Hồi ký
Phạm Cảnh Đáng
Lời BBT.
Để mừng lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đạo Bắc Đẩu, Đà Nẵng,( 15-8-1959 đến 15-8-2014), chúng tôi xin giới thiệu bài hồi ký “Đạo Bắc Đẩu ngày ấy” do nguyên Đạo Trưởng Bắc Đẩu, Phạm Cảnh Đáng, ghi lại để góp thêm phần tư liệu lịch sử cho Đạo Bắc Đẩu nói riêng, cho PT.HĐVN nói chung.
Mời quý Trưởng và HĐS cùng đọc.
Một. ẤM ÁP MÙA ĐÔNG HĐ.
Sau biến cố 30-4-1975, tình hình đất nước thay đổi, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, nên PT.HĐVN nói chung, Đạo Bắc Đẩu nói riêng, đều tự ngừng sinh hoạt. Phần lớn các Trưởng và HĐS đã tản mát khắp nơi.
Cuối những năm 1978-1979, cuộc sống dần dần đi vào ổn định, một số anh em HĐCG, mà phần đông là gia đình Bắc Đẩu, đã thường xuyên có dịp gặp nhau, trong mối tình huynh đệ, nhất là trong những dịp lễ lạc, quan hôn, tang tế… Đến mùa hè 1980, các Trưởng Lê Phú Lục, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Mùi, Nguyễn Thị Hà, Phạm Toàn, Nguyễn Văn Diệp đến gặp cha Trần Văn Trường, quản xứ Chính Tòa Đà Nẵng, nguyên đặc trách giới trẻ và giáo lý, xin phép được cọng tác với quý Soeur để phục vụ sinh hoạt giáo lý với các em trong giáo xứ Đà Nẵng. Cha Trần Văn Trường đồng ý, nên anh em với danh xưng ban đầu là “Nhóm giúp ích”, bắt đầu sinh hoạt vui chơi ca hát với các em.
Từ đó công việc sinh hoạt giáo lý của nhóm giúp ích được mở rộng và nhiều giáo xứ đã mời anh em đến giúp. Đây chính là những bước chân âm thầm nhen nhúm cho sự phục hoạt của Bách hợp sau này.
Ngoài việc đi giúp ích cho các giáo xứ anh em lại tạo nên những cơ hội để thường xuyên gặp gỡ và sống với nhau. Tôi và Trưởng Nguyễn Mùi, Nguyễn Thị Hà, Trương Phúc Cả, Phạm Toàn, Dịch Viết Vinh, Huỳnh Văn Phát, Nguyễn Văn Diệp… đã tổ chức sản xuất lồng đèn Noel, vừa có cơ hội làm việc chung với nhau, vừa phục vụ cho các giáo xứ, vừa có chút ít hiện kim làm quỹ sinh hoạt. Cứ gần đến mùa Giáng sinh là chúng tôi phân công nhau, kẻ về các vùng quê mua tre, chẻ hom; kẻ bẻ sườn lồng đèn ngôi sao nổi 5 cánh. Trưởng Trương Phúc Cả thì lo việc in ấn giấy dán lồng đèn. Noel nào cũng có vài ba trăm chiếc lồng đèn với hoa bách hợp rực rở được mang đến khắp nơi, mang theo hơi ấm cho mùa đông giá lạnh, báo hiệu cho sức sống mãnh liệt của tinh thần HĐ, và là dấu chỉ cho sự âm thầm hồi sinh Bách hợp Bắc Đẩu. Bên cạnh việc sản xuất lồng đèn, anh em vẫn luôn nhớ đến ngày truyền thống của Đạo là ngày 15 tháng 8 hằng năm, đó là ngày khai sinh của Bắc Đẩu, ngày lễ Thánh quan thầy của Đạo “Lễ Đức Mẹ Về Trời”. Năm nào anh chị em cũng về dự lễ đông đủ.
Đầu thập niên 1980, anh em được tin linh mục Tuyên úy Đạo, Vinh sơn Đinh Duy Trinh, đã vĩnh viễn ra đi tại Hoa Kỳ, làm cho anh em rất buồn và xúc động. Vì thế cứ đến ngày giỗ cha, 27-10, anh em lại có dịp quay quần bên nhau, để tưởng nhớ đến Cha, hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha, và dùng bữa cơm thân thương huynh đệ. Có năm tổ chức lễ giỗ Cha tại giáo xứ của Cha tuyên úy Giuse Vũ Văn Trúc, có năm lại tổ chức tại giáo xứ của Cha tuyên úy Simon Đinh Hưng Lợi. Và ngày giỗ Cha đã trở thành ngày truyền thống của Bắc Đẩu kể từ ngày ấy đến nay.
Hai. GIỮ LỬA.
Đến năm 1988, Rùa Vô tư, nguyên là Đạo Trưởng Bắc Đẩu lại trở về với gia đình, bầu khí sinh hoạt lại càng ấm lên và sôi nổi, háo hức…
Đầu tiên là vào năm 1989, anh em lại tổ chức ngày họp mặt đầu năm vào ngày mồng ba tết. Cứ đến sáng mồng ba tết, khoảng 9 giờ, anh chị em, con cái, lũ lượt kéo lên nhà Cha tuyên úy Simon Đinh Hưng Lợi (tên rừng là Ong nhiệt thành) ở giáo xứ Phước Tường, để dự buổi họp mặt đầu năm, chúc tết Cha và mừng tết nhau. Đây là một cuộc họp mặt đầu năm rất sôi nổi, hào hứng, và thân thương. Ngày đó không ai có đủ điều kiện kinh tế để bao cấp, cho nên anh em tự mang theo mỗi người một ít, nào bánh chưng, bánh tét, mứt, bánh, keo…để góp phần làm cho bửa tiệc thịnh soạn, đủ màu sắc, đủ loại không thua gì “tiệc tết”. Những dịp này đều có một số Trưởng của Đạo An Hải cũng thường có mặt để chung vui, trong đó thường xuyên nhất là quý Trưởng Trần Xê, Nguyễn Công Doãn, Nguyễn Văn Phấn, Nguyễn Văn Kỉnh, Phạm Công Đó, Nguyễn Thanh Chanh, Trưởng Đinh, Trưởng Dân…Suốt buổi sáng hôm đó, anh em tha hồ mà ca hát, vui chơi, có khi lại “động rừng” giữa trưa nữa mới chết chứ. Nhưng HĐ là trò chơi kia mà, phải tùy cơ ứng biến mà chơi chứ. Đến khi “bầu khí” trong nước có phần dễ chịu hơn thì ngày mồng ba tết lại trở thành ngày chào cờ truyền thống của Đạo Bắc Đẩu cho đến nay.
Đến đầu thập niên 90, tình hình có phần thông thoáng đất nước có nhiều thay đổi, người ta nói đến danh từ “đổi mới”. Đồng thời trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước như báo chí, truyền hình, truyền thanh đã đưa một vài thông tin về HĐ, làm tinh thần anh em thêm phấn khởi và hy vọng. Rồi tại Hà Nội cũng đã diễn ra những cuộc gặp mặt các thế hệ HĐS, lại càng làm nức lòng mọi người. Từ đó anh em lại hình thành những toán sinh hoạt như : Toán Bửu Châu, Toán Trà Kiệu, Toán Kim Sơn, Lê Bảo Tịnh, Vinh Sơn, Kim Thông, Cựu Kim Sơn, Nam Tào, và Toán nữ Trưng Vương…để sinh hoạt với nhau, và bắt đầu đi mở các khóa HL sinh hoạt cho các em thiếu nhi ở các giáo xứ: An Ngải, Phú Thượng, Hòa Ninh, Trà Kiêu, Thạch Nham, Hòa Khánh, Phước Tường, Đà Nẵng, Nhượng Nghĩa, Gia Phước, An Thượng, Sơn Chà, và Tu viện Sao Biển…
Và đặc biệt nhất là tổ chức các khóa HL. DB và BM, ngành Ấu, Thiếu, để giúp các Trưởng và các tráng sinh trong Đạo Bắc Đẩu ôn luyện, cũng như trau dồi, học hỏi thêm về Nguyên lý, Phương pháp, chuyên môn HĐ. Mặc dầu lúc bấy giờ không còn Hội, không còn tổ chức HĐ, nhưng không thể “vườn hoang cỏ mọc” được, “giấy rách phải giữ lấy lề”, nên Trưởng ALT Bùi Văn Giải, phải ra Huế xin phép Trưởng HL Miền I, LT Tôn Thất Đông, để mở các khóa DB/ Ấu- Thiếu và BM/Ấu-Thiếu.
Được sự đồng ý của Trưởng LT Tôn Thất Đông, Trưởng Bùi Văn Giải về tổ chức Toán HL gồm có ALT Bùi Văn Giải (Thiếu, Tráng), ALT Nguyễn Văn Hoàng (Ấu), ALT Nguyễn Thị Hà (Ấu) và HHR/Thiếu Nguyễn Mùi, cùng một vài Trưởng được mời thỉnh giảng những phần việc chuyên môn.
Sau này có mời thêm ALT Trần Xê (Thiếu) đến giảng khóa. Khóa học được tổ chức từ 3 đến 6 tháng. Mỗi khóa từ 1 đến 2 toán và mỗi toán chừng 3,4 người. Cứ đến ngày Chúa nhật, ngày nghỉ, toán tìm một địa điểm nào đó thuận lợi (như khung viên giáo xứ) để tập trung và báo cho HLV đến để trao đổi bài khóa, giống như một buổi nói chuyện với nhau.
Tuy học chui, học cóc, học hàm thụ.. không được như ngày nay, nhưng tinh thần học tập của anh em quả thật là rất cao. Ngoài những bài khóa, anh em còn tìm sách HĐ để đọc và trao tay nhau cùng đọc. Đúng là tinh thần và lý tưởng của Toán HL cũng như của học viên rất tuyệt vời, và đầy nhiệt huyết, không ngại khó khăn, bất trắc. Có lẽ đây là những khóa HL.HĐ được mở ra sớm nhất, kể từ sau năm 1975, trên toàn Miền Nam này.
Công đầu phải nói là của Trưởng Rùa Vô Tư. Nhờ đó mà Bắc Đẩu có thêm nhiều Trưởng có Bạch Mã Thiếu, Ấu, để có điều kiện phục hoạt các đơn vị sau này. Sau những bài học, anh em lại có cơ hội đem ra áp dụng trong các khóa sinh hoạt thiếu nhi ở các giáo xứ mà mình phụ trách. Nhờ vừa học vừa hành, mà tay nghề anh em ngày càng nâng lên thấy rõ.
Sau khi Trưởng Rùa Vô Tư đi định cư ở nơi xa, thì Toán HL.Miền I vẫn được các Trưởng ALT. Trần Xê, ALT Nguyễn Văn Hoàng, ALT Nguyễn Thị Hà, cùng các Trưởng Miền Trung tiếp tục sinh hoạt và tổ chức HL cho cả Miền Trung (xem thêm bài : Toán HL Miền Trung).
Ba . VỪNG HỒNG.
Sau những thành công bất ngờ ở các khóa huấn luyện, Bắc Đẩu lại tiến thêm một bước nữa là tổ chức trại Toán, Liên Toán, rồi trại Đạo.
Trại Đạo đầu tiên được Trưởng Đạo Trưởng Bùi Văn Giải tổ chức tại giáo xứ Hòa Ninh, Hòa Vang, gần Bà Nà, đã qui tụ gần năm sáu chục trại sinh. Mặc dù không mặc đồng phục, khăn quàng HĐ, nhưng mọi sinh hoạt đều là sinh hoạt HĐ, với tên trại là “Vừng Hồng.” như báo hiệu một ngày mới đang ló dạng.
Trại đạo lần thứ hai cũng được tổ chức vào mùa hè năm 1992, tại đồi chè giáo xứ Hòa Ninh. Nhân dịp này Trưởng Bùi Văn Giải, Đạo Trưởng Bắc Đẩu, đã chính thức trao đuốc Đạo Trưởng lại cho tôi. Và cũng chính trong kỳ trại này tôi được Chúa sơn Lâm, Rùa Vô Tư, và Hội đồng rừng Bắc Đẩu chấp nhận cho tôi nhập rừng với thú danh là Sóc - trầm tĩnh.
---000---
Mặc dầu còn trong thời kỳ “giữ lửa”, nhưng hằng năm Đạo Bắc Đẩu đều cố gắng tổ chức trại Đạo vào dịp hè cho các Toán. Kỳ trại mà tôi không thể nào quên được là trại đạo “Vừng Hồng” (lần 3) tại đồi chè giáo xứ Hòa Ninh vào ngày 1-2 tháng 5 năm 1993.
Đây là một kỳ trại được tổ chức qui mô nhất, đông đủ nhất, từ sau năm 1975, với gần trăm trại sinh, đồng phục HĐ, khăn quàng, logo màu (in lụa), và sinh hoạt như trước năm 1975. Nhưng sau một ngày sinh hoạt đầy thích thú, vui tươi,…thì tối hôm đó (1-5-1993), khi chúng tôi đang quay quần văn nghệ bên đống lửa trại, Cha tuyên úy Lê Đình Chiến (Hổ - đắn đo), cũng là Cha quản xứ Hòa Ninh báo tin cho chúng tôi biết là có 2 vị khách đặc biệt đến thăm trại. Anh em chúng tôi tạm dừng cuộc chơi và âm thầm ai về lều nấy.
Ban quản trại và Cha tuyên úy không khỏi lo âu, hồi họp, và tìm cách cứu nguy. Cuối cùng thì nhờ sự giao thiệp rộng, uy tín, khôn khéo và sự tiếp đón ân cần chu đáo của cha tuyên úy Lê Đình Chiến, với sự hỗ trợ của anh Nguyễn Thông Thi (An Ngãi), nên đã tìm cách hoãn binh là hẹn ngày mai sẽ đưa đi thăm trại, vì giờ này trời tối tăm mà đồi chè thì bao la làm sao mà thăm được. Hai vị khách thấy có tình có lý nên hẹn sáng mai sẽ đến. Thế là chúng tôi thoát được một bàn thua trông thấy. Đêm đó trại sinh vẫn ngon giấc.
Sáng ngày 2 – 5 – 1993, anh em chúng tôi bắt đầu lần lượt cho di tản những đơn vị ở xa, những người “có công ăn việc làm” về trước, và chỉ để lại những anh chị em ở gần Hòa Ninh, như An Ngải, Phú Thượng, Hòa Liên…để chuẩn bị đón tiếp vị khách đặc biệt. Nhưng hú hồn, cả buổi sáng hôm đó không có vị khách nào đến thăm cả. Đúng là một cuộc “tháo chạy” trong hồi họp, lo âu, nhưng cũng thú vị và không sao quên được. Đúng là chơi cũng lắm nhiêu khê.
Mặc dù khách không đến thăm trại, nhưng sau đó, vào ngày 7-6-1993, tôi lại được mời làm việc, để báo trình một số sinh hoạt. Ngoài bản khai lý lịch, tôi đã viết một “bản tường thuật” đầy đủ về công việc sinh hoạt từ năm 1990-1993. Và đến ngày 6-10-1993, tôi lại được yêu cầu làm thêm bản “tường trình” đầy đủ về những nơi sinh hoạt, ai sinh hoạt và nội dung sinh hoạt…
Trong bản tường trình này tôi đã ghi đầy đủ các giáo xứ anh em chúng tôi (cựu HĐS) đến giúp cho các em thiếu nhi sinh hoạt và học tập như: Hòa Ninh, An Ngãi, Phú Thượng…Và tôi cũng đã liệt kê đầy đủ danh sách các cựu HĐS đã đi giúp sinh hoạt như: Phạm Cảnh Đáng, Nguyễn Mùi, Nguyễn Thị Hà, Phạm Toàn, Huỳnh Văn Phát, Nguyễn Văn Diệp v.v. Còn nội dung là giúp các em sinh hoạt vui chơi để việc học giáo lý được sống động hấp dẫn và thích thú hơn. Cụ thể là :
- “Nội dung thứ nhất là dùng trò chơi trong sinh hoạt, vì trò chơi có một ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục các em. Tuổi trẻ thích nô đùa, thích chạy nhảy, la hét, hoạt động, chứ không thể ngồi yên hàng giờ.
- Nội dung thứ hai là ca hát. Ca hát làm cho các em vui tươi phấn khởi. Ca hát để giải trí, nhưng ca hát còn để giáo dục nữa.
- Nội dung thứ ba là cách tổ chức một buổi sinh hoạt có nề nếp, tức là giúp cho các em biết các thủ tục, hiệu lệnh, cách thức tập họp, sinh hoạt
- Nội dung thứ tư là kỹ thuật, chuyên môn, để các em ứng dụng vào trò chơi, tạo nên thích thú hơn, trí tuệ hơn như dùng gút dây, dấu đường, truyền tin…
Ngoài 4 nội dung trên, chúng tôi cũng còn giúp cho các em biết sơ qua về cách thức tổ chức một cuộc thám du, cắm trại, đốt lửa trại…
Việc hướng dẫn các em thì ai giỏi môn nào thì hướng dẫn môn đó. Anh Mùi lo về trò chơi, truyền tin, chị Hà lo về hát múa, tôi lo về ca hát, băng reo, Anh Toàn, anh Phát, anh Diệp lo về tập họp, hiệu lệnh, trò chơi nhỏ, gút dây…
Tôi xin cam đoan những lời trình bày trên là đúng sự thật, và tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.”
Đà Nẵng ngày 6-10-1993
Phạm Cảnh Đáng
Kể từ đó sinh hoạt được yên ổn, cho đến năm 2010 tôi mới phải báo trình một lần nữa.
Có lẽ đây là thời kỳ sinh hoạt “chui” nhưng rất hào hứng, sôi nổi và phát triển mạnh. Mỗi giáo xứ chúng tôi đã có một toán Tráng để sẵn sàng xây dựng các đoàn khi hoàn cảnh cho phép. Chúng tôi cũng thường xuyên liên hệ với anh em LĐ La Vang Huế, qua Trưởng Hoàng Trọng Thủ, Nguyễn Văn Hoàng, để giúp đỡ khi cần thiết, nhất là phụ giúp các anh chị La Vang trong công việc phục vụ Đại Hội Đức Mẹ La Vang hằng năm.
Công cuộc phục hoạt của Bắc Đẩu cũng đã đem lại luồng sinh khí mới cho anh em An Hải. Nhiều đơn vị An Hải cũng bắt đầu tái sinh hoạt.
Ngày 1-7-2006, Liên đoàn Hải Vân, Đạo An Hải cũng chính thức ra mắt tại đồi chè giáo xứ Hòa Ninh. Trong khi Bắc Đẩu Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh, thì quý Trưởng Nguyễn Trọng Ngọc, Trần Duy Huấn, và HĐS Bắc Đẩu ngày trước, đang sinh sống tại Miền Nam cũng bắt đầu tìm gặp lại nhau và đã hình thành nên một Liên Đoàn lấy tên là LĐ Bắc Đẩu (Saigon) và cũng chọn ngày truyền thống Bắc Đẩu là 15-8- 1994, làm ngày thành lập Liên Đoàn.
Trong dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập Liên đoàn Bắc Đẩu, ngày 15-8-1995, tôi và Trưởng Nguyễn Mùi, Phó Đạo Trưởng Bắc Đẩu, đã cố gắng vào Công viên Gia định để dự lễ kỷ niệm (15-8-1994/15-8-1995). Liên đoàn Bắc Đẩu sau được đổi thành Liên đoàn Âu Lạc, rồi trở thành Đạo Âu Lạc hiện nay.
Bốn : BỪNG SÁNG.
Đến năm 1997, vì tình hình sức khỏe không được tốt nên tôi quyết định trao đuốc Đạo Trưởng lại cho Trưởng Nguyễn Mùi, tôi làm Đạo phó phụ giúp cho Trưởng Mùi. Kể từ đó tình hình ngày càng sáng sủa hơn, và PT. HĐ trên cả nước (Miền Nam) bắt đầu tự phát mạnh mẽ. Với tinh thần tận tâm, nhiệt huyết sẵn có, Trưởng Nguyễn Mùi từng bước tiếp tục thổi cho ngọn lửa Bắc Đẩu bừng sáng lên. Các Toán Cựu Kim Sơn, Nam Tào, Nữ Trưng Vương qui tụ nhiều thiếu sinh, kha sinh, nữ HĐ cựu trào nhiệt huyết, và đẩy mạnh sinh hoạt.
Ngày 10-11- 1998, Thiếu đoàn đầu tiên là Thiếu đoàn Trà Kim (Trà Kiệu và Kim Sơn) do Trưởng Phạm Toàn (BM/Thiếu) làm Thiếu trưởng, và 2 Trưởng Lê Hưởng và Hà Thúc Đào làm Thiếu phó, chính thức phục hoạt.
Ngày 2-10- 1999 Thiếu đoàn Đống Đa (Thạch Nham), do Trưởng Nguyễn Đông Nhựt khai sinh cũng được chào đời tại Thạch Nham.
Năm 2000 có 2 liên toán Tráng ra mắt để chuẩn bị nhân sự thành lập các Liên đoàn. Tháng 3 năm 2000 Đạo cũng bắt đầu gởi 6 khóa sinh đi dự các khóa HL/DB/HHR. Tráng Tự Lực 2, tại Suối Sao, Hố Nai gồm có : Hà Thúc Đào, Nguyễn Đông Nhựt, Huỳnh Văn Phát, Phạm Toàn, Lê Hưởng, Bảo Lâm.
Đến tháng 2 năm 2001, Đạo cũng đã đề cử 9 Trưởng đi dự khóa HL. HHR Tùng Nguyên III từ ngày 22-25/02/2001, tại Đà Nẵng, Thuận Tình và Bạch Mã. gồm có : Nguyễn Thị Như Mai, Phạm Toàn, Phạm Cảnh Đáng, Lê Hưởng, Bảo Lâm, Nguyễn Đông Nhựt, Huỳnh Văn Phát, Hà Thúc Đào, và Lê Tấn Khẩn.
Ngày 10-6-2001, Liên đoàn Bạch Mã ra đời tại núi Bạch Mã.
Đến ngày 25-8-2002 Liên đoàn Nguyễn Huệ cũng được khai sinh tại Khu du lịch sinh thái thủy điện Duy Sơn, Trà Kiệu.
Đến thời điểm này đạo có đến 11 đơn vị, với 273 HĐS, gần 40 huynh trưởng đã qua các khóa HL từ DB, BM, HHR.và 2 Trưởng ALT.
Khoảng năm 2003, có môt phái đoàn HĐCG gồm có Cha Nicolas Đinh Quang Điện, nguyên Tổng tuyên úy HĐCG.VN, và Trưởng Trần Văn Hợp dẫn đầu, ra thăm Đạo Bắc Đẩu. Đà Nẵng. Chúng tôi hân hoan đón tiếp đoàn một cách chân tình huynh đệ. Sau bao năm xa cách, nay được các Trưởng quan tâm ra thăm thật vui mừng và xúc động, làm tăng thêm sinh khí và nhiệt huyết cho anh em. Tối hôm đó, tại phòng ngủ của TGM Đà Nẵng, nơi đoàn tạm trú, anh em chúng tôi gồm có : Nguyễn Mùi, Nguyễn Thị Hà, Phạm Cảnh Đáng, Nguyễn Văn Hoàng, Trương Phúc Cả, Phạm Toàn, và một vài Trưởng nữa mà tôi không nhớ tên, cùng quây quần bên chiếc đèn dặm đường với Cha Điện, Trưởng Hợp, để chia sẻ, tâm tình, trao đổi, và cùng thao thức về phương hướng tái phục hoạt phong trào. Câu chuyện khai mở rất nhiều vấn đề, nhiều phương hướng… Nhưng cuối cùng đoàn có ý tham khảo về việc lập lại HĐCG.
Chúng tôi rất cảm phục tinh thần và lý tưởng HĐ của Cha và Trưởng Hợp, nhưng chúng tôi có trình bày là hiện nay ở Đà Nẵng có 2 Đạo: Bắc Đẩu (CG) và An Hải (Kg CG).Tuy nhiên hai Đạo chúng tôi chơi với nhau rất thân tình, rất huynh đệ. Các Trưởng An Hải luôn đến chia vui, sẻ buồn với chúng tôi bất cứ nơi đâu, nhà thờ, nhà xứ hay tư gia. Hiện nay Bắc Đẩu có thuận lợi là các giáo xứ cho phép đến sinh hoạt, còn anh em An Hải thì không có đất dụng võ, xin vào Chùa sinh hoạt không được, nên đôi khi cũng phải nhờ đến khuôn viên giáo xứ, nhà thờ. Chúng tôi thấy chơi như vậy có tính cách hòa đồng, anh em, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, đúng theo tinh thần BP. Vì thế tôi đồng ý tái lập Văn phòng Trung ương HĐCG để lo phần tinh thần cho các HĐS Công giáo như trước đây, và mỗi giáo phận cũng sẽ có linh mục tuyên úy cho các em như trước. Theo tinh thần chung thì đơn vị nào có 75% đoàn sinh là Công giáo, và có Trưởng đơn vị là Công giáo thì được gọi là HĐCG, nhưng vẫn sinh hoạt trong khuôn khổ Hội HĐVN, bên cạnh sự hổ trợ tinh thần của Văn phòng liên lạc Trung ương HĐCG, trong Hội HĐVN.và các linh mục tuyên úy như lâu nay.
Cuộc gặp gỡ duy nhất đó cũng không có một quyết định cụ thể nào.
Cuối năm 2005, chúng tôi lại tiếp đón phái đoàn thứ hai do Trưởng Phạm Thanh Hiệp và Phan Đức Đô dẫn đầu, ra thăm anh em Đà Nẵng. Ngày 29-9-2005, Trưởng Phạm Thanh Hiệp gởi thư báo cho chúng tôi : “Chúng tôi dự định ngày 10-10-2005 sắp đến sẽ ra Đà Nẵng để có những cuộc tiếp xúc trao đổi với anh em. Trước hết là kết tình huynh đệ theo luật thứ tư; sau đến là thông báo về những việc của BVĐ, việc liên hệ với VP/HĐTG/APR, v/v tham dự Jamboree APR, và việc tham dự các khóa HL quốc tế ( thư đính kèm), việc phối hợp hoạt động…”
Và đến ngày hẹn, tôi và Trưởng Trần Xê (An Hải) cùng quý Trưởng Nguyễn Viết Thiếp, Phạm Công Đó, Đinh Văn Phấn, Nguyễn Thanh Chanh, Trương Phúc Cả, Nguyễn Mùi, Nguyễn Thị Hà, Phạm Toàn… đã đón tiếp phái đoàn tại quán Trà Cung Đình, đường Yên Bái Đà Nẵng. Phái đoàn gồm khoảng 7, 8 người, do Phạm Thanh Hiệp và Phan Đức Đô dẫn đầu, có sự tháp tùng của vài Trưởng Tráng đoàn Hàn Giang. Cuộc trao đổi cũng chỉ chung chung về tình huynh đệ HĐ, về một vài thông tin bình thường, chưa có đường hướng gì rõ nét. Sau đó đoàn được quý Trưởng Hàn Giang (Lê Thọ, Nguyễn Văn Đức) tháp tùng đi thăm anh em ở Hội An.
Chúng tôi còn nhớ là sau đó, Trưởng Hiệp còn ghé lại thăm anh em Đà Nẵng chúng tôi một vài lần nửa, nhưng rồi đường ai nấy đi.
Phái đoàn thứ 3 mà anh em Đà Nẵng đón tiếp, đó là đoàn “đặc sứ” của Trưởng Nguyên (xi) TUV.HĐVN, trước 75, Trưởng Trần Văn Lược.
Trước đó chúng tôi nhận được thư của Trưởng, đề ngày 23-4-2006. Trong thư Trưởng đã nhận xét : “Hiện nay các đơn vị đang âm thầm lặng lẽ đem tâm huyết phục vụ PT.HĐ với mong ước các cấp thẩm quyền cho phép Hội HĐVN chính thức hoạt động…”
Rồi Trưởng viết tiếp :
“Quý Trưởng cũng như tôi đã nhận được trong thời gian qua, cho thấy sự thiếu tính thống nhất đã dẫn đến những kết quả không lấy gì làm lạc quan…”
Và Trưởng đưa ra đề nghị :
“Tôi xin tiếp tục lãnh nhận trách vụ (không phải chức vụ) trước đây để điều hành ĐỘI KIỄU MẪU của HĐVN.
“Chuẩn bị kỷ niệm 100 năm HĐTG vào năm 2007.
Tôi xin tha thiết kính mong quý Lão Trưởng cùng anh chị em chúng ta tiếp tục nắm tay nhau gìn giữ ngọn lửa HĐVN. ( TVL. Nguyên TUV.HĐVN )
Đến ngày 30-7-2006, phái doàn “ đặc sứ ” của Trưởng Lược đến Đà Nẵng, mang theo lá thư giới thiệu của Trưởng Lược với nội dung như sau:
“Kính gởi anh chị em Trưởng HĐ ở Huế và Đà Nẵng.
Tôi nghĩ đến việc cần gắn kết hoạt động của các đơn vị khắp nơi còn giữ vững sinh hoạt truyền thống đúng theo nguyên lý và phương pháp của cụ Baden Powell…
Vì vậy tôi xin giới thiệu Trưởng Tiến Lộc, Trưởng Lương Hải và một số Trưởng đại diện cho tôi đến gặp để tham khảo ý kiến của anh chị em, để chúng ta có thể làm thế nào cho thật tốt trong việc gắn kết lại hoạt động truyền thống tốt đẹp của chúng ta.
………Trưởng Tiến Lộc, Trưởng Lương Hải và các Trưởng sẽ trình bày rõ ràng hơn về những ý kiến của tôi để anh chị em hiểu rõ hơn những gì mà chúng ta cần làm trong thời gian hiện tại và sắp tới….
Tôi mong được biết ý kiến đóng góp chân thành của anh chị em, để chúng ta nắm tay nhau tiến bước phục vụ PT và dìu dắt con em chúng ta.
Thân ái siết chặt tay anh chị em.
Trần Văn Lược
Nguyên TUV. HĐVN
Cuộc tiếp xúc diễn ra trong tình huynh đệ HĐ, và cùng chung ý hướng là chơi HĐ đúng theo mục đích, phương pháp, nguyên lý, lời hứa và luật, cũng như những hướng dẫn căn bản do chính Baden Powell đề ra. Phái đoàn cũng cam kết là sẽ triệt để áp dụng phương pháp hàng đội, đúng như lời cam kết của Trưởng Trần Văn Lược là : “nhận trách vụ (không phải chức vụ) trước đây để điều hành ĐỘI KIỄU MẪU của HĐVN.”
Tin tưởng vào nguyên TUV.HDVN, tin tưởng vào những cam kết của phái đoàn, chúng tôi đồng thuận gắn kết sinh hoạt với các đơn vị cùng chung mục đích và nguyên lý HĐ, dưới sự điều hành của Trưởng nguyên TUV. “Đội Trưởng Đội Kiễu Mẫu” HĐVN. Sau đó chúng tôi cử 3 Trưởng đại biểu chính thức đi dự Hội Nghị Huynh Trưởng HĐVN tại Đồng Nai vào ngày 14,15 tháng 10 năm 2006, để góp phần hình thành nên BĐH. HĐVN như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét