Lê Ngọc Bưu
Ngày 23.04.2011 cơ quan UNESCO thuộc Liên hiệp quốc chọn là ngày VĂN HÓA ĐỌC. Ngày này cũng là ngày lễ Saint Georges - Ngày Hướng Đạo thế giới.
Ngành truyền thông xã hội hôm nay đã phát triển rất nhiều về các phương tiện nghe nhìn. Máy móc hiện đại làm cho đời sống con người thoải mái hơn, thời gian và không gian như xích lại gần nhau hơn nhờ các loại truyền hình, vi tính, điện thoại hữu tuyến và vô tuyến. Con người chỉ cần bấm nút là có thể thấy tất cả, nghe tất cả những sự kiện đang xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Tầm nhìn của loài người đã vượt ra ngoài vũ trụ, hình ảnh và âm thanh xuyên suốt qua quỹ đạo trái đất.
Về sách báo, chữ nghĩa nhờ kỹ thuật in ấn tân tiến đã tràn ngập trong cuộc sống thường ngày của con người.
Hơn lúc nào hết, các phương tiện NGHE NHÌN đã làm cho thế giới tiến bộ nhiều mặt như nhận định của nhà văn người Pháp: Georges Duhamel viết năm 1950. Thời kỳ này đài phát thanh mới xuất hiện, chưa có vi tính, internet như ngày hôm nay:
“Con người của thế kỷ XX ít khi do dự giữa sách và vô tuyến (radio). Truyền thanh xuất hiện với sức quyến rũ của sự lười biếng. Người đọc sách phải chăm chú, người nghe đài rất thụ động, khoái chí. Chỉ cần bấm nút và tiếp nhận, mở nút ra là xong.
Điều trên đây có thể nào khiến ta nghĩ rằng thời của sách báo đã tới thời kỳ hoàng hôn ư? Tôi không nghĩ như vậy.
Đặc biệt trong những nước có một nền văn minh lâu đời, như nước Pháp chẳng hạn, sẽ luôn có những người ao ước được nghiền ngẫm trong cô tịch, hiểu được thế giới nơi họ đang sống bằng cách tra cứu trong sự thiết thân với sách báo về các triết gia, thi sĩ, văn sĩ và bác học.
Nhưng …
Cũng là điều đáng sợ rằng số người đọc sách thật sự sẽ giảm bớt đi, thậm chí cả trong các nước đã có một truyền thống văn hóa cổ xưa.
Thời điểm thật nghiêm trọng đến độ cần phải lưu ý quần chúng về vấn đề sách báo, về việc đọc sách báo, cần phải không ngừng lặp đi lặp lại rằng từ nay SÁCH CHỨA ĐỰNG KÝ ỨC CỦA TOÀN THỂ NHÂN LOẠI, rằng SÁCH CHỨA ĐỰNG điều mà tôi gọi là NHỮNG THUẬT SỐNG, rằng tắt cả những gì chúng ta biết đều nằm trong sách báo của chúng ta, rằng SÁCH ĐÒI HỎI nơi chúng ta MỘT CỐ GẮNG BỔ ÍCH, rằng nó cho phép ta TƯ DUY và tiến hành CÔNG VIỆC TRÍ TUỆ, và rằng NỀN VĂN MINH của chúng ta ngày nay có thể gọi là NỀN VĂN MINH CỦA SÁCH BÁO”
Georges Duhamel
Tráng sinh chúng ta đọc qua đoạn văn trên có những suy nghĩ gì về tình trạng sách báo Hướng đạo hiện nay. Đành rằng trong cuộc sống của tráng sinh có thể đang là sinh viên, hoặc công nhân viên các công ty hoặc cơ quan nhà nước bận rộn rất nhiều công việc, ít có thời giờ đọc sách. Trong lúc đó phương tiện internet giúp cho kiến thức con người rất nhiều. Nhưng sách báo vẫn còn có nhiều giá trị nhất định của nó.
Sách báo Hướng đạo là cơ sở tinh thần chuyển tải kinh nghiệm sinh hoạt Hướng đạo của biết bao thế hệ Huynh trưởng. Nhưng hiện nay sách báo Hướng đạo thật sự chưa cung ứng đầy đủ cho nhu cầu mà số lượng Tráng sinh đang phát triển rất nhanh theo thống kê của khối Quản trị thuộc Ban Điều Hành HĐVN năm 2011.
Vào thập niên 40,50,60,70 của thế kỷ trước sách báo Hướng đạo rất phong phú và mang tính chất xây dựng tình huynh đệ rất cao. Đọc lại những sách báo Hướng đạo năm xưa, chúng ta không thấy có bài nào nói xấu cá nhân hay đơn vị nào, hoặc tố cáo với Nhà nước đương quyền về nhóm này nhóm nọ.
Còn thời buổi hiện nay, tình huynh đệ Hướng đạo xem ra bị phá sản và có thể xem như là thời “MẠT PHÁP” của Hướng đạo! Điều nầy cũng dễ hiểu thôi, vì đợi chờ đã 36 năm mà vẫn chưa được thoải mái sinh hoạt công khai, “vườn hoang thì cỏ mọc” như lời nói của Trưởng Cò Yêu Đời -Tôn Thất Đông.
Từ mười mấy năm nay có một số bản tin hoặc tờ báo hoa cà hoa mướp nào đó đã dùng chữ nghĩa để bôi bẩn nhóm nầy nhóm nọ, thậm chí dùng chiêu bài tôn giáo, lòng yêu nước... để xuyên tạc với nhà đương quyền. Phải chăng đây là văn hóa Độc chứ không còn là văn hóa Đọc nữa.
Người Tráng sinh phải biết chọn lựa văn hóa đọc và văn hóa độc. Hy vọng một ngày nào đó bầu không khí văn hóa Hướng đạo sẽ có môi trường trong lành tươi sáng và huynh đệ để xây dựng một nền giáo'dục HƯỚNG ĐẠO CHO TRẺ EM như mong ước của Huân tước Baden Powell.
Ngày lễ Lên Đường, Tráng sinh được trao gậy nạng như sự nhắc nhở phải biết chọn lựa giữa hai con đường thiện và ác, dấn thân hoặc buông thả, giúp ích hoặc sống vị kỷ...
... Trong lúc chờ đợi ngày Hướng Đạo Việt Nam được tái sinh hoạt chính thức, với tư cách Tráng trưởng, xin đề nghị các Tráng sinh nên đọc một số sách báo Hướng đạo có liên quan thân thiết với NGÀNH TRÁNG:
1. Sách
- Câu chuyện ngành Tráng - Tr. Cung Giũ Nguyên
- Câu chuyện bên cạnh lửa hồng - Tr. Cung Giũ Nguyên
- Đường Thành Công - của BP. do 2 Trưởng dịch giả Nguyễn Thúc Toản và Nguyễn Tấn Đức.
- Nghi thức Hướng Đạo.
- Quy chế ngành Tráng 1966.
- Sinh hoạt Toán - Ngành Đường - Tr. Trần Văn Lược dịch
- Tráng Trưởng - Giúp bạn trước khi Lên đường.
- Hướng đạo đại cương - LM. Nguyễn Văn Thuận
- Cẩm nang Tráng trưởng - Mạnh Đức Phạm Quốc Thuần.
- Chuyện Lửa dặm đường - Nguyễn Đức Chánh.
- Huấn luyện Dự tráng - Tr. Nguyễn Trọng Luyện.
- Địa danh và danh nhân: Danh hiệu các đơn vị - Lê Ngọc Bưu.
- Cuộc sống lữ hành — Tôn Thất Hùng
- Khóa Huấn luyện HHR ngành Tráng 1992.
- Thư gửi bạn Tráng sinh - Tr. Nguyễn Văn Thuất
2/ Báo chí ngành Tráng:
- Tráng sĩ: 1938 do Tr. Hoàng Đạo Thúy.
- Bạn Đường: 1940 do Tr. Trần Điền
- Bạn Đường: 1996 do Toán HL. Ngành Tráng
- Nội san Trưởng: 1956 và từ 2005
- Tập san Vững Tiến 2011 - Tráng đoàn Bạch Mã.
3/ Các bài viết về ngành Tráng:
- Thanh niên còn cần cho Tráng đoàn không. Tr. Tôn Thất Đông.
- Anh Tráng sinh và tinh thần phục vụ. -Tr. Trần Văn Lược
- Hướng dẫn về ngành Tráng dọ Hướng Đạo Thế Giới ấn hành năm 2010 (trong Bạn đường số 23)
Nhân dịp tập san Vững Tiến của Tráng đoàn Bạch Mã miền Trung phát hành để tiếp nối truyền thống huynh đệ Hướng Đạo Việt Nam đã có hơn 80 năm qua, là một Hướng Đạo Sinh xuất thân từ Hướng đạo Huế, Báo Khiêm Tốn xin đóng góp vài ý kiến nho nhỏ mong anh chị em Tráng sinh chúng ta cùng nhìn về một hướng là Hướng Đạo Việt Nam phải thật sự đoàn kết mới mong hy vọng có ngày Phong trào được tái sinh hoạt chính thức.
Lê ngọc Bưu, LĐ. Tây Sơn
Ảnh Hội nghị lần thứ 39 Hướng đạo Thế giới tại Brazil 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét