Lâm Vinh
Lần thứ hai, tôi lên Bạch Mã không phải đi du lịch khám phá những cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây, mà để khám phá chính nơi sâu thẳm ngay trong tâm hồn mình. Tôi, một Hướng đạo sinh Việt Nam đến đây để “tu luyện” Khóa Huy hiệu Rừng Ngành Thiếu, do Khối Huấn luyện của Hướng đạo Việt Nam tổ chức.
Tr. Trần Xê (Trưởng toán HL Ngành Thiếu HĐVN) đang trao khăn nhập trại cho các khóa sinh |
Với độ cao gần 1500 mét so với mặt nước biển, không khí mát mẻ cùng nhiều cảnh quan núi rừng thơ mộng, đẹp như chốn thần tiên trong phim ảnh. Nào là Thác Đỗ Quyên, nào là Ngũ Hồ…Thế nhưng, với nhiệm vụ giống như nhiều Hướng đạo sinh (HĐS) khắp mọi miền đất nước, chúng tôi tập trung về Bạch Mã để rèn luyện, trau dồi thêm nhiều kỹ năng mới. Với mong muốn, rồi đây sẽ góp phần xây dựng Phong trào Hướng đạo tại đơn vị mình ngày càng mạnh, ngày càng phát triển cả lượng lẫn chất.
Khóa Huấn luyện phân thành hai đợt, mỗi đợt ba ngày. Đây là đợt đầu. Chúng tôi, những HĐS mặc dù từng được trải nghiệm qua Khóa Dự bị, đôi lúc vẫn cảm thấy bị “hụt hơi” bởi những bài khóa lần này quá cao cấp, quá độc đáo. Nhưng, với tinh thần đoàn kết, không ngại khó và vui vẻ, chúng tôi luôn tự hào mỗi khi cùng nhau vượt qua được nhiều thử thách tại nơi đây.
Bạch Mã đẹp, những ngày nắng ráo Bạch Mã như một con ngựa trắng bay lơ lững giữa bầu trời trong xanh. Nhưng với tất cả HĐS nước ta, Bạch Mã còn có giá trị tinh thần thiêng liêng, vì nơi đây cũng là “Trại trường Huấn luyện” đầu tiên và chuẩn mực nhất của HĐVN. Khóa Huấn luyện đầu tiên được tổ chức vào năm 1938 đã đào tạo nhiều thế hệ huynh trưởng đàn anh ưu tú như Tr. Hoàng Đạo Thúy, Tr. Tạ Quang Bửu, Tr. Trần Văn Khắc, Tr. Đoàn Văn Trinh. Chúng tôi tham gia đợt huấn luyện lần này tròn 80 năm (1938 – 2018) cũng có thể ví von như chuyến “Về Nguồn’. Riêng tôi, Bạch Mã còn “hùng vĩ và cao quý” hơn, nhờ luôn có những bậc đàn anh đầy tâm huyết, những huynh trưởng cao niên vẫn hăng say về đây để truyền lửa cho thế hệ đàn em chúng tôi, với tinh thần “Giữ Vững Mối Dây” để cùng nhau “Vững Tiến”. Tôi thay chữ “sơn” 山 là núi thường bằng chữ “phong” 峰 là núi cao, với hàm ý đây là ngọn núi cao hội tụ nhiều tấm lòng nghĩa hiệp đồng thời gọi là BẠCH MÃ HÙNG PHONG !
Viết tại Bạch Mã (30/4/2018)
Lâm Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét