Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Hướng đạo sinh thương yêu các sinh vật

Lưu Văn Thiên 


Điều luật thứ sáu của luật Hướng đạo đã khiến không ít người hiểu nhầm khi cho rằng phong trào Hướng đạo chủ trương “cấm sát sinh”. Thật ra điều luật này không có ý muốn nói đến “Bất sát” là cấm giết bất cứ vật sống nào trong Ngũ giới của Phật giáo, vì việc này thuộc lãnh vực tôn giáo, nhằm giúp con người thoát ra khỏi bể khổ cuộc đời. Trên thực tế, từ khi con người xuất hiện trên mặt đất thì nhu cầu lương thực, thực phẩm để sinh tồn là điều cần thiết, và chắc chắn sẽ không có ai cho rằng xấu khi các sinh vật được hy sinh cho nhu cầu chính đáng này, và sự việc vẫn cứ xãy ra hằng ngày trên khắp thế giới kể cả xa xưa, hiện nay và mãi về sau. 




Như vậy điều luật thứ sáu muốn nói lên điều gì? 


Trước tiên điều luật này muốn HĐS phải biết quý trọng sự sống. Sự sống là một ân ban của Tạo Hóa, một món quà vô cùng quý giá mà không có kim cương, vàng bạc châu báu nào có thể đánh đổi được. Khoa học dầu có tiến bộ đến đâu đi chăng nửa cũng không bao giờ có khả năng tạo nên sự sống. Khoa học có thể đưa con người lên mặt trăng, lên sao hỏa nhưng chỉ để tạo nên một cây cỏ có sự sống thì đành bó tay, dù nó giống cây cỏ y hệt nhưng nó là cỏ ny lon, cỏ nhân tạo. Chúng ta không có quyền gì trên sự sống nên chúng ta không thể hủy diệt sự sống một cách tùy tiện. Qua bài hát “người thợ săn và đàn chim nhỏ”, nhạc sĩ Anh Bằng đã vẽ lên một hình ảnh đầy cảm xúc: 

“Chim chết chim lìa bầy” không phải để nuôi sống con người mà chỉ để “rượu nồng thịt thơm bao người nâng chén no say đùa vui” và họ “đâu biết chim ngậm ngùi”! 

Tiếp đến, điều luật thứ sáu muốn nhắn nhủ cho tất cả HĐS là phải biêt tôn trọng sự tự do, vì mọi người ai cũng muốn có một cuộc sống tự do thoải mái, không bị chèn ép ràng buộc. Ngày nay, thú chơi chim cảnh, cá cảnh và nuôi “vật cưng” rất là phổ biến, người ta đã bỏ ra nhiều tiên để mua các sinh vật đó. Dù rằng chúng được chủ nâng niu chăm sóc chu đáo, chúng cũng không hoàn toàn sung sướng vì chúng phải sống cảnh “cá chậu, chim lồng” đâu có được tụ do bơi lội trong dòng nước trong xanh, đâu có được bay lượn trên bầu trời mênh mông thăm thẳm hay tung hoành ngang dọc trong chốn rừng xanh. Và điều ngược lại, nếu chúng bị đổi xử tệ bạc thì sẽ như thế nào đây? 

Sau hết, điều luật thứ sáu muốn HĐS phải học biết yêu thương, yêu thương để chế ngự cái “ác tính” tiềm ẩn trong mỗi người. Vào đêm 16/7, trên trang Facebook của Nguyễn Văn Quang đăng tải hơn chục tấm ảnh hành hạ dã man và giết chết voọc, khiến nhiều người phẩn nộ. Họ giết voọc không vì một mục đích nào khác mà chỉ để đùa cợt, và họ hãnh diện khi làm việc đó, họ thích thú trong khi con vật quằn quại đau đớn. Không phải chỉ có một Nguyễn Văn Quang mà còn vô số những người như thế. Đừng tưởng rằng đó chỉ là hành động đùa cợt cho vui, có gì quan trọng, mà đó chính là bước khởi đầu để rồi dần dần làm chai lì cảm xúc, lương tâm, không còn cảm thấy áy náy khi làm một việc xấu nữa, cuối cùng họ bị lây nhiễm bệnh, đó là “bệnh vô cảm” vậy.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét