mục tiêu cụ thể
Viết ra giấy từng mục tiêu:
Việc này rất quan trọng, vì theo thói quen chúng ta thường giữ các mục tiêu trong đầu nhưng nếu viết nó ra giấy, điều nầy sẽ giúp BGS có thêm động lực và luôn nhắc nhở mình phải hoàn thành các mục tiêu đó.
Các mục tiêu trong sổ tay “Em Săn Cùng Bầy” là một chương trình cho tất cả Sói Con, nhưng thực hiện huấn luyện mức độ khác nhau tuỳ theo khả năng và lứa tuổi từng em. Nếu không soạn kế họach hoặc làm đại trà thì Sói Gìa sẽ khó thực hiện và không thể thấy thành quả đạt được ở mức độ nào.
Đầu tiên chúng ta phải xác định được chủ đề chính chương trình, ví dụ: Khảo sát Đẳng Thứ Hai Sao, khảo sát chuyên hiệu gì, hoặc sinh hoạt theo chủ đề chuyên môn nào… BSG soạn ra nội dung tổng quát chủ đề đó. Hãy chia mục tiêu ra thành những bước nhỏ cụ thể để có thể thực hiện 1 tuần, 1 tháng.. Sau đó, chúng ta hãy liệt kê ra những việc cần làm trong một lần sinh hoạt rồi lần lượt hoàn thành những bước này, cần phải bảo đảm rằng những việc này các em hiểu rõ mục đích của nó và thực hiện từng bước một đến nơi đến chốn không bỏ cuộc, sẽ giúp các em dễ dàng đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Khi đã giao “dự án nhỏ” cho Sói Con thực hiện, chúng ta phải ấn định thời gian bắt đầu và kết thúc của chương trình, luôn rà soát lại những vướng mắc và cập nhật thông tin mỗi tuần sinh hoạt.
Xác định mức độ ưu tiên:
Khi có nhiều mục huấn luyện, BSG phải xác định được thứ tự ưu tiên cho từng mục và đối tượng được huấn luyện. Điều này giúp tránh được sự quá tải khi thực hiện nhiều mục cùng một lúc và dành thời gian và sức lực cho mục tiêu cần thiết nhất nhiều hơn.
Áp dụng các mục phải thực tế:
Những mục thực hành trong sổ tay “Em Săn Cùng Bầy” cho các em học phải bảo đảm rằng luôn kiểm soát được chúng. Chúng ta có thể không đạt được kết quả bằng nhiều lý do khách quan như: thiếu may mắn, những yếu tố không kiểm sóat như: thời tiết, môi trường, sự thiếu công bằng, tai nạn....Nhưng chúng ta không thể thất bại với lý do không tuân thủ theo kế hoạch đã soạn ra, điều này làm một số phụ tá chán nản và dễ dàng buông xuôi.
Thiết lập các mục thực hành một cách thiết thực, phải bảo đảm kế hoạch này nằm trong khả năng của chúng ta, không mơ hồ, ban đầu phải đi từ dễ đến khó theo phương pháp tiệm tiến.
- Đừng đặt thêm những mục tiêu quá khó vì nó sẽ gây nên rào cản và dễ làm Sói Con chán ngán,
- Đừng thiết lập nhiều mục tiêu quá dễ dàng, mục tiêu quá dễ là một con dao hai lưỡi, nó giúp Sói Con dễ dàng đạt được nhưng cũng dễ làm mất đi động lực.
Nên lưu ý rằng:
- Nếu Sói Con đạt được các mục tiêu quá dễ dàng, chúng ta phải đặt mục tiêu tiếp theo khó hơn một chút.
- Nếu Sói Con đạt được mục tiêu quá khó khăn, chúng ta phải đặt mục tiêu tiếp theo dễ dàng hơn.
- Nếu sau khi đạt được mục tiêu ban đầu và chúng ta nhận ra phải thay đổi kế hoạch tiếp theo thì đừng ngại ngần thay đổi nhưng phải cân nhắc cẩn thận;
Sau khi hoàn thành các mục tiêu
Theo tâm lý khi Sói Con hoàn tất một Đẳng Thứ hay một Chuyên Hiệu sẽ thích thú và khích lệ tinh thần học tập.
- Hãy để thời gian Sói Con tận hưởng những kết quả đã đạt được, tạo sự khen thưởng khuyến khích các em bằng các huy hiệu của Ngành và động viên Sói Con những bước tiếp theo trong kế hoạch. Điều nầy Bầy Trưởng cân nhắc đến các Sói Đã Tuyên Hứa có thể bắt đầu săn Chuyên Hiệu, nhanh chóng huấn luyện Sói Mở Mắt (2 Sao) càng sớm càng tốt vì đây là giai đoạn then chốt để phát triển tính khí và sự ham muốn đi sinh hoạt
- Khi xong các mục tiêu BSG cần họp để rút ra kinh nghiệm và xem lại toàn bộ kế hoạch của mình.
- Nếu chúng ta thất bại, điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng ta đã có được kinh nghiệm từ thất bại đó. Hãy chiêm nghiệm thật kỹ bài học ấy và bắt đầu lại.
- Hãy nhớ rằng chương trình của Bầy sẽ thay đổi song song với sự phát triển tính khí của từng cá nhân các em. Nếu mục tiêu không còn kích thích các em thì hãy bỏ mục tiêu đó! Và luôn nghĩ rằng chúng ta điều khiển mục tiêu chứ không bị chúng điều khiển. Mục đích các mục tiêu áp dụng phải mang lại cho tất cả sự vui thú kích thích thật sự, thỏa mãn cá tính và cảm giác thành công của các em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét